Hàng Việt vươn ra biển lớn:

Nỗi niềm doanh nghiệp

Thứ tư, 04/09/2019 15:33 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Làm thế nào để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu được sang các thị trường lớn như EU, các nước trong khối CPTPP… đang là nỗi trăn trở của nhiều DN trên hành trình “vươn ra biển lớn”, để cạnh tranh bình đẳng với các DN ngoại. NB&CL ghi lại ý kiến chia sẻ của lãnh đạo một số Tổng Cty lớn, doanh nghiệp.

Bài liên quan

Ông Nguyễn Đăng Cường- Giám đốc Công ty TNHH Lucavi:

“Cần có những mô hình, công nghệ chế biến mới”

Báo Công luận

Để tăng số lượng và giá trị cho các mặt hàng, điều chúng tôi quan tâm nhất đó là “không gian sản xuất hàng hóa”. Tôi lấy ví dụ đơn giản như trong lĩnh vực nông nghiệp – một trong lĩnh vực đang được coi là thế mạnh thì ngay tại Đồng bằng sông Hồng, do đặc thù về đất canh tác thường có diện tích rất nhỏ lẻ. Vì vậy, để có các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chúng tôi phải đẩy mạnh sự liên kết trực tiếp. Mà muốn liên kết được thì phải thông qua hợp tác xã và DN làm về nông nghiệp xuất khẩu có chế biến. Chính vì sự phân tán này đã tạo ra nhiều yếu kém trong khâu chế biến.

Do vậy, để tạo sức và lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp thì Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần hỗ trợ và có những mô hình, công nghệ chế biến mới để tạo sự gắn kết, vượt qua những khó khăn. Hội nhập phải có thông tin và hiểu biết, vậy nên ngoài sự tự thân vận động, doanh nghiệp cũng như người sản xuất rất cần những thông tin, định hướng từ các cơ quan, từ bộ đến ngành, nếu như để chúng tôi tự đi là chưa đủ. Là doanh nghiệp, chúng tôi và những người lao động đều rất mong được quyền tự “khai thác” và phát huy sức mạnh trên chính những mảnh đất của mình.

Ông Trần Ngọc Liên - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân:

“Các hợp tác xã phải liên minh với nhau”

Báo Công luận

Đối với Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân, để thâm nhập thị trường EU, cái khó lớn nhất đối với chúng tôi không phải là kỹ thuật, vốn mà cái vướng mắc nhất hiện tại là diện tích đất sản xuất còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu để có thể sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. Để kêu gọi đối tác đến là phải có đường sá cho xe đi lại, không bị vướng vào các hệ thống kênh mương tưới tiêu. Sản xuất rau dưa phải có điện, đường...

Từ những khó khăn này, chúng tôi cần có khu sản xuất, sơ chế, quy hoạch sản xuất tập trung. Những thứ này bản thân như các hợp tác xã của chúng tôi là rất khó thực hiện và rất cần sự hỗ trợ của các cấp ngành. Liên hiệp các Hợp tác xã lại để tạo ra sự cạnh tranh, từ đó có thêm sức mạnh về sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, diện tích canh tác là không lớn như đã nói ở trên đã tạo ra những khó khăn cho chúng tôi.

Việt Nam ký hiệp định EVFTA là cơ hội rất tốt, Hợp tác xã Đông Xuân cũng rất mong muốn được xuất khẩu nhưng phải làm sao để các hợp tác xã phải liên minh với nhau để có thể sản xuất khối lượng lớn, có sức cạnh tranh chứ nhỏ lẻ thì không được. Mấu chốt nằm ở mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân, hợp tác xã và hiện nay mối liên hệ đó đã đủ sức mạnh, đủ tính liên kết, đủ tính bền vững để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm tốt hay chưa, vẫn đang còn là câu hỏi lớn. Đây mới chính là nút thắt cần được tháo gỡ.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Đức:

 “Tìm điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của thị trường”

Báo Công luận

Hiệp định EVFTA và IPA rất quan trọng trong việc bảo hộ cho các nhà đầu tư trong nước. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Đức và châu Âu sẽ được Chính phủ bảo hộ. Qua đó, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến cải thiện công nghệ sản xuất để cạnh tranh công bằng với các nước châu Âu. Thông qua quá trình đàm phán, Chính phủ cũng đã có nghiên cứu rõ nên sẽ có hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin kết nối, xúc tiến thương mại. Từ các cuộc xúc tiến này sẽ trao đổi kinh nghiệm thương mại với các nước châu Âu, đó là lợi thế.

Cái khó khăn nhất hiện nay của doanh nghiệp khi tham gia các hiệp định này đó là các quy chuẩn kỹ thuật của EU đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tiêu chuẩn về hàng hóa vào châu Âu phải bảo đảm vì họ là thị trường khó tính, đặc biệt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là  rào cản lớn. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải học hỏi nhiều kinh nghiệm sản xuất của châu Âu từ đó giúp kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên.

Các DN cần phải nghiên cứu kỹ các hiệp định này để trên cơ sở đó tìm được điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Cơ hội lớn cho các DN là học hỏi được nhiều trình độ cũng như năng lực quản trị, công nghệ, qua đó cải thiện điều kiện sản xuất. Điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải đó là trình độ công nghệ, quản trị, đặc biệt là chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Khi mở cửa, hàng rào thuế quan 100%, hàng hóa Việt Nam có thể vào được ngay EU nhưng rào cản về các biện pháp kỹ thuật mới là điểm cần lưu ý.

Trong vòng vài năm đầu khi Hiệp định được thực thi, chỉ cần các doanh nghiệp tiếp cận được trình độ khoa học công nghệ và năng lực quản trị sẽ giải được bài toán cơ bản. Các doanh nghiệp chưa thực sự cần bùng nổ ngay về chất lượng tăng trưởng trong những năm đầu tiên mà nên có một lộ trình khoảng 5 năm sau khi thực thi EVFTA, các doanh nghiệp sẽ tận dụng được hiệu quả tối đa lợi ích của Hiệp định.

Ông Đàm Quang Thắng - TGĐ Công ty TNHH Agricare Việt Nam:

“Điều doanh nghiệp cần là một nghiên cứu khả thi về thị trường”

Báo Công luận

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ hàng hóa do các doanh nghiệp sản xuất bị trả lại hoặc phải xử lý lại ở mức độ khá cao. Có thể là do doanh nghiệp xuất khẩu nhiều, nên làm nhiều, lỗi nhiều là bình thường. Tuy nhiên, với những lô hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của phía đối tác, ví dụ như đối với các mặt hàng thuỷ sản, nông sản có nhiều nguyên nhân. Trong đó, xuất phát chủ yếu từ khâu sơ chế, chế biến, khâu sản xuất do vậy các doanh nghiệp cần phải hết sức lưu tâm để đầu tư cho vấn đề này.

Quy trình sản xuất là một quy trình hoàn chỉnh mà ở đó DN phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, đặc biệt là những thị trường khó tính. Trong quá trình sản xuất như vậy, DN đã có bộ tiêu chuẩn sản xuất để tuân theo. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là làm thế nào để DN có thể giám sát được toàn bộ quá trình sản xuất của những người cung cấp nguyên liệu, đây là vấn đề còn tương đối khó khăn.

Ngoài ra, cũng chưa có tổ chức độc lập nào chuẩn hóa việc cung cấp thông tin về thị trường cho DN, mặc dù hiện nay đã có nhiều cuộc kết nối với các bên đối tác. Tuy nhiên, những buổi này vẫn chỉ dừng ở mức độ gặp gỡ nhau, chưa thể đi sâu vào được. Trong khi đó, điều DN cần là một nghiên cứu khả thi về thị trường, từ con người, dân số, mức tiêu dùng, đối tác, số lượng tiêu thụ hàng hóa hàng năm… của thị trường tiềm năng. Tôi nghĩ đây là những thông tin quan trọng, cung cấp cho việc hoạt động của DN xuất khẩu.

Bà Đặng Thị Dịu - Giám đốc Công ty Nuôi trồng thuỷ sản Nam Phú Hải:

“Nhiều cơ hội cho ngành xuất khẩu”

Báo Công luận

Hiện tôi đang có 2ha nuôi tôm công nghiệp và các Hiệp hội thuộc lĩnh vực này ở Móng Cái có khoảng 100 ha. Nhưng thật đáng buồn vì tôm không giữ được giá khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là năm 2019, tôm bị mất giá, giảm đi khoảng 1/3 giá so với giá tôm hàng năm. Tôi được biết CPTPP có thể mang lại nhiều cơ hội cho ngành xuất khẩu vì vậy tôi có đặt ra 2 câu hỏi: Nuôi trồng thủy sản hiện nay giá rất rẻ, không xuất khẩu được, khi tham gia CPTPP liệu có xuất khẩu ra được nước ngoài không?

Khi tham gia CPTPP áp lực cạnh tranh lớn với các nước có thế mạnh về khoa học, công nghệ, tài nguyên, cơ quan chức năng và Bộ Công thương có thể giúp được gì cho xuất khẩu tôm ra nước ngoài? Tôi đã xuất khẩu ra Trung Quốc được khoảng 15 tấn tôm và thị trường nội địa nhưng giá tôm rất rẻ. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng đưa được ngành tôm vào CPTPP.

Bà Lê Thị Thà - Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong:

“Khó khăn về quy trình chế biến và đầu ra”

Báo Công luận

Hợp tác xã chúng tôi hiện nay có khoảng 100 lao động sản xuất với mô hình là thuê lại đất nông dân và thuê chính những người nông dân tại địa phương sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm của công ty đã và đang cung cấp cho các siêu thị, các nhà máy... tại tỉnh Quảng Ninh.

Hiện tại, hợp tác xã Hoa Phong đang trồng và sản xuất na song mặt hàng na vẫn chưa được xuất khẩu. Sau khi bán ra thị trường trong nước, na bị ép giá và giá thành không được cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất khó khăn về quy trình, chế biến và khó khăn đầu ra. Hy vọng các ban ngành giúp đỡ người dân, tạo điều kiện chắp mối để thời gian tới sản phẩm có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế, thúc đẩy nền nông nghiệp chúng ta ngày càng phát triển.

Thành Nam

Tin khác

Du lịch Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trước thềm Quốc tế Lao động

Du lịch Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trước thềm Quốc tế Lao động

(CLO) Trung Quốc dự kiến sẽ ghi nhận làn sóng du lịch mạnh mẽ trong kỳ nghỉ lễ Tháng Năm sắp tới, trong đó lĩnh vực này sẽ nắm bắt cơ hội để lấy lại phong độ trước đại dịch Covid-19 và tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế đất nước thông qua đợt tiêu dùng lớn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Chiều nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo đấu thầu vàng

Chiều nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo đấu thầu vàng

(CLO) NHNN thông báo sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng SJC ngay trong chiều nay.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nga vượt EU về nguồn cung lúa mì sang Bắc Phi

Nga vượt EU về nguồn cung lúa mì sang Bắc Phi

(CLO) Theo báo cáo do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố, xuất khẩu lúa mì của Liên minh châu Âu (EU) sang Bắc Phi đã giảm 25% trong 7 tháng đầu của mùa trồng trọt 2023-2024, với nguồn cung từ Nga chiếm ưu thế trên thị trường khu vực.

Thị trường - Doanh nghiệp
Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

(CLO) Xuất khẩu dầu thô từ Iran đạt mức cao nhất trong 6 năm trong quý đầu tiên của năm, dữ liệu từ Vortexa được Financial Times trích dẫn cho thấy.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể

IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tăng đáng kể dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế Nga vào năm 2024. Trong năm nay, GDP của Nga được dự báo sẽ tăng 3,2%, tăng mạnh so với dự báo 2,6% trong tháng 1.

Thị trường - Doanh nghiệp