“Xếp bút nghiên” dấn thân cho cách mạng

Thứ sáu, 28/08/2020 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”...

Bài liên quan

Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hàng triệu người Việt Nam yêu nước đã nhanh chóng quy tụ dưới ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Minh, góp phần không nhỏ vào cuộc vùng lên “đem sức ta tự giải phóng cho ta”. Trong số đó, không thể không nhắc đến lực lượng thanh niên, sinh viên yêu nước, những con người đã “xếp bút nghiên” dấn thân cho cách mạng.

“Thanh xuân không hoang phí”

Đó là trải lòng của người cách mạng lão thành Lê Đức Vân - cách đây 75 năm là chàng trai hào hoa của đất kinh kỳ Thăng Long, tham gia Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu - đội quân đã là lực lượng nòng cốt của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Hà Nội tháng 8 năm 1945. “Ngày 17/8/1945, thanh niên Thủ đô tham gia cuộc mít tinh, ủng hộ Việt Minh, đả đảo chính quyền tay sai. Lúc đó, phong trào lên rất cao, lan tỏa đi khắp các thành phố. Chúng tôi nghĩ rằng đã cống hiến tuổi thanh xuân không hoang phí và luôn luôn tự hào đã cống hiến cuộc đời mình cho cách mạng”.

xep but nghien dan than cho cach mang hinh 1

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945.

Nhưng không phải đến năm 1945, mà từ năm 1939, việc thực dân Pháp đàn áp dã man cách mạng, bắt bớ cầm tù nhiều người yêu nước đã khiến mọi sự tựa “tức nước vỡ bỡ” đã thổi bùng sự bất bình cũng như thức tỉnh lòng yêu nước trong giới sinh viên, tri thức Hà Thành. Từ sự thức tỉnh đó, tháng 9/1940, hạt nhân đầu tiên của phong trào thanh niên, sinh viên yêu nước Hà Nội - đội Ngô Quyền - tổ chức yêu nước bí mật của học sinh trường Bưởi ra đời. Tổ chức ấy chính là tiền đề để 4 năm sau, tháng 8/1944, tại số 46 Bát Đàn, Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu được thành lập với khoảng 60 thành viên.

“Thời kỳ bí mật từ năm 1941 cho đến năm 1945, thanh niên chúng tôi tìm sách để đọc, nói với nhau những điều mình biết, rỉ tai nhau, rồi tìm những tờ báo, các sách cách mạng được xuất bản hồi đó để chuyền tay nhau đọc. Trên cơ sở đó thì giác ngộ cho nhau”, nhà cách mạng lão thành Vũ Oanh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ðoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh Hà Nội, nhớ lại.

Bất chấp sự truy xét gắt gao của thực dân Pháp, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu hoạt động công khai. 60 thành viên đội được phân công thực hiện các nhiệm vụ rải, dán truyền đơn, truyền tay các tin tức cách mạng, tham gia phá các cuộc triển lãm, mít tinh do địch tổ chức, phá kho thóc của Nhật chia cho dân, diệt ác ôn mật thám và bọn đầu sỏ các Đảng phái phản động thân phát xít Nhật…

“Được vào đội tuyên truyền, đi phát tờ rơi, truyền đơn, vận động đồng bào là một vinh dự. Tối đến đưa đồng bào sang sông, từ Phú Thượng ra các vùng ngoại ô. Chúng tôi cho truyền đơn vào trong chai, đục thủng đáy chai ra, ném vào chỗ tòa báo Nhân dân bây giờ ở phố Hàng Trống. Các chị lớn tuổi hơn thì bắc loa lên gác nói tiếng Pháp, vận động binh lính Pháp đầu hàng” - một nữ thanh niên Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu nhớ lại.

 Cũng chính từ những gương mặt hoạt động sôi nổi ấy, Thành bộ Việt Minh Hà Nội đã tuyển chọn những đoàn viên thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu nhiệt tình, dũng cảm, khỏe mạnh vào các đội tự vệ và đội tuyên truyền xung phong, để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa sắp diễn ra. Trong đó, “điểm nhấn” quan trọng nhất chính là sự kiện chiều ngày 17/8/1945, tại Nhà hát Lớn khi Tổng hội Viên chức dự định tổ chức mít tinh tại Nhà hát Lớn để ủng hộ chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim.

Nhưng chúng không thể ngờ rằng thời điểm đó, khí thế cách mạng giành chính quyền tại Hà Nội cũng như trên cả nước đã trở nên sục sôi hơn bao giờ hết.

Ngày 13/8, nghe tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước  Ngay đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư phụ trách. Ủy ban đã ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa với thông điệp “Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”.

Cũng ở thời điểm lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam đã gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó nêu rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Ngày 16/8/1945, Quốc dân Ðại hội họp và ra Nghị quyết về giành chính quyền toàn quốc và thi hành mười chính sách lớn của Việt Minh, Ủy ban dân tộc giải phóng được thành lập  gồm 15 ủy viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Thường trực Ủy ban gồm: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Ðức Hiền trực tiếp chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa.

Từ khí thế tổng khởi nghĩa hừng hực ấy, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa, các chiến sĩ Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu được giao nhiệm vụ phá bằng được cuộc mít tinh chiều 17/8. “Ngày 17 là ngày đáng ghi nhớ nhất. Không ngờ rằng mình có thể lập một tổ đặc biệt để cướp phá diễn đàn. Sau này, chúng tôi mới biết được là nhờ phá được cuộc mít tinh ấy mới đủ điều kiện để khởi nghĩa” - ông Thái Hy, Trưởng ban Liên lạc thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu nhớ lại.

Việc phá lễ mít tinh của địch ngày 17/8 đã tạo tiền đề cho cuộc khởi nghĩa 19/8 ở Hà Nội thành công và trong chính những ngày tổng khởi nghĩa này, các chiến sĩ của Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu một lần nữa chứng tỏ là lực lượng xung kích.

Sáng sớm 19/8, cả Hà Nội vùng dậy. Lực lượng vũ trang tổ chức thành hai cánh tỏa đi đánh chiếm cơ quan trọng yếu của địch. Trong đó, Đội  Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu đảm nhiệm cánh thứ hai có nhiệm vụ chiếm Trại Bảo an binh và Ty Liêm phóng Bắc kỳ. Đến chiều tối ngày 19/8/1945, Việt Minh làm chủ toàn thành phố, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi.

“Đem tài ra cứu nước nhà trong cơn nguy biến”

“Mục đích của Thanh niên Tiền phong (TNTP) đã luôn chỉ là “đem tài ra cứu nước nhà trong cơn nguy biến”. Điều đó làm nên khí thế yêu nước rất mãnh liệt của thời kỳ tiền khởi nghĩa” -  nhà cách mạng lão thành Nguyễn Trọng Xuất (tức Sáu Nhân) đã nói như vậy về TNTP – tổ chức chính trị mạnh nhất và là lực lượng chủ yếu tham gia giành chính quyền ở Nam Bộ trong Cách mạng Tháng Tám, mà chính ông, đã là thành viên của Thiếu niên Tiền phong, một bộ phận thuộc TNTP, từ khi còn là một thiếu niên 13 tuổi.

Giờ đây nhắc nhớ về một lực lượng đã từng làm nòng cốt trong cuộc tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn năm 1945, ít ai có thể ngờ rằng TNTP ra đời từ “ý tưởng” của Chính phủ Nhật.

Chuyện là, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9/3/1945, Chính phủ Nhật chủ trương muốn tập hợp lực lượng thanh niên để chống lại Đồng minh nên đã cử Thống đốc Nam Kỳ Minoda Fujio và Tổng lãnh sự Ida đã đến gợi ý với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn thành lập một đoàn thể quy tụ thanh niên nhằm lôi kéo thanh niên, trí thức ủng hộ Nhật, chống Pháp.

xep but nghien dan than cho cach mang hinh 2

Cách mạng Tháng Tám tại Sài Gòn.

Phía Nhật không thể ngờ rằng người trí thức Phạm Ngọc Thạch lại là một đảng viên cộng sản bí mật. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã báo cáo lại “ý tưởng” ấy với Xứ ủy Nam Kỳ, đứng đầu là ông Trần Văn Giàu. Xứ ủy Nam Kỳ muốn lợi dụng đề nghị này để nhanh chóng xây dựng lực lượng rộng rãi của ta, đã đồng ý để bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cùng một số người có cảm tình với cách mạng: Nha sĩ Nguyễn Văn Thủ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, sinh viên Huỳnh Văn Tiểng đứng ra lập một tổ chức thanh niên do Đảng Cộng sản lãnh đạo, lấy tên là  TNTP, cờ, khẩu hiệu đều do ta đặt ra, giao nhiệm vụ khéo léo biến tổ chức này thành tổ chức quần chúng của Đảng để từ đó tạo được bình phong hợp pháp cho các đảng viên cộng sản hoạt động.

Từ chủ trương ấy, ngày 1/6/1945, tổ chức  TNTP ra đời. Điều đặc biệt là ngay từ thời điểm ấy, dù còn rất non trẻ nhưng tổ chức  TNTP đã có ngay cho mình cơ quan ngôn luận là báo Tiến! xuất bản hằng ngày.  “Do có danh nghĩa công khai nên tổ chức lớn mạnh nhanh, khí thế lớn lắm; trong không tới 3 tháng đã thu hút 1,2 triệu thanh niên ở khắp Sài Gòn, Long An, Mỹ Tho, Tây Ninh, Đồng Nai. Phần lớn thành viên là tiểu tư sản học sinh - sinh viên, tức là trí thức” - nhà cách mạng lão thành Nguyễn Trọng Xuất nhớ lại. Trong hàng ngũ  TNTP, có những gương mặt sinh viên rất nổi tiếng: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Việt Nam, Võ Văn Khải, Mai Văn Bộ… cũng như rất đông những trí thức nổi tiếng thời bấy giờ: ngoài  bác sĩ Phạm Ngọc Thạch còn có luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, nhà văn Thiếu Sơn, nhà nghiên cứu Lê Thọ Sơn, Thuần Phong, Huỳnh Xuân…

Hoạt động TNTP thời kỳ đó được xem là rất sôi nổi với rất nhiều hoạt động: canh gác, giữ gìn an ninh trật tự, tổ chức dạy bình dân học vụ, quyên góp cứu đói đồng bào miền Bắc, miền Trung, tổ chức lấy súng của Nhật, của Pháp trang bị cho mình và tổ chức huấn luyện quân sự.… Chỉ một tháng sau khi thành lập, TNTP đã trở thành tổ chức đoàn thể mạnh nhất, được đông đảo nhân dân tín nhiệm. “TNTP là ngọn cờ mà người trí thức ở Nam Bộ giương lên. Quần chúng nhìn vào tổ chức, thấy có những trí thức như ông Phạm Ngọc Thạch, người ta mới tin tưởng” - nhà cách mạng lão thành Nguyễn Trọng Xuất lý giải về lý do vì sao  TNTP liên tục được mở rộng, có thêm TNTP Ban xí nghiệp (tức TNTP của công nhân), TNTP Phụ lão (tức Phụ lão Tiền phong), Thiếu niên TP, Phụ nữ TP… trở thành một mặt trận dân tộc thống nhất lôi cuốn hầu hết các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo tham gia.

Những ngày trung tuần tháng 8/1945, trong  bầu không khí cách mạng, tổng khởi nghĩa đang ngày càng sục sôi khắp cả nước, ngày 14/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện thì 2 ngày sau đó, ngày 16/8/1945, TNTP công khai tuyên bố là thành viên của Mặt trận Việt Minh. Ngày 19/8/1945, TNXP tổ chức lễ tuyên thệ với sự tham gia của 70.000 người. Ngày 23/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị quyết định tối 24/8/1945 sẽ khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn – Gia Định. TNTP là lực lượng xung kích tham gia khởi nghĩa.

“Sài Gòn, vào đêm 24, đã vùng lên giành chính quyền qua cuộc tổng khởi nghĩa. Ghi nhớ ngày trọng đại ấy không thể không tôn vinh TNTP, đồng nghĩa với tôn vinh sự năng động, sáng tạo của người Sài Gòn và Nam Bộ” - những nhận xét ấy của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng âu cũng chính là sự ghi nhận của lịch sử dành cho đội ngũ những người trẻ Nam Bộ trong tổ chức TNXP - những người đã đứng lên cùng cả nước tổng khởi nghĩa, giành lại cho mình nền độc lập, tự do.

Hà Anh

Tin khác

Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

(CLO) UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1972/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa giới hành chính các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện"; cùng với đó, có các giải pháp từng khâu trong việc bảo đảm cung ứng điện, gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện; yêu cầu dứt khoát hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trước 30/6.

Tin tức
Bộ Công Thương đề xuất 2 phương thức nhà máy điện gió, điện mặt trời bán trực tiếp cho khách hàng

Bộ Công Thương đề xuất 2 phương thức nhà máy điện gió, điện mặt trời bán trực tiếp cho khách hàng

(CLO) Bộ Công Thương đề xuất đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời (Đơn vị phát điện) sẽ được bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn (các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ) thông qua đường dây riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.

Tin tức
Huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đạt 27/31 tiêu chí thành lập quận

Huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đạt 27/31 tiêu chí thành lập quận

(CLO) Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, về kết quả thực hiện các tiêu chí thành lập quận, đến nay, huyện đã đạt 27/31 tiêu chí.

Tin tức
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội kiến Chủ tịch Quốc hội Venezuela

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội kiến Chủ tịch Quốc hội Venezuela

(CLO) Tiếp Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Jorge Rodriguez khẳng định Venezuela luôn coi Việt Nam là nước bạn bè thân thiết, mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển, cũng như học tập kinh nghiệm Việt Nam mở cửa nền kinh tế, đa dạng hoá quan hệ với các đối tác quốc tế.

Tin tức