Cháy rừng đe dọa nhà máy điện Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều công nhân phải sơ tán
(CLO) Hôm thứ Tư (4/8), một nhà máy nhiệt điện trên bờ biển Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ đã phải sơ tán các công nhân khi bị cháy rừng lan đến cổng và vào khuôn viên của nhà máy, trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn để kiểm soát những đám cháy rừng dữ dội đã cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Các công nhân rời một nhà máy nhiệt điện Thổ Nhĩ Kỳ sau khi dỡ bỏ các bể làm mát bằng hydro. Ảnh: DHA
Bài liên quan
Canada đối diện khủng hoảng kép, cháy rừng và nắng nóng kỷ lục
Hỏa hoạn hoành hành khắp Nam Âu, buộc hàng nghìn người phải sơ tán
Cháy rừng thiêu rụi một thị trấn ở Canada sau đợt nắng nóng kỷ lục
Các công nhân tại nhà máy điện Kermekoy ở Aegean trước đó đã làm rỗng các két làm mát chứa đầy hydro để đề phòng. Hãng thông tấn AFP đưa tin các nhân viên cứu hỏa, cảnh sát và công nhân buộc phải sơ tán khỏi hiện trường khi ngọn lửa bùng lên tại khu vực này.
"Ngọn lửa đã tràn vào nhà máy nhiệt điện Kermekoy", Thị trưởng Muhammet Tokat của thị trấn Milas, tây nam Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Nhà máy nhiệt điện Kermekoy sử dụng than và dầu đốt để sản xuất điện.
"Nhà máy điện có nguy cơ bị cháy .. Đã có một cơn gió lớn. Nếu không, mọi việc sẽ dễ dàng kiểm soát hơn", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trên truyền hình trong khi các công nhân bắt đầu sơ tán.
Hôm qua (4/8), ông Erdogan đã nổi giận trước những lời chỉ trích về việc chính phủ của ông xử lý cuộc khủng hoảng. Ông nói: “Cháy rừng là một mối đe dọa quốc tế, giống như đại dịch COVID-19. Không có chỗ cho chính trị ở đây”.
Trước đó, cơ quan giám sát truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo các đài truyền hình rằng họ có thể phải đối mặt với tiền phạt nếu tiếp tục chiếu hình ảnh trực tiếp về đám cháy.
Đến thứ Tư, hầu hết các kênh chỉ hiển thị các báo cáo ngẫu nhiên về vụ cháy. Tổng thống đã bị chỉ trích vì không chuẩn bị cho thảm họa và chậm tiếp nhận hỗ trợ nước ngoài.
Tuần trước, Ankara buộc phải thừa nhận rằng họ không có đủ số lượng máy bay và trực thăng để ngăn chặn ngọn lửa một cách hiệu quả. EU đã điều động ba máy bay để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên ông Erdogan từ chối hỗ trợ tương tự từ Hy Lạp và Israel.
Hỏa hoạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bùng phát trong hơn một tuần, phá hủy nhiều khu vực rừng dọc theo bờ biển Aegean và Địa Trung Hải của nước này, khiến hàng nghìn người phải di dời và 8 người thiệt mạng.
Ngày hôm qua (4/8), Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp Bekir Pakdemirli cho biết nhiệt độ ở Marmaris trên bờ biển Aegean đã phá vỡ kỷ lục, chạm mức 45,5 độ C (114 độ F). “Chúng ta đang chống lại một cuộc chiến rất nghiêm trọng. Tôi kêu gọi mọi người hãy kiên nhẫn”, ông nói với các phóng viên.