“Nhưng trong tim vẹn nguyên, kỷ niệm về Bờ Rạ”...

Thứ năm, 18/04/2019 15:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Với chúng tôi, được gặp bà Lý Thị Trung - một trong 3 nữ học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cách đây 70 năm - là một cơ may. Càng may mắn hơn khi chúng tôi được nữ nhà báo lão thành này tiếp đón thân tình, gần gũi như thể con cháu trong nhà.

1. Thực tình trước khi tới gặp bà, tôi đã ấp ủ rất nhiều ý tưởng khi nghe nhà báo Trần Kim Hoa “khoe” về nhân chứng sống của lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Tôi cũng tìm đọc về bà với tất cả niềm kính trọng và ngưỡng mộ về một nữ nhà báo vừa tinh thông nghề viết, vừa tài giỏi trong quản lý tòa soạn. Trong cuộc trò chuyện về những năm tháng được theo học lớp đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên, bà Trung chia sẻ về “duyên cớ” khá thú vị khi đến với lớp học này. “Lớp mang tên lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên đào tạo những nhà báo cách mạng chỉ có vỏn vẹn 42 người, trong đó tôi là 1 trong 3 người nữ của lớp. Có lẽ tôi là số hiếm người trong lớp không làm báo, vì ngày đó tùy từng địa phương, tùy từng tỉnh mới có báo” - bà Lý Thị Trung nhớ lại.

Bà Lý Thị Trung tại Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Bà Lý Thị Trung tại Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Không tham gia công tác trong lĩnh vực báo chí nhưng từ nhỏ bà đã say mê viết, tham gia Đoàn tuyên truyền đi diễn thuyết, tuyên truyền nhân dân ủng hộ kháng chiến, bộ đội, giúp đỡ các gia đình tản cư, dạy văn hóa. Các đợt sinh hoạt của Đoàn tuyên truyền đa dạng từ nói chuyện, ngâm thơ, diễn kịch, vẽ tranh, tổ chức triển lãm… để động viên tinh thần yêu nước cho nhân dân, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là ra tờ báo... viết tay 24 trang. “Chị em chúng tôi cũng viết văn, làm thơ, viết tin… để đăng báo. Truyện ngắn “Chú tiểu bình” do tôi viết cũng được đăng trên đấy. Thật bất ngờ khi ấy đồng chí Hoàng Ngân - Bí thư Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam đọc được tờ báo viết tay và khen ngợi Đoàn tuyên truyền của chúng tôi lắm...  Bẵng đi cho đến năm 1949, đồng chí Xuân Thủy chuẩn bị mở một lớp viết báo, và không ai khác chính đồng chí Hoàng Ngân - dù chẳng biết cũng chưa từng gặp cô gái Lý Thị Trung bao giờ - đã nhớ ra trong Đoàn tuyên truyền có một người phụ nữ viết báo, lại viết truyện ngắn “Chú tiểu bình” rất hay nên chỉ định đi học” - bà Lý Thị Trung nhớ lại. Bà đến với lớp học này theo sự chỉ định ấy và cho đến hôm nay, người phụ nữ ở tuổi xưa này hiếm vẫn rưng rưng xúc động khi nhắc về “đồng chí Hoàng Ngân” – người đã đưa bà may mắn “bén duyên” với nghiệp làm báo.

Khi tham gia lớp học bà mới ở độ tuổi đôi mươi. Những người đến học đều là những người làm báo như nhà báo Trần Kiên, Hiền Nam - Báo Độc lập; Ngô Tùng - Báo Lao động; Mai Hồ - Báo Quân du kích; Nông Việt Liêm - Báo Độc lập ở Cao Bằng; Mai Thanh Hải - Báo Cứu quốc… Chuyện về lớp dạy làm báo trong ký ức ùa về, kỷ niệm đong đầy, cũng có lúc nhớ lúc quên. Lớp học chỉ trong 3 tháng từ khai mạc tháng 4/1949 thì đến tháng 7/1949 đã bế mạc. Chỉ 3 tháng ngắn ngủi thôi nhưng các thầy được mời đến giảng dạy đều là những nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất như đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt… Lớp học, theo kể lại của bà Trung thì đó không chỉ là dạy viết một bài báo mà còn là tổng hợp gồm cả phát hành, in ấn, thậm chí có cả những buổi giảng về an toàn thực phẩm, về thơ, về họa, cả những buổi tập huấn bắn súng... Bà Trung còn tâm sự rằng, việc trang bị cho một người làm báo đa năng, toàn bích để có thể hiểu về mọi mặt của đời sống xã hội, để khi đặt bút viết về bất cứ lĩnh vực gì thì đều có những am hiểu căn bản, nền tảng... có lẽ là sự độc đáo hiếm có trong hoàn cảnh đói khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thời ấy.

Nhớ về kỷ niệm của những ngày đi học, bà Trung đọc lại bài thơ bà viết khi về thăm lại trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường: “Nhớ khi xưa đến lớp/Chỉ một dao quăng thôi/Từ Lục Ba – Bờ Rạ/Mãi chiều mới tới nơi”. Bà lại nghẹn ngào bảo rằng, trong dịp kỷ niệm lúc đó còn có tới hơn 10 học viên tham gia. Nhưng đến nay thì chỉ có số ít người còn sống: “Nhiều thầy cô khuất núi/ Lòng học sinh bồi hồi/ Nhiều bạn bè vắng mặt/ Nhìn ảnh nhớ từng người”...

Bà Lý Thị Trung chụp ảnh cùng các đại biểu tại Bia Di tích lịch sử.

Bà Lý Thị Trung chụp ảnh cùng các đại biểu tại Bia Di tích lịch sử.

2. Một trong những điều ấn tượng nhất với chúng tôi khi gặp nữ nhà báo lão thành Lý Thị Trung ấy là sự lạc quan, hài hước của cụ bà 91 tuổi. Điều đặc biệt với người phụ nữ này là trong chính quãng thời gian khó khăn của 3 tháng học lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, bà đã nên duyên vợ chồng với ông Vương Như Chiêm cũng là học viên của lớp. Khi người con trai đầu lòng ra đời, bà đã đặt tên con là Vương Học Báo như để khắc ghi về một quãng đời đầy ắp kỷ niệm. Sau này chồng bà Lý Thị Trung trở thành Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Còn người con trai Vương Học Báo trở thành một nhà điêu khắc nổi tiếng với những bức tượng ghi dấu trong làng mỹ thuật Việt Nam như tượng Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ ở Gò Đống Đa, Hà Nội; tượng thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Quốc học Huế… 

Sau lễ bế giảng, bà về công tác tại báo Chiến sĩ (Liên khu IV), sau khi Thủ đô giải phóng bà về làm việc tại báo Thủ đô (nay là báo Hà Nội mới). Ở tuổi 56, bà còn tham gia sáng lập báo Phụ nữ Thủ đô - cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội. Cô gái trẻ Lý Thị Trung ngày nào đã chính thức bước vào nghề viết báo và đến tận hôm nay khi đã 91 tuổi bà vẫn không rời cây bút viết. Thế nên không có gì là lạ khi người ta nhắc đến bà là một trong 2 người thành lập tờ báo Phụ nữ Thủ đô khi bà đã về hưu trong bối cảnh “tay không bắt giặc”. Đến nỗi, nhà thơ Trần Lê Văn đã làm hai câu thơ để nói về câu chuyện này: “Tòa cũng không, soạn cũng không/Thế mà ra báo thật là ngông”. Đến nay, nhà văn, nhà báo Lý Thị Trung đã xuất bản 10 đầu sách, trong đó có 2 cuốn tiểu thuyết. Rồi có rất nhiều tác phẩm bà mới viết từ khi nghỉ hưu, vẫn giữ được sự dồi dào, mãnh liệt trong suốt cả một chiều dài cuộc đời gắn bó với nghiệp cầm bút từ cái nôi viết báo Huỳnh Thúc Kháng.

3. Tôi gặp lại bà Lý Thị Trung trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vừa qua mà Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức. Đó là sự kiện có một ý nghĩa đặc biệt với giới báo chí nước nhà. Bởi lẽ, sau 70 năm với rất nhiều nỗ lực của Hội Nhà báo Việt Nam, sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các ngành, đơn vị và nhân dân vùng di tích, các học viên, các nhà nghiên cứu lịch sử, nơi đây đã chính thức được xếp hạng là Di tích lịch sử Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tấm Bia Di tích Lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, của lịch sử báo chí cách mạng cũng được khánh thành đúng dịp này.

Dĩ nhiên, với “người trong cuộc” Lý Thị Trung, hơn ai hết thì dấu ấn của 70 năm này với rất nhiều ý nghĩa và giá trị mà có lẽ những người đồng môn đã nằm xuống của bà không được may mắn chứng kiến. Vậy nên, dù phải đi xa, bà vẫn mặc chiếc áo dài rất đẹp đi từ Hà Nội lên Tân Thái, Thái Nguyên để tham gia sự kiện. Mái tóc bà đã bạc trắng, nhưng bà không từ chối bất cứ lời đề nghị phỏng vấn nào của phóng viên, cũng không từ chối bất cứ nhã ý được chụp ảnh của những người tham dự. Thậm chí, bà đứng giữa trưa nắng ở cạnh Bia Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vừa được khánh thành để chụp ảnh với hết đoàn này đến đoàn khác cho tới tận 12h trưa mà vẫn luôn rạng rỡ nụ cười.

Tôi đã thấy ở người phụ nữ ấy một niềm hạnh phúc to lớn toát lên trên gương mặt, ánh mắt như điều bà từng viết: “...Nhưng trong tim vẹn nguyên/ Kỷ niệm về Bờ Rạ/ Bờ Rạ, ơi Bờ Rạ!”.

Sông Mây  - Hoàng Huy

Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội
Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội
Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội
Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

(CLO) Ngày 17/4, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã trao hàng nghìn ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, đơn vị đang đóng quân tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công tác hội
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội