Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34:

Nâng cao hình ảnh Việt Nam đổi mới, chủ động, tích cực tham gia vào hợp tác khu vực

Thứ bảy, 22/06/2019 09:49 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 từ ngày 22 - 23/6/2019.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra từ ngày 22 - 23/6/2019 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: TL

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra từ ngày 22 - 23/6/2019 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: TL

Phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 với chủ đề “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững” là Hội nghị cấp cao đầu tiên trong Năm Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan. 

Trọng tâm của chủ đề ASEAN năm nay là xây dựng một Cộng đồng ASEAN tập trung vào con người và “không để ai bị bỏ lại phía sau và nhìn về tương lai”. Trung tâm của các cuộc thảo luận sẽ là nỗ lực hướng tới một khu vực số hóa, xanh và kết nối liên tục, cũng như thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cấu trúc khu vực.  

Hội nghị lần này sẽ thảo luận cách thức gia tăng tính tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc 2030, nâng cao chất lượng và môi trường sống an toàn, bền vững cho người dân ASEAN. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các biện pháp làm sâu sắc hơn quan hệ và hiệu quả hợp tác của ASEAN với các đối tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác cho xây dựng cộng đồng, ứng phó với những thách thức đang nổi lên, đồng thời củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Một nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong năm nay là tiến triển của cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với kỳ vọng hoàn tất đàm phán cuối năm nay. Các hội nghị cấp Bộ trưởng kinh tế RCEP sẽ được tổ chức để xác định lập trường chung cho ASEAN trong các cuộc đàm phán.

Dự kiến Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 sẽ xem xét và thông qua một số văn kiện quan trọng làm cơ sở cho hợp tác ASEAN trong thời gian tới như Tuyên bố tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về Quan hệ đối tác vì sự bền vững, Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tuyên bố Cấp cao về năm Văn hóa ASEAN 2019 và Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải nhựa trên biển.

Trong đó, Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải nhựa trên biển là một trong những văn kiện hết sức được chờ đợi và được nước chủ nhà Thái Lan tích cực thúc đẩy nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng rác thải nhựa trong khu vực cũng như thể hiện cam kết chung của ASEAN về chống biến đổi khí hậu, sau khi Mỹ - một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới - tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu gây ra khó khăn rất lớn trong việc đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để có thể kiểm soát chủ động hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Việt Nam thúc đẩy đoàn kết, thống nhất nội khối ASEAN

Tham dự hội nghị lần này, đoàn Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa đoàn kết, thống nhất và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, khẳng định hình ảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm đối với sự phát triển của khu vực và thế giới.

Trong suốt gần 25 năm qua kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn là một quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm, và có nhiều đóng góp quan trọng đối với quá trình phát triển của Cộng đồng ASEAN.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, minh họa rõ nét nhất về sự tham gia tích cực của Việt Nam là Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước thành viên có tỷ lệ thực thi cao nhất các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Với vai trò điều phối hợp tác kinh tế ASEAN - Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại hai bên, được Liên minh châu Âu và ASEAN đánh giá cao. Việt Nam cũng đảm nhiệm tốt vai trò chủ trì đàm phán Hiệp định thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định đối tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và chủ tọa Nhóm Đầu tư, đại diện cho ASEAN trong đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực đề xuất sáng kiến, đóng góp vào những tiến triển trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân...

Theo Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN Trần Đức Bình, trong những tháng vừa qua, Việt Nam đã tích cực cùng với các nước tiếp tục triển khai các thỏa thuận và kế hoạch hợp tác quan trọng của ASEAN, như việc triển khai Mạng lưới các Thành phố Thông minh ASEAN, các sáng kiến nêu tại Hội nghị WEF - ASEAN 2018 giúp các quốc gia và doanh nghiệp nâng cao năng lực thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Thái Lan và các nước thành viên nhằm đạt được các ưu tiên đề ra cho năm 2019, đồng thời tiếp tục tập trung nguồn lực cho triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng trên cả 3 trụ cột.

Việt Nam cũng tham gia tích cực và đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư thông qua hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), xây dựng lộ trình cho cắt hàng rào giảm phi thuế quan, và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Chúng ta cũng tham gia và đóng góp tích cực vào việc xây dựng và thông qua Tài liệu “Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” giúp hình thành lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở phù hợp với trên cơ sở các giá trị, nguyên tắc cơ bản và vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam cùng các nước ASEAN tham gia tích cực và xây dựng trong quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác của ASEAN; nâng cao hình ảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác khu vực.

Thế Vũ

Tin khác

Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

(CLO) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố.

Tin tức
Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

(CLO) Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của trung ương, tỷ lệ này là trên 90%.

Tin tức
Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

(CLO) Liên quan đến dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tin tức
Chính phủ ban hành quy định về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển

Chính phủ ban hành quy định về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển có hiệu lực từ ngày 16/4/2024. Trong đó, Nghị định quy định rõ về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển.

Tin tức
Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

(NB&CL) Kết quả thanh tra tổng thể, toàn diện dự án Khu đô thị sinh thái hai bên bờ sông Đơ cho thấy, công tác lập hồ sơ mời thầu, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, xác định thiếu số tiền sử dụng đất,… dẫn đến bỏ sót cho ngân sách Nhà nước hơn 98 tỷ đồng.

Tin tức