Nhà nước Do Thái Israel đang đối phó với những ai?

Thứ hai, 17/05/2021 16:39 PM - 0 Trả lời

(CLO) Israel đã kỷ niệm 73 năm độc lập vào ngày 14/5 khi đất nước bị lôi kéo vào một cuộc xung đột vũ trang với Hamas, một nhóm chiến binh Hồi giáo có trụ sở tại Dải Gaza. Điều gì ẩn đằng sau bế tắc mới nhất và tại sao các bên tham chiến không thể đạt được thỏa hiệp trong nhiều thập kỷ?

Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam của phong trào Hamas. Ảnh: AW

Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam của phong trào Hamas. Ảnh: AW

Bài liên quan

Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas bắt đầu vào ngày 10/5 nhằm vào các khu vực gần Jerusalem, Ashkelon và Tel Aviv. Trước đó, các cuộc đụng độ giữa lực lượng Israel và người Ả Rập Palestine đã bùng phát tại khu nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, khiến ít nhất 300 người Palestine và vài chục cảnh sát Israel bị thương.

Các cuộc tấn công của Hamas nhằm vào nhà nước Do Thái là do tổ chức này không công nhận quyền tồn tại của Israel, theo nhà bình luận chính trị người Israel Avigdor Eskin.

Hai tài liệu của Hamas nói rằng Israel không có quyền tồn tại

"Lý do của cuộc xung đột liên quan tới lý do Hamas ra đời: sự tàn phá của Israel và giết người Do Thái", nhà bình luận lập luận, trích dẫn Hiệp ước năm 1988 của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Hamas.

Hamas được thành lập vào năm 1987 với tư cách là một cánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo, một nhóm Hồi giáo dòng Sunni quốc tế. Hiến chương năm 1988 rõ ràng kêu gọi tiêu diệt Israel và "thánh chiến" chống lại người Do Thái cũng như thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Palestine.

Điều 13 của văn kiện năm 1988 quy định rằng "không có giải pháp nào cho câu hỏi của người Palestine ngoại trừ thông qua bạo lực. Các sáng kiến, đề xuất và hội nghị quốc tế đều là những nỗ lực lãng phí thời gian và vô ích", giao ước nhấn mạnh.

Kể từ đó, một số quốc gia đã chỉ định Hamas hoặc lực lượng quân sự của nó, Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam, là tổ chức khủng bố, đồng thời lên án hành động bạo lực chống lại người Do Thái là "phân biệt chủng tộc".

Vào năm 2017, Hamas đã cố gắng đổi thương hiệu thành một phong trào giải phóng dân tộc Hồi giáo thay vì là một chi nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo nhằm nỗ lực đưa phong trào này thoát khỏi sự cô lập quốc tế. Chương trình mới năm 2017 tuyên bố rằng "Hamas không tiến hành cuộc đấu tranh chống lại người Do Thái vì họ là người Do Thái mà tổ chức cuộc đấu tranh chống lại những người theo chủ nghĩa Zionist đang chiếm đóng Palestine".

Mặc dù bỏ đi ngôn ngữ rõ ràng của giao ước ban đầu, tài liệu vẫn đưa ra 3 luận điểm rằng: Một là mục tiêu "giải phóng" Palestine: khu vực địa lý bao gồm Nhà nước Israel, Bờ Tây và Dải Gaza; hai là không công nhận Israel; ba là biện minh cho cuộc đấu tranh chống lại người Israel bằng mọi cách có thể, lập luận rằng hành động "chống lại sự chiếm đóng bằng mọi cách là một quyền hợp pháp được bảo đảm bởi các luật thiêng liêng và các chuẩn mực và luật pháp quốc tế".

Tài liệu tuyên bố: "Việc thành lập nhà nước Israel là hoàn toàn bất hợp pháp, bác bỏ tất cả các thỏa thuận, sáng kiến, các dự án dàn xếp và các nghị quyết quốc tế, với mục tiêu chống lại Palestine".

Phong trào Hamas phô trương vũ khí trong một buổi diễu hành. Ảnh: Sputnik

Phong trào Hamas phô trương vũ khí trong một buổi diễu hành. Ảnh: Sputnik

Trong khi tài liệu kêu gọi "giải phóng toàn bộ" Palestine, Điều 20 nhận xét rằng Hamas "đang xem xét" việc thành lập "một nhà nước Palestine hoàn toàn có chủ quyền và độc lập, với Jerusalem là thủ đô dọc theo giới tuyến được quy định ngày 4/6/1967". 

Tuy nhiên, tài liệu này không thay thế hoàn toàn các điều lệ được đưa ra bởi những người sáng lập nên phong trào.

Các cuộc tấn công bằng rocket và đánh bom tự sát

Kể từ khi thành lập, Hamas đã tham gia vào các cuộc tấn công chống lại Israel. Từ năm 1993 đến năm 2000, Hamas và Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) đã thực hiện hơn 30 vụ đánh bom liều chết.

Trong cuộc đụng độ lần thứ hai (2000-2005) 1.000 người Israel và 3.000 người Ả Rập Palestine đã thiệt mạng. Các nhóm người Palestine khác nhau đã tiến hành 25.000 cuộc tấn công chống lại nhà nước Do Thái, trong đó có 151 vụ tấn công liều chết, Cơ quan An ninh Israel (ISA) cho hay. Hamas và PIJ chịu trách nhiệm cho 65% các vụ đánh bom liều chết, cướp đi sinh mạng của 515 người Israel.

Ngoài ra, cánh quân sự của Hamas, Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam, bắt đầu bắn tên lửa Qassam tự chế tạo, chủ yếu nhắm vào các khu vực dân sự của Israel kể từ đầu những năm 2000. Các cuộc tấn công bừa bãi của Hamas nhằm vào thường dân Israel đã nhiều lần bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án.

Ông Avigdor Eskin nhận định, quyết định của Israel về việc dỡ bỏ các khu định cư của người Do Thái ở Dải Gaza và rút khỏi khu vực này vào năm 2005 đã không chấm dứt bạo lực. Theo nhà quan sát, kể từ đó Hamas càng tăng cường khả năng quân sự cũng như các cuộc tấn công nhằm vào Israel.

Vì sao giao tranh lại bùng phát?

Ngoài chiến đấu với Israel, Hamas cũng đã xung đột với các phong trào chính trị và dân quân khác của Palestine, chẳng hạn như Đảng Fatah cầm quyền. Xung đột Fatah-Hamas còn được gọi là Nội chiến Palestine nổ ra vào năm 2007 và dẫn đến sự chia rẽ của Chính quyền Palestine.

Những vệt sáng do rocket tạo thành được bắn từ Dải Gaza về phía Israel. Ảnh: Sputnik

Những vệt sáng do rocket tạo thành được bắn từ Dải Gaza về phía Israel. Ảnh: Sputnik

Sau chiến thắng của Hamas trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Palestine (PLC) vào năm 2006, Fatah và Hamas đã tham gia vào một loạt các tranh chấp và không thể thống nhất trong việc chia sẻ quyền lực. Sau một cuộc đình chiến quân sự từ ngày 10 đến ngày 15/6/2007, Hamas đã loại bỏ đối thủ của mình khỏi Dải Gaza.

Kể từ thời điểm đó, các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống mới cũng như cuộc bầu cử hội đồng quốc gia Palestine bị trì hoãn, và dự kiến ​​được tổ chức lại lần đầu tiên vào năm 2021 này sau 15 năm.

Một số nhà quan sát tự hỏi điều gì đã thúc đẩy Hamas, vốn đang tìm cách giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu năm 2021, tham gia vào một cuộc xung đột trực tiếp với nhà nước Do Thái. Một số chính trị gia và chuyên gia bảo thủ của Mỹ cáo buộc rằng thất bại của ông Donald Trump có thể đã "khích tướng" nhóm chiến binh.

Ông Trump đã tiến hành một loạt chính sách hỗ trợ Israel, bao gồm việc công nhận Jerusalem, Cao nguyên Golan và Bờ Tây là lãnh thổ của người Do Thái. Về phần mình, chính quyền ông Biden và đảng Dân chủ đang nghiêng về giải pháp hai nhà nước và dự kiến ​​sẽ điều chỉnh lại một số chính sách đối với Israel của ông Trump.

"Hamas đang hy vọng chính quyền ông Biden sẽ gây áp lực buộc Israel phải dừng hoạt động quân sự. Còn phải xem liệu hy vọng của họ có thành hiện thực hay không", ông Eskin cho hay.

Hiện tại, mục tiêu chính của Israel là phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas để ngăn chặn các cuộc tấn công của họ trong vài năm tới, ông Eskin nói.

Có khả năng hoạt động của Israel sẽ dừng lại sau một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, một lệnh ngừng bắn tạm thời khác sẽ không giải quyết được vấn đề, ông nhận định. Ông tin rằng việc giải giáp lực lượng quân đội của Hamas cũng như các chiến binh thánh chiến khác ở Gaza sẽ cải thiện khả năng giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine và mở đường cho hòa bình trong khu vực.

Hoàng Nam

Tin khác

Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu-18, hướng đến sứ mệnh Mặt trăng

Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu-18, hướng đến sứ mệnh Mặt trăng

(CLO) Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu-18 vào ngày 25/4, đưa 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung. Đây là một phần trong chương trình vũ trụ tham vọng của Trung Quốc, với mục tiêu đưa người lên Mặt trăng vào năm 2030.

Thế giới 24h
Mỹ và 17 quốc gia hứa đảm bảo hòa bình cho Gaza nếu Hamas thả con tin

Mỹ và 17 quốc gia hứa đảm bảo hòa bình cho Gaza nếu Hamas thả con tin

(CLO) Mỹ và 17 quốc gia khác hôm thứ Năm đã đưa ra lời kêu gọi Hamas thả tất cả con tin để chấm dứt cuộc chiến sự ở Gaza, nhưng Hamas tỏ ra hoài nghi.

Thế giới 24h
Thứ trưởng Quốc phòng Nga mất chức và nhiều doanh nhân bị bắt trong vụ án tham nhũng

Thứ trưởng Quốc phòng Nga mất chức và nhiều doanh nhân bị bắt trong vụ án tham nhũng

(CLO) Một Thứ trưởng Quốc phòng Nga vừa bị buộc tội nhận hối lộ trong một vụ bê bối tham nhũng lớn khiến một số doanh nhân giàu có bị bắt.

Thế giới 24h
Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức

Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức

(CLO) Thủ tướng Haiti Ariel Henry hôm thứ Năm (25/4) đã tuyên bố từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Thế giới 24h
Mỹ công bố mua vũ khí trị giá 6 tỷ USD cho Ukraine

Mỹ công bố mua vũ khí trị giá 6 tỷ USD cho Ukraine

(CLO) Một quan chức Mỹ ngày 25/4 cho biết Mỹ có thể thông báo về việc mua vũ khí mới cho Ukraine trị giá 6 tỷ USD ngay sau ngày thứ Sáu.

Thế giới 24h