PGS TS Trần Chủng: Xem xét tiếp tục điều chỉnh Luật PPP, xây dựng khung pháp lý linh hoạt, tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ hơn đối với nguồn lực tư nhân
Trao đổi với báo chí, PGS. TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), đã có chia sẻ như trên.
+ Thưa ông, phương thức đối tác công – tư (PPP) được đánh giá là công cụ huy động hiệu quả nguồn lực xã hội, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp tư nhân, ông có bình luận gì về vai trò và đóng góp của các dự án PPP trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông?
- Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về mô hình này, nhưng hiểu một cách phổ biến nhất thì đây là cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua hợp đồng, nhằm phân chia lợi ích, rủi ro và trách nhiệm của mỗi bên trong việc xây dựng công trình hoặc cung cấp dịch vụ công vốn thuộc thẩm quyền quản lý của Nhà nước.

Ngay từ đầu những năm 2000, Việt Nam đã bắt đầu thí điểm các hình thức hợp đồng BOT, BT và ban hành các nghị định điều chỉnh tương ứng. Nhờ đó, nguồn vốn tư nhân đã được huy động kịp thời để đáp ứng nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng giao thông, với tổng giá trị đến đầu năm 2019 đạt gần 700.000 tỷ đồng.
Qua quá trình theo dõi, đánh giá và tổng kết một số dự án giao thông đầu tư theo mô hình PPP từ năm 2010 đến nay, cũng như tham khảo ý kiến chuyên gia, tôi nhận thấy các dự án này thường có tiến độ xây dựng khá nhanh, ít bị chậm trễ so với đầu tư công, đồng thời chất lượng công trình được ghi nhận ở mức tốt.
Tuy nhiên, kể từ năm 2016, dòng vốn đổ vào lĩnh vực giao thông theo phương thức PPP đã bắt đầu chững lại. Trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, trong 8 dự án dự kiến triển khai theo PPP, đã có đến 5 dự án buộc phải chuyển sang đầu tư công. Nguyên nhân chính là các ngân hàng thương mại không chỉ hạn chế cấp tín dụng mà còn bị ràng buộc khi tham gia vào các dự án PPP (hợp đồng BOT). Dù doanh nghiệp có mong muốn đầu tư, nhưng việc chứng minh tính khả thi và tính ổn định chính sách đối với các hợp đồng đã ký với cơ quan nhà nước vẫn đang gây nhiều tranh cãi.
+ Như ông đề cập, PPP giúp kiến tạo tính khả thi cho các dự án hạ tầng đi qua vùng khó khăn, điển hình như Hữu Nghị – Chi Lăng hay Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Đây cũng là những dự án được áp dụng cơ chế vốn Nhà nước tham gia lên 70%. Theo ông, vì sao việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tại các dự án PPP như vậy là cần thiết?
- Kể từ khi Luật PPP chính thức có hiệu lực vào năm 2021, số lượng dự án khởi công mới đã giảm sâu, chỉ còn một vài công trình – tiêu biểu nhất là cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Cần khẳng định rằng, nếu không có quyết tâm cao độ của nhà đầu tư, đứng đầu là Tập đoàn Đèo Cả, tuyến đường này sẽ mãi chỉ tồn tại dưới dạng “phương án khả thi trên giấy”.
Với địa hình đồi núi hiểm trở, địa chất phức tạp, suất đầu tư đường cao tốc và lưu lượng xe rất thấp, tôi cho rằng Tập đoàn Đèo Cả đã rất can đảm khi theo đuổi xây dựng tuyến cao tốc hiện đại kết nối Thủ đô Hà Nội với “quê hương cách mạng” Cao Bằng.

Một trong những điểm nghẽn quan trọng nhất nằm tại Điều 69 của Luật PPP, quy định vốn Nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Phần lớn vốn Nhà nước tại các dự án PPP dùng cho giải phóng mặt bằng (GPMB). Thực tiễn cho thấy mức trần này chưa phản ánh đúng điều kiện thực tế, khiến phương án tài chính kém hấp dẫn, khó thuyết phục ngân hàng thương mại cam kết tín dụng.
Để tháo gỡ khó khăn cho cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh nói riêng và các dự án có đi qua khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nói chung, tại kỳ họp thứ 6 (ngày 28/11/2023), Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù, cho phép nâng tỷ lệ vốn Nhà nước lên 70% tổng mức đầu tư. Cơ chế đặc thù này đã “cởi trói” phương án tài chính cho hai dự án Hữu Nghị – Chi Lăng và Đồng Đăng – Trà Lĩnh, qua đó tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư, thúc đẩy nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và sớm đưa công trình vào khai thác.
Hiện VARSI đang tập hợp ý kiến của các nhà đầu tư nhằm xây dựng dự thảo kiến nghị trình Chính phủ và Quốc hội xem xét tiếp tục điều chỉnh Luật PPP để giải quyết những bất cập về phân bổ rủi ro hay tỷ lệ vốn Nhà nước, từ đó xây dựng khung pháp lý linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ hơn, nhằm huy động tối đa nguồn lực tư nhân trở thành động lực quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế.
+ Thế nhưng vẫn có một số quan điểm cho rằng việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước lên 70% tại các dự án PPP được hưởng lợi hay tạo lợi ích thêm cho các nhà đầu tư. Ông có suy nghĩ gì về quan điểm này?
- Trước hết, nếu cho rằng nhà đầu tư "được hưởng lợi” khi tăng tỷ lệ vốn Nhà nước trong dự án PPP, thì rõ ràng là chưa thấu hiểu bản chất và nguyên tắc hài hòa lợi ích của phương thức này.
Trong mô hình PPP, suất đầu tư và giá trị dự án đều được Nhà nước và tư nhân thảo luận, thương thảo kỹ lưỡng trước khi ký hợp đồng. Quá trình triển khai đã chứng minh ưu thế của PPP so với đầu tư công truyền thống: linh hoạt hơn, đảm bảo tiến độ, chất lượng và kiểm soát trượt giá hiệu quả. Mọi bình luận ngược lại chỉ cho thấy sự hiểu lầm hoặc định kiến đối với phương thức PPP.
Cần phải hiểu rằng trong phương thức PPP, vốn Nhà nước là “vốn mồi”, tức là hỗ trợ để phương án tài chính thêm khả thi, và hấp dẫn hơn với các tổ chức tín dụng, không mang tính chất "góp vốn" với nhà đầu tư để phân chia lợi nhuận. Nâng tỷ lệ vốn Nhà nước giúp bảo đảm lợi ích của ba bên: Nhà nước có công trình hạ tầng, nhà đầu tư sớm thu hồi vốn BOT và sinh lời, người dân được thụ hưởng dịch vụ chất lượng cao. Khi tính toán phương án tài chính và thời gian thu phí, chỉ phần vốn do nhà đầu tư bỏ ra (gọi là vốn BOT) mới được đưa vào để tính toán xác định thời gian thu phí hoàn vốn. Trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm tối thiểu 15% vốn BOT, phần còn lại thì nhà đầu tư phải tự huy động, chủ yếu thông qua tín dụng ngân hàng thương mại.
Thực tế, các dự án hạ tầng giao thông thường có thời gian hoàn vốn kéo dài (trên 20 năm), nên nhiều ngân hàng lo ngại rủi ro và không cam kết tín dụng. Thực trạng này đã trở thành “điểm nghẽn” lớn để triển khai các dự án PPP.
Nói dễ hiểu, nâng tỷ lệ vốn Nhà nước sẽ giảm tỷ trọng vốn BOT trong tổng mức đầu tư của dự án, từ đó rút ngắn thời gian thu phí, cải thiện tính khả thi của phương án tài chính và thuận lợi hơn trong việc huy động vốn tín dụng.
Như vậy, nâng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước là cách hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư có khát khao được tham gia cùng Nhà nước làm những công trình công, dịch vụ công mà đáng lẽ Nhà nước có trách nhiệm thực hiện. Tư nhân tham gia được bao nhiêu phần vốn vào dự án, thì giảm gánh nặng cho Nhà nước được bấy nhiêu phần.

+ Ngày 9/4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 168/TB-VPCP, trong đó đề cập tới việc “từ tháng 4/2025 dứt khoát không điều chỉnh vốn Nhà nước tham gia các công trình PPP lên 70%”? Ông bình luận gì về nội dung này?
- Nếu cho rằng việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước trong các dự án PPP là “ưu ái nhà đầu tư” hay “làm thất thoát, lãng phí tài sản, tài chính của Nhà nước” thì quan niệm đó hoàn toàn sai lầm và đi ngược lại bản chất cốt lõi của PPP: đó là tạo dựng niềm tin và sự an tâm cho các nhà đầu tư.
Việc “dứt khoát không điều chỉnh vốn Nhà nước tham gia các dự án PPP ” và duy trì trần vốn Nhà nước ở mức 50% cũng đi ngược lại tinh thần của điều chỉnh Luật sửa đổi, bổ sung số 57/2024/QH15 vừa được Quốc hội thông qua; đồng thời càng tạo thêm rào cản để huy động nguồn lực tư nhân, nhất là với các dự án tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, những nơi có chi phí GPMB có thể cao gấp nhiều lần chi phí xây dựng công trình. Điều này buộc các dự án phải phụ thuộc đáng kể vào ngân sách công hoặc tại các địa phương có dự án đi qua nhưng doanh thu và lưu lượng còn thấp nhưng cần phát triển kinh tế.
Trên thế giới, tỷ lệ vốn Nhà nước trong PPP không cố định mà được điều chỉnh linh hoạt, dựa trên phương án tài chính, mức độ rủi ro và lợi ích xã hội của từng công trình. Vì vậy, linh hoạt điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước theo tính chất từng dự án, từng địa phương là điều cần thiết. Nếu không, quy định hiện hành sẽ triệt tiêu động lực tham gia của doanh nghiệp tư nhân.

Ở các nước phát triển, việc đầu tư PPP luôn có những ngân hàng hay quỹ đầu tư dành riêng cho loại hình đầu tư này, nhưng các ngân hàng thương mại tại Việt Nam thường ưu tiên cho vay bất động sản hoặc dịch vụ khác; còn với các dự án PPP “bỏ ra bạc chẵn để thu bạc lẻ” luôn là vấn đề “phải thúc ép”.
Chỉ có một vài nhà đầu tư tư nhân dám tiên phong đảm đương các dự án PPP đi qua khu vực khó khăn nhờ tích lũy lợi nhuận từ khấu hao máy móc, tổ chức lao động nghiêm túc để tối ưu sản xuất.
Không chỉ có năng lực quản lý, tiềm lực kinh tế, các nhà đầu tư này còn có khát vọng được đóng góp vào sự phát triển đất nước bằng việc xây dựng các công trình và dịch vụ công thiết yếu thông qua phương thức PPP. Hãy trân trọng những khát vọng của họ!
+ Trân trọng cảm ơn ông!