Việt Nam - Hà Lan: Hợp tác toàn diện hướng tới phát triển bền vững

Thứ hai, 08/04/2019 09:15 AM - 0 Trả lời

(CLO) Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác, phát triển giữa hai nước, làm sâu sắc thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hà Lan.

Thủ tướng hai nước Việt Nam - Hà Lan ký các văn bản Thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 7/2017). Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Hà Lan

Thủ tướng hai nước Việt Nam - Hà Lan ký các văn bản Thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 7/2017). Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Hà Lan

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte sẽ thăm chính thức Việt Nam vào ngày 9/4/2019.

Duy trì quan hệ chính trị tin cậy

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Trải qua hơn 45 năm, hai nước đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp. Quan hệ Việt Nam - Hà Lan hiện được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả.

Quan hệ giữa chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan trong những năm qua ngày càng được củng cố và tăng cường. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm song phương và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, tạo cơ sở quan trọng tăng cường quan hệ chính trị tin cậy và hợp tác tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực.

Thông qua các chuyến thăm cấp cao, hai bên đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác, ký kết các hiệp định, thỏa thuận quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Đối tác chiến lược về thích ứng với Biến đối khí hậu và Quản lý nước (2010) và Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững - An ninh lương thực (2014).

Trong các chuyến thăm cấp cao phải kể đến Nhà Vua Hà Lan Willem - Alexander đã thăm Việt Nam hai lần (2005, 2011) với tư cách là Thái tử Hà Lan, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm Việt Nam năm 2014. Các chuyến thăm cấp cao gần đây nhất đến Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (7/2017) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (3/2018) vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan. 

Tại diễn đàn quốc tế đa phương và khu vực, Việt Nam và Hà Lan có sự hợp tác hiệu quả, thường xuyên ủng hộ các sáng kiến của nhau, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU.  Hai nước đã ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an, Hội đồng nhân quyền, ECOSOC. Hà Lan cũng ủng hộ Việt Nam thúc đẩy  quan hệ với EU, chia sẻ lập trường về việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng giúp Hà Lan tăng cường quan hệ và tiếp cận với thị trường ASEAN dễ dàng hơn.

Đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực

Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Hà Lan - Việt Nam không ngừng phát triển. Hà Lan đã trở thành đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch thương mại tăng đều qua các năm (năm 2014 đạt 3,77 tỷ USD, năm 2018 đạt khoảng 8 tỷ USD, trong đó Việt Nam chủ yếu xuất siêu). 

Kể từ năm 2016, Hà Lan đã vươn lên trở thành thị trường lớn nhất cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ở châu Âu và là đối tác thương mại EU lớn thứ hai của Việt Nam sau Đức. Về đầu tư, Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư Châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2018, Hà Lan xếp thứ 10 trong số 116 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 318 dự án có tổng số vốn đăng ký là 9,328 tỉ USD. Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn Hà Lan hoạt động hiệu quả như Heineken, Unilever, Royal Dutch Shell, Friesland Campina...

Trong những năm qua, quan hệ giữa hai nước đã chuyển sang giai đoạn đối tác hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, công nghệ cao, năng lượng, kinh tế biển và dịch vụ vận tải logistics, thành phố thông minh.

Về quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước, hai bên đã thiết lập cơ chế Ủy ban liên chính phủ để triển khai cơ chế hợp tác này. Nhiều dự án trong lĩnh vực này được triển khai hiệu quả đặc biệt là Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn dài hạn đã đưa ra nhiều khuyến nghị, tập trung giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đưa Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một khu vực kinh tế phát triển bền vững, dựa trên lợi thế tự nhiên của vùng.

Hiện nay, Hà Lan tiếp đang tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm quản trị, cũng cấp giải pháp ứng phó bền vững hỗ trợ các Bộ ngành, địa phương Việt Nam giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách như chống khô hạn, mặn xâm nhập, đặc biệt là xử lý vấn đề sụt lún và xói mòn bờ sông, bờ biển...

Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực vào năm 2014 nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Thực tế trong những năm qua, với kinh nghiệm, chuyên môn, công nghệ, Hà Lan từng bước giúp Việt Nam xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững trong các lĩnh vực rau - hoa quả, làm vườn, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản... giúp Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị xuất khẩu. Hiện nay, Hà Lan đang hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất và chế biến nông sản. Tháng 3/2017, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Tổ chức Hợp tác xã Hà Lan Agriterra đã ký “Chương trình hỗ trợ phát triển tổng thể lĩnh vực hợp tác xã tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm” nhằm tạo phát triển về chất lượng và quy mô các hợp tác xã tại Việt Nam, nâng cao vai trò của hợp tác xã trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp - nông dân - nông thôn và tăng xuất khẩu bền vững, mở ra có hội hợp tác mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tham quan đền Ngọc Sơn (Hà Nội), trong chuyến thăm chính thức lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 16-17/6/2014. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tham quan đền Ngọc Sơn (Hà Nội), trong chuyến thăm chính thức lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 16-17/6/2014. Ảnh: TTXVN

Về giao thông vận tải, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác quan trọng như Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Hà Lan về vận tải hàng không vào năm 1993, sau đó là Nghị định thư sửa đổi Hiệp định giữa Việt Nam và Hà Lan về vận tải hàng không vào năm 2011.

Tháng 2/2018, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Sigrid Kaag, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Chương trình hợp tác Việt Nam - Hà Lan về hàng hải, cảng, vận tải thủy nội địa giai đoạn 2018 - 2020. Chương trình này bao gồm hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp hai nước nước về vấn đề phát triển hành lang vận tải đường thủy nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư, phát triển, khai thác hệ thống hậu cần hàng hải - cảng - vận tải thủy nội địa; đào tạo nguồn nhân lực...

Trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam và Hà Lan đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác vào năm 2011, tập trung vào hợp hợp tác trao đổi thông tin về công nghệ cao, trao đổi chuyên gia, hỗ trợ đào tạo và kỹ thuật dầu khí. Hà Lan cũng đã thiết lập chương trình gồm một nhóm công ty công nghệ Năng lượng Hà Lan tiên tiến (AETIN) nhằm kết nối, mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực dầu và khí.

Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Hà Lan đã bắt đầu rất sớm từ những năm 1960 với việc các trường đại học Hà Lan cùng Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV, thành lập năm 1968) đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ, giảng viên trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp.

Cho đến nay, giáo dục - đào tạo vẫn được coi là lĩnh vực hợp tác thành công giữa Việt Nam và Hà Lan, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, quản lý nước. Viện nước Hà Lan (IHD), Viện đồng bằng (Deltares), trường đại học nông nghiệp Hà Lan (Wageningen) đang là những đối tác quan trọng của các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam trong lĩnh vực này. Hiện nay đang có nhiều nghiên cứu sinh của Việt Nam sang theo học các chương trình đào tạo tại Hà Lan theo học bổng của Hà Lan và Việt Nam. Hàng năm, Chính phủ Hà Lan (thông qua Bộ Ngoại giao Hà Lan) hỗ trợ cho Việt Nam một số chương trình đào tạo chuyên sâu về luật quốc tế, quan hệ quốc tế, luật biển, công ước quốc tế về chống ra tấn (UNCAT). Giữa các bộ ngành Việt Nam và Hà Lan đều có chương trình hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực.

Ngoại giao nhân dân và hợp tác giữa các địa phương là cầu nối quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan. Cùng với ngoại giao nhân dân, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Hà Lan đang là một hình thức hợp tác hiệu quả và thiết thực. Hiện nay, hai bên đã thiết lập được các cặp địa phương hợp tác điển hình như Hà Nội - Amsterdam, thành phố Hồ Chí Minh - Rotterdam, Bình Dương - Eindhoven, An Giang - Oss, Vĩnh Long - Gederland; Bình Phước - Emmen...

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu mốc phát triển mới trong quan hệ hai nước. Ngoài mục tiêu làm sâu sắc thêm các khuôn khổ hợp tác đã có, chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte sẽ thúc đẩy hợp tác hai nước trong một số lĩnh vực mới như kinh tế tuần hoàn, trồng trọt, công nghệ cao... và sẽ có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết trong dịp này. Các doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam rất kỳ vọng vào chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte, tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo động lực, chất xúc tác mới mang lại những triển vọng hợp tác tốt đẹp cho hai nước trong thời gian tới.

Thế Vũ

Tin khác

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức
Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(CLO) Dự kiến, kỳ họp thứ 16 HĐND TP Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) sẽ xem xét, quyết nghị 08 nội dung, trong đó có Nghị quyết về “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”.

Tin tức
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

(CLO) Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Tin tức