Đại tá, nhà văn, nhà báo Khuất Quang Thụy:

Chiến trường đã làm nên tôi hôm nay

Thứ hai, 29/04/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Không chỉ tôi mà nhiều đồng đội ở Sư đoàn 320 vẫn thường xúc động nhớ về ngày 29/4. Đêm ấy, khi chôn cất cho đồng đội xong, nhìn về phía ánh sáng trung tâm thành phố, tôi thấy thật xót xa cho người ngã xuống hôm nay bởi có thể chỉ ngày mai thôi chiến thắng sẽ về”.

Đại tá, nhà văn, nhà báo Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập báo Văn nghệ, người có mặt tại Dinh Độc lập ngày 30/4/1975 xúc động chia sẻ như thế với tôi trong những ngày tháng 4 lịch sử này.

Liên hệ với nhà báo Khuất Quang Thụy qua điện thoại với mong muốn được gặp ông để nghe một người trong cuộc chia sẻ về những kỷ niệm của một thời không thể nào quên, trong tôi cũng thoáng chút ngại ngần. Bởi, đây là thời gian mà ngoài công việc quản lý, sáng tác, ông còn bận rộn với những đợt họp mặt đồng ngũ để ôn lại thời chiến cũng như tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh. Nhưng rồi ở đầu dây bên kia vang lên một giọng nói xứ Đoài ấm áp, chân chất khiến tôi thêm tự tin đến gặp ông. Đến “đại bản doanh” của báo Văn nghệ (số 17, Trần Quốc Toản, Hà Nội), vị Tổng biên tập đang miệt mài với một “núi” bản thảo. Nhưng khi có khách đến, ông gác lại mọi chuyện vui vẻ tiếp tôi bằng thứ nước chè có ướp hoa nhài thơm ngát. Căn phòng giản dị, đơn sơ chẳng có gì ngoài những đầu sách dày dặn được sắp xếp ngăn nắp, khoa học, trong đó đa phần là những cuốn sách về chiến tranh.

Nhà văn Khuất Quang Thụy (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn nhà văn tham gia mở trại sáng tác tại Tây Nguyên năm 1985 (Ảnh: NVCC)

Nhà văn Khuất Quang Thụy (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn nhà văn tham gia mở trại sáng tác tại Tây Nguyên năm 1985 (Ảnh: NVCC)

Phúc Thọ, Hà Tây (cũ) quê ông là một vùng quê nghèo với những triền đê, bãi cỏ, những cánh đồng bát ngát, bao la được ôm trọn bởi dòng sông Đáy hiền hòa, thơ mộng. Ông “khoe” ở nơi đó đã dựng sẵn một ngôi nhà nhỏ, có vườn cây rộng rãi, thoáng mát và chỉ chờ hết nhiệm kỳ Tổng biên tập là ông cùng người bạn đời của mình sẽ về quê “an nhàn tuổi già”. Còn hiện tại, như đã thành thói quen, cứ mỗi dịp cuối tuần ông lại rời xa phố phường tấp nập, rời xa công việc bộn bề để được sống thanh thản, bình yên nơi quê nhà. Dường như đó cũng là cách để nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tác trong người văn sĩ xứ Đoài ấy.

Câu chuyện của chúng tôi ngược về kỷ niệm. Tháng 3/1967, chàng thanh niên Khuất Quang Thụy tình nguyện vào chiến trường và được phân công vào Sư đoàn 320 với nhiệm vụ của một người lính trinh sát. Tuy nhiên trong môi trường chiến tranh ác liệt, phải chứng kiến đồng đội của mình hy sinh đã thôi thúc ông cầm bút để ghi lại cuộc chiến một cách tỉ mỉ, sinh động nhất. Nhờ vậy, ông đã được dự Trại sáng tác của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1971, ông được điều về làm tờ tin của Sư đoàn và sau ngày hòa bình lập lại ông được cử đi học khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Đại học Văn hóa). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội lần lượt trải qua các chức vụ Biên tập viên, Trưởng Ban Văn xuôi rồi Phó Tổng biên tập. Hết tuổi quân ngũ, được sự tín nhiệm của Hội Nhà văn Việt Nam, ông về giữ chức Tổng biên tập báo Văn nghệ cho đến nay. Niềm đam mê viết lách còn được người em trai của ông - Đại tá, nhà báo Khuất Quang Thảo, Tổng biên tập báo Quốc phòng Thủ đô gìn giữ và tiếp nối. Không dừng ở đó, “hổ phụ” Khuất Quang Thụy còn sinh ra “hổ tử” Khuất Vân Huyền - nhà biên kịch được biết đến với nhiều kịch bản gây được tiếng vang, trong đó được biết đến hơn cả là kịch bản của bộ phim “Cô gái đến từ Băng Cốc”.

Có lẽ cuộc đời viết văn, làm báo của ông vinh dự nhất là được có mặt tại Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Ông kể, thời điểm Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ông đã ở cửa sau Dinh. Dù đã có lệnh ngừng bắn nhưng vẫn vấp phải sự kháng cự của lính Việt Nam Cộng hòa khiến một vài đồng đội của ông bị thương ở ngã tư Bảy Hiền và ngay trước cửa Dinh. Ông cùng Sư đoàn tiến vào hậu Dinh theo hướng Tây Bắc từ rất sớm, tuy nhiên sau khi cắm lá cờ cỡ nhỏ lên cổng sắt, Sư đoàn ông liền tập trung đào giao thông hào quanh ngọn đồi phía sau Dinh để chuẩn bị ngăn địch phản kích cho đến khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Cũng tại thời khắc lịch sử ấy, qua trò chuyện với một số đồng nghiệp ở TTXVN, cánh anh em nhà báo đã nhận ra Khuất Quang Thụy, tác giả của nhiều bài báo, bút ký, truyện ngắn được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Văn nghệ. Biết ông đi từ hướng Đồng Dù (Củ Chi) tiến vào, một đồng nghiệp ở TTXVN đã khẩn thiết đề nghị ông tường thuật cuộc hành quân. Thế là ông về hậu Dinh, vào Văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lấy luôn tập giấy tiêu đề còn nguyên mấy chữ “Đổng lý văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa” ở đầu trang để viết bài lược thuật trận Đồng Dù. Sợ đồng nghiệp khó đọc ông đã cố tình viết nắn nót và chữ rất to. Sau này ông có nghe nói, bản tin của mình đã được phát trên sóng của TTXVN ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, tiếc rằng các đồng nghiệp ở TTXVN đã không giữ lại bản thảo ấy cho ông, nếu không đó đã là kỷ vật lịch sử vô cùng quý giá với Bảo tàng Báo chí Việt Nam nói riêng, với người làm báo Việt Nam nói chung.

Trong chiến trường, mặc dù đã là cây bút nổi danh nhưng ông vẫn chưa có một “mảnh tình vắt vai”. Sau ngày giải phóng, ông mới trở về quê tìm… vợ để mẹ già có cháu bế bồng. Tuy nhiên ở “mặt trận” này, Khuất Quang Thụy cũng gặp không ít khó khăn khi liền một lúc ông đã bị 4 cô gái khước từ bởi 3 lý do: Thứ nhất là lúc ấy dù đã gần chục năm chiến đấu mà ông mới chỉ là… Thượng sĩ. Thứ hai, các cô đều chê anh “quê mùa” hơn cả những gã nhà quê, vì sau từng ấy năm chiến chinh phải nếm đủ mùi đói khát, đạn bom, sốt rét…, “nhan sắc” ông đã bị “xuống cấp”, gầy và đen. Thứ ba, bà mẹ của ông sau bao nhiêu năm khóc lóc mòn mỏi ngóng con đã sinh đau ốm liên miên và đó sẽ là một gánh nặng lớn cho người dâu trưởng, nhất là sau ngày cưới, chồng rất có thể sẽ lại ra đi chưa biết lúc nào trở về.

Thế nhưng giữa lúc Khuất Quang Thụy đang chán chường vì chuyện đại sự không thành thì có một cô gái xinh đẹp tên Liên đã tình nguyện lấy chàng “Thượng sĩ quèn”. Một mái ấm gia đình đã là hậu phương vững chắc để Khuất Quang Thụy vững vàng, tự tin đi trên con đường viết lách đầy thách thức, chông gai nhưng cũng rất đỗi vinh quang, tự hào. Luôn cảm thấy mình là người may mắn được trở về sau chiến trận trong khi biết bao đồng đội ngã xuống, nên Khuất Quang Thụy đã quyết định gắn bó cả cuộc đời mình với chủ đề chiến tranh như để tri ân những người đồng chí, đồng đội. Đã có lần ông từng viết “...Khi còn ở chiến trường, tôi chỉ viết vì một khát khao duy nhất, ghi được càng nhiều càng tốt những kỷ niệm, những con người, những cảnh ngộ, số phận éo le do sự khắc nghiệt của chiến tranh đưa đến. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, tôi mới có điều kiện để hiểu ra rằng, dù đã ở ngoài mặt trận, dù đã thấy được cái ác liệt và dù đã viết nhiều trang nhưng có lẽ vẫn chưa nói hết được... Cả đời chỉ loay hoay viết về cuộc chiến ấy, có lẽ là số phận của thế hệ những người cầm bút từng có những năm cầm súng như chúng tôi...”.

Trong khoảng thời gian gần một tiếng đồng hồ được trò chuyện cùng ông, tôi cũng thầm hiểu rằng từ tận đáy lòng mình, Khuất Quang Thụy luôn cảm ơn chiến trường đã làm nên ông hôm nay. Được hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của những người cầm bút trong chiến trường, tôi - một người được sinh ra và cầm bút trong hòa bình sẽ ý thức hơn, trách nhiệm hơn, sâu sát hơn với công việc mà mình đang làm sao cho xứng đáng với thế hệ cầm bút cha anh.

An Vinh

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo