10 năm trăn trở cùng vấn nạn của ngành y

Thứ tư, 22/06/2022 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tình trạng bác sỹ nghỉ việc rời khỏi ngành hay nhảy từ “công” sang “tư” đã là hiện tượng không còn mới. Đại dịch COVID-19 chỉ là “giọt nước làm tràn ly” khi nhân viên y tế phải gánh thêm quá nhiều áp lực, mệt mỏi, khiến quyết định nghỉ việc càng dễ dàng.

Bài liên quan

Với độ dài 3 kỳ, tác phẩm Đừng để “giọt nước tràn ly” của nhà báo Ngô Thị Phương Thanh – Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai phản ánh bức tranh toàn cảnh về thực trạng trên đồng thời lột tả sắc nét những trăn trở, nỗi niềm của những người khoác áo blousse trắng. Tác phẩm được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI – năm 2021 đánh giá cao.

10 nam tran tro cung van nan cua nganh y hinh 1

Với nhà báo Phương Thanh, làm báo là hành trình không có điểm dừng – Nguồn: NVCC

Nhiều năm trăn trở

Trong 2 năm chống dịch COVID-19, hàng nghìn nhân viên y tế đã xin nghỉ việc do phải làm việc liên tục trong môi trường nguy hiểm, áp lực. Tại Đồng Nai, chỉ trong năm 2021, toàn tỉnh có hơn 300 nhân viên y tế rời ngành, gồm cả lãnh đạo các đơn vị y tế và nhiều bác sỹ, điều dưỡng có kinh nghiệm lâu năm.

Tình trạng bác sỹ nghỉ việc rời khỏi ngành hay nhảy từ “công” sang “tư” không còn mới mà xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước hằng năm. Đại dịch COVID-19 chỉ như “giọt nước làm tràn ly” khi nhân viên y tế phải gánh thêm quá nhiều áp lực, mệt mỏi, khi quyết định nghỉ việc càng dễ dàng.

Với độ dài 3 kỳ, tác phẩm Đừng để “giọt nước tràn ly” phản ánh bức tranh toàn cảnh về thực trạng trên, xác định rõ nguyên nhân các bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc do thu nhập quá thấp trong khi công việc lại vất vả, nguy hiểm và áp lực cao. Trong đó, giải pháp để giữ chân các “thiên thần áo trắng” vẫn còn “loay hoay” ở các cấp, các địa phương suốt nhiều năm qua.

Chia sẻ về hậu trường đằng sau tác phẩm, nhà báo Phương Thanh cho biết đã gắn bó với lĩnh vực y tế hơn 10 năm, tiếp xúc, làm việc với rất nhiều chuyên gia, y bác sỹ tại Đồng Nai. Chị nhìn thấy giữa nghề báo và nghề y có những vinh quang, nhọc nhằn khá tương đồng.

“Đó là bất cứ nơi nào cần chúng ta đều phải xông vào; bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng; bất chấp nguy hiểm và khó khăn phía trước; cứ gọi là đi ngay. Nghề y và nghề báo còn giống nhau ở chỗ đều cần làm việc có “tâm”; đều cần làm việc với một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Dấn thân vào nghề với nhiều vất vả, rủi ro và cả niềm trăn trở, nhưng khi một bệnh nhân được chữa lành hay một tác phẩm báo chí của mình được công chúng quan tâm, đón nhận thì vui sướng vô cùng”, nhà báo Phương Thanh chia sẻ.

Đồng cảm với những khổ nhọc thầm lặng, bài toán chưa có lời giải của ngành y, loạt bài Đừng để “giọt nước tràn ly” là cả quá trình mà tác giả Phương Thanh trăn trở suốt nhiều năm tác nghiệp ở lĩnh vực y tế.

Năm 2021, Đồng Nai phải đối mặt với đợt dịch khốc liệt nhất trong 4 đợt COVID-19, ngành y tế có thời điểm rơi vào khủng hoảng về nhân lực, phải đề nghị Bộ Y tế và nhiều tỉnh thành trong nước viện trợ nhân lực, chị cùng các đồng nghiệp phòng Thời sự Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai xông vào các “điểm nóng” như các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến, các khu điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để tác nghiệp; theo chân các y, bác sỹ đi đến những địa bàn khó khăn, xa xôi để tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân…

Thực tế sống động ấy đã là tạo cảm xúc, chất liệu cũng như thôi thúc nhà báo Phương Thanh quyết tâm làm nên loạt bài về vấn đề bác sỹ nghỉ việc, thiếu nhân lực của ngành y tế.

10 nam tran tro cung van nan cua nganh y hinh 2

Nhà báo Ngô Thị Phương Thanh – Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai. Ảnh: NVCC

Không cần phải “đao to, búa lớn”

Tác nghiệp trong môi trường dịch bệnh với điều kiện hạn chế, nguy cơ lây nhiễm lại rất cao, nhà báo Phương Thanh phải mất gấp đôi, gấp ba thời gian so với thông thường để hoàn thành tác phẩm. Đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng chị vẫn luôn nhủ lòng “nhân viên y tế họ làm được thì mình cũng làm được”.

“Rất cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế đã luôn hỗ trợ, giúp chúng tôi tác nghiệp an toàn. Cũng nhờ xông vào những nơi gọi là “tâm dịch” mà tôi càng có sự đồng cảm, thấu hiểu với các y, bác sỹ, nhân viên y tế. Họ chịu quá nhiều áp lực và hy sinh nhưng thu nhập lại ít ỏi, thật sự chưa xứng đáng. Nhiều bác sỹ, điều dưỡng trẻ có nói vui rằng: “Chị viết làm sao cho bọn em đỡ khổ nha!”. Điều đó càng thôi thúc tôi thực hiện nhiều phóng sự về sự vất vả, hy sinh thầm lặng của nghề y” - nhà báo Phương Thanh trải lòng.

Chị đồng thời nhắc lại lời của một đồng nghiệp từng chia sẻ với mình “nhiều bài báo được xem là thuyết phục, có “tầm”, thường không phải do tác giả nêu lên những vấn đề “đao to, búa lớn” mà là nêu lên được những điều bức xúc, gần gũi, với cách thể hiện chân thật, sinh động, ngắn gọn, dễ nhớ”. “Tôi nghĩ bài viết của mình là một tác phẩm như vậy”, nhà báo Phương Thanh nói.

Hành trình không có điểm dừng

Vốn là phóng viên truyền hình trước khi chuyển sang phát thanh 3 năm gần đây, nhà báo Phương Thanh hiểu rõ những ưu thế mà loại hình này mang lại. Đó là việc tác nghiệp gọn nhẹ hơn các loại hình khác rất nhiều, đôi lúc chị chỉ cần ghi âm hoặc phỏng vấn qua điện thoại.

Khi làm truyền hình, tôi nhiều lúc gặp trở ngại khi đề nghị phỏng vấn nhân vật, họ ngại xuất hiện, ngại nói về mình hay áp lực đứng trước ống kính. Song, với phát thanh thì dễ giãi bày hơn. Đây cũng là một trong những lý do tôi lựa chọn thể hiện tác phẩm bằng loại hình phát thanh. Trong tác phẩm của tôi có những phát biểu của các y bác sĩ đã nghỉ việc, nếu đề nghị trả lời phỏng vấn để lên tivi thì chắc chắn không dễ để họ chia sẻ”, nhà báo Phương Thanh bộc bạch.

Ưu thế là vậy, song để có một tác phẩm phát thanh chất lượng, thu hút người nghe lại không phải đơn giản. Bởi ở hiện trường, phóng viên “mắt thấy, tai nghe”, nhưng tái hiện câu chuyện đó như thế nào để thính giả cũng cảm nhận được?

Đặc biệt, khi thực hiện tác phẩm Đừng để “giọt nước tràn ly”, nhà báo Phương Thanh cho biết Phòng Hồi sức tích cực COVID có rất nhiều âm thanh: tiếng nhân viên y tế, tiếng bệnh nhân ho, rên, lẫn tiếng dụng cụ máy móc… Chị phải ghi âm riêng tiếng động của các loại máy móc để nhờ kỹ thuật viên xử lý. Hay ở những buổi tiêm vaccine hay bệnh viện, nếu không có tiếng động hiện trường mà chỉ có giọng phát thanh viên, chị đều thu thêm tiếng động làm nền cho tác phẩm của mình sinh động, thuyết phục hơn.

10 nam tran tro cung van nan cua nganh y hinh 3

Nữ nhà báo Phương Thanh xông pha nơi “tâm dịch” để thực hiện tác phẩm Đừng để “giọt nước tràn ly”. Ảnh: NVCC.

“Không chỉ chăm chút cho âm thanh hiện trường, tôi còn “chọn mặt gửi vàng”, phân chia kịch bản cho những phát thanh viên có giọng đọc phù hợp để họ thể hiện. Nói chung, nếu như truyền hình phải chăm chút cho hình ảnh thì phát thanh phải cố gắng hết sức để tái hiện không gian bằng âm thanh, dẫn dắt cảm xúc của người nghe bằng âm thanh”, tác giả Phương Thanh cho biết.

Ngoài đầu tư cho nội dung, nhà báo Phương Thanh luôn chủ động tham khảo, học hỏi cách thể hiện từ đồng nghiệp để tạo thêm sự hấp dẫn cho tác phẩm. Chị cho rằng, chính những yếu tố kỹ thuật này sẽ góp phần giúp tác phẩm tạo được ấn tượng với thính giả.

“Riêng với Đừng để “giọt nước tràn ly”, tôi mong rằng sẽ góp thêm tiếng nói, giúp từng bước tháo gỡ vướng mắc, tìm ra lời giải thỏa đáng cho bài toán mà ngành y phải đối diện trong suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, đối với tôi, làm báo là một hành trình không có điểm dừng, khi tác phẩm của mình được công chúng đón nhận sẽ là nguồn năng lượng tích cực để tôi nối tiếp chặng đường dài sắp tới”, nhà báo Phương Thanh nhấn mạnh.

Kỳ Hoa

Bình Luận

Tin khác

Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

(CLO) Sáng 29/3, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8), Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Sở VH-TT TP Đà Nẵng tổ chức khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8-2024.

Nghề báo
Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo