Đời sống văn hóa

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: 'Sự cố tại Kỳ Đài Huế là lời cảnh tỉnh về cách chúng ta đối xử với di sản'

Trung Nguyễn (thực hiện) 12/05/2025 12:21

(CLO) Sự cố bắn hỏa pháo súng thần công khiến tàn lửa bay vào khu vực khán giả tại Kỳ Đài Huế tối 3/5 không chỉ khiến dư luận bàng hoàng mà còn đặt ra hàng loạt câu hỏi về công tác tổ chức, quản lý và ứng xử với di sản văn hóa.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa của Quốc hội đã có những chia sẻ thẳng thắn và sâu sắc về câu chuyện phía sau sự cố tưởng chừng “kỹ thuật” này.

Video bắn pháo hoả ở Kỳ Đài Huế gây nguy hiểm cho người dân và du khách. Nguồn: internet

“Không chỉ là lỗi kỹ thuật, đó là một vết gợn trong cách ta tổ chức và bảo vệ di sản”

PV: Thưa PGS. TS Bùi Hoài Sơn, ông đánh giá như thế nào về sự cố bắn hỏa pháo gây nguy hiểm cho khán giả tại Kỳ Đài Huế, trong bối cảnh đây là một hoạt động văn hóa – lịch sử gắn liền với di sản quốc gia?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Sự cố vừa qua thực sự là một cú sốc lớn. Người dân và du khách đến Huế không chỉ để thưởng thức nghệ thuật mà còn để sống trong không gian văn hóa – lịch sử linh thiêng. Khi tàn lửa bay thẳng vào khu vực khán giả, nó không chỉ gây nguy hiểm mà còn làm tổn thương đến niềm tin, đến sự trân trọng dành cho một biểu tượng như Kỳ Đài Huế.

Tôi cho rằng, đây không chỉ là một lỗi kỹ thuật đơn thuần mà là một dấu hiệu cảnh báo về sự chủ quan trong tổ chức, vận hành các hoạt động tại không gian di sản. Di sản là ký ức, là linh hồn dân tộc. Mỗi sự kiện diễn ra ở đó phải được chuẩn bị với sự tôn kính và chuyên nghiệp cao nhất. Không thể vì hiệu ứng nhất thời hay chạy theo thành tích mà bỏ qua những nguyên tắc an toàn cơ bản.

Việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tạm dừng các màn bắn hỏa pháo để rà soát lại toàn bộ quy trình là một quyết định cần thiết. Nhưng điều quan trọng hơn là rà soát ấy phải thực chất, nghiêm túc và mang tính cải tiến thật sự.

z6063588483083_730a6043ec29f2845de43ee046b162c4.jpeg
PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa của Quốc hội đã có những chia sẻ thẳng thắn và sâu sắc về câu chuyện phía sau sự cố bắn pháo hoả bằng súng thần công ở Kỳ Đài Huế hôm 3/5.

PV: Dư luận đang rất quan tâm đến tư duy tổ chức sự kiện kiểu “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”. Theo ông, điều này ảnh hưởng thế nào đến chất lượng và an toàn của các hoạt động văn hóa công cộng?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Tư duy “làm rồi sửa” có thể phù hợp ở một số lĩnh vực linh hoạt, nhưng với văn hóa – nhất là văn hóa gắn với di sản thì đó là một lối nghĩ nguy hiểm. Di sản không phải nơi để thử nghiệm. Mỗi sai sót có thể để lại hậu quả lâu dài, thậm chí không thể khắc phục.

Khi mang tâm thế “làm cho xong” vào tổ chức sự kiện, chúng ta đang bỏ qua yếu tố then chốt: chuẩn bị. Điều đó dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng khán giả và biến sự kiện văn hóa thành những “bài học rút kinh nghiệm” không đáng có.

Đã đến lúc cần đoạn tuyệt với tư duy ấy. Thay vào đó là cách làm có trách nhiệm, kỹ lưỡng, chuẩn mực. Mỗi sự kiện dù lớn hay nhỏ thì cần phải được xây dựng trên nền tảng của kiến thức, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp.

PV: Ông nhìn nhận thế nào về lỗ hổng trong quản lý sự kiện văn hóa sau khi biết đến việc sử dụng vật tư kỹ thuật hết hạn tại Kỳ Đài Huế?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Việc sử dụng vật tư đã hết hạn, kém chất lượng trong một chương trình có yếu tố nguy hiểm như bắn pháo thần công là điều không thể chấp nhận – và điều này cho thấy có rất nhiều lỗ hổng đáng báo động.

Thứ nhất, là khâu thẩm định kỹ thuật bị buông lỏng. Những vật tư dễ cháy nổ đáng lẽ phải được kiểm tra gắt gao, nhưng lại lọt qua vòng kiểm định.

Thứ hai, là thiếu giám sát thi công và nghiệm thu hiện trường. Hướng bắn sai, thiết bị lỗi không được phát hiện trước chương trình – nghĩa là không ai chịu trách nhiệm rà soát cuối cùng.

Và thứ ba, là lỗ hổng pháp lý. Nhiều sự kiện hiện nay do các đơn vị ngoài nhà nước thực hiện, nhưng không có chế tài đủ mạnh, không có ràng buộc trách nhiệm rõ ràng. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, sự cố là điều không thể tránh khỏi.

Ảnh màn hình 2025-05-12 lúc 11.17.35
Màn bắn pháo hoả bằng súng thần công ở Kỳ Đài Huế gây nguy hiểm cho người dân và du khách quốc tế. Ảnh: Võ Thành

“Phải có khung pháp lý nghiêm ngặt hơn cho các hoạt động văn hóa có yếu tố kỹ thuật”

PV: Với vai trò là Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa của Quốc hội, ông có đề xuất gì để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tổ chức các hoạt động văn hóa?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Chắc chắn là đã đến lúc cần có những quy định nghiêm khắc hơn. Hiện tại, các quy định vẫn còn chung chung, thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật riêng biệt và chưa làm rõ trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan.

Chúng ta cần một khung pháp lý đủ mạnh, bao gồm: quy trình phê duyệt kỹ thuật bắt buộc, quy định về chất lượng vật tư, kiểm định độc lập, tổng duyệt hiện trường và cả chế tài xử phạt – từ hành chính đến hình sự nếu cần.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số vào quản lý sự kiện cũng là xu hướng nên khuyến khích: từ định danh đơn vị tổ chức, đến giám sát bằng dữ liệu thời gian thực, số hóa quy trình cấp phép.

Không thể tiếp tục “rút kinh nghiệm” sau mỗi sai sót. Mỗi sự kiện tại di sản phải được tổ chức với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Ảnh màn hình 2025-05-12 lúc 11.19.10
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, các địa phương cần thiết lập một quy trình chuyên nghiệp hơn, có bộ hồ sơ kỹ thuật đầy đủ, giám sát độc lập và tổng duyệt bắt buộc. Phải có quy định cụ thể về khoảng cách an toàn, mật độ khán giả, thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Cắt từ clip

PV: Sau sự cố tại Huế, ông có kiến nghị gì đối với các địa phương trong việc tổ chức hoạt động văn hóa tại di tích lịch sử quan trọng?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ, điều đầu tiên cần làm là rà soát toàn bộ quy trình tổ chức sự kiện – đặc biệt là tại các di tích cấp quốc gia. Không thể để ai cũng có quyền tổ chức nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Các địa phương cần thiết lập một quy trình chuyên nghiệp hơn, có bộ hồ sơ kỹ thuật đầy đủ, giám sát độc lập và tổng duyệt bắt buộc. Phải có quy định cụ thể về khoảng cách an toàn, mật độ khán giả, thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy.

Tôi cũng kiến nghị lập danh mục các không gian di sản cần bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế tối đa các loại hình sự kiện kỹ thuật rủi ro cao. Di tích là nơi cần sự tôn kính, không phải sân khấu phô trương kỹ xảo.

Cuối cùng, cần đào tạo đội ngũ tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, có chứng chỉ, có trách nhiệm pháp lý rõ ràng. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sự kiện văn hóa tại di tích.

Sự cố tại Huế không nên làm chúng ta mất niềm tin, mà phải là cú hích để thay đổi một cách căn cơ, bền vững và thực chất.

    Nổi bật
        Mới nhất
        PGS. TS Bùi Hoài Sơn: 'Sự cố tại Kỳ Đài Huế là lời cảnh tỉnh về cách chúng ta đối xử với di sản'
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO