Tổ chức phóng viên không biên giới kêu gọi giúp đỡ các nhà báo Afghanistan
(CLO) Theo Anne Renzenbrink từ Tổ chức phóng viên không biên giới, phụ nữ là đối tượng đặc biệt nguy hiểm và sau khi Taliban tiếp quản, các nhà báo Afghanistan nên được phép rời khỏi đất nước càng sớm càng tốt.

Một nữ nhà báo Afghanistan. Ảnh: II
Bài liên quan
Afghanistan qua ảnh: Sơ tán và hoảng loạn
NATO đổ lỗi cho lãnh đạo Afghanistan vì sự sụp đổ của Kabul
9,4 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan không còn ở trong nước
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan kể về cuộc tháo chạy khỏi thủ đô Kabul
Trong vài tuần qua, Taliban đã đánh chiếm hết tỉnh này đến tỉnh khác. Giờ đây, họ đã chiếm được Kabul và đang tuyên bố “chiến thắng”, khi các TV trên khắp thế giới chiếu hình ảnh các chiến binh Hồi giáo ngồi trong dinh tổng thống.
Taliban cũng là một trong những kẻ thù lớn nhất thế giới về quyền tự do báo chí. Trong những năm gần đây, rất nhiều cuộc tấn công của tổ chức này đã nhằm vào những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông.
Ví dụ, vào năm 2017, một người quay phim và một đồng nghiệp làm việc cho kênh truyền hình công cộng của Quốc hội Afghanistan nằm trong số những người thiệt mạng trong vụ đánh bom kép gần tòa nhà quốc hội ở Kabul.
IS cũng đã nhiều lần thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở Afghanistan. Năm 2018, nhóm này đặc biệt nhắm vào các nhà báo trong một vụ tấn công kép ở Kabul, giết chết 9 nhân viên truyền thông.
Afghanistan đã thường xuyên được xếp hạng trong số năm quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với các nhà báo trong báo cáo thường niên của Tổ chức Phóng viên không biên giới. Người ta lo ngại rằng tình hình sẽ xấu đi đáng kể với sự tiếp quản của Taliban.
Các nữ nhà báo ở Afghanistan đặc biệt gặp rủi ro. Chỉ riêng trong tháng Ba, ít nhất ba nhà báo nữ là Mursal Wahidi, Sadia Sadat và Shahnaz Raufi đã bị giết. Vào ngày 10/12/2020, hai người đàn ông đã nổ súng vào xe của nhà báo Malala Maiwand khi cô đang đi công tác. Cô Maiwand và tài xế của cô đều thiệt mạng trong vụ tấn công.
Việc Taliban tiếp quản không chỉ đơn thuần gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Điều này cũng khiến nguồn cung cấp thông tin có thể bị gián đoạn. Hơn 50 hãng truyền thông, hầu hết là đài phát thanh và truyền hình địa phương, đã buộc phải đóng cửa tại các khu vực do Taliban kiểm soát. Các kênh này vẫn đang hoạt động bằng việc chỉ phát sóng các chương trình tôn giáo hoặc các nội dung khác do nhóm cực đoan chỉ đạo. Khoảng 100 nhà báo đã mất việc vì họ buộc phải chạy trốn khỏi các khu vực bị Taliban chiếm đóng và tìm kiếm sự bảo vệ ở các thành phố lớn của đất nước.
Hầu hết những nhà báo này đã đến Kabul với hy vọng xin được thị thực tại một trong số những đại sứ quán nước ngoài. Nhiều người lo sợ rằng các đồng nghiệp làm việc cho các hãng truyền thông quốc tế sẽ được ưu tiên hơn các nhà báo địa phương.
Chính phủ các nước phải ngay lập tức vào cuộc để giúp đỡ những nhà báo Afghanistan đang bị đe dọa. Họ có thể làm như vậy bằng cách cấp thị thực khẩn cấp mà không bị trì hoãn thêm và cho phép những cá nhân đó rời khỏi đất nước.
Trong một bức thư ngỏ, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Deutsche Welle và các hãng truyền thông khác của Đức đã kêu gọi Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Đức giúp đỡ những người Afghanistan đang làm việc cho các hãng truyền thông Đức.