Bài 7: Phóng viên ảnh Nguyễn Khánh: Tác nghiệp phòng "cách ly đặc biệt" phải gạt bỏ nỗi sợ hãi

18/04/2020 08:33

(CLO) Phóng viên ảnh Nguyễn Khánh, báo Tuổi Trẻ luôn là môt trong những người tiên phong đến những nơi "nóng" nhất của dịch bệnh Covid-19, để ghi lại được những tác phẩm kịp thời, chân thực và giá trị nhất.

Bài liên quan

Bài 1: Nhóm phóng viên kênh VTC14: Chúng tôi luôn chuẩn bị tâm lý vững vàng, sẵn sàng đối mặt với rủi ro

Bài 2: Phóng viên Chu Đức- Kênh VOV Giao thông: Chạy đua cùng... COVID-19

Bài 3: Những "chiến sỹ áo xanh" trên mặt trận truyền thông phòng chống dịch COVID-19

Bài 4: "Tác chiến" trong đêm

Bài 5: “Những người lính” không mang quân phục

Bài 6: Phóng viên Đoàn Bổng: “ Vào Bạch Mai, tôi thêm một lần bước ra vùng an toàn của nghề nghiệp”

Mỗi chuyến đi là thêm một kỷ niệm để sau này kể cho nhau nghe

Từng tác nghiệp trong nhiều sự kiện diễn ra trong nước và quốc tế, nhưng có lẽ đối với phóng viên trẻ Nguyễn Khánh, tác nghiệp trong dịch bệnh Covid-19 là kỷ niệm khó quên hơn cả. Đi tác nghiệp vào mùa dịch có nhiều khó khăn gian khổ nhưng "mỗi chuyến đi lại thêm một kỷ niệm để sau này kể cho nhau nghe” – Nguyễn Khánh cười, chia sẻ. 

Khác với các phóng viên viết, công việc của các phóng viên ảnh có những đặc thù hơn, không chỉ cần có mặt kịp thời đúng lúc tại sự kiện mà còn phải chọn vị trí để hình ảnh đảm bảo yếu tố thông tin, cô đọng nhưng cũng phải gần gũi, rõ nét dễ hiểu. 

Lăn lộn ở mọi "chiến trường", nhiều khi xuất phát từ nửa đêm để kịp sáng sớm có mặt, cứ nhận được nhiệm vụ là anh lại lên đường. Những ngày đầu xuân năm 2020, khi mọi người còn trong kỳ nghỉ Tết, anh đã lên đường đến tới vùng biên giới. Thời điểm đó tại thành phố Vũ Hán dịch bắt đầu bùng phát, nhiều người Việt ở Trung Quốc lo lắng. Mọi hoạt động giao thương đều tạm ngừng.

Cũng chính thời điểm đó anh nhận được chỉ đạo từ phía lãnh đạo báo là phải lên đường để có được những thông tin mới nhất về vùng biên. 

Một tổ chốt chặn phòng chống dịch tại mốc 112 huyện Mường Khương - Lào Cai đang chuẩn bị bữa tối. Ảnh Nguyễn Khánh

Một tổ chốt chặn phòng chống dịch tại mốc 112 huyện Mường Khương - Lào Cai đang chuẩn bị bữa tối. Ảnh Nguyễn Khánh

Nguyễn Khánh và một vài đồng nghiệp di chuyển từ Hà Nội từ sáng sớm, đến gần trưa tới Lào Cai và ngay lập tức anh tiếp cận được một đoàn công tác của Bộ đội biên phòng để đến một "chốt chặn" các trường hợp vượt biên trái phép. Nguyễn Khánh cho biết: "Hàng ngày chứng kiến cảnh sinh hoạt của các chiến sĩ ở những nơi bìa rừng chúng tôi mới đồng cảm và chia sẻ được với những khó khăn thiếu thốn của anh em, khi họ phải túc trực 24/24h trong cái lạnh thấu xương, mình cũng thấy chạnh lòng".

Khi ba từ "đi cách ly" còn rất mới mẻ với tất cả mọi người, Lào Cai đã là một trong những địa phương đầu tiên có các khu cách ly tập trung. Để có thông tin chính xác về nơi này, anh đã tìm đến các đơn vị quân đội đang cách ly người trở về từ nước ngoài. Thủ tục vào những khu vực này rất chặt chẽ, "Cùng với giấy giới thiệu, thẻ nhà báo tôi phải liên hệ nhiều lần với lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng mới được đồng ý vào tác nghiệp" – Nguyễn Khánh chia sẻ.

Cảm nhận đầu tiên tại khu vực cách ly là một không khí ảm đạm, "Bản thân tôi lúc đầu cũng thấy phân vân vì không biết tiếp xúc gần như vậy sẽ như thế nào, nhưng khi có mặt tại đó đến ngày hôm sau, được chứng kiến hình ảnh người dân trong khu cách ly đeo khẩu trang, xếp hàng tập thể dục với tiếng nhạc sôi động đã xua tan bao lo lắng trong tôi" Nguyễn Khánh nói.

Những người dân bị cách ly tại trường quân sự tỉnh Lào Cai đang tập thể dục. Ảnh Nguyễn Khánh

Những người dân bị cách ly tại trường quân sự tỉnh Lào Cai đang tập thể dục. Ảnh Nguyễn Khánh

Loạt ảnh về cuộc sống ở khu cách ly sau khi được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ đã nhận được rất nhiều tương tác từ độc giả, giúp họ hiểu rõ hơn, hiểu đúng hơn về điều kiện cuộc sống ở khu cách ly. 

Cơ hội tác nghiệp sự kiện lớn chỉ diễn ra trong 5 đến 10 phút

Đi tác nghiệp nhiều nơi trong mùa dịch, nhưng lần tác nghiệp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (NĐTƯ) đã để lại ấn tượng rất đặc biệt cho Nguyễn Khánh. Theo chỉ đạo của toà soạn anh đến Bệnh viện NĐTƯ để tham dự buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn với lãnh đạo, y bác sỹ đang công tác tại đây. Buổi làm việc tưởng chừng sẽ kết thúc sớm, nhưng ngay sau đó lãnh đạo Bộ Y tế muốn đi thăm sức khỏe của các bệnh nhân Covid-19.

Nhiều phóng viên cũng e dè khi tiếp cận khu vực này, đến bệnh viện có thể an toàn nhưng khi vào khu cách ly đặc biệt là chuyện hoàn toàn khác, bất cứ ai cũng đối mặt với những rủi ro. “Lúc đó trong đầu tôi chỉ nghĩ rằng, mình cần phải vào đó để truyền tải những hình ảnh này đến với độc giả, vì tới nay chưa ai biết trong đó như thế nào cả” – Khánh cho biết.

Phóng viên Nguyễn Khánh tác nghiệp tại BV nhiệt đới Trung ương- nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh Lê Hùng

Phóng viên Nguyễn Khánh tác nghiệp tại BV nhiệt đới Trung ương- nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh Lê Hùng

Khi vào bệnh viện các phóng viên thường chuẩn bị cho mình quần áo, gang tay, trang phục bảo hộ từ nhà nhưng vào khu vực cách ly đặc biệt có các bệnh nhân Covid-19 phóng viên phải sử dụng trang phục bảo hộ của riêng bệnh viện và tuân thủ nghiêm các quy định tại đây.
“Bước vào những căn phòng “cách ly đặc biệt” trong đầu tôi thoáng chốc cũng hơi bị ngợp vì tâm lý lo lắng, nhưng sau một vài giây tôi tự trấn tĩnh lại, tôi hiểu rằng cơ hội tác nghiệp khu vực này không phải dễ dàng, tất cả chỉ diễn ra trong 5 đến 10 phút, bạn phải thực sự tập trung và phải gạt bỏ nỗi sợ hãi” – Nguyễn Khánh chia sẻ.
Đi cùng đoàn đến khu vực cách ly tại tầng 6 nơi chủ yếu dành cho các bệnh nhân dương tính có sức khỏe tốt, sau đó là tầng 1 khu vực của những bệnh nhân bị nặng. “Dù ở cùng phòng với bệnh nhân nhưng tôi cố gắng giữ một khoảng cách an toàn giữa mình và các bệnh nhân. Sau khi rời khỏi phòng cách ly, chúng tôi gần như tắm cồn cho máy móc cũng như bản thân. Mấy anh em nói vui với nhau, giờ anh em mình là đối tượng F1 rồi” - Nguyễn Khánh cho biết.
Nhiều phóng viên, khi tiếp xúc với các y bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch đều có tâm lý chung là tin tưởng vào năng lực của các y bác sỹ. Đối với ca bệnh nặng đều được các bác sĩ đầu ngành từ rất nhiều bệnh viện hội chuẩn trực tuyến để tìm ra giải pháp điều trị tối ưu nhất. Các nội dung được xây dựng một cách khoa học và luôn tuân thủ triệt để các biện pháp cách ly cũng như điều trị bệnh nhân, đây cũng là điều khiến phóng viên yên tâm nhất khi đi tác nghiệp.

Các bệnh nhân dương tính với Covid-19 đang được điều trị tại BV Nhiệt đới Trung ương. Ảnh Nguyễn Khánh

Các bệnh nhân dương tính với Covid-19 đang được điều trị tại BV Nhiệt đới Trung ương. Ảnh Nguyễn Khánh

Để không choáng ngợp khi bị “ném” vào một sự kiện lớn

Nguyễn Khánh cho rằng, để có được phóng sự ảnh, không đơn giản là chụp cho đủ số lượng hình mà hình ảnh đó phải lột tả được nội dung và mang lại cảm xúc. Ảnh thời sự không cứng nhắc theo tỷ lệ vàng mặc định sẵn mà nó còn phải thể hiện đúng thần thái, tâm trạng, tính cách của từng nhân vật.

Gần 10 năm làm phóng viên ảnh, Nguyễn Khánh đã có không ít giải thưởng lớn nhỏ, nhưng phần thưởng lớn lao nhất với anh lại là việc đã mang đến cho người xem những thông tin giàu xúc cảm, đồng thời có khả năng tác động lớn đến xã hội, được dư luận quan tâm và đánh giá cao. Làm được điều ấy, phải là một quá trình rèn luyện mà điều quan trọng là bạn phải thực sự tập trung và chăm chút từ những sự kiện nhỏ nhất. Bạn làm tốt ở những sự kiện quy mô nhỏ thì sẽ không bị choáng ngợp khi bị “ném” vào một sự kiện lớn.

Đôi bàn tay nắm chặt của một bệnh nhân với bác sĩ BV Bạch Mai ngay trong thời điểm BV đang bị cách ly. Ảnh Nguyễn Khánh

Đôi bàn tay nắm chặt của một bệnh nhân với bác sĩ BV Bạch Mai ngay trong thời điểm BV đang bị cách ly. Ảnh Nguyễn Khánh

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp, Khánh cho biết "phải là người đánh giá và biết phán đoán vấn đề, trong hàng chục con người trước mắt bạn, bạn phải biết ai là nhân vật chính, ai là người đang được độc giả săn đón nhất, hãy luôn hướng ống kính vào họ và phải thực sự tập trung, hãy sẵn sàng bỏ qua những gì ít quan trọng hơn”

Bên cạnh việc rèn luyện để có kinh nghiệm, một thể lực dồi dào cũng là điều không thể thiếu đối với một phóng viên ảnh. "không có giải pháp nào khác là bắt buộc mình phải thể dục thường xuyên, mình làm việc để cống hiến nhưng điều đó không có nghĩa là mình phải đánh đổi tất cả, mọi thứ phải được cân bằng giữa công việc và gia đình, tình yêu...vì cuộc sống còn rất điều thú vị khác nữa", anh cho biết.

Nghề báo nói chung, nghề phóng viên ảnh nói riêng, đầy vất vả, cam go, tác nghiệp trong mùa dịch bệnh, những vất vả, rủi ro ấy càng lớn. Nhưng sự ủng hộ , đồng hành của bạn bè đồng nghiệp, gia đình và độc giả của báo Tuổi Trẻ, đã là nguồn động lực để những phóng viên như Nguyễn Khánh thêm gắn bó với nghề. Thời gian có thể trôi đi, những sự kiện nối theo nhau hàng ngày hàng giờ, nhưng đồng nghiệp và độc giả sẽ không thể nào quên những bức ảnh đắt giá mà Nguyễn Khánh đang mang đến trong mùa dịch này.

Lê Tâm