Mỹ, Trung Quốc bắt đầu đàm phán ngăn xung đột hậu thượng đỉnh Biden-Tập Cận Bình
(CLO) Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu đối thoại chiến lược để ngăn chặn căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát sau hội nghị thượng đỉnh ảo giữa ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden trong tuần này.
Phân tích của Trung Quốc cho biết các cuộc đàm phán về quản lý khủng hoảng có thể đưa ra các biện pháp mới để ngăn chặn xung đột, nhưng sẽ khó đạt được thỏa thuận về các chủ đề nhạy cảm như Đài Loan và kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Máy bay chiến đấu của Đài Loan. Ảnh: SCMP
Bài liên quan
Philippines cáo buộc Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế ở Biển Đông
Trung Quốc điều máy bay ném bom tới biên giới Ấn Độ
Trung Quốc sắp có thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên vào cuối năm
Trung Quốc phát triển tàu phá băng hạng nặng mới cho 'Con đường Tơ lụa vùng Cực'
Ông Zhao Tong, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, cho biết: “Bắc Kinh và Washington có những mục đích khác nhau trong việc theo đuổi mối quan hệ chiến lược Trung-Mỹ ổn định. Đối với Trung Quốc, duy trì quan hệ song phương với Mỹ là yếu tố then chốt liên quan đến sự phát triển trong tương lai của nước này”.
Tại hội nghị thượng đỉnh ảo, ông Tập và ông Biden đồng ý “tiến hành các cuộc thảo luận về ổn định chiến lược”.
Cuối ngày thứ Ba (16/11), Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã phát biểu tại một cuộc hội thảo do Viện nghiên cứu Brookings tổ chức tại Washington rằng cả hai bên sẽ bắt đầu một loạt các cuộc đàm phán cấp cao về kiểm soát vũ khí “liên quan tới an ninh, công nghệ và ngoại giao”.
Về Đài Loan, ông Sullivan nói: “Việc duy trì liên lạc rõ ràng, tránh thông tin sai lệch sẽ là một khía cạnh quan trọng và chuyên sâu trong công việc giữa quân đội của chúng tôi, giữa các hội đồng an ninh quốc gia của chúng tôi và giữa các nhà ngoại giao của chúng tôi".
“Và như vậy, mọi người sẽ thấy ngoại giao song phương ở nhiều cấp độ để đảm bảo rằng có những rào cản xung quanh cuộc cạnh tranh này không trở thành xung đột”, ông cho hay.
Ông Tập và ông Biden khẳng định sẵn sàng xây dựng và phát triển mối quan hệ song phương ổn định. Các nhà phân tích cho rằng cả hai bên có thể cùng nhau giải quyết một số vấn đề cụ thể như biến đổi khí hậu, kiểm soát đại dịch và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã, ông Tập đã kêu gọi hợp tác nhiều hơn trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, ngoại giao, an ninh, kinh tế và thương mại.
Ông Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu từ Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, nói rằng: “Vẫn còn thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ”, và phần còn lại của thế giới không nên mong đợi một bước đột phá.
Ông Zhou cho biết: “Niềm tin lẫn nhau cần được xây dựng thông qua một số việc lớn và nhỏ. Ví dụ, các chuyến thăm gần đây của các nhà lập pháp Mỹ tới Đài Loan trên máy bay quân sự của Mỹ đều bị Bắc Kinh coi là động thái khiêu khích thách thức giới hạn của họ”.
Tuần trước, một nhóm các thành viên Quốc hội Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa đã đến Đài Loan trên một chiếc máy bay của Hải quân Hoa Kỳ trong một chuyến thăm không báo trước, khiến quân đội Trung Quốc thực hiện một cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu chung gần hòn đảo.
Một chuyến thăm tương tự của các thượng nghị sĩ Mỹ vào tháng 6 cũng khiến Bắc Kinh đưa máy bay chiến đấu đến gần hòn đảo này.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và phải được thống nhất với đại lục bằng vũ lực nếu cần.
Ông Zhao cũng xác định kiểm soát vũ khí là một điểm mấu chốt quan trọng khác. Ông nói: “Ban lãnh đạo trung ương Trung Quốc đã ra lệnh cho Quân đội Giải phóng Nhân dân đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội, đây cũng là quan điểm chính trong nước ở Trung Quốc".
“Với thực tế là PLA vẫn đang trong giai đoạn đầu, Trung Quốc không thể thực hiện bất kỳ bước đột phá hoặc nhượng bộ nào trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí trong tương lai gần”.
Tuy nhiên, ông Zhao cũng nói rằng khi Bắc Kinh sẵn sàng thảo luận về kiểm soát vũ khí, các cuộc đàm phán có thể bao gồm các lĩnh vực như không gian bên ngoài và hệ thống phòng thủ tên lửa cũng như đầu đạn hạt nhân.