quang tri 50 nam mau va hoa hinh 1

Những năm 1970, 1971 chứng kiến những thay đổi bước ngoặt trên chiến trường miền Nam Việt Nam, địch liên tiếp chịu thất bại nặng nề trên các chiến trường 3 nước Đông Dương. Đặc biệt, thất bại ở Đường 9 - Nam Lào năm 1971 đã làm phá sản một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, khiến quân chủ lực ngụy gần như suy sụp, đồng thời tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam. Theo dõi sát mọi chuyển động trên chiến trường, trong nước, trong khu vực và trên thế giới có liên quan tới cuộc chiến Việt Nam, Đảng ta nhạy bén phát hiện được thời cơ, tiền đề quan trọng để quân và dân ta đẩy mạnh tiến công, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào mùa xuân năm 1975.

Tháng 8/1971, Bộ Chính trị ra Nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng Đông Nam Bộ, Trị Thiên, Tây Nguyên. Sau khi phân tích, nhận định tình hình giữa ta và địch trên các chiến trường, tình hình quốc tế, Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ cho quân và dân ta là: “Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị, ngoại giao, phát triển chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam… Đánh bại chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài”.

Ngày 11/3/1972, sau khi soát xét lại kết quả chuẩn bị trên các chiến trường, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về Kế hoạch chiến lược năm 1972, trong đó xác định: “Trị Thiên từ vị trí là hướng phối hợp quan trọng nay chuyển thành hướng chiến lược chủ yếu nhằm tiêu diệt lực lượng lớn quân địch và mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam, đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước mới”

Ngày 23/3, thực hiện chủ trương giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối và phê chuẩn kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972 và ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị Thiên 1972 (Bộ Tư lệnh 702), do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Đạo làm Chính ủy. Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm trong thời gian từ 20 đến 25 ngày tiến công tiêu diệt cho được bốn đến năm trung đoàn địch và thực hiện nổi dậy giải phóng Quảng Trị, sau đó phát triển vào hướng Trị Thiên Huế. Quảng Trị - nơi hiện diện những căn cứ quân sự mạnh nhất của địch, ở ngay vùng giới tuyến quân sự đã được chọn làm mục tiêu tiến công trong giai đoạn đầu của chiến dịch.

quang tri 50 nam mau va hoa hinh 2

Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30/3/1972, khi các binh đoàn chủ lực của ta đã cài xong thế trận, Chiến dịch tấn công Quảng Trị 1972 bắt đầu. Ngay sau khi Tư lệnh Mặt trận Lê Trọng Tấn hạ lệnh: “Bão táp I”, 247 khẩu pháo các loại của bộ đội pháo binh đồng loạt bắn vào 19 căn cứ trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, xé toang toàn bộ “vành đai thép”. Đặc biệt, hàng rào điện tử McNamara - hệ thống các thiết bị điện tử phát hiện xâm nhập, được quân đội Mỹ sử dụng phía nam sông Bến Hải (Quảng Trị), dọc theo khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ Chí Minh -  vẫn được Mỹ tự hào xem đó là “con mắt thần bất khả xâm phạm” với số vốn đầu tư lên đến 800 triệu USD - đã bị quân ta đập vỡ tan tành.

Sau 5 ngày chiến đấu, đến ngày 4/4/1972, bộ đội ta phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, diệt 4 căn cứ trung đoàn, 7 căn cứ tiểu đoàn trên đường số 9, bức hàng trung đoàn 56, đánh thiệt hại nặng trung đoàn 2 và lữ đoàn 147, giải phóng hoàn toàn hai huyện Gio Linh, Cam Lộ. Trưa ngày 4/4, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi điện tới Sở chỉ huy chiến dịch biểu dương quân và dân Quảng Trị đánh thắng trận đầu.

Từ nhận định của Bộ Chính trị: “Địch đã tăng cường lực lượng nhưng chưa được củng cố, tinh thần hoang mang dao động, nếu ta đánh mạnh, đánh nhanh thì chúng sẽ tan vỡ”, 15 giờ ngày 8/4, pháo binh ta thực hành kế hoạch hỏa lực “Bão táp II”. 5 giờ sáng ngày 27/4/1972, trong lúc địch còn hoang mang, dao động, ta mở đợt 2 chiến dịch - đợt quyết định chiến trường.

quang tri 50 nam mau va hoa hinh 3

Trong 6 ngày đêm, Sư đoàn 308 được xe tăng, pháo binh, tên lửa yểm trợ đã tấn công từ 3 hướng, tổng công kích vào cứ điểm Đông Hà; đến 15 giờ 30 phút ngày 28/4/1972, ta giải phóng thị xã Đông Hà, đánh sập cầu Lai Phước chặn đường chi viện của địch. Sáng ngày 30/4/1972, sau đợt bắn phá hỏa điểm địch, các lực lượng đánh tràn qua sân bay, xông thẳng vào căn cứ Ái Tử chiếm kho xăng và Sở chỉ huy sư đoàn 3. Đúng 14 giờ ngày 30/4 quân ta hoàn toàn làm chủ Ái Tử. Mất Đông Hà, Ái Tử, quân địch ở Quảng Trị - La Vang hoang mang rút chạy. Các cố vấn Mỹ lên trực thăng bay về Sài Gòn, chuẩn tướng Vũ Văn Giai- tư lệnh sư đoàn 3 ngụy- lên máy bay chuồn về Đà Nẵng bỏ mặc quân lính hỗn loạn.

Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, nhân dân Quảng Trị nổi dậy giành lại chính quyền. 9 giờ 30 phút ngày 1/5, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đã cắm cờ chiến thắng lên Tòa hành chính thị xã Quảng Trị. 

Sau 2 đợt tấn công đầy “Bão táp”, Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên trên chiến trường miền nam được hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 đã đạp nát tuyến phòng thủ mạnh nhất quân sự của Mỹ Ngụy ở miền Nam.

quang tri 50 nam mau va hoa hinh 4

Nhưng chiến thắng ngày 1/5 mới là hành trình chiến đấu bước đầu của quân, dân Quảng Trị. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bên trong thành cổ Quảng Trị mới thực sự là thử thách quyết liệt chưa từng có mà “mảnh đất thép” phải đối mặt.

Việc Quảng Trị - mảnh đất địa đầu chiến lược miền Nam, đầu mối giao thông quan trọng nối liền Việt Nam với Trung, Hạ Lào - được giải phóng hoàn toàn thực sự là đòn đau đánh vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch. Không chịu chấp nhận thất bại, trong cay cú, điên cuồng, ngày 13/6/1972, Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “Tái chiếm lại Quảng Trị”, tập trung vào đây một lực lượng quân đội khổng lồ với nhiều binh chủng, nhiều sư đoàn mạnh nhất của quân lực Việt Nam cộng hòa, trong đó có cả những sư đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị quốc gia, tổ chức thành 2 hướng tiến công thị xã Quảng Trị, trong đó mục tiêu số 1 là chiếm lại tòa Thành cổ. Chúng gọi tên cuộc hành quân này là “Lam Sơn 72” và bắt đầu phản kích từ ngày 28/6/1972.

quang tri 50 nam mau va hoa hinh 5

Để chắc thắng, Nguyễn Văn Thiệu đã huy động lực lượng tham gia chiến dịch mạnh nhất. Địch huy động máy bay phản lực, bình quân mỗi ngày 150-170 lần (có ngày 220 lần), 70-90 lần chiếc B52; 12-16 tàu khu trục hạm và tuần dương hạm, thuộc Hạm đội 7; 2 sư đoàn dự bị chiến lược là sư dù và sư thủy quân lục chiến, một liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp (mỗi trung đoàn có 79 xe tăng và xe bọc thép), cùng hàng chục tiểu đoàn khác. Địch cũng cho ném đủ các loại bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiểu bằng la-de; bắn đủ các loại pháo chụp, pháo khoan; thả chất độc hóa học, hơi độc và hơi ngạt... Thành cổ Quảng Trị, với chu vi chỉ hơn 2km, đã trở thành “túi bom của kẻ thù”. Không thể thống kê hết số bom đạn dội xuống mảnh đất này, song các nhà khoa học quân sự đã ước tính trung bình mỗi chiến sĩ quân giải phóng ở đây phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Còn báo chí phương Tây thời bấy giờ bình luận và so sánh số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Thành cổ Quảng Trị khoảng 328 nghìn tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945. Nhìn lại cuộc hành quân “Lam Sơn 72”, nhiều nhà nghiên cứu quân sự đã phải thừa nhận rằng, trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành cổ, có chu vi 2.080m, rộng chưa đầy 3km2, lại huy động lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy.

Giữa một bên là ta quyết giữ từng tấc đất, một bên là Mỹ Ngụy với quân số áp đảo, phương tiện chiến tranh tối tân hiện đại đủ loại điên cuồng, không từ một thủ đoạn tàn ác nào để quyết chiếm lại Thành Cổ bằng mọi giá, cuộc chiến đấu, chính xác là trận quyết tử, nơi Thành cổ đã diễn ra như trong huyền thoại. 

81 ngày đêm (từ 28/6 - 16/9/1972), các chiến sĩ của ta, phần lớn còn rất trẻ, đã anh dũng kiên cường bám trụ giữ từng tấc đất Thành cổ. Ước tính trung bình một ngày, các chiến sĩ đã phải đánh địch phản kích từ 5-7 lần, có khi 13 lần. Như bình luận của Báo Quân đội Nhân dân: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sỹ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”.

Dòng sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt con đường tiếp tế đó, địch điên cuồng ném bom bắn phá. Dòng sông vốn thường ngày hiền hòa là thế, nay trở thành dòng sông hoa lửa, thấm đẫm máu của những người lính đã “quyết tử cho Tổ quốc”. Chuyện kể rằng, những ngày quyết tử ấy, cứ mỗi đêm có một đại đội vượt dòng Thạch Hãn vào tiếp viện cho Thành cổ thì đến sáng hôm sau chỉ còn lại vài người sống sót. Bao chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông này. Đặc biệt ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sỹ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. “Chiến tranh quá ác liệt. Đó là một mùa hè đỏ lửa, cả dòng sông nhuộm đầy máu đỏ. Những ba lô nổi lềnh bềnh trên mặt nước, quần áo, giày dép bị bom đạn rơi vãi khắp cành cây” - ký ức ấy vẫn còn mãi trong tâm trí mỗi cựu chiến binh đã từng tham gia những trận đánh cam go và quyết liệt của mùa hè năm Nhâm Tý ngày ấy. 

quang tri 50 nam mau va hoa hinh 6

Vượt lên mọi hy sinh, gian khổ, các chiến sỹ đã kiên quyết giữ vững trận địa trong suốt 81 ngày đêm, nằm ngoài dự đoán “nhanh chóng chiếm lĩnh Thành cổ trong vòng 2 tuần” của Mỹ Ngụy. 2 giờ ngày 16/9, quân ta chủ động rút khỏi Thành cổ sau khi đã gây tổn thất nặng nề cho địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi điện khen: “Cán bộ chiến sĩ ta rất dũng cảm, nhiệm vụ đã hoàn thành - Lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ Thành như thế, ông cha ta ít làm”. Đồng chí Lê Duẩn cũng tôn vinh: “Chúng ta đã chịu đựng không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

Trong 81 ngày đêm, Thành cổ Quảng Trị đã thực sự là khúc tráng ca huyền thoại, liên tục được nhắc đến trong bản tin thời sự của các hãng thông tấn lớn trên thế giới, gây chấn động nước Mỹ và dư luận quốc tế. Thắng lợi của chiến dịch Xuân Hè 1972, đặc biệt là trận quyết chiến quả cảm giữ vững Thành cổ Quảng Trị đã tạo bước ngoặt quan trọng trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, góp phần tích cực thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng: Phát triển thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giành thắng lợi quyết định năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trong thế thua.

quang tri 50 nam mau va hoa hinh 7

"Mời em về Quảng Trị hôm nay/Đã qua hết những ngày gian khó/Chiến tranh lùi xa, rực màu cờ đỏ/Quê hương yên bình, người hồn hậu, nghĩa nhân"...

Cũng chưa thực sự qua hết những gian khó như tác giả đã viết trong những dòng thơ ấy, nhưng thực sự, mảnh đất lửa Quảng Trị hôm nay, tròn nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, 33 năm tái tách tỉnh đã thực sự “thay da đổi thịt”. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đạt 7,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quy mô nền kinh tế tăng 190 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần; tổng thu ngân sách địa phương tăng hơn 300 lần so với năm 1989 - năm Quảng Trị được chia tách. Năm 2021, như chia sẻ của ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Trị đạt 6,5%, đứng thứ 3 khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đứng thứ 18 trong cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo đặc biệt là hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm, giảm sâu trong những năm gần đây. Tỉnh đã tạo ra môi trường hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến với Quảng Trị, huy động được tổng đầu tư toàn xã hội hơn 29.000 tỷ đồng. Nhiều khu công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Quảng Trị, Quán Ngang, Nam Đông Hà… và hàng loạt cụm công nghiệp như: Của Tùng, Hướng Tân… đã được hình thành và đi vào hoạt động.

quang tri 50 nam mau va hoa hinh 8

Không bằng lòng với những gì đã đạt được, vùng đất lửa, cũng với ý chí “quyết chiến quyết thắng” như đã từng 50 năm trước, ngày hôm nay, Quảng Trị quyết vượt qua những rào cản, khó khăn, vươn mình phát triển hơn nữa. Trước mắt, Quảng Trị đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 - 1.500MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng xây dựng tại Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị vừa mới khởi công hạ tầng kỹ thuật đầu năm 2022 có thể xem là một trong những bước đi khởi đầu trên hành trình mới ấy. Dự án Sân bay Quảng Trị, tổng mức đầu tư hơn 5.822,9 tỷ đồng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp chủ trương đầu tư… Trên địa bàn Quảng Trị cũng đang triển khai hàng loạt dự án về giao thông như đường tránh TP. Đông Hà, đường ven biển đoạn từ ranh giới tỉnh Quảng Bình đến Nam cầu Cửa Việt, đường kết nối trung tâm TP. Đông Hà với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 15D từ cảng Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Ngã Tư Sòng về Cửa Việt, cao tốc Cam Lộ - Túy Loan… giúp Quảng Trị hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối với các vùng trọng điểm kinh tế trong tỉnh. Nổi bật mới đây là Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1, như lời Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, sẽ tạo ra trục giao thông kết nối liên vùng, trong đó cùng với hệ thống QL1, đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển sẽ là hệ thống giao thông liên tỉnh để phát triển kinh tế, tạo ra liên kết vùng về phát triển kinh tế biển đồng thời tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch từ các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanma về với du lịch biển…

50 năm đã qua kể từ ngày đôi bờ Hiền Lương nối liền, “cỏ non Thành Cổ đã là “một màu xanh non tơ”, đất lửa Quảng Trị đang quyết liệt hồi sinh mạnh mẽ, để lại phía sau thật xa những hoang tàn đổ nát của chiến tranh, hướng về tương lai với những bước phát triển đột phá. 

quang tri 50 nam mau va hoa hinh 9

Tin khác

Sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

(CLO) Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.

Thanh tra 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng phát hiện tổng sai phạm về kinh tế trên 362 tỷ đồng

Thanh tra 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng phát hiện tổng sai phạm về kinh tế trên 362 tỷ đồng

(CLO) Ngày 21/11, tại Nam Định, thanh tra 9 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng gồm: Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Hải Dương có tân Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh đoàn

Hải Dương có tân Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh đoàn

(CLO) Ngày 21/11, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hải Dương tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về công tác cán bộ của Tỉnh đoàn Hải Dương.

Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

(CLO) Theo nội dung chương trình, sáng 22/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia

(CLO) Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, chiều 21/11, tại Trụ sở Nghị viện Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia Dato’ Awang Bemee Awang Ali Basah.

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Malaysia

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Malaysia

(CLO) Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia, chiều 21/11, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Malaysia lên Đối tác chiến lược toàn diện.