Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí: Chuyện dài nói mãi!

Chủ nhật, 14/02/2021 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí, từ nhiều năm nay đã là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng theo một số chuyên gia, luật sư thì vấn đề này vẫn còn cần phải tiếp tục đưa ra bàn luận, thảo luận.

Bài liên quan

Bởi lẽ những rào cản, lỗ hổng pháp lý, tính răn đe và hiệu quả trong thực thi pháp luật chưa cao, ý thức người sử dụng tác phẩm báo chí vẫn chưa thật tốt dẫn đến câu chuyện bảo vệ bản quyền báo chí đến nay vẫn chưa giải quyết rốt ráo. Báo Nhà báo và Công luận đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, luật sư để giải mã thực trạng này.

Diễn đàn bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí được tổ chức tháng 11 vừa qua. Ảnh: Đông Du.

Diễn đàn bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí được tổ chức tháng 11 vừa qua. Ảnh: Đông Du.

Chuyên gia Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê: 

Chúng ta chưa có một hệ thống phát hiện, báo cáo vi phạm và xử lý vi phạm bản quyền hữu hiệu

ong Lê Quốc Vinh

Phải thừa nhận rằng ý thức về bản quyền tác phẩm báo chí vài năm trở lại đây đã có sự chuyển biến rất rõ rệt. Tuy nhiên, phần lớn ý thức đó thuộc về những người có tác phẩm, những người cần được bảo vệ. Các phóng viên, nhà báo, nhất là các tác giả ảnh và video đã nhận thức rất rõ về quyền của mình và họ đã nỗ lực ở nhiều mức độ khác nhau để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. Tuy vậy, vấn đề lại nằm ở người sử dụng tác phẩm báo chí. Tình trạng “vô tình” sao chép báo bạn vẫn còn xảy ra rất nhiều, và thường câu trả lời từ phía lãnh đạo cơ quan báo chí, khi bị khiếu nại, là họ không biết sự vụ và hứa sẽ gỡ bài, khiển trách cá nhân nào đó vi phạm. Trong nhiều trường hợp, tác giả bị vi phạm sẽ thỏa mãn với cách giải thích có vẻ có trách nhiệm đó và vì đã ngăn chặn được việc đứa con tinh thần của mình bị sao chép bất hợp pháp. Tuy nhiên, như chúng ta đều hiểu, một tác phẩm báo chí trong thời đại số phần lớn chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, thậm chí là vài ngày, nếu tính đến mức độ tiếp cận bạn đọc. Vì vậy, những giải pháp xử lý “hậu vi phạm” kiểu này cũng chỉ là những liệu pháp tinh thần mà thôi, không có nhiều ý nghĩa răn đe hay ngăn chặn vấn nạn vi phạm tác quyền. 

Ngày nay, hiện tượng vi phạm bản quyền báo chí diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, không chỉ đơn giản là sự sao chép nữa. Điển hình là việc dịch các bài báo nước ngoài mà không được cấp quyền chính thức. Phần đông chúng ta vẫn không nghĩ rằng đây là vấn đề, mặc định tự cho mình cái quyền dịch lại tác phẩm báo chí quốc tế. Tuy nhiên thông lệ quốc tế không phải vậy, sử dụng chất xám và tài liệu xuất bản của người khác, với mục đích thương mại là điều không được chấp nhận. Chúng tôi đã từng phải chi rất nhiều tiền để nhượng quyền từ các tạp chí lớn và đành chấp nhận thất bại vì chính nội dung phải mua của mình được dịch bừa bãi trên các website khác. Tác phẩm báo chí cũng có thể bị sao chép từng phần, lấy ý hoặc tài liệu công bố trên những tờ báo khác mà không trích nguồn. Với loại vi phạm này, thường rất khó xử lý, trừ phi tác giả gốc chứng minh được mình độc quyền thông tin. Tuy nhiên, đó là điều hãn hữu. Ngay cả các nhà báo, hoặc cộng tác viên, cũng rất hay xào lại bài báo của mình để đăng trên nhiều báo chí. Đó cũng là vi phạm bản quyền của cơ quan báo chí đăng bài gốc đó. 

Một dạng vi phạm khác, khá trầm kha, là việc chỉnh sửa tác phẩm báo chí gốc, đặc biệt xảy ra đối với tác phẩm ảnh. Người ta cắt cúp, làm sai lệch ý nghĩa gốc của bức ảnh, hoặc dùng photoshop chỉnh sửa, xóa chi tiết,… thay đổi tác phẩm gốc. Đáng chú ý là, với sự ra đời tràn lan các loại trang tin điện tử, thậm chí có nhiều trang web không hề được cấp phép chính thức, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí đang diễn ra rất phức tạp. Phần lớn, với các website này, người ta khó truy ra đơn vị quản lý, hoặc họ không có những vị thế chính trị để mất, nên hầu như tranh chấp bản quyền không bao giờ giải quyết được.  

Muốn xử lý triệt để vấn nạn vi phạm bản quyền thì bản thân các cơ quan báo chí phải tuyệt đối tuân thủ và tôn trọng pháp luật về bản quyền. Bản thân họ phải có những quy định, chế tài đối với vấn đề vi phạm bản quyền, đối với đội ngũ phóng viên, biên tập, cộng tác viên của mình. Có sự tôn nghiêm như vậy mới hạn chế việc báo mình vi phạm bản quyền của người khác, cũng là để danh chính ngôn thuận bảo vệ tác quyền của chính mình. Thứ hai, tôi cho là rất quan trọng, chúng ta chưa có một hệ thống phát hiện, báo cáo vi phạm và xử lý vi phạm bản quyền hữu hiệu. Người bị vi phạm chỉ có cách kêu cứu, sử dụng mạng xã hội để lên án, chứ thủ tục hành chính nhiêu khê hầu như không có tác dụng. Chúng ta cần có một hệ thống báo cáo vi phạm trên nền tảng website, sử dụng công cụ AI để phân tích nội dung, cảnh báo vi phạm và kịp thời ngăn chặn nội dung vi phạm. Thứ ba, pháp luật về vi phạm bản quyền vẫn chưa có những quy định về chế tài, xử phạt đủ mức răn đe. Các phiên tòa xử tranh chấp bản quyền, mặc dù chứng cứ quá rõ ràng, nhưng bản án lại đứng về phía người vi phạm, gây ra những tiền lệ rất xấu và mất niềm tin nơi công chúng. Muốn chống vi phạm bản quyền báo chí, không thể một đơn vị, một cá nhân đơn thương độc mã. Nó cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, pháp lý, và đặc biệt là những người trong cuộc.

Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số: 

Công nghệ nên được sử dụng để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền và bảo vệ quyền

ông Hoàng đình Trung

Trên thực tế, vấn đề vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí đã được bàn thảo ở nhiều hội nghị, hội thảo trong thời gian qua. Việc vi phạm này làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các đơn vị báo chí, khi mà những giá trị trả lại cho báo chí đến không đúng địa chỉ. Những đơn vị sở hữu bản quyền lại không được nhận đúng giá trị đó mà phải chia về cho các đơn vị khác. Theo tôi được biết, nhiều cơ quan báo, nguồn thu chính từ quảng cáo và trong đó có qua một số đơn vị như Google. Việc vi phạm như vậy dẫn đến dòng tiền của các đơn vị thực hiện quảng cáo sẽ chảy vào các đơn vị chuyên reup, coppy lại. Đơn vị không trực tiếp sáng tạo nội dung ấy lại được nhận tiền, còn đơn vị trực tiếp sở hữu nội dung sản phẩm sẽ không nhận được giá trị tương xứng mà họ bỏ ra. Điều này sẽ dẫn đến việc người ta không đủ nguồn thu để tái tạo lại sản phẩm báo chí chất lượng, thui chột khả năng sáng tạo và nội dung sẽ ngày càng đi xuống. Một trong những nguyên nhân để việc sao chép, ăn cắp bản quyền dễ dàng hơn là sử dụng công nghệ, thậm chí có đơn vị sử dụng công nghệ để lấy cắp tin bài báo chí một cách tự động. 

Thiết nghĩ, nếu như công nghệ có thể được sử dụng để vi phạm bản quyền, ngược lại, công nghệ nên được sử dụng để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền và bảo vệ quyền. Để giải quyết vấn đề này trước tiên cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức của đơn vị làm báo, người làm báo phải ý thức được rằng việc khai thác nội dung của đơn vị khác để kiếm tiền khi chưa có được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền đó là vi phạm pháp luật. Thứ hai là mã hóa và xác thực các dữ liệu để giúp cho việc chống download. Mỗi một tác phẩm báo chí dạng video được mã hóa và xác thực thì gần như không ai có thể download xuống để reup, coppy được. Giải pháp này giống như là sử dụng công nghệ để tạo ra một cánh cửa có khóa, giúp không bị mất cắp được dữ liệu. Giải pháp thứ 3 là sử dung công nghệ quét, truy quét nội dung của tác phẩm báo chí nào đó. Quét trên nền tảng viễn thông, mạng xã hội, nền tảng báo chí, ứng dụng, website trực tuyến… Khi quét được mức độ vi phạm, hệ thống sẽ có báo cáo và được xác thực mức độ vi phạm. Quy trình 5 bước gồm: thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, khai phá dữ liệu, lưu trữ và truy vấn, ứng dụng và cảnh báo. Dựa vào đó chúng ta sẽ chuyển cho đơn vị chức năng để xử lý theo quy định, thông qua các đơn vị quản lý nhà nước như Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử hay Hội Nhà báo Việt Nam. Trong thời gian tới, Trung tâm Bản quyền số sẽ có đánh giá định kỳ, hằng ngày, hằng tuần… sẽ có bản xếp hạng những đơn vị nào thường xuyên vi phạm bản quyền nhất, những đơn vị có tác phẩm báo chí hay bị ăn cắp nhất, tiến tới trong tương lai có thể xây dựng được sàn giao dịch bản quyền số.

Luật sư Phạm Thành Tài – Công ty Luật Phạm Danh, Đoàn luật sư Hà Nội: 

Chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm này còn nhẹ chưa đủ sức răn đe

Luật sư Phạm Thành Tài

Hiện nay, tôi thấy rằng với sự phát triển của công nghệ 4.0, mạng xã hội, trang thông tin báo điện tử, thì tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng gia tăng, phổ biến, đặc biệt là các tác phẩm báo chí trên các trang báo điện tử. Đối với các loại hình báo điện tử, trang tin điện tử thì sẽ có những ứng dụng giúp thực hiện việc sao chép các tác phẩm  báo chí một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Tôi thường thấy rằng về một nội dung vấn đề, đề tài khi gõ trên trang tìm kiếm sẽ ra rất nhiều các bài viết trên các trang báo điện tử khác nhau với tiêu đề khác nhau nhưng lại có nội dung giống hệt nhau và nhiều bài viết còn không được trích dẫn nguồn, dẫn link. Trong khi đó, thực tiễn việc xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả này thì chưa được thực thi hiệu quả. 

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, việc bảo vệ quyền tác giả của tác phẩm báo chí, hiện được quy định tương đối đầy đủ tại Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như quy định về chế tài xử lý vi phạm tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/03/2017 của Chính phủ. Cụ thể tại khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định tác phẩm báo chí là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Căn cứ khoản 5, 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 về hành vi xâm phạm quyền tác giả, cụ thể là hành vi: Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.  Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này. Đối với chế tài xử phạt hành vi vi phạm, căn cứ quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/03/2017 quy định về hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm và hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm này còn nhẹ chưa đủ sức răn đe và cần thiết phải tăng mức xử phạt, cũng như áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung. Ngoài ra, bên cạnh chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe thì các trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật để xử phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm, cũng như yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra cũng còn rườm rà, phức tạp, mất nhiều thời gian. Điều này đã khiến cho việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm về việc bảo vệ quyền tác giả còn chưa hiệu quả. 

Luật sư Trần Thị Tám - Giám đốc Công ty tư vấn Luật IP Com:

Các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có đi đến cùng vụ việc hay không?

Luat su Tam anh moi

Đối với cơ sở pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xử lý vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí, xuất bản nếu được các chủ sở hữu tác phẩm báo chí bị xâm phạm yêu cầu. Trên thực tế tại Việt Nam, có bao nhiêu cơ quan báo chí, bao nhiêu phóng viên, nhà báo, bao nhiêu người sản xuất nội dung, tin tức đưa ra yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả khi mà tác phẩm của mình bị sử dụng mà không dẫn nguồn, dẫn link? Người Việt Nam có câu thành ngữ “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, rất nhiều người hành xử theo phương châm này dẫn đến việc thực thi các quy định pháp luật không hiệu quả. Thực tế là, các lãnh đạo cơ quan báo chí đều biết nhau, có thể có những mối quan hệ thân tình, nên khi đưa mọi việc ra pháp luật, mọi người cũng dễ bỏ qua cho nhau. Việc bỏ qua như vậy là một trong những nguyên nhân dẫn đến chúng ta rất khó hạn chế các hành vi sao chép tác phẩm báo chí rồi đăng lại mà không dẫn nguồn, dẫn link. Tôi cho rằng, về việc xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả quy định của pháp luật Việt Nam tương đối đầy đủ. Vấn đề là ở việc thực thi trên thực tế. Và việc thực thi trên thực tế thì phần lớn là việc các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thực sự đi đến cùng của vụ việc hay không? Cơ quan báo chí có chức năng chính đưa tin tức, bình luận, bên cạnh đó còn là việc tuyên truyền các chính sách của nhà nước, các quy định của pháp luật để pháp luật đi vào đời sống. Vì vậy, để hạn chế việc xâm phạm quyền tác giả các tác phẩm báo chí, hạn chế việc “xào bài”, sử dụng bài của người khác mà không dẫn nguồn, dẫn link, thì trước hết cần nâng cao chính nhận thức của mình về sở hữu trí tuệ sao cho mỗi phóng viên, nhà báo đều hiểu rằng để việc thực thi pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả là phải có sự góp phần của chính họ. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của mỗi phóng viên, nhà báo và của cả cơ quan báo chí trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính mình. Và cũng cần phải có thêm một số vụ được đưa ra xét xử thực tế, có như vậy các tác giả, phóng viên, nhà báo mới vững tin ở sự nghiêm minh của pháp luật, tạo động lực để họ sáng tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hơn nữa.

Tin khác

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nghề báo
Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi'

Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi"

(CLO) Ngày 19/4, tại Tòa Nhà Trung Tâm Thông Tấn Quốc Gia, Hội Cựu Chiến binh Thông tấn xã Việt Nam cùng Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống mang tên “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi”.

Nghề báo
MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo