Chính phủ đoàn kết mới kêu gọi ASEAN không công nhận chính quyền quân sự
(CLO) Các nước láng giềng của Myanmar phải đàm phán với một chính phủ đoàn kết dân tộc mới được thành lập nếu họ muốn giúp giải quyết tình trạng hỗn loạn gây ra bởi cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2, một đại diện của chính phủ này cho biết hôm Chủ nhật (18/4).

Những người biểu tình thể hiện sự ủng hộ đối với NUG tại Yangon, Myanmar. Ảnh: SCMP
Bài liên quan
Những người phản đối cuộc đảo chính Myanmar thành lập chính phủ đoàn kết
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar dự hội nghị cấp cao ASEAN tại Indonesia
Vòng xoáy bạo lực có nguy cơ biến Myanmar thành một Syria khác
Bạo lực ở Myanmar gây ra cuộc khủng hoảng tỵ nạn ở miền đông Ấn Độ
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên đang cố gắng tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng đẫm máu đang kéo dài tại nước thành viên Myanmar, kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử do nhà đấu tranh dân chủ Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Quân đội cho thấy họ ít sẵn sàng tham gia với các nước láng giềng và không có dấu hiệu muốn đối thoại với chính phủ mà họ đã lật đổ.
Nhưng trong những gợi ý đầu tiên, thủ tướng của chính phủ quân sự Min Aung Hlaing sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Indonesia vào ngày 24/4, một quan chức chính phủ Thái Lan cho biết hôm thứ Bảy (17/4).
Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên được biết đến của người đứng đầu quân đội và cũng là cuộc gặp đầu tiên với các nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi ông nắm quyền. Chính quyền Myanmar chưa bình luận gì về cuộc họp của ASEAN.
Ông Moe Zaw Oo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) được thành lập vào tuần trước, cho biết ASEAN không nên công nhận chính quyền quân sự Myanmar.
“Nếu ASEAN đang xem xét hành động liên quan đến các vấn đề Myanmar, tôi muốn nói rằng nó sẽ không thành công trừ khi đàm phán với NUG, tổ chức được người dân ủng hộ và hoàn toàn hợp pháp", ông Moe Zaw Oo nói với Đài Voice of America.
Các chính trị gia ủng hộ dân chủ bao gồm các thành viên quốc hội bị lật đổ từ đảng của bà Suu Kyi, những người đã thông báo về việc thành lập NUG vào thứ Sáu. Chính phủ đoàn kết này bao gồm bà Suu Kyi, người đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính, cũng như các nhà lãnh đạo của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và các dân tộc thiểu số.
NUG đã kêu gọi quốc tế công nhận họ là cơ quan có thẩm quyền hợp pháp và đã yêu cầu được mời tham dự cuộc họp ASEAN thay cho ông Min Aung Hlaing.
Ông Moe Zaw Oo nói với VOA rằng "điều quan trọng là hội đồng quân sự không được công nhận", đồng thời cho biết thêm chính phủ đoàn kết đã không được mời tham dự cuộc họp ở thủ đô Jakarta của Indonesia.
Lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết 730 người trong nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính, nhóm hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết, khiến các nước phương Tây cũng như một số nước thành viên ASEAN lên tiếng chỉ trích.
Tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã lên án hành động bạo lực của lực lượng an ninh Myanmar đối với dân thường.
“Chúng tôi… cam kết tiếp tục hành động để thúc đẩy việc chấm dứt bạo lực ngay lập tức, trả tự do cho những người bị giam giữ và nhanh chóng khôi phục nền dân chủ ở Myanmar”, hai người nói trong một tuyên bố chung.
Đám đông đã xuống đường tại một số thị trấn ở Myanmar vào Chủ nhật để thể hiện sự ủng hộ đối với NUG. Lực lượng an ninh đã bắn chết hai người biểu tình ở thị trấn Mogok hôm thứ Bảy, một người dân cho biết.
Một số quả bom nhỏ đã nổ ở thành phố Yangon, giết chết một binh sĩ và làm bị thương một số người, các hãng truyền thông đưa tin. Quân đội đã cáo buộc những người biểu tình thực hiện các vụ đánh bom.