PGS.TS Bùi Hoài Sơn: 'Cải tạo không gian văn hoá ở hồ Gươm là một bước đi táo bạo, cần thiết'
(CLO) Việc tháo dỡ, di dời một số công trình quanh Hồ Hoàn Kiếm nhằm mở rộng không gian văn hóa, vui chơi đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Trước những thay đổi mang tính bước ngoặt này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đã có những chia sẻ sâu sắc với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận về tầm quan trọng của việc quy hoạch không gian công cộng trong quá trình phát triển đô thị của Hà Nội.
- Thưa ông, nhiều công trình quanh Hồ Hoàn Kiếm đang được tháo dỡ, di dời để mở rộng không gian văn hóa, vui chơi, góp phần thay đổi cảnh quan Thủ đô. Ông đánh giá như thế nào về quyết định này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng đây là một bước đi táo bạo, cần thiết và mang nhiều kỳ vọng. Hà Nội có chiều sâu lịch sử nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức lớn trong quá trình phát triển đô thị. Việc mở rộng không gian công cộng quanh hồ Gươm – khu vực trung tâm hội tụ nhiều lớp ký ức văn hóa – nếu được thực hiện đúng hướng sẽ mang lại diện mạo tích cực cho Thủ đô.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Tôi coi đây là cơ hội để Hà Nội điều chỉnh những phần không còn phù hợp với sự phát triển chung. Một số công trình trước đây được xây dựng phục vụ kinh tế, hành chính, thương mại nhưng dần trở nên lạc nhịp với không gian di sản vốn cần sự thanh thoát, hài hòa.
Tất nhiên, việc tháo dỡ không hề đơn giản vì mỗi công trình đều mang theo những gắn bó nhất định với người dân. Nhưng nếu sự đánh đổi này giúp tạo ra những không gian văn hóa, thư giãn đúng nghĩa, nơi người dân có thể tận hưởng vẻ đẹp của hồ Gươm một cách trọn vẹn hơn, thì đó là một thay đổi xứng đáng.
Tuy nhiên, điều quan trọng là quá trình này phải có tầm nhìn, tôn trọng quá khứ và lắng nghe hiện tại. Những công trình có giá trị kiến trúc, văn hóa cần được rà soát kỹ lưỡng để có phương án bảo tồn, chuyển đổi công năng hoặc lưu giữ một cách sáng tạo.
Việc mở rộng không gian văn hóa không nên đồng nghĩa với xóa bỏ ký ức, mà phải là cách để ký ức ấy được tiếp nối trong một hình thái mới, phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại.
- Một trong những công trình đáng chú ý nhất trong diện tháo dỡ là tòa nhà Hàm cá mập. Ông nghĩ sao về quyết định này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việc tháo dỡ tòa nhà Hàm cá mập chắc chắn sẽ gợi lên nhiều cảm xúc trong lòng người dân cũng như du khách. Đó là một biểu tượng quen thuộc, nơi gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ. Tôi hoàn toàn hiểu được những luyến tiếc, thậm chí là tranh luận xoay quanh quyết định này.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, tòa nhà Hàm cá mập chưa bao giờ thực sự hòa quyện với cảnh quan hồ Gươm – một không gian vốn thanh thoát, cổ kính và linh thiêng. Khi công trình này được xây dựng vào những năm 90, nó đại diện cho một bước phát triển mới của Hà Nội. Nhưng hiện tại, khi ưu tiên hàng đầu là mở rộng không gian công cộng, tôn trọng di sản, thì sự tồn tại của công trình này không còn phù hợp.
Tôi cho rằng, việc tháo dỡ không có nghĩa là “xóa đi một kỷ niệm”, mà là cách để làm mới ký ức theo một cách khác. Khi không gian quanh hồ Gươm trở nên khoáng đạt hơn, khi Tháp Rùa có thể được nhìn thấy trọn vẹn từ mọi hướng, khi người dân có thêm chỗ dạo bộ, nghỉ chân, giao lưu – thì chính nơi ấy, ký ức sẽ được tiếp nối trong một hình hài khác, nhẹ nhõm và gần gũi hơn.

Thời điểm trước khi tháo dỡ, hàng trăm người dân và du khách "đổ xô" về toà nhà Hàm cá mập để chụp hình.
- Không chỉ tòa nhà Hàm cá mập, khoảng hơn 50 công trình khác cũng nằm trong diện tháo dỡ để mở rộng không gian. Theo ông, có nên cân nhắc lại hay cần giải pháp nào khác?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Khi nhìn từ góc độ văn hóa, việc tháo dỡ hàng loạt công trình quanh Hồ Hoàn Kiếm là một câu chuyện không hề đơn giản. Đây không chỉ là những khối bê tông, mà còn là những điểm neo ký ức, nơi chồng lấp từng lớp lịch sử Hà Nội qua nhiều thế hệ.
Tôi nghĩ rằng, không nên đặt vấn đề theo hướng cực đoan – hoặc giữ lại tất cả, hoặc dỡ bỏ toàn bộ. Thay vào đó, cần một quá trình chọn lọc kỹ lưỡng, dựa trên những tiêu chí cụ thể về giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa, mức độ ảnh hưởng đến quy hoạch chung và cảm xúc cộng đồng.
Có những công trình dù cũ nhưng chứa đựng hồn phố, có thể cải tạo để phù hợp với nhu cầu mới. Ngược lại, những công trình không còn phù hợp thì tháo dỡ là hợp lý, nếu thay thế bằng giải pháp quy hoạch nhân văn và bền vững.
Hà Nội cần phát triển hạ tầng, giao thông nhưng cũng phải gìn giữ bản sắc đô thị. Một Thủ đô nghìn năm văn hiến không thể chỉ có đường rộng, quảng trường lớn, mà còn cần cả những không gian lưu giữ ký ức, làm nên “chất Hà Nội”.

Khu vực đài phun nước trước toà nhà Hàm cá mập.
- Ở góc độ cá nhân, ông kỳ vọng gì về diện mạo mới của khu vực hồ Gươm sau quá trình cải tạo?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi mong rằng sau quá trình cải tạo, hồ Gươm sẽ thực sự trở thành một không gian văn hóa công cộng kiểu mẫu – nơi không chỉ để ngắm cảnh, mà còn là sân khấu mở của đời sống văn hóa Thủ đô, nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật đường phố, không gian trưng bày di sản, giao lưu cộng đồng.
Nếu được quy hoạch tốt, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành “tấm danh thiếp” văn hóa của Hà Nội – một điểm đến không thể bỏ qua với du khách, một không gian sinh hoạt văn hóa sống động cho người dân, và là biểu tượng của một thành phố phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa.
Tôi tin rằng, nếu thay đổi lần này được thực hiện bài bản, có sự đồng thuận xã hội và tầm nhìn dài hạn, Hà Nội sẽ có một hồ Gươm đẹp hơn, rộng mở hơn, nhiều đời sống hơn – một không gian thực sự xứng đáng với vị thế trái tim của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
- Xin cảm ơn ông!
Việt Trung (thực hiện)