Báo chí - Công nghệ

Làm thế nào để viết một bài báo kinh doanh hoặc kinh tế dễ hiểu?

Hoài Phương 21/04/2025 17:01

(CLO) Viết tin kinh tế dễ hiểu không chỉ giúp độc giả tiếp cận thông tin nhanh chóng, mà còn là cơ hội vàng để các nhà báo ghi điểm trong thời đại báo chí đang khủng hoảng.

kinh te bao chi

Dù ngành báo chí đã mất hơn một nửa số việc làm kể từ năm 2000, mảng tin tức kinh doanh vẫn đang phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cánh cửa mới cho các nhà báo, từ báo in, báo mạng cho tới bản tin điện tử.

Thế giới ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn qua các liên kết kinh tế, thể hiện rõ qua đợt biến động thị trường toàn cầu vào tháng 4 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới. Trong bối cảnh dự báo đầy rủi ro mà những người như CEO BlackRock Larry Fink đưa ra cho năm 2025, tin kinh tế lại càng trở nên thiết yếu.

Thế nên, ngay cả khi bạn không làm việc ở một tòa soạn chuyên về kinh doanh, việc trau dồi kỹ năng đưa tin về kinh tế vẫn là điều cực kỳ quan trọng. Bất kỳ nhà báo nào cũng nên thấy thoải mái và tự tin khi viết về các chủ đề liên quan đến kinh tế hoặc doanh nghiệp.

Dưới đây là 11 mẹo giúp bạn viết tin kinh tế dễ hiểu, có chiều sâu và tạo được sức ảnh hưởng mạnh mẽ:

1. Xác định đối tượng độc giả

Trước khi gõ một chữ nào, bạn cần tự hỏi: độc giả của mình là ai? Họ có sẵn kiến thức về kinh tế hay phải bắt đầu từ con số 0? Bạn đang viết cho độc giả đại chúng hay một nhóm đối tượng cụ thể nào đó – ví dụ như người trong ngành, dân đầu tư, hay cư dân ở một vùng nhất định?

Ví dụ, nếu bạn đang viết về cuộc chiến thương mại thì cần xác định rõ bạn đang viết cho độc giả trong nước, quốc tế hay chỉ dân địa phương? Người đọc có phải là giới doanh nhân, nhà đầu tư có học thức, quen với các thuật ngữ như WTO, Vòng đàm phán Doha, Mục 201 hay kiểm soát xuất khẩu không? Hay họ chỉ muốn hiểu chuyện này sẽ ảnh hưởng gì tới túi tiền của họ, việc làm ở quê nhà, hay giá rau ở chợ đầu mối?

Dù nội dung bài báo không đổi nhưng góc nhìn và giọng văn bạn dùng phải linh hoạt, phù hợp với người đang đọc nó.

2. Hãy là một chuyên gia

Nếu bạn chuyên theo mảng kinh tế thì tốt, bạn đã có sẵn nền rồi. Nhưng nếu bỗng dưng được giao một đề tài lạ, ví dụ như thị trường trái phiếu hay chi phí sản xuất đậu phộng, thì việc đầu tiên cần làm là tìm hiểu.

untitled(3).png
Ảnh minh họa: Unsplash

Đọc đủ tài liệu, lục hết báo cáo, gõ cửa các chuyên gia. Tìm tới học giả, giới kinh doanh, công đoàn, quan chức nhà nước, ai cũng có mảnh ghép của riêng họ. Nhưng đừng chỉ dừng ở lý thuyết, hãy nói chuyện với người thật, dân trong nghề, người đang sống trong câu chuyện đó.

Các nhà báo kinh tế phải ghi nhớ câu nói nổi tiếng của Albert Einstein: “Nếu không thể giải thích điều gì đó một cách đơn giản, nghĩa là bạn chưa hiểu nó đủ rõ”.

Vậy nên nếu bạn vẫn bí từ, hãy quay lại nghiên cứu tiếp. Khi bạn thực sự hiểu, câu chữ sẽ tự trôi ra.

3. Rèn luyện kỹ năng phân tích

Đừng dừng lại ở “cái gì đã xảy ra” mà hãy đào sâu vào “vì sao chuyện đó quan trọng”. Đặt bài báo vào bối cảnh lớn hơn: lịch sử, quốc gia, thế giới.

Một công thức dễ nhớ: Chuyện gì đã xảy ra + Vì sao xảy ra; Chuyện gì đã xảy ra + Chuyện gì tiếp theo; Chuyện gì đã xảy ra + Ảnh hưởng ra sao.

Muốn chắc tay, Bloomberg News khuyên bạn nên phỏng vấn các chuyên gia trung lập. Mỗi người từ doanh nghiệp, công đoàn tới các tổ chức nghiên cứu đều có góc nhìn giá trị, miễn là bạn biết lọc sạch mùi thêu dệt và tuyên truyền.

4. Biến kinh tế thành chuyện đời thường

Kinh tế không phải là mật mã dành riêng cho dân MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh). Nó là đời sống thường nhật, chuyện túi tiền, việc làm, giá cả.

Đừng viết như giáo trình đại học. Hãy tránh từ viết tắt rối rắm, giải nghĩa khái niệm kỹ thuật bằng ngôn ngữ đời thường, và kể chuyện kinh doanh như đang nói với mẹ hay đứa bạn thân: rõ ràng, dễ hiểu, không màu mè.

Ví dụ, nếu Tổng thống viện dẫn "quyền hạn của Mục 301", hãy viết rằng đó là một phần của luật thương mại năm 1974 trao quyền cho Mỹ trừng phạt các hoạt động thương mại không công bằng của các quốc gia gây tổn hại đến thương mại Mỹ.

5. Nhìn từ chi tiết đến toàn cảnh

Khi viết về kinh tế, đừng chỉ chăm chăm vào những mảnh ghép nhỏ. Hãy hỏi: chuyện này nằm ở đâu trong bức tranh tổng thể? Ai được, ai mất? Người thường bị ảnh hưởng thế nào?

Để có cái nhìn tổng thể, bạn có thể tự "check" nhanh vài cấp độ ảnh hưởng sau: Ngành này và cả nền kinh tế sẽ ra sao? Thành phố, khu vực, quốc gia có bị ảnh hưởng? Doanh nghiệp đó và các công ty cùng ngành có bị tác động không? Người lao động, từ dân văn phòng đến công nhân, bị ảnh hưởng như thế nào?

Tin tức kinh tế không chỉ là những con số mà là mạch sống của cả hệ sinh thái. Bạn càng kết nối được nhiều tầng ảnh hưởng, bài viết càng chất lượng.

6. Ưu tiên con người trước số liệu

Kinh tế không chỉ là biểu đồ và phần trăm. Nó là đời sống. Là công việc bị mất, là cộng đồng bị ảnh hưởng, là người lao động bị siết bởi giá cả leo thang.

Đừng để bài viết lạc giữa biển số liệu. Hãy kể về những con người thật đang sống trong các dòng dữ liệu đó. Như lời Bill Dorman, giám đốc tin tức của Đài phát thanh công cộng Hawai'i, từng nói: “Hãy đặt khuôn mặt lên những con số, và kể câu chuyện đằng sau các thống kê”.

Hãy nghĩ tới ai ra quyết định và ai chịu ảnh hưởng. Nhân viên, khách hàng, người dân, cổ đông. Những người thật mới là linh hồn của báo chí kinh doanh.

7. Dựa vào những trích dẫn sâu sắc

Trong báo chí kinh doanh, trích dẫn không chỉ để cho có. Nó là thứ tạo nên trọng lực cho câu chuyện. Người đọc muốn biết chuyên gia nghĩ gì, đặc biệt là những người không dính dáng quyền lợi. Ý kiến từ giám đốc doanh nghiệp, quan chức nhà nước, người lao động hay người tiêu dùng đều giúp làm nổi bật các lát cắt khác nhau của vấn đề.

Đừng nhồi nhét những câu quan hệ công chúng sáo rỗng. Hãy tìm những câu nói đắt, súc tích, nhiều chiều sâu. Nó không chỉ khiến bài viết chặt chẽ hơn mà còn giúp người đọc tin rằng bạn không chỉ đang phán xét, mà bạn đang cho thấy cả bức tranh qua nhiều giọng nói.

8. Lưu ý sự thiên vị trong các nguồn tin

Khi làm báo kinh tế, bạn sẽ đối mặt với vô vàn nguồn tin, từ người đến số liệu, và rất nhiều trong số đó có thể có thành kiến. Nhiệm vụ của bạn là cung cấp thông tin trung thực, đồng thời đưa ra bối cảnh để người đọc tự rút ra kết luận của riêng mình.

Hãy cẩn trọng với các nguồn tin có chương trình nghị sự rõ ràng, dù là về chính trị, lợi ích hay ý thức hệ. Lựa chọn nguồn đáng tin cậy và luôn ghi chú nếu có sự thiên vị mà người đọc có thể không nhận ra. Đặc biệt là khi làm việc với dữ liệu, phải luôn đặt nó vào đúng ngữ cảnh.

9. Chú trọng đến chi tiết nhỏ

Stephen Shepard, Tổng biên tập huyền thoại của BusinessWeek, luôn yêu cầu nhân viên của mình đảm bảo mọi số liệu đều chính xác, vì cộng đồng doanh nghiệp sẽ luôn phát hiện và chỉ trích bất kỳ sai sót nào.

Lỗi nhỏ có thể làm hỏng uy tín của bạn và tờ báo. Hãy chú ý đến từng con số: đừng nhầm lẫn giữa triệu, tỷ và nghìn tỷ. Đừng đánh đồng phần trăm tăng với điểm phần trăm. Kiểm tra kỹ chính tả tên và chức danh của mọi người. Đây là những điều dễ làm, nhưng không có lý do gì để sai sót.

10. Nhớ rằng: Bạn không phải là cổ động viên

Các nhà báo là những người quan sát và phân tích trung lập. Chúng ta không ca ngợi doanh nghiệp đang làm ăn tốt hay nền kinh tế phát triển, cũng không buồn về những người mất việc hay các nhà máy đóng cửa. Khía cạnh con người của tin tức thể hiện qua mô tả, chi tiết và trích dẫn, không phải qua những trạng từ cảm tính hay lời lẽ riêng tư.

Việc duy trì sự độc lập với những người mà chúng ta đưa tin là rất quan trọng. Bạn phải quyết định góc độ câu chuyện, không phải những người bạn đang kể về họ.

"Chúng tôi viết về những gì đang xảy ra, không nhất thiết phải là những gì được công bố", như Colin Pope, biên tập viên của Tạp chí Kinh doanh Austin, đã nhắc nhở các sinh viên báo chí kinh doanh toàn cầu.

11. Làm cho bài viết dễ tiếp cận

Khi xây dựng bài viết, hãy chắc chắn rằng độc giả có thể dễ dàng tiếp cận nó. Như nhà báo kỳ cựu và giáo sư Chris Roush đã chia sẻ: "Bạn có thể là phóng viên kinh doanh vĩ đại nhất mọi thời đại và nắm giữ hàng loạt sự thật thú vị về các công ty hay nền kinh tế. Nhưng nếu không biết cách kết hợp những sự thật đó thành một chuỗi từ và câu hấp dẫn, công sức của bạn sẽ trở nên vô ích".

Hãy đi thẳng vào vấn đề ngay từ đầu. Cái gì mới? Thông tin quan trọng nhất là gì? Tại sao nó lại quan trọng? Dù có vẻ ngược với trực giác, nhưng bạn nên tránh đưa ra các con số ngay từ phần mở đầu của bài viết về kinh tế.

Thay vì nói "Nền kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 45% trong năm nay", hãy mô tả bối cảnh: "Nền kinh tế Ukraine sẽ suy giảm gần một nửa trong năm nay, theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới". Những con số lớn có thể gây khó khăn cho người đọc và làm lu mờ tác động của tin tức. Hãy cung cấp bối cảnh sống động trước khi quay lại với các con số chi tiết.

(theo Ijnet, Bloomberg)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm thế nào để viết một bài báo kinh doanh hoặc kinh tế dễ hiểu?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO