Vốn FDI là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản

13/07/2020 10:25

(CLO) Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy được thị trường bất động sản Việt Nam là nguồn vốn FDI… Đó là nhận định của đại diện JLL Việt Nam.

Bài liên quan

Nửa năm trôi qua, dòng vốn FDI vào Việt Nam không như kỳ vọng

Đón sóng FDI: “Thiết kế thực đơn” vừa hấp dẫn lại phải an toàn

“Kẽ hở” nào cho doanh nghiệp FDI “neo” lỗ giả - lãi thật

Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam, biểu đồ tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2020 cho thấy tăng trưởng GDP có sự chậm lại, thấp hơn 2019.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam.

Ngoài việc giãn cách xã hội và các đường bay bị hạn chế, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam cũng đang có sự sụt giảm. Một chỉ tiêu khác nữa rất quan trọng với nền kinh tế là CPI thì mục tiêu đưa ra đầu năm là 4%, nhưng trong 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu CPI đang là 4,39%. Với thước đo đối với phát triển kinh tế là chỉ số VN-Index ghi nhận những biến chuyển tích cực trong giá trị vốn của Hose và Hnx.

Trên thị trường lãi suất, Chính phủ đã có những động thái tích cực và kịp thời. Nhìn chung, về lãi suất tín dụng, lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm, phần này đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp bất động sản để họ có thể dễ dàng hơn trong huy động vốn.

Đại diện JLL Việt Nam cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy được thị trường bất động sản Việt Nam là nguồn vốn FDI. Trong 10 năm trở lại đây, nguồn vốn này đã có sự tăng trưởng liên tục, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2020 đã có phần chậm lại, do hiện tại việc hạn chế di chuyển và nhà đầu tư có xu hướng đánh giá danh mục đầu tư của họ. Dự kiến nếu dịch Covid-19 được kiểm soát thì lượng vốn FDI sẽ có xu hướng tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm.

Hiện tại, dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam đó là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Có rất nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường đó là những thỏa thuận hiệp định EVFTA được ký kết hay các nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh dạn và tự tin với thị trường Việt Nam khi Việt Nam đang là điểm sáng đầu tư so với các nước trong khu vực.

Đơn cử như Foxconn đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam hay BW là một nền tảng công nghiệp được thành lập giữa quỹ đầu tư quốc tế và nhà phát triển Việt Nam (đơn vị hiện đã có quỹ đất lên tới 380ha tại 7 thành phố của Việt Nam để phát triển về bất động sản công nghiệp cho thuê).

Đánh giá tổng quan về thị trường bất động sản Hà Nội trong quý II/2020, đại diện JLL Việt Nam cho rằng, nguồn cung bất động căn hộ có sự sụt giảm đáng kể so với quý I. Tuy nhiên, lượng hấp thụ có sự gia tăng trong quý, đây là điều khá tích cực.

Về nguồn cung văn phòng, 6 tháng đầu năm 2020 không có nguồn cung mới, một số dự án dự kiến hoàn thành trong quý II, tuy nhiên đã bị trễ do ảnh hưởng của Covid-19 và dự kiến những tháng cuối năm nguồn cung sẽ được bổ sung đáng kể. Khách thuê có nhu cầu về không gian văn phòng hạng A đang rất lớn, công suất lấp đầy hạng B, hạng A đang có tín hiệu tốt.

Về bất động sản công nghiệp, đây là lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các quỹ đầu tư đến từ Mỹ, Hong Kong. Một trong những khó khăn, rào cản này thường gặp đó là quỹ đất sạch, tìm kiếm đối tác địa phương để hợp tác.

Nhận định xu hướng M&A bất động sản trong thời gian vừa qua, bà Vân Khanh cho rằng, nếu nhìn vào giai đoạn 2017 – 2019 thị trường rất năng động thị trường về M&A như Lotte Hợp tác với FLC, các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với nhà đầu tư trong trước để thực hiện các dự án nhà ở.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài đã có những phản ứng mới. Hiện tại những nhà đầu tư rất tích cực đó là các nhà đầu tư đã tham gia vào thị trường rất lâu, hiểu và trải qua các chu kỳ của thị trường. Còn những nhà đầu tư mới có xu hướng quan sát, đánh gia chu kỳ, chọn thời điểm hồi để tham gia, đại diện JLL Việt Nam nhận định.

Ngọc An