Tin tức

UBND cấp tỉnh được quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị

Thiên An 27/05/2025 20:01

(CLO) Theo quy định trong Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), UBND cấp tỉnh được quyết định đầu tư các dự án đường sắt đô thị mà không cần trình thủ tục chủ trương đầu tư.

Chiều 27/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội với nhiều nội dung đổi mới. Trong đó, nổi bật là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân quyền cho địa phương, tạo hành lang pháp lý linh hoạt, thực tiễn để phát triển hạ tầng đường sắt trong giai đoạn tới.

5(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã trình bày Tờ trình về dự án Luật. Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung các quy định nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia đầu tư hạ tầng đường sắt, cho phép áp dụng đa dạng các hình thức hợp đồng như BT, BOT, BTO, BLT... Địa phương được sử dụng ngân sách để tham gia giải phóng mặt bằng, đầu tư một số hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đầu tư, đặc biệt với các công trình kết nối giữa đường sắt quốc gia, địa phương và đường bộ.

Đặc biệt, để đơn giản hóa thủ tục, dự thảo cho phép áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay cho thiết kế cơ sở; UBND cấp tỉnh được quyết định đầu tư các dự án đường sắt đô thị mà không cần trình thủ tục chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, luật hóa cơ chế khai thác quỹ đất quanh nhà ga (TOD) nhằm huy động thêm nguồn lực phát triển hạ tầng.

Dự thảo phân loại hệ thống đường sắt thành quốc gia, địa phương (gồm đường sắt đô thị và thông thường), và chuyên dùng. Quy định mới tháo gỡ vướng mắc về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư; bổ sung cơ chế cho thuê, nhượng quyền khai thác tài sản nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia quản lý và vận hành. Ngoài ra, dự thảo cũng cập nhật quy định phân loại ga đường sắt và cho phép mở rộng các hoạt động dịch vụ trong khu ga để tăng hiệu quả khai thác.

Sửa đổi các quy định về đăng kiểm phương tiện, cấp phép lái tàu, giao Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết để phù hợp từng loại hình. Bổ sung yêu cầu duy trì hệ thống quản lý an toàn trong vận hành đường sắt, đặc biệt đối với các tuyến có yêu cầu kỹ thuật cao. Đồng thời, cắt giảm một số thủ tục liên quan đến chứng nhận an toàn để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Luật quy định rõ việc bảo đảm kết nối đồng bộ giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác; yêu cầu các cảng hàng không, cảng biển, cảng cạn phải có quy hoạch kết nối đường sắt. Chủ đầu tư các dự án cảng bắt buộc dành quỹ đất và đầu tư hạ tầng kết nối đường sắt.

Dự thảo bổ sung quy định ưu tiên phát triển sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực đường sắt, yêu cầu nhà thầu quốc tế chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực. Đồng thời, tạo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu – sản xuất trong nước, hình thành trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ đường sắt.

Từ 20 thủ tục hành chính trong Luật 2017, dự thảo chỉ giữ lại 6, cắt giảm 4, sửa đổi 10 thủ tục. Đồng thời, phân quyền cho địa phương thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp phép, đăng kiểm, quản lý vận hành đường sắt chuyên dùng và địa phương. Một số thẩm quyền của Thủ tướng được chuyển cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng, giúp tăng tính chủ động và linh hoạt trong triển khai.

6.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Đại diện cơ quan thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đa số ĐBQH cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo, đồng thời đề xuất Quốc hội tiếp tục làm rõ phạm vi điều chỉnh đối với đường sắt đô thị, tốc độ cao, chuyên dùng; hoạt động kinh doanh đường sắt và khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga.

Về phân loại và cấp kỹ thuật đường sắt, Ủy ban đề nghị quy định cụ thể tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng loại hình; làm rõ sự kết nối trong hệ thống đường sắt quốc gia và tính hợp lý về phân cấp quản lý, nguồn lực đầu tư.

Về quy hoạch, cần rà soát để đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch. Đối với kết nối giao thông, cần bổ sung quy định về kết nối đồng bộ giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác và quy định liên ngành liên quan đến cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không.

Liên quan đến đầu tư công trình đường sắt và khai thác quỹ đất quanh ga, có ý kiến tán thành chủ trương tháo gỡ thủ tục để thúc đẩy đường sắt đô thị, nhưng cũng có ý kiến đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền, tránh vượt quá khuôn khổ pháp luật hiện hành.

Ủy ban đề xuất bổ sung quy định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số và hình thành trung tâm nghiên cứu chuyên sâu. Với chính sách hỗ trợ vận tải phục vụ an sinh xã hội (Điều 62), đề nghị làm rõ tiêu chí, quy trình bù chi phí và cơ chế công khai minh bạch.

Ủy ban đề xuất Quốc hội thảo luận kỹ các điều khoản có tính đặc thù đang được thực hiện thí điểm, trước khi luật hóa chính thức.

    Nổi bật
        Mới nhất
        UBND cấp tỉnh được quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO