Thực hiện Quy định đạo đức người làm báo - không ai ngoài cuộc:

Bài 3: Chú trọng công tác bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức người làm báo

Thứ năm, 20/05/2021 14:02 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đó là tinh thần xuyên suốt trong hoạt động của Liên Chi hội Đài Truyền hình Việt Nam (THVN). Thậm chí, đạo đức người làm báo luôn được đề cao và trở thành thước đo quan trọng cho sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của mỗi nhà báo, mỗi hội viên của Đài Truyền hình Việt Nam.

Bài liên quan

Tích cực hưởng ứng, triển khai tới các hội viên trong đơn vị

Nhà báo Đức Huỳnh - Thường trực văn phòng Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ: Báo chí Việt Nam luôn vận động song hành cùng sự phát triển của đất nước, có vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội. Ở bất cứ thời kỳ nào, đạo đức báo chí luôn được đề cao. Đạo đức nghề nghiệp thuộc về phạm trù cá nhân, gắn với giá trị con người mà với nghề báo đó là sự trung thực, khách quan, thận trọng, không đi ngược lại với tôn chỉ mục đích nghề nghiệp và giá trị đạo đức chung của xã hội. Những năm gần đây, thỉnh thoảng, chúng ta lại chứng kiến một số sự việc như: Nhà báo A tống tiền doanh nghiệp, Công an tỉnh B bắt quả tang phóng viên cưỡng đoạt hàng trăm triệu đồng của doanh nghiệp…

Chính những sự việc nghiêm trọng đã tạo ra một hình ảnh méo mó của báo chí trong mắt xã hội, làm ảnh hưởng vô cùng lớn đến những người làm báo chân chính. Qua mỗi sự việc lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc vi phạm nghiêm trọng đạo đức báo chí, đi sai lệch với những tôn chỉ mục đích nghề nghiệp, cao hơn là vi phạm pháp luật. Thực tiễn đã đặt ra cho công tác bồi dưỡng và rèn luyện đạo đức người làm báo cấp thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo được quy định trong Luật Báo chí năm 2016. Tháng 12/2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành “10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”. Tôi cho rằng, đây là chuẩn mực về trách nhiệm đạo đức của người làm báo khi làm nghề. Đồng thời những quy định ấy cũng khẳng định thêm một lần nữa vai trò quan trọng và quyết định của đạo đức đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, các cấp Hội, Liên Chi hội, Chi hội và mỗi người làm báo Việt Nam.

Phóng viên VTV tác nghiệp trong đại dịch Covid-19.

Phóng viên VTV tác nghiệp trong đại dịch Covid-19.

Trên tinh thần ấy, với truyền thống hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, Đài Truyền hình Việt Nam luôn coi đội ngũ làm nghề là kho tài sản vô giá, tạo ra thương hiệu cho Đài trong nhiều năm qua. Để có được lực lượng nhà báo giỏi nghề, tâm huyết là sự chỉ đạo sát sao và luôn quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Đài, lãnh đạo các đơn vị cũng như sự nỗ lực phấn đấu của từng cá nhân. Môi trường làm báo ở một cơ quan báo hình như VTV là môi trường luôn đề cao sự sáng tạo nhưng cũng không dễ dàng cho những người không biết cố gắng, thiếu sự nhiệt huyết nghề nghiệp.

Đạo đức người làm báo luôn được đề cao và trở thành thước đo quan trọng cho sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của mỗi nhà báo, mỗi hội viên của Đài THVN. Liên Chi hội Đài THVN đã tích cực hưởng ứng, triển khai tới các hội viên trong đơn vị. Cùng với những quy định về đạo đức nghề nghiệp chung thì cơ quan cũng có những quy định riêng về tác nghiệp, về đạo đức hành nghề đối với phóng viên, hội viên...

"Việc đào tạo và bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên, biên tập viên được Liên Chi hội Đài THVN xác định đầu tiên đó là sự cần thiết phải hiểu biết về truyền thống, lịch sử, về bề dày thành tích đáng tự hào của những người làm Truyền hình Việt Nam. Đó là cách tốt nhất nhân lên lòng tự hào, tinh thần, trách nhiệm, yêu cơ quan nơi mình công tác. Có yêu thì mới gắn bó, mới hết mình sáng tạo và cho ra đời các sản phẩm chất lượng truyền tải đến công chúng. Bởi thế, trong các bộ đề thi và phỏng vấn tuyển dụng nhân sự vào Đài hầu như đều có những dạng câu hỏi về hiểu biết Đài THVN, về các chương trình của VTV.

Bên cạnh đó, hằng năm, Đài đều tổ chức hoặc phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho những phóng viên, biên tập viên, quay phim… mới được tuyển dụng để họ hiểu và nắm rõ hơn những quy định về nghề nghiệp, về đạo đức tác nghiệp hay nội quy, quy định của cơ quan" - nhà báo Đức Huỳnh nhấn mạnh.

Bản quy tắc tác nghiệp của VTV

Với số lượng nhà báo, phóng viên đông đảo trải dài trên khắp 3 miền Bắc Trung Nam cùng với guồng quay không ngừng nghỉ 24/24 của kênh sóng, lượng tin bài hằng ngày của VTV là vô cùng lớn, việc đặt ra quy tắc chung về nghề nghiệp truyền hình, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tác nghiệp luôn được Liên Chi hội, lãnh đạo Đài THVN quan tâm và chỉ đạo thực hiện. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2012, qua quá trình xây dựng và nhận được ý kiến đóng góp của các nhà báo uy tín, Bản Quy tắc tác nghiệp của VTV ra đời, trở thành cẩm nang nghề nghiệp, công cụ tham chiếu trong quá trình tác nghiệp dành cho các hội viên, nhà báo của VTV. Mục đích cuối cùng là tạo ra những sản phẩm truyền hình đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức báo chí cao nhất.

Bản Quy tắc này nêu ra 8 nguyên tắc tác nghiệp chính cho phóng viên, biên tập viên VTV. Đó là: Đảm bảo lợi ích dân tộc, lợi ích Quốc gia; Đảm bảo sự chính xác và trung thực; Đảm bảo sự công bằng; Đảm bảo không vụ lợi; Có trách nhiệm đối với xã hội; Đảm bảo sự riêng tư; Đảm bảo quyền lợi và lợi ích của trẻ em; Đảm bảo sự chuẩn mực về văn hóa và ngôn ngữ. Những thước đo đó bắt buộc mỗi phóng viên khi tác nghiệp cần tuân thủ, tránh đi chệch hướng, đảm bảo sự tin cậy của nguồn tin, không bị tác động bởi một yếu tố bên ngoài.

Ngoài ra, để đảm bảo sự chắc chắn còn có những câu hỏi giúp kiểm tra các vấn đề liên quan đến quy tắc tác nghiệp. Chẳng hạn như về tính chính xác, khách quan: Những dữ liệu có được từ nguồn tin nào, có đáng tin cậy? Đã kiểm tra từ nguồn tin khác chưa? Đã kiểm tra mọi chi tiết chưa? Về tính công bằng, cân bằng và không vụ lợi: Đã liên hệ với tất cả các phía liên quan? Trong bài viết của mình, các bên liên quan có được đối xử công bằng? Những người tham gia đóng góp nội dung cho mình đã được đối xử công bằng chưa? Nguồn tin của mình là ai, họ có lợi ích gì khi cung cấp thông tin? Về tác động xã hội và tính pháp lý: Bài viết sẽ có thể ảnh hưởng đến ai? Có những hậu quả nào trước mắt và lâu dài? Có cách nào hạn chế ở mức thấp nhất các tai hại? Có những vấn đề pháp lý nào có thể nảy sinh?...

Một quy trình khép kín, chặt chẽ trong tác nghiệp sẽ giúp phóng viên cân nhắc, lựa chọn và kiểm chứng chính xác nguồn tin mang đến cho khán giả. Bởi một thông tin sai trên sóng truyền hình Quốc gia sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, làm giảm đi uy tín của Truyền hình Việt Nam nói riêng và báo chí nước nhà nói chung. Bản Quy tắc tác nghiệp VTV ra đời đã củng cố thêm, bồi đắp thêm tinh thần trách nhiệm của hội viên, nhà báo trong việc ứng xử với thông tin, chuyên nghiệp hơn trong làm nghề, nêu cao vai trò đạo đức của người làm báo.

Nhà báo Đức Huỳnh chia sẻ thêm: "Bên cạnh Bản Quy tắc tác nghiệp, những nội quy, quy định nội bộ của cơ quan cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của hội viên, nhà báo VTV. Đó là quy định về việc tham gia mạng xã hội, phát ngôn trên mạng xã hội không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan, đơn vị. Liên Chi hội, Đài THVN cũng đặc biệt quan tâm đến cơ chế khen thưởng, khích lệ với những nhà báo giỏi, những chương trình xuất sắc hằng tháng, hằng quý, hằng năm và vào những đợt tuyên truyền lớn của đất nước. Chính điều đó đã tạo động lực rất lớn cho những người làm nghề, tiếp tục cống hiến cho mỗi sản phẩm phục vụ khán giả truyền hình trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Đài THVN cũng nghiêm khắc với những sai phạm trong nghề nghiệp, lợi dụng quyền hạn của nhà báo để trục lợi, làm ảnh hưởng đến danh dự của cơ quan, đơn vị. Khen thưởng khách quan, kỷ luật nghiêm minh là những cơ chế thúc đẩy mỗi nhà báo VTV thêm yêu nghề của mình hơn, gắn bó với công việc, đồng thời cũng tự soi chiếu bản thân, cần cố gắng hơn". 

Có thể nói, việc thực hiện các quy định đạo đức nghề nghiệp do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành cùng với những quy tắc tác nghiệp riêng của Đài Truyền hình Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho hội viên, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, giữ vững được giá trị đạo đức của những người làm báo cách mạng.

Bảo Minh

Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội
Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội
Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội
Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

(CLO) Ngày 17/4, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã trao hàng nghìn ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, đơn vị đang đóng quân tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công tác hội
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội