Sau vụ kẹo rau Kera bị ‘bóc phốt’, sữa non Misure lại được nhắc tên nhờ công dụng chữa mất ngủ thần kỳ
(CLO) Sữa non Misure hay còn được gọi là "sữa ngủ ngon" được quảng cáo gắn liền với nhiều công dụng thần kỳ, đang khiến người tiêu dùng phải đặt dấu hỏi.
Sữa “ngủ ngon” với nhiều công dụng thần kỳ
“Mất ngủ kinh niên, trằn trọc thức trắng đêm… nhưng không biết khắc phục bằng cách nào thì hãy dùng sữa non Misure”, đó là những lời quảng cáo có cánh liên tục xuất hiện trong những đoạn clip trên mạng xã hội Facebook, Tiktok hay Youtube thời gian qua. Không rõ công dụng của sản phẩm này đến đâu, nhưng những bài quảng cáo mô tả công dụng thần kì đó của sữa non Misure lại thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người xem và chia sẻ.
Qua tìm hiểu của Báo Nhà báo và Công Luận, sữa non Misure được giới thiệu là của Chi Nhánh Hòa Bình - CTCP Dược phẩm quốc tế Việt Nam Anh Quốc Trường Đại Hưng (Công ty Trường Đại Hưng, địa chỉ tại Tiểu Khu Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) chịu trách nhiệm sản phẩm và sản xuất; Công ty cổ phần Miso Nutrition (địa chỉ tầng 8 số 21/17 Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) là đơn vị phân phối độc quyền tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu trên website được giới thiệu là của các công ty này thì chỉ có trang https://misure.vn/ của Công ty Trường Đại Hưng là còn hoạt động. Trang web này cũng được thiết kế khá sơ sài với một vài thông tin liên quan đến sản phẩm, phản hồi của người dùng, địa chỉ liên hệ công ty và một số quảng cáo công dụng của “sữa ngủ ngon”.
Đơn cử, trong phần thông tin giới thiệu cách sử dụng Misure Gold để đạt hiệu quả cao nhất, sản phẩm này được giới thiệu là có thành phần 100% tự nhiên. Trong đó, có một số thành phần quý như yến sào, đông trùng hạ thảo… Sau khi sử dụng 3-6 tháng các hoạt chất tự nhiên trong sản phẩm thẩm thấu sâu và phát huy tác dụng toàn diện cho người sử dụng.
Nội dung quảng cáo này cũng kêu gọi nên sử dụng “sữa ngủ ngon” lâu hơn để các hoạt chất trong sản phẩm giúp giảm thiểu các vấn đề về giấc ngủ một cách bền vững mà không gây ra tác dụng phụ hay phụ thuộc vào thuốc. Nếu sử dụng với thời gian ngắn hơn, chỉ khắc phục được 1-2 vấn đề chứ chưa thể giải quyết được toàn bộ.

Đáng chú ý, mặc dù chỉ là một loại thực phẩm, nhưng tác dụng của sữa non Misure lại được quảng cáo với các công dụng thần kỳ như “Loại bỏ tình trạng phụ thuộc vào thuốc tây; Tăng cường hệ miễn dịch, ít mắc bệnh vặt và làm sạch mạch máu, ngăn ngừa cục máu đông, giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch”.
Quảng cáo chưa được cấp phép?
Qua tìm hiểu, ngoài những bài đăng trên mạng xã hội, sữa non Misure còn còn được quảng cáo bởi nhiều gương mặt nổi tiếng như MC Thảo Vân, diễn viên Cao Minh Đạt, diễn viên Lý Hùng…
Đơn cử tại một clip trên nền tảng TikTok, MC Thảo Vân cho biết cô thường xuyên mất ngủ. Để khắc phục tình trạng này, nếu uống thuốc tây thì ảnh hưởng dạ dày, gan thận còn thuốc bắc thì phải sắc, nấu khiến cô không làm nổi.
Tự nhận bản thân là 1 người thường xuyên xuất hiện trên các chương trình của đài truyền hình nên khi Thảo Vân giới thiệu sản phẩm gì, cô đều phải tìm hiểu rõ xuất xứ nguồn gốc sản phẩm. Thậm chí còn phải sử dụng trực tiếp rồi mới chia sẻ đến mọi người.

Trong khi đó, tại một clip có sự xuất hiện của diễn viên Cao Minh Đạt, người này cho biết tin sản phẩm sữa Misure hoàn toàn 100% từ thiên nhiên, không có chất cấm, được cấp phép lưu hành, phù hợp với những ai bị triệu chứng mất ngủ, mất ngủ kinh niên 10 năm hay 20 năm, dùng đủ các thể loại thuốc trên đời mà không khỏi… Diễn viên này đồng thời tự tin cam kết nếu dùng sản phẩm không hiệu quả sẽ được hoàn tiền lại
Mặc dù được quảng cáo bằng nhiều câu từ có cánh bởi những người nổi tiếng, nhưng qua tìm hiểu trên website cũng như hình ảnh nhãn dán của sữa non Misure lại không hề thấy bất kì thông tin liên quan đến tự công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo hay bất kì bằng chứng khoa học nào chứng minh cho các hiệu quả được quảng cáo.
Cụ thể, khi tra cứu công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của Công ty Trường Đại Hưng, có khoảng 15 sản phẩm được công bố trong giai đoạn 2017-2018. Tuy nhiên, trong số đó lại không có loại sản phẩm sữa non Misure đang được rao bán rầm rộ.

Tương tự, trong phần tra cứu xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm của công ty Trường Đại Hưng, cũng chỉ có duy nhất một sản phẩm Natto-Best – Q10 được đăng ký. Điều đó cũng khiến nhiều người tiêu dùng đặt nghi vấn, phải chăng sản phẩm sữa non Misure đang được quảng bá với nhiều công dụng vượt trội, nhưng lại chưa có đủ các giấy phép theo đúng quy định pháp luật.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Trả lời báo Nhà báo và Công luận, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá tình trạng nghệ sĩ, người nổi tiếng và KOLs (Người có tiếng nói trong xã hội - PV) quảng cáo thiếu chọn lọc, không chính xác đối với các sản phẩm trên không gian mạng đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp hóa, tác động tới nhiều người và tiềm ẩn những hệ lụy tiêu cực tới xã hội.
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm tới nay vẫn chưa đủ triệt để, chưa đủ tính răn đe, cảnh tỉnh. Thậm chí, tình trạng quảng cáo quá đà, sai sự thật hiện còn gia tăng khiến việc xử lý gặp khó khăn, dù pháp luật đã có quy định đầy đủ chế tài đối với hành vi này.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, theo Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo bao gồm quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm quảng cáo; thiếu thẩm mỹ, trái truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân hay quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng, giá, công dụng... của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố...
Còn theo khoản 1, Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, tổ chức, cá nhân kinh doanh không được phép lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp.
Như vậy, đối chiếu các quy định của pháp luật, việc các nghệ sĩ, người nổi tiếng hay KOLs quảng cáo "quá lố", sai sự thật về các sản phẩm là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo, bảo vệ người tiêu dùng và có thể bị áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố có thể bị áp dụng mức phạt tiền 60-80 triệu đồng. Còn theo khoản 4, Điều 5 Nghị định này, mức phạt đối với tổ chức vi phạm sẽ bằng 2 lần mức phạt trên, tức 120-160 triệu đồng.
Thậm chí, trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng vẫn tiếp tục tái phạm, họ có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt đối với tội danh này là phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị xử phạt bổ sung với số tiền 5-50 triệu đồng và cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.