Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Hải: Để hành động thành công thì phải tuân thủ kỷ luật
(NB&CL) “Muốn thi đua tốt phải có Khen thưởng tốt, ghi nhận tốt, ghi nhận phù hợp. Và đương nhiên, phải có hình thức “nhắc nhở” phù hợp để các cá nhân, đơn vị chuyên hình thức hoặc không coi trọng các phong trào thi đua không còn “bình chân như vại”: “Ôi, không được khen thì thôi, có chết ai đâu!”

Nhà báo Nguyễn Xuân Hải- Chủ tịch HNB Hà Tĩnh
Bài liên quan
Chi hội Tạp chí Xây dựng Đảng: Nhánh sông nhỏ bồi đắp niềm tin lớn
Hội Nhà báo Quảng Ngãi: “Điểm sáng” trong phong trào thi đua yêu nước
Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai: Thay đổi linh hoạt theo hướng sát thực, hiệu quả và kịp thời
Phải mở rộng dân chủ, công bằng trong phong trào thi đua
“Mái nhà” thật sự cần thì hội viên sẽ quy tụ về"
Niềm tin, hành động và tính kỷ luật
+ Trên thực tế, với những chuyển biến không ngừng của thời cuộc, những thay đổi trong hoạt động báo chí, hoạt động Hội thì cần thiết phải có những đổi mới linh hoạt hơn nữa để “bắt nhịp” xu hướng mới. Điều ấy đòi hỏi cần có những dấu ấn riêng, gắn với từng đơn vị, từng cấp Hội chứ không chỉ là những phong trào chung chung mang tính bề nổi. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Tạo dấu ấn riêng biệt gắn với từng lĩnh vực cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể và hệ quy chiếu cụ thể...là điều quyết định thành công của bất cứ công việc nào, ngành nghề nào, phong trào nào chứ không chỉ phong trào thi đua của Hội ta. Trong những lĩnh vực liên quan nhiều đến công việc sáng tạo thì đó lại càng là một tất yếu. Sự chung chung, bề nổi theo kiểu “sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao lời ca tiếng hát và lấy họp hành, rút kinh nghiệm làm hơi thở của phong trào” chính là... kẻ thù của phong trào bởi nó tiêu diệt tính sáng tạo và động lực phấn đấu!

Đoàn Hội Nhà báo Cu ba thăm và trao đổi nghiệp vụ với Hội Nhà báo Hà Tĩnh và đi thực tế tác nghiệp cơ sở
+ Vậy HNB Hà Tĩnh đã coi trọng tính thiết thực, hiệu quả của phong trào thi đua như thế nào thời gian qua?
- Chúng tôi nói với hội viên trước khi bắt đầu một công việc, một phong trào: Muốn thực sự thành công, mỗi một hội viên, một Chi hội Nhà báo đều phải có đủ 3 yếu tố, hay nói cách khác là phải tập cho mình, phải dung chứa trong mình đủ 3 yếu tố. Đó là Niềm tin, Hành động và Tính Kỷ luật. Niềm tin chính là mũi tên chỉ đường để đi đến thành công. Mỗi một hội viên đều phải tự thuyết phục rằng mình có thể làm được, tập thể Chi hội mình có thể làm được và làm tốt nếu mình tôn trọng nghề nghiệp của mình, tôn trọng Hội với tư cách là mái nhà chung của mình. Tuy nhiên, có niềm tin không chưa đủ mà phải hành động. Đó chính là bước vật chất hóa niềm tin bằng hành động, bằng kế hoạch cụ thể và phương pháp cụ thể cho từng nội dung công việc.

Hội viên Hội Nhà báo Hà Tĩnh thi đấu Giải bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XIII, năm 2019
Tuy nhiên, để hành động thành công thì phải tuân thủ kỷ luật. Thường trực Hội yêu cầu tất cả các hội viên, các Chi hội đều phải hành động một cách có kỷ luật, không chỉ cố gắng thực hiện theo từng bước trong kế hoạch đã định mà nhiều khi còn cần phải hy sinh những nhu cầu cá nhân để có thể đạt được thành công. Và tất cả những điều ấy đều được cụ thể hóa bằng các tiêu chí, các yêu cầu, các nhiệm vụ… phù hợp với từng vị trí công việc của từng Chi hội. Các Chi hội thuộc các cơ quan báo chí của tỉnh thì lấy tác phẩm làm thước đo cho chất lượng của công tác thi đua khen thưởng. Sự trưởng thành về kỹ năng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp gắn với việc tích cực tham gia và giành các giải thưởng báo chí của tỉnh, của quốc gia... là tiêu chí số một đánh giá công tác TĐKT ở các Chi hội này. Ở Chi hội VP Hội, đó là việc tham mưu cho Thường trực những vấn đề về công tác Hội, cách thức tổ chức các nhiệm vụ định kỳ và đột xuất sao cho hiệu quả, phù hợp với chương trình hành động toàn khóa và nhiệm vụ chính trị địa phương. Ở Chi hội VPĐD & PVTT là việc giữ vững đạo đức nghề nghiệp, là việc quảng bá hình ảnh của mảnh đất và con người Hà Tĩnh, là việc huy động các nguồn lực để làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo... Tất cả những điều đó đều dựa trên một mẫu số chung là tham gia đầy đủ và tích cực các công việc của Hội. Dĩ nhiên là vậy...
Kỷ luật công việc nghiêm túc và cơ chế thưởng phạt nghiêm minh

HNB Hà Tĩnh tặng giấy khen cho các hội viên dạt thành tích hoạt động báo chí và công tác hội
+ Trong Dự thảo báo cáo Tổng kết phong trào thi đua của HNBVN có nhận định: Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục; nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, một số phong trào tác dụng lan toả chưa cao... Hình thức thi đua chưa thực sự phong phú và đa dạng, việc xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua chưa sát với thực tiễn. Theo ông, để khắc phục hạn chế này, thời gian tới chúng ta cần có những giải pháp nào?
- Giải pháp, theo tôi nó nằm chính ở sự thiết thực, hiệu quả một cách có cơ chế của chính phong trào thi đua. Nghĩa là phải xác định đúng mục tiêu cụ thể: Thi gì, đua gì, làm những gì, làm theo những cách nào cho phù hợp? Khi đã xác định được mục tiêu và cách làm thì cần phải có một chương trình hành động cụ thể cho từng đối tượng cụ thể (ví như tiêu chí thi đua của anh hội viên là nhân viên lưu trữ của Tòa soạn phải khác với anh phóng viên điều tra...) trong một kỷ luật công việc nghiêm túc và cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, đủ sức mời gọi và... nhắc nhở.
+ Có giải pháp nhưng triển khai trên thực tiễn như thế nào để hiệu quả cũng cần những “giải pháp của giải pháp”. Câu nói” Lãnh đạo nào phong trào ấy”, liệu còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay không, thưa ông?
- “Lãnh đạo nào, phong trào ấy” là một khái niệm cũ nhưng nội hàm của khái niệm này giờ đây đã cực khác. Chính vì vậy, đừng băn khoăn là nó có còn phù hợp nữa hay không mà chỉ nên băn khoăn liệu ông lãnh đạo có phù hợp hay không thôi! “Giải pháp của giải pháp” luôn là băn khoăn của những “nhóm công việc”, “nhóm tổ chức” thiếu hụt sự thuận lợi và ở khía cạnh nào đó, thiếu tính quyền lực (quyền lực ở đây còn bao hàm cả khái niệm “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”) . Về mặt logic hình thức, có thể nhìn thấy ngay “giải pháp của giải pháp” hiện hữu trong cụm từ “Thi đua Khen thưởng”. Muốn thi đua tốt phải có Khen thưởng tốt, ghi nhận tốt, ghi nhận phù hợp. Và đương nhiên, phải có hình thức “nhắc nhở” phù hợp để các cá nhân, đơn vị chuyên hình thức hoặc không coi trọng các phong trào thu đua không còn “bình chân như vại”: “Ôi, không được khen thì thôi, có chết ai đâu!”. Tuy nhiên, nói thì đơn giản vậy nhưng để “thưởng phạt nghiêm minh” đòi hỏi tổ chức phải mạnh và phải có đủ nguồn lực mà nguồn lực của Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp Hội luôn gặp phải khó khăn, trong đó quan trọng nhất là Chính phủ chưa xây dựng cơ chế, chính sách thể chế hóa các nội dung liên quan đến tổ chức, biên chế, kinh phí, chế độ chính sách thống nhất trong toàn quốc nhằm tạo điều kiện cho hoạt động Hội Nhà báo...
+ Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Vân ( thực hiện)