Kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021)

Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể và hồi ức về Trường Sa những ngày tháng 4 năm 1975

Thứ sáu, 30/04/2021 14:15 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể - nguyên phóng viên Báo Quân đội Nhân dân được xem là những nhà báo lính đầu tiên đến Trường Sa, tham gia chụp ảnh, viết bài về sự kiện giải phóng những ngày tháng 4/1975.

Bài liên quan

Bằng xúc cảm mãnh liệt và sự chuyên nghiệp của mình, ông đã tái hiện trọn vẹn sự dũng cảm, ý chí của các chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam đang giải phóng các đảo trong tác phẩm của mình. Những bức ảnh này sau đó đã trở thành biểu tượng cho Trường Sa ngày giải phóng và được đăng tải lại hàng nghìn lần trên các báo trong nước và quốc tế suốt hơn 45 năm qua.

Vượt qua bão tố...

Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể nhớ lại: Vào buổi sáng sớm 2/5/1975, tại tòa soạn Báo QĐND, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội, ông được Tổng Biên tập Nguyễn Đình Ước gọi lên trao đổi. Lên đến nơi lãnh đạo báo đưa cho ông một giấy giới thiệu có chữ ký của Trung tướng Lê Ngọc Hiền - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam giao nhiệm vụ. Giấy giới thiệu ghi rõ: “Gửi tất cả các quân binh chủng QĐND Việt Nam tạo mọi điều kiện cho đồng chí Nguyễn Khắc Xuể hoàn thành nhiệm vụ”.

Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể trong ngày trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công Luận.

Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể trong ngày trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công Luận.

Lúc đó tôi có phần lạ, rất ngạc nhiên, chưa bao giờ bộ Tổng tham mưu lại giao nhiệm vụ trực tiếp như vậy, việc chuẩn bị còn chưa đâu vào đâu, từ máy ảnh đến đồ dùng chưa có gì. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là phải chuẩn bị sẵn sàng máy ảnh và phim, thuốc tráng phim...” – ông Khắc Xuể chia sẻ.

Khi nhận được một nhiệm vụ lớn cơ quan giao phó đó là sứ mệnh, không chỉ là sứ mệnh của nghề mà còn là sứ mệnh của lịch sử đang đặt lên vai người chiến sỹ cầm bút. Trong hoàn cảnh đó, phẩm chất và bản lĩnh, trí tuệ của người làm báo phải thường trực ở trong mỗi người. Ngay sáng sớm hôm sau, ông nhờ được một đồng nghiệp chở sang sân bay Gia Lâm để lên máy bay vào Nam. Nhờ giấy giới thiệu ông đi qua được nhiều cửa để vào sân bay, 9h sáng ông đã lên được máy bay, trên đó đã đầy ắp cán bộ chiến sỹ vào Nam công tác.

Trưa 3/5/1975, trong cái nắng rộn ràng của miền Nam, ông xuống máy bay. Mọi thứ đều mới mẻ lạ lẫm, không biết đường hỏi mãi rồi ông cũng về tới Đài phát thanh Sài Gòn. May mắn thay người đầu tiên ông gặp là đồng nghiệp cùng cơ quan -  nhà báo Phạm Phú Bằng. Sau khi xem giấy giới thiệu, nhà báo Phạm Phú Bằng liền đưa ông sang trạm tiền phương Bộ Tư lệnh Hải quân.

Đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân cho biết có xe ô tô để ông đi Nha Trang nhưng không có người lái. Trong tình thế cấp bách để hoàn thành nhiệm vụ sớm, ông tính phải tìm cho được một chiếc xe máy, mặc dù không hề biết đi. Ông trở lại sân bay Tân Sơn Nhất với hy vọng sẽ tìm được một chiếc xe máy của những người tháo chạy trước ngày 30/4, may mắn ở cuối sân bay còn một chiếc Kawasaki 250, màu đỏ chót, chìa khóa vẫn cắm ở ổ. Học mãi rồi cũng biết đi, tối hôm đó trở về đơn vị và ông biết thêm thông tin sẽ đi cùng phóng viên Nguyễn Thắng. Sáng hôm sau ông và đồng nghiệp băng băng trên đường, phóng gấp ra Quân cảng Cam Ranh dài hơn 400km, vừa đi vừa hỏi đường.

Trường Sa thuở ban đầu sau giải phóng rất hoang sơ, ít cây cối, nhưng hải âu, mòng biển, ó biển... thì nhiều vô số. Ảnh: Nguyễn Khắc Xuể

Trường Sa thuở ban đầu sau giải phóng rất hoang sơ, ít cây cối, nhưng hải âu, mòng biển, ó biển... thì nhiều vô số. Ảnh: Nguyễn Khắc Xuể

Theo nhà báo Khắc Xuể: "Bây giờ tôi nghĩ lại, nếu có làm lại tôi sẽ không thể làm được, không thể đi được với tốc độ đó, quãng đường đó và đi với kiểu liều mạng như thế. 22 giờ đêm đến Cam Ranh, chúng tôi xuống tàu ra Quân cảng Nha Trang cùng đoàn đặc công 126 Hải quân. Ở đây, đoàn phái viên Bộ Quốc phòng do Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái giao nhiệm vụ cho từng người và phân công thành từng tổ đi theo các tàu. Tôi được đi tàu kỳ hạm cùng với Phó Đô đốc Hoàng Hữu Thái.

Tàu đi từ sáng, đến quá nửa đêm thì một cơn giông ập đến. Sóng to, gió ngày càng dữ dội như nhấn chìm con tàu, ba con tàu mất liên lạc với nhau. Chiếc tàu của chúng tôi chết máy, phải thả trôi trên biển. May mắn có tàu của Liên Xô xuất hiện, lai dắt vào bờ. Đêm hôm đó, tất cả các thành viên đều ngon giấc trở về đất liền, tờ mờ sáng hôm sau lại tiếp tục khởi hành ra Trường Sa. Lần này, ngoài 3 tàu cá còn có thêm tàu của Đoàn 125 hải quân chỉ huy, dẫn đường".

Người chiến sỹ cầm máy ảnh cũng giống như người lính ra trận

Kể lại quá trình tác nghiệp trên đảo, nhà báo Khắc Xuể chia sẻ rằng, bước chân lên các đảo, ông đã chụp hết 14 cuộn phim ghi lại hình ảnh Trường Sa ngày đầu được giải phóng. Đến với Trường Sa điều ông ấn tượng đầu tiên là cây cối ít, chủ yếu là chim ó biển, bay đen cả bầu trời, mỗi một bước chân là một tổ chim. “Điều tôi còn nhớ mãi tới bây giờ là hình ảnh lá cờ đỏ, ngôi sao vàng giữa biển trời trong cái ánh nắng sớm mai, tuy nhỏ bé nhưng bay lên đầy kiêu hãnh, đó là hồn của Tổ quốc” - ông cho biết.

Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể (giữa) tại đảo Nam Yết tháng 5/1975.

Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể (giữa) tại đảo Nam Yết tháng 5/1975.

Để vào được các đảo, những người lính đặc công (tham gia giải phóng đảo trước đó) dùng xuồng nhỏ để đón từng tốp đồng đội vào. Ông nhìn những con người đó tưởng như những nhân vật trong truyện thần thoại, không nghĩ rằng đặc công mình lại tài giỏi vậy, những người đã hoàn thành nhiệm vụ ở nơi đảo xa, ai cũng vạm vỡ và chân chất. Nhà báo Khắc Xuể cho rằng: “Đó là những anh hùng, khi chúng ta dùng những phương tiện không lớn, trang thiết bị ít nhưng chúng ta vẫn đủ sức bảo vệ chủ quyền, dành độc lập dân tộc. Mặc dù còn nghèo nàn nhưng ý chí, bản lĩnh người chiến sỹ quân đội thì không hề thua kém”.

Từ một nhà báo trẻ đôi mươi, được tham gia một sự kiện lớn của lịch sử đã giúp cho nhà báo Khắc Xuể  nâng cao năng lực, bản lĩnh, trí tuệ của người lính làm báo. Ngoài kiến thức, kinh nghiệm và phản xạ nghề, ở đây người phóng viên báo quân đội còn phải thể hiện được tính phản xạ chính trị của sự kiện, tất cả hội tụ lại làm nên những bức ảnh, bài viết phù hợp với bối cảnh lịch sử. Và những tác phẩm ấy đã phần nào tạo nên bản sắc và sự khác biệt của từng phóng viên trong nghề.

Theo ông: “Tôi học hỏi được nhiều từ những bức ảnh trước đây của ông cha, như: những bức ảnh về ngày 2/9/1945; về chiến thắng Điện Biên Phủ hay Ngày Giải phóng Thủ đô… và tôi cũng ý thức như thế khi tôi bước chân ra Trường Sa, đó là cơ hội lớn, không bao giờ lặp lại. Trong hành trình từ thủ đô Hà Nội đến Trường Sa, tôi thấy rằng người phóng viên phải độc lập, nhanh nhạy để phản ứng trước mỗi tình huống phát sinh. Phẩm chất đó phải thường trực và trở thành bản lĩnh nghề. Người chiến sỹ cầm máy ảnh cũng giống như người lính ra trận, sẽ có nhiều tình huống ngoài dự đoán, khó ngờ. Nhưng chính khó khăn đó sẽ thể hiện được trách nhiệm bản lĩnh của người chiến sĩ QĐND Việt Nam”.

Quả thực, trò chuyện với nhà báo Khắc Xuể chúng tôi hiểu rằng, làm báo quan trọng nhất là sự kiện, sự kiện hay, nhân vật hấp dẫn sẽ góp phần quyết định chất lượng tác phẩm báo chí đó và thu hút được sự quan tâm của công chúng. Người làm báo có thể lăn lộn khắp nơi, thậm chí cả một đời người mà không để lại một tác phẩm nào thì sẽ không có gì để nhớ. Một sự kiện lớn diễn ra không bao giờ lặp lại, phóng viên thích ứng được, làm nổi bật sự kiện đó lên thì đó sẽ mãi mãi là dấu mốc của lịch sử nghề và cao hơn đó còn là lịch sử của đất nước. Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể - nhân chứng tham gia chụp ảnh, viết bài về sự kiện giải phóng Trường Sa đã có được cơ duyên đặc biệt như vậy và với ông sự may mắn ấy, suốt hơn 45 năm qua là ký ức đáng quý, mang lại kinh nghiệm vô giá trong cuộc đời làm nghề sau này.

Tâm Lê

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo