Một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

28/04/2019 14:00

(NB&CL) 16 năm (1959-1979), lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến mở đường Trường Sơn đã làm nên hào khí Trường Sơn - hào khí của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

“Đi không dấu, nấu không khói, soi đường lập trạm, mở tuyến về Nam”, “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, “Ðường chưa thông, TNXP chưa thể nghỉ”, “Ðịch phá, ta sửa, ta đi”… 16 năm (1959-1979), lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến mở đường Trường Sơn đã nằm lòng những khẩu hiệu ấy, để rồi làm nên hào khí Trường Sơn - hào khí của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Chiến tranh khốc liệt, bom đạn, máy bay địch gào rú suốt ngày đêm, dãy Trường Sơn “Đông nắng tây mưa”, “bên nắng đốt bên mưa quây”, những đoàn quân, đoàn xe được nguy trang kỹ càng ngày đêm rầm rập vượt tuyến… tất cả đã khiến đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh chẳng thể là chốn tác nghiệp dễ dàng đối với các nhà báo, các tay máy.

Nhưng, thật kỳ diệu là vẫn có những nhà báo, những tay máy, bằng sự nặng lòng với lịch sử, sự say nghề, đã không quản ngại hiểm nguy, vẫn kiên cường bám trụ ở Trường Sơn, để rồi có trong tay những bức ảnh mang giá trị lịch sử vô giá. Một trong số đó có nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Minh Trường (1930-2011). 

Sinh năm 1930 tại Thừa Thiên - Huế, năm 1954, ông tập kết ra Bắc làm công tác nhiếp ảnh ở Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài. Sau năm 1957, ông chuyển sang Phân xã nhiếp ảnh Việt Nam Thông tấn xã. Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất cũng là lúc Lê Minh Trường, với hai chiếc máy ảnh (một là Praktica của CHDC Đức và một là Pentax của Nhật, một súng lục K59 đeo bên hông và chiếc ba lô con cóc đầy quần áo, võng tăng, mặt nạ phòng độc, phim chụp ảnh, lương khô, bi đông nước) “xẻ dọc Trường Sơn” tới các chiến trường. Ống kính máy ảnh của ông đã ghi lại những hình ảnh của người chiến sỹ giải phóng kiên cường, của quân và dân ta trên các miền tuyến lửa nóng bỏng như Hàm Rồng, Nam Ngạn, (Thanh Hóa), Bến Thủy (Nghệ An), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Phà Gianh, cầu Long Đại (Quảng Bình), đất lửa Vĩnh Linh, Hà Nội những ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”… Sau đó, ông lại lên đường về chiến trường miền Nam, vượt qua đường Trường Sơn huyền thoại, đi thẳng vào miền Tây Nam Bộ, về đến U Minh…

Chính những tháng ngày ấy đã giúp Lê Minh Trường có được cho mình rất nhiều những bức ảnh “để đời”, trong đó được chú ý nhiều nhất cũng như góp phần giúp ông sau này vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2006 là những bức ảnh ghi lại được đậm nét và rõ ràng cái gọi là “Hào khí của một thời Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Trong khuôn khổ chuyên đề “Huyền tích Trường Sơn”, Nhà báo và Công luận xin được giới thiệu một số bức ảnh về Trường Sơn những năm tháng chống Mỹ của ông.

Bức ảnh với tên gọi “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Bức ảnh với tên gọi “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Bức ảnh với tên gọi “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” có thể coi là bức ảnh nổi tiếng nhất trong sự nghiệp nhiếp ảnh của nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Minh Trường. Tấm ảnh ấy, Lê Minh Trường chụp năm 1966 trong lần theo chân một đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra tại đường số 7 lên Đồn Biên phòng Cha Lo. Ông đã phát hiện ra cảnh tượng hùng vĩ khi nắng giữa tháng Tám dội xuống khe núi cao chót vót, ngay khi bộ đội ta đang từ dưới leo lên. Cảnh tượng đó gợi Lê Minh Trường nhớ đến những câu thơ của Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Ông nhanh tay rút máy ảnh ra bấm liền 3,4 kiểu như sợ làn nắng kỳ diệu kia vụt tắt. Bấm xong rồi, lòng ông còn mãi mãi xúc động, như hòa quyện với khung cảnh Trường Sơn hùng vĩ. Bức ảnh đã gây xúc động mạnh mẽ và trở thành hình tượng nghệ thuật từ một sự kiện thời sự khái quát tinh thần chiến đấu gan dạ của tuổi trẻ thời chống Mỹ.

“Chiến sĩ U Minh”.

“Chiến sĩ U Minh”.

“Hành quân ngày mưa”.

“Hành quân ngày mưa”.

“Những cô gái Pako trên đường Trường Sơn”.

“Những cô gái Pako trên đường Trường Sơn”.

Trang Nguyễn