Tàu thám hiểm sao Hỏa của Trung Quốc lần đầu tiên lăn bánh trên bề mặt hành tinh đỏ

23/05/2021 13:36

(CLO) Một chiếc tàu thám hiểm điều khiển từ xa của Trung Quốc đã chính thức lăn bánh trên bề mặt Sao Hỏa, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh và triển khai một phương tiện đất liền lên hành tinh đỏ.

Hình ảnh đầu tiên của tàu Zhurong. Ảnh: CNSA

Hình ảnh đầu tiên của tàu Zhurong. Ảnh: CNSA

Bài liên quan

Trung Quốc làm nên lịch sử khi đổ bộ thành công xuống sao Hỏa

UAE khởi động thành công sứ mệnh Sao Hỏa của thế giới Ả Rập

Tỷ phú Elon Musk tiết lộ lý do muốn xây dựng thành phố trên sao Hỏa

Tàu Zhurong, được đặt theo tên một vị thần lửa trong thần thoại của Trung Quốc, đã lăn bánh trên bề mặt sao Hỏa lúc 10h40 sáng theo giờ Bắc Kinh (02h40 GMT), theo bài đăng trên tài khoản mạng xã hội chính thức của Trung Quốc.

Trong tháng này, Trung Quốc đã cùng Mỹ trở thành quốc gia duy nhất triển khai các phương tiện đổ bộ trên sao Hỏa. Liên Xô cũ từng hạ cánh một tàu vũ trụ vào năm 1971, nhưng đã bị mất liên lạc vài giây sau đó.

Zhurong nặng 240kg, có sáu dụng cụ khoa học, bao gồm một máy ảnh địa hình độ phân giải cao, sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu bầu khí quyển và đất bề mặt của hành tinh.

Được cung cấp năng lượng từ mặt trời, Zhurong cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống cổ đại, bao gồm bất kỳ nguồn nước và băng dưới bề mặt nào, bằng cách sử dụng một radar xuyên đất trong suốt 90 ngày khám phá bề mặt sao Hỏa.

Zhurong sẽ di chuyển và dừng lại mỗi 10 mét trong ba ngày, theo bản tin chính thức của China Space News.

Anh Jia Yang, một kỹ sư tham gia sứ mệnh, nói với China Space News rằng: “Sự di chuyển chậm chạp của chiếc rover là do sự hiểu biết về môi trường sao Hỏa còn hạn chế, vì vậy một chế độ làm việc tương đối thận trọng đã được thiết kế đặc biệt".

Anh cho biết, sẽ không loại trừ khả năng tốc độ sẽ được đẩy nhanh hơn trong giai đoạn sau của nhiệm vụ bởi người điều khiển, tùy thuộc vào trạng thái hoạt động của tàu vào thời điểm đó.

Anh nói rằng Zhurong được thiết kế để vận hành cực kỳ độc lập, vì khoảng cách giữa Sao Hoà và Trái Đất là 320 triệu km, đồng nghĩa với việc thông tin có thể mất 40 phút để di chuyển hai chiều, tạo nên một trở ngại lớn trong việc điều khiển từ xa.

Anh nói, nhiệt độ trên sao Hỏa cũng là một vấn đề. Nhiệt độ ban đêm giảm xuống âm 130 độ C (âm 200 độ F) đóng băng carbon dioxide, bao phủ mặt đất không bằng phẳng bằng một lớp băng khô - một rủi ro về địa hình đối với người thám hiểm.

Zhurong có một hệ thống treo tự động có thể nâng và hạ khung gầm  thêm 60 cm, là chiếc tàu duy nhất có khả năng như vậy, theo China Space News.

Bên ngoài tàu được bao phủ bởi các tấm aerogel nano để bảo vệ khỏi cái lạnh.

Các cơn bão bụi cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất điện thông qua các tấm pin năng lượng mặt trời của tàu thám hiểm, anh Jia nói. Để khắc phục điều này, bề mặt bảng được làm bằng vật liệu không thể dễ bám bụi và có thể dễ dàng rũ bụi bằng rung động.

Perseverance và Zhurong là một trong ba tàu hoạt động trên sao Hỏa. Tàu thứ ba mang tên Curiosity thuộc NASA, hạ cánh vào năm 2012.

Trung Quốc có những kế hoạch không gian đầy tham vọng bao gồm phóng một trạm quỹ đạo có phi hành đoàn và hạ cánh con người lên mặt trăng. Năm 2019, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu thăm dò vũ trụ xuống vùng tối ít được khám phá của Mặt trăng.

Quốc Thiên