Tín dụng cho năng lượng tái tạo: Vốn vẫn đang chảy vào “chỗ trũng”

Thứ năm, 05/11/2020 10:05 AM - 0 Trả lời

(NB&CL ) Theo TS. Cấn Văn Lực, ngọn nguồn để tín dụng cho năng lượng tái tạo vẫn chưa được phân bổ đều ở các lĩnh vực xuất phát từ thực trạng nguồn vốn tài trợ các dự án năng lượng tái tạo chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, trong khi chủ đầu tư còn đầu tư theo tâm lý phong trào…

Vốn cho năng lượng tái tạo vẫn rất khiêm tốn

Nếu như năm 2016, tỷ trọng công suất điện năng lượng tái tạo (NLTT) gần như không đáng kể, chỉ khoảng 0,4% tổng công suất phát điện, thì đến nay đã đạt 7.000MW chiếm tỷ trọng khoảng 11,6% tổng công suất hệ thống điện (vào khoảng 60.000MW).

Tính đến tháng 8/2020, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Việt Nam có khoảng 102 dự án điện mặt trời đang hoạt động với tổng công suất đạt 6.314MW; 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 435MW và 325MW điện sinh khối và 10MW điện chất thải rắn. Điện mặt trời áp mái cũng phát triển khá mạnh mẽ đạt 948MWp với 42.000 hệ thống điện. Hiện tại, số lượng dự án NLTT đăng ký vẫn tăng mạnh với tổng công suất điện mặt trời, điện gió được phê duyệt bổ sung quy hoạch đã lên tới 23.000MW, trong đó điện mặt trời khoảng 11.200MW, điện gió khoảng 11.800MW.

Tuy nhiên, mặc dù tiềm năng phát triển NLTT ở Việt Nam là rất lớn, song nguồn vốn cho NLTT vẫn đang còn rất khiêm tốn.

Một dự án tổ hợp điện năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận.

Một dự án tổ hợp điện năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận.

Thực hiện Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam theo Quyết định số 1604/2018/QĐ-NHNN, tính đến hết tháng 12/2019, dư nợ tín dụng xanh chiếm khoảng 4,1% tổng dư nợ nền kinh tế, đạt trên 320.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng trung dài hạn chiếm 76%, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5-8%/năm và trung dài hạn từ 9-12%/năm. Tổng dư nợ tín dụng xanh NLTT chiếm 17% tương đương gần 54.000 tỷ đồng, còn lại là tín dụng nông nghiệp xanh chiếm 45% và các lĩnh vực liên quan khác.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại còn có các nguồn vốn tài trợ ủy thác từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với dự án Dự án phát triển năng lượng tái tạo (REDP) giai đoạn 2009-2018. Dự án REDP do WB cung cấp có tổng giá trị tương đương 204,27 triệu USD, trong đó nguồn vốn tài trợ không hoàn lại là 2,272 triệu USD. Đến năm 2018, dự án đã giải ngân toàn bộ số vốn trong đó tài trợ cho 19 dự án NLTT có tổng công suất lắp đặt 320,4MW.

Tuy nhiên, do giai đoạn 2018 trở về trước các chính sách ưu đãi giá mua điện mặt trời và điện gió chưa có hiệu lực nên các dự án NLTT của WB giải ngân chủ yếu vẫn là các dự án thủy điện nhỏ.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến thực trạng thu xếp vốn cho các dự án NLTT vẫn hạn chế và đang chảy về “chỗ trũng - thủy điện nhỏ” như vậy?

Giải bài toán về vốn: Cách nào?

Bàn về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nguồn vốn tài trợ các dự án NLTT chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, thiếu sự đa dạng hóa nguồn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư, FDI...

Cùng với đó, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) chưa có định hướng cụ thể cho tài trợ phát triển NLTT mà chủ yếu thực hiện thông qua định hướng tín dụng xanh, trong đó tỷ trọng dư nợ NLTT còn khá thấp (chiếm khoảng 17% so với dư nợ nông nghiệp xanh chiếm 45% tổng dư nợ xanh).

Bên cạnh đó, nguồn vốn trung dài hạn của các NHTM cũng gặp hạn chế do chủ yếu huy động ngắn hạn từ dân cư, trong khi cơ quan quản lý ngày càng quan tâm kiểm soát rủi ro thanh khoản của các NHTM (giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn). Vai trò của Ngân hàng Phát triển trong đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có NLTT còn khá mờ nhạt.

Chưa kể, NHTM còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, đánh giá rủi ro dự án NLTT do lĩnh vực này còn mới, trong khi các quy định về hỗ trợ NLTT còn chưa thực sự rõ ràng và nhất quán; chủ đầu tư cũng còn thiếu kinh nghiệm, còn đầu tư theo tâm lý phong trào và chưa bài bản, còn hiện tượng lách luật.

Vì vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, muốn giải bài toán nguồn vốn cho các dự án NLTT cần tính tới, một là tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực NLTT trong đó đặc biệt xem xét thúc đẩy tốc độ hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với quy hoạch phát triển các dự án NLTT. Cho phép xã hội hóa một phần khâu truyền tải điện và phân phối trực tiếp.

Thứ hai, tiếp tục tìm kiếm nguồn lực tài trợ, vốn ODA từ các tổ chức quốc tế như ADB, WB, IMF, các nhà tài trợ khác, các tổ chức phát triển NLTT quốc tế uy tín về cả vốn và trợ giúp kỹ thuật.

Thứ ba, phát triển thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư, trong đó có thị trường trái phiếu năng lượng sạch, trái phiếu xanh là loại hình đã được các định chế tài chính quốc tế lớn (WB, IFC, ADB...) thực hiện thành công trong thời gian qua.

Thứ tư, nghiên cứu ưu tiên một phần nguồn vốn ngân sách nhất định dành cho phát triển NLTT trong một số lĩnh vực cụ thể như phát triển quỹ năng lượng bền vững, đầu tư hạ tầng cơ sở truyền tải điện, đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư cho người dân tại các vùng dự án. Nâng cao năng lực của Ngân hàng Phát triển trong tài trợ các dự án NLTT.

Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng các chính sách khuyến khích tín dụng NLTT mạnh mẽ hơn như: giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tăng cho vay tái cấp vốn cho các TCTD có tỷ lệ dư nợ tín dụng NLTT cao; điều chỉnh trọng số rủi ro đối với dư nợ tín dụng NLTT xuống thấp hơn tín dụng thương mại khác...; chỉ đạo, định hướng phát triển tín dụng NLTT trong tổng thể phát triển tín dụng xanh ngành ngân hàng.

Đối với các TCTD, muốn đẩy mạnh cho vay NLTT, trước hết cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ tốt hơn (phí, lãi, thời gian ân hạn...) đối với các dự án NLTT đạt được các tiêu chí kỹ thuật và pháp lý quan trọng như: nằm trong khu vực đã được quy hoạch; được đánh giá có tiềm năng trữ lượng NLTT cao và tin cậy; có đầy đủ hồ sơ pháp lý như phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; được tư vấn thẩm tra bởi đơn vị chuyên ngành uy tín; thiết bị được cung cấp bởi đơn vị chuyên ngành uy tín; và có báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sáu là tiếp tục tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng, chuyên môn sâu trong lĩnh vực thẩm định, đánh giá rủi ro các dự án đầu tư NLTT. Cuối cùng là phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong lĩnh vực NLTT, trong đó cân nhắc xem xét các gói sản phẩm theo chuỗi dự án từ chủ đầu tư – đơn vị sản xuất/bán hệ thống thiết bị NLTT – nhà thầu xây lắp.

Vướng các giới hạn “an toàn”

Ở góc độ bên cấp tín dụng, ông Phạm Như Ánh - đại diện ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, Việt Nam là nước có nhiều thuận lợi trong việc phát triển năng lượng tái tạo và MB đã xác định ngành năng lượng tái tạo là ngành tăng trưởng và ưu tiên cấp tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực điện gió và điện mặt trời. Ước tính sơ bộ, MB tài trợ tín dụng cho các dự án cung cấp khoảng 15% tổng quy mô công suất phát điện mặt trời; khoảng 12% công suất phát điện gió trên cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định cho vay MB cũng gặp một số khó khăn vướng mắc như các dự án điện năng lượng tái tạo có thời gian vay vốn rất dài, từ 10-15 năm nên các ngân hàng bị vướng các giới hạn an toàn, tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Việc này làm giảm quy mô vốn của ngân hàng có thể cấp tín dụng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Rủi ro về giải tỏa công suất và từ chối mua điện trên Hợp đồng mua bán điện mặt trời (PPA) làm cho ngân hàng rất khó thẩm định hiệu quả dự án.

Ngoài vấn đề về vốn vay khó, lĩnh vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng gây nhiều khó khăn khi Nghị định 81/2020-NĐ-CP ra đời vào ngày 1/9 vừa qua buộc các dự án năng lượng tái tạo cơ bản không phát hành được trái phiếu, do quy định mỗi đợt phát hành cách nhau 6 tháng, trong khi nhu cầu là liên tục.

Vì thế, đầu tiên là với NHNN, cần hoàn thiện hướng dẫn và xây dựng cơ chế cho tín dụng xanh và ưu tiên giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cho vay vào các dự án năng lượng xanh hằng năm.

Thứ hai, đối với Bộ Công Thương và EVN, cần xem lại hợp đồng mẫu, không đẩy rủi ro về doanh nghiệp. Với doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án và tính toán hiệu quả trên công suất phát thiết kế, khi phát điện, EVN phải mua hết công suất phát, không để quyền từ chối mua điện trên các hợp đồng mẫu.

Cùng với đó, Bộ Tài chính, cần xem lại nghị định 81/2020-NĐ-CP, không giới hạn số đợt phát hành vì các dự án điện gió phải thi công mất 2-3 năm nên việc giới hạn các đợt phát hành như Nghị định 81 làm cho các chủ đầu tư không huy động được nguồn vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ngọc An

Tin khác

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới vì bán ôtô điện giá rẻ?

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới vì bán ôtô điện giá rẻ?

(CLO) Trong khi các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và châu Âu đang vật lộn với nhu cầu xe điện yếu, Trung Quốc đang tung ra ngày càng nhiều xe điện cỡ nhỏ và giá rẻ nhằm chiếm lĩnh thị trường ôtô trong nước và các thị trường khác ở châu Á.

Thị trường - Doanh nghiệp
Việt Nam vượt mặt Nhật Bản khi xuất khẩu hải sản sang Singapore

Việt Nam vượt mặt Nhật Bản khi xuất khẩu hải sản sang Singapore

(CLO) Để có thể giữ vững và nâng cao thứ hạng, tăng thị phần và tăng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Singapore, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản. 

Thị trường - Doanh nghiệp
Diễn đàn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững: Cơ hội và thách thức

Diễn đàn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững: Cơ hội và thách thức

(CLO) Diễn đàn Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, Thúc đẩy tăng trưởng bền vững sẽ là một bước quan trọng trong việc thảo luận, chia sẻ ý kiến và đề xuất các giải pháp tiên tiến để đối mặt với những thách thức và khai thác những cơ hội trong thời đại số hóa và bảo vệ môi trường.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vì sao ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bị Tòa án Nga ra lệnh tịch thu 440 triệu USD?

Vì sao ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bị Tòa án Nga ra lệnh tịch thu 440 triệu USD?

(CLO) Một tòa án Nga đã ra lệnh tịch thu 439,5 triệu USD của Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ), một tuần sau khi công ty cho vay VTB do Điện Kremlin điều hành tiến hành hành động pháp lý chống lại ngân hàng lớn nhất của Mỹ để thu lại số tiền bị mắc kẹt dưới chế độ trừng phạt của Washington.

Thị trường - Doanh nghiệp
Xác ve sầu đầu mùa được “hét” giá 2,5 triệu đồng/kg

Xác ve sầu đầu mùa được “hét” giá 2,5 triệu đồng/kg

(CLO) Thời gian gần đây, xác ve sầu bất ngờ được thương lái thu mua với giá hàng triệu đồng/kg. Mức thu nhập này khiến nhiều người bỏ việc để đi “săn” xác ve sầu nhưng cuối cùng lại nhận về cái kết ngỡ ngàng.

Thị trường - Doanh nghiệp