Nhà báo và những câu chuyện nghĩa tình trong tâm dịch

Bài 3: Chúng tôi đi xin, xin bằng cả tấm lòng

Thứ năm, 19/08/2021 09:37 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vài hôm nay, trên facebook cá nhân, nhà báo Nguyễn Đình Sơn - Báo Thanh niên, thành viên sáng lập nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân đã có đôi dòng chia sẻ những khó khăn trong công việc làm thiện nguyện thời điểm này.

Sự kiện: COVID-19

Bài liên quan

Khi mà dịch bệnh len lỏi tới mọi ngành nghề, người cần giúp ngày một nhiều, người muốn và có thể giúp cũng không còn nhiều kinh phí đóng góp nữa... mới thấu hiểu được hết nỗi niềm của những người làm công việc ấy. Tiếp sức cho hành trình yêu thương và nghĩa tình, thật sự vẫn rất cần những tấm lòng “chỉ để gió cuốn đi”!

Chúng tôi bảo nhau phải làm gì đó thôi... 

Gần 10 năm hoạt động thiện nguyện, làm biết bao chương trình, gặp biết bao hoàn cảnh nhưng với nhà báo Nguyễn Đình Sơn thì chương trình “Chia sẻ rau xanh cùng Sài Gòn chống dịch” có ý nghĩa rất đặc biệt.

Nói về ý tưởng hình thành nên chương trình, nhà báo Đình Sơn cho biết: “Nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân khởi nguồn là tự phát do tôi đứng lên kêu gọi mấy anh em phóng viên và doanh nhân chơi cùng nhau, cùng đam mê công tác thiện nguyện triển khai một số hoạt động rồi tự gọi cái tên đó để cho dễ nhớ.

Trong quá trình tác nghiệp, được đi nhiều nơi, biết đến nhiều hoàn cảnh khó khăn, uy tín của người làm báo lại có khả năng kết nối nhiều bên như chính quyền, các tổ chức... nên suốt gần 10 năm nay từ khi thành lập, năm nào nhóm cũng làm rất nhiều chương trình giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành như quyên góp hỗ trợ đồng bào miền Trung sau mỗi mùa mưa bão, thành lập “ngân hàng” bò, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân, trao học bổng cho trẻ em nghèo...

Dịch bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh, bà con nghèo khắp nơi đều khó khăn. Chúng tôi bảo nhau phải làm gì đó thôi. Và chúng tôi nghĩ rằng không gì thiết thực lúc này bằng việc giúp người dân nghèo, trong khu cách ly, khu trọ bị kẹt lại không về quê được có thêm lương thực để không bị đói... Vậy là chương trình “Chia sẻ rau xanh cùng Sài Gòn chống dịch” ra đời”. 

Bếp ăn yêu thương 0 đồng cung cấp 500 suất ăn phục vụ các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Bếp ăn yêu thương 0 đồng cung cấp 500 suất ăn phục vụ các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Ròng rã gần 2 tháng qua, nhóm đã chạy vạy, kết nối khắp các tỉnh thành để gom rau củ quả mang về tiếp tế cho người dân Sài Gòn đang oằn mình chống dịch Covid-19.

Đến thời điểm này, chương trình “Chia sẻ rau xanh cùng Sài Gòn chống dịch” của nhóm thiện nguyện đã cung cấp được khoảng 300 tấn rau, củ, quả 0 đồng đến các bếp ăn từ thiện, khu cách ly, những người lao động trong các khu trọ nghèo tại TP.HCM.

Sau quãng thời gian tìm nguồn, liên kết chở rau củ từ Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông về TP. Hồ Chí Minh, nhóm đã mở rộng được nguồn thực phẩm, tiến hành xây dựng “Bếp ăn yêu thương" 0 đồng tại quận 12. Mỗi ngày, bếp ăn cung cấp 500 suất ăn phục vụ lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu đang chống dịch tại bệnh viện dã chiến ở Củ Chi và công việc đã triển khai hơn nửa tháng nay. Bếp ăn thứ 2 tại quận Bình Thạnh cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện nhờ tận dụng quán ăn của một nhà báo trong nhóm, chuẩn bị được mở thêm để bổ sung các suất ăn dinh dưỡng cho tuyến đầu chống dịch...

Vậy nên, những ngày có rau về, các thành viên thường ra đường lúc 4h sáng, nhà báo, doanh nhân  cũng trở thành người đi mua rau, người khuân vác, phân loại, vận chuyển rau đến cho người dân.

Để làm được việc đó, trong bối cảnh TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, siết chặt vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, dịch bệnh lan nhanh... quả thực đối với những người làm công việc này cũng phải có một quyết tâm rất lớn.

“Có những chuyến rau về lúc đêm khuya, 30 tấn rau, chỉ 10 con người bốc đến sáng để xuống rau vì sợ hư khi xe đã mấy ngày chạy trên đường. Sáng lại hì hục bốc lên xe để đi về các nơi. Làm xong mọi người đều kiệt sức, phải nằm nhà ngủ 1 ngày mới lấy lại sức” - Nhà báo Đình Sơn chia sẻ.   

Những chuyến xe chở nặng yêu thương 

Nhà báo Nguyễn Đình Sơn quê Thanh Hóa nhưng với anh TP.  Hồ Chí Minh như quê hương thứ hai, nghĩa tình, hào sảng. Hơn thế, khi làm công việc này, điều khiến anh cảm động nhất chính là nghĩa tình của bà con cả nước hướng về TP.HCM, được gửi gắm trên những chuyến xe chở nặng yêu thương, là “mua 1 đồng rau, bà con cho 3 đồng”...

Những năm trước, nhóm chúng tôi thường ra huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quảng Bình để hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn sau mỗi mùa bão lũ. Khi thì xây nhà tình thương, khi tặng bò, xe đạp, sách vở cho các em học sinh... Nên khi biết TP. Hồ Chí Minh dịch bệnh, cũng biết nhóm đang làm công việc này nên Phó Chủ tịch huyện Kỳ Anh có gọi cho chúng tôi nói rằng: Khi TP. Hồ Chí Minh còn “khỏe” đã chung sức chung lòng hỗ trợ bà con chúng tôi rất nhiều nên trong lúc khó khăn này, bà con cũng đã quyên góp được 25 tấn hàng hóa, rau quả, đồ ăn... ai có gì cho nấy và muốn gửi vào đó.

Hay như ở Gia Lai cũng vậy, những năm trước chúng tôi cũng hay lên đó làm thiện nguyện, nên khi biết tình hình họ cũng chủ động gom góp hàng hóa, thực phẩm... Họ bảo họ đã nhận ơn nghĩa của thành phố nên giờ muốn trả lại, muốn góp chút tình cảm, tấm lòng với đồng bào nơi đây...

Thực sự cảm động lắm. Trước tình cảm, sự đùm bọc của đồng bào muôn nơi trong lúc khó khăn này, lại càng thấy mình cần cố gắng hơn, không thể chùn bước được” - nhà báo Đình Sơn chia sẻ. 

Nhà báo Nguyễn Đình Sơn (người bên trái) đang bốc vác rau củ lên xe để chuyển đến các địa điểm cần giúp đỡ.

Nhà báo Nguyễn Đình Sơn (người bên trái) đang bốc vác rau củ lên xe để chuyển đến các địa điểm cần giúp đỡ.

Một trong những khó khăn lớn nhất thời điểm này là vận chuyển hàng. Các tài xế không dám chạy vì sợ nhiễm bệnh và nhiều rào cản khác, chứ rau thì không thiếu, người dân hay các nhà vườn tặng cho nhóm hơn là bán, tấm lòng của bà con ở các tỉnh, ai cũng thương, cũng hướng về TP. Hồ Chí Minh. Cứ như thế, đến nay đã có hàng chục chuyến hàng từ Gia Lai, Đà Lạt đã được trao đến tận những nơi cần. 

Có những niềm riêng... cũng đành!  

Câu chuyện của chúng tôi đã có lúc ngắt quãng vì đầu dây bên kia nghẹn ngào, khi tôi hỏi thăm về gia đình anh. Nhà báo Đình Sơn nói rằng, đã mấy tháng nay anh không về nhà với con mà anh ở hẳn bên nhà mẹ... Là vì con nhỏ năm nay mới 6 tuổi, chưa được tiêm vaccine, anh thì đi nhiều nên không dám tiếp xúc. Thỉnh thoảng vợ anh chở con ra gặp anh một chút, đứng cách 2m để nhìn nhau rồi lại chở con về. Gia đình chỉ trò chuyện với nhau trên facetime... nhớ con lắm nhưng cũng đành!

Rau củ quả được nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân vận chuyển từ nhiều tỉnh thành về cứu trợ bà con Sài Gòn đang oằn mình chống dịch Covid-19.

Rau củ quả được nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân vận chuyển từ nhiều tỉnh thành về cứu trợ bà con Sài Gòn đang oằn mình chống dịch Covid-19.

Nhà báo Đình Sơn vừa làm báo nhưng cũng vừa là chủ một doanh nghiệp, thời điểm này doanh nghiệp của anh cũng tạm thời đóng cửa, vẫn nộp thuế, vẫn phải trả lương... Những lo toan thường nhật ấy đầy áp lực nhưng anh vẫn không muốn “buông tay” công việc thiện nguyện mà anh và bạn bè mình đã làm suốt nhiều năm qua.

10 năm làm công việc thiện nguyện quả thực chưa bao giờ cảm thấy có nhiều khó khăn đến vậy. Không phải là vì mình hết nhiệt huyết với công việc này mà bởi cứ mỗi ngày đi làm lại biết thêm quá nhiều người khó khăn cần giúp mà những người còn đủ lực giúp không còn nhiều nữa...

Trước đây, chúng tôi chỉ cần kêu gọi là rất nhiều mạnh thường quân giúp, nhưng giờ thì các doanh nghiệp cũng khó khăn, họ cũng làm quá nhiều việc cho xã hội rồi... Vậy nên giờ chúng tôi không phải kêu gọi mà chúng tôi đi xin, xin bằng cả tấm lòng. Cứ tự an ủi nhau là, mình đi xin cho mọi người chứ có xin cho mình đâu mà ngại, nên cứ cố gắng xin được đồng nào hay đồng ấy, giúp được người nào thì tốt người đấy. Mình làm thêm một chút xíu nữa thì sẽ giúp thêm một người, chút xíu nữa thêm người nữa được giúp và chút xíu nữa lại sẽ giúp thêm người nữa...

Cứ như vậy, từng ngày chúng tôi cũng vượt qua, vẫn những chuyến xe chở rau nghĩa tình, vẫn những bữa ăn được nấu bằng cả sự trân trọng, thương yêu... đối với chúng tôi đó là hạnh phúc. Nhưng dịch kéo dài, đời sống của người dân càng khó khăn, việc đi xin cũng không dễ nữa... Chỉ mong là gói hỗ trợ của Chính phủ sớm đến được với người dân nghèo và mong các đơn vị chính quyền trao gửi cho họ thật nhanh, kịp thời và không áp đặt những tiêu chí khắt khe nữa vì giờ đây có quá nhiều người khổ vì dịch” - nhà báo Đình Sơn tâm sự.     

Kết thúc bài viết này nhưng tôi vẫn không sao quên được những tin nhắn mà mẹ của anh Sơn gửi cho con trai: “Con đừng đi lại nhiều, tránh dịch 1 tháng nữa thôi con. Mỗi ngày hơn 300 người tử vong... Con đừng đi lại chổi rau nữa. Mẹ chỉ có mình con là chỗ dựa duy nhất còn bảo vệ mọi người...” - Lời nhắn của một người mẹ, có lẽ như bao người mẹ khác nhưng khiến tôi không cầm được nước mắt. Bà chắc hẳn cũng nhiều đêm không ngủ, trăn trở cùng những ngày con rời nhà đi sớm với nỗi thấp thỏm, lo lắng. Tôi hỏi: “Mẹ anh nhắn vậy, anh tính sao?”. Nhà báo Đình Sơn bảo: “Chắc không sao đâu. Anh sẽ cẩn thận hơn. Nhiều người vẫn cần giúp mà”...

Hà Vân

Bài 4: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...

Báo Công luận
Bình Luận

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo