Sống chung với dịch Covid-19: Muốn tăng trưởng phải chủ động ứng phó
(CLO) Theo các chuyên gia, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thời gian qua khiến các dự báo, đánh giá về triển vọng kinh tế sớm trở nên lạc hậu. Do đó, cần sớm cải thiện năng lực phân tích, dự báo để chủ động ứng phó.
Bài liên quan
Ngành thép sẽ hưởng lợi nhờ đầu tư công
Một số địa phương đề nghị trả lại kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài
Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 250,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó, nếu như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 7/2020 đạt 24.873 triệu USD, cao hơn 1.873 triệu USD so với số ước tính thì sáng tháng 8/2020 con số này đã đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước và 2,5% so cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỷ USD (chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 4,5%.
Cùng với đó, tính đến ngày 20/8 có 1.797 dự án được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 9,7 tỷ USD, giảm 25,3% về số dự án và tăng 6,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù đầu tư nước ngoài 8 tháng qua giảm sút so với cùng kỳ, song xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác. “Điều này đã thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 có thể tăng thêm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, phát triển của nền kinh tế nói chung.
Còn về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 có những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm có thể kể đến như kỳ vọng về triển vọng kinh tế do Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) mang lại.
Bên cạnh đó, tín hiệu tích cực từ tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được coi là “đầu tàu” kéo kinh tế phục hồi. Ngoài ra, chi phí nguyên nhiên vật liệu được duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất cùng với đó làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ căng thẳng thương mại và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam cũng như môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức trung bình…
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), cách tiếp cận chính sách của Chính phủ đối với đại dịch Covid-19 hiện nay đã khá bài bản và toàn diện, tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần chú trọng trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, các nguồn lực mà chúng ta đang có cần phải được khơi thông và sử dụng một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là nguồn lực từ đầu tư công. Ngay cả trong những năm trước đây, việc tận dụng tối đa các nguồn lực này đã là một vấn đề cấp thiết. Trong bối cảnh đại dịch, đầu tư công càng phải phát huy được vai trò chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công cần phải được thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.
Thứ hai, song song với việc đẩy mạnh sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong nước, cần tiếp tục quan tâm, thúc đẩy gia tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là nắm bắt cơ hội đón “làn sóng” dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc do tác động của dịch Covid-19. Đẩy mạnh thu hút vốn FDI không có nghĩa là chúng ta thu hút tràn lan mà cần định hướng thu hút dòng vốn FDI một cách có chọn lọc, đặc biệt chú trọng thu hút dòng vốn FDI có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến theo xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0… Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tận dụng tốt các cơ hội mở ra từ hội nhập, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (thực thi từ 1/8).
Thứ ba, các biện pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã ban hành trong thời gian qua cần phải được tiếp tục triển khai một cách hiệu quả, trên cơ sở tham vấn và tạo điều kiện tiếp cận nhanh nhất... Ngoài ra, Chính phủ cũng cần xem xét, tính toán đến các biện pháp hỗ trợ dài hơi hơn cho doanh nghiệp, người dân trong tình hình mới, chẳng hạn như thông qua đề xuất miễn giảm một số loại thuế, phí…
Những yêu cầu này không mới, song việc thực hiện hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đòi hỏi phải nâng cao năng lực phân tích, dự báo kinh tế của các cơ quan chức năng, cơ quan hoạch định chính sách. Cần lưu ý, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thời gian qua khiến các dự báo, đánh giá về triển vọng kinh tế sớm trở nên lạc hậu và phải cập nhật liên tục. Bởi vì, cải thiện năng lực phân tích, dự báo sẽ giúp chúng ta chủ động, kịp thời đưa ra các phương án, chính sách ứng phó hiệu quả, để từ đó có thể giảm thiểu tổn thất kinh tế do đại dịch, ông Dương nhấn mạnh.
Ngọc An