Người lao động quay trở lại TP. HCM: Nhiều kỳ vọng về một công việc tốt, cuộc sống ổn định

10/02/2022 16:29

(CLO) Không ít người lao động quyết định rời TP. HCM về quê lập nghiệp, bởi chế độ lương, thưởng ngày càng khắt khe. Song, vẫn có khá nhiều người mang hi vọng sẽ tìm được một công việc ưng ý giúp cuộc sống trở nên tốt hơn.

Quyết định “bỏ phố về quê” để dư dả hơn

Đã hơn 4 tháng kể từ đợt dịch thứ 4, chị Hồ Thị Thúy (40 tuổi, quê TP. Bến Tre) quyết định rời TP. HCM để về quê lập nghiệp. Chị Thúy cho biết, chị là nhân viên phụ bếp ở một quán súp nhỏ tại quận 3. Song, mức lương 5 triệu đồng/tháng không đủ để chị trang trải cuộc sống ở thành phố hoa lệ này.

nguoi lao dong quay tro lai tp hcm nhieu ky vong ve mot cong viec tot cuoc song on dinh hinh 1

Bài liên quan

Hà Nội: Nhộn nhịp người dân đi mua vàng lấy may ngày vía Thần Tài từ mờ sáng

Người dân An Giang dậy sớm mua hoa, trái cây,... về cúng vía Thần Tài: "Giá tăng gấp đôi nhưng vẫn mua!"

Chợ cá lóc nướng mía lớn nhất TP. HCM tấp nập ngày vía Thần Tài

Cháo bánh chưng - cách 'giải cứu' bánh chưng Tết thơm ngon và lạ miệng

“Trong lúc kẹt lại ở TP. HCM tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Lương 5 triệu không thể sống nổi được, làm rất lâu nhưng vẫn dậm chân tại chỗ. Tôi thấy về quê làm ăn thì may ra còn dư dả, không phải chịu các khoản phí như tiền trọ”, chị Thúy nói.

Lên TP. HCM lập nghiệp đã gần 20 năm, anh Quốc Vinh (30 tuổi, quê tỉnh An Giang) quyết định “bỏ phố về quê”. Anh Vinh chia sẻ, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp nơi anh làm việc không ngần ngại cắt giảm lương của nhân viên. Trước đây, anh làm việc một ngày hơn 8 tiếng với mức lương là 8 triệu đồng/tháng. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, mức lương anh Vinh nhận được chỉ vỏn vẹn hơn 6 triệu đồng.

“Lên thành phố nhiều năm nên tôi có dư được ít tiền, dự định sẽ về quê mở xe bán bánh mì kiếm sống. Không biết thu nhập ra sao nhưng đỡ hơn là sống ở thành phố, vừa phải chịu nhiều chi phí, vừa bị cắt giảm lương. Trước mắt là như vậy, còn tương lai có trở lại thành phố không thì sau này sẽ cân nhắc”, anh Vinh nói.

Nhiều kỳ vọng về chế độ lương, thưởng 

Có niềm tin lên thành phố lập nghiệp, Nguyễn Gia Hân (22 tuổi, quê tỉnh An Giang) dự định sẽ làm việc tại một xưởng sản xuất gậy đánh golf, với mức lương cơ bản gần 5 triệu đồng, kèm theo đó là chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp, thưởng chuyên cần và bao ăn.

Theo Gia Hân, như mọi năm, Hân ở quê ăn Tết khá lâu. Song, năm nay chỉ mới mùng 8 Tết, Hân đã vội thu dọn hành lí rời quê để đi xin việc làm trên thành phố.

“Cũng muốn tìm một việc ở quê để được gần gũi gia đình người thân lắm, nhưng ở quê mức lương làm việc còn khá thấp và cơ hội phát triển bản thân bị hạn chế. Một phần do cuộc sống gia đình còn khó khăn nên tôi muốn tìm một việc lương cao, ổn định để phụ giúp gia đình và tìm hướng phát triển bản thân trong tương lai”, Hân nói.

nguoi lao dong quay tro lai tp hcm nhieu ky vong ve mot cong viec tot cuoc song on dinh hinh 2

Người lao động kỳ vọng về chế độ lương, thưởng của các doanh nghiệp khi quay trở lại TP. HCM làm việc.

Mang nhiều kỳ vọng về tương lai, Hân không khỏi lo lắng về công việc sắp tới sẽ làm. Cô gái 22 tuổi chia sẻ: “Hiện tại dịch bệnh vừa mới ổn định nhưng theo tìm hiểu thì lương thưởng của một số công ty vẫn rất cao và ổn định dao động từ 9 đến 13triệu/tháng nếu đi làm đều đặn và tăng ca thường xuyên. Tuy nhiên thì vẫn có không ít những doanh nghiệp trả mức lương khá thấp khiến tôi phải do dự, né tránh”.

Được biết, vẫn còn một số doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên làm những công việc xoay ca liên tục, tiếp xúc với chất độc hại thường xuyên. Song, họ chỉ trả cho người lao động mức lương dưới 5 triệu và không có những đãi ngộ như bao ăn, trợ cấp xăng xe, thưởng các ngày lễ,…

“Sức lao động chúng tôi bỏ ra thì phải được trả xứng đáng. Những công việc nặng nhọc mà không ưu đãi cho người lao động rồi cũng sẽ bị bài trừ và xoá bỏ, vì hiện tại rất ít chỗ làm trả lương cơ bản dưới 5 triệu”, Hân nói.

Đồng cảm với Gia Hân, Hồ Trọng Vỹ (28 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết, Vỹ hi vọng sẽ tìm được một công việc có mức lương, thưởng thích hợp, quan trọng không kém chính là môi trường làm việc của công ty.

“Ngoài lương, thưởng thì tôi cũng muốn có được một môi trường làm việc thoải mái để công việc diễn ra thuận lợi. Đồng nghiệp, quản lý thân thiện, nhiệt tình thì mình mới có cảm hứng đi làm”, Vỹ nói.

Bên cạnh đó, chàng trai 28 tuổi chia sẻ, để thu hút người lao động, các doanh nghiệp cũng nên có tinh thần hỗ trợ nhân viên khi họ gặp khó khăn, lương thưởng cần tăng theo từng năm. Trong trường hợp không tìm được công việc ưng ý, Vỹ cho biết, có lẽ bản thân sẽ một lần nữa “bỏ phố về quê”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Người lao động quay trở lại TP. HCM: Nhiều kỳ vọng về một công việc tốt, cuộc sống ổn định
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO