+ Được biết, trước đây, giá trị cốt lõi của tờ báo Người Lao Động chỉ là “nhanh, hay, chính xác” nhưng khoảng hơn 3 năm trở lại đây, khi ông về nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập thì đã có sự thay đổi. Sự thay đổi ấy cụ thể như thế nào, thưa Tổng Biên tập?
- Đúng vậy, giá trị cốt lõi ấy được bổ sung thêm tiêu chí “trách nhiệm, nhân văn”. Bởi tôi cho rằng, “nhanh, hay, chính xác” có lẽ là tiêu chí mang tính truyền thống của hầu hết các báo, đài đều theo đuổi nhiều năm nhưng trong tình hình mới cần nắm bắt, lựa chọn, bổ sung để hoàn thiện và phù hợp.
+ Điều gì đã khiến ông quyết định thay đổi khi slogan ấy đã là tiêu chí mà Báo Người Lao Động đã đeo đuổi hơn 40 năm qua?
- Trước tình hình thực tế, đâu đó vẫn còn một số hiện tượng đưa tin thiếu tính trách nhiệm, thiếu nhân văn với mục đích câu like, câu view, khai thác tình tiền tù tội, đâm cướp giết hiếp quá nhiều. Thậm chí có một số trang mạng cắt cúp, xào nấu, lấy thông tin đầu này cắm sang đầu kia để câu like, câu view. Đâu đó, trong một vài cơ quan báo chí chính thống cũng đã manh nha xuất hiện chuyện này vì chịu áp lực với lượt view đối với nhà quảng cáo... Sự sụt giảm niềm tin của công chúng vào báo chí có thời điểm xuống mức báo động.
Chính vì vậy, trong mấy năm qua chúng tôi đã xác định lại tiêu chí của mình đó là nhanh, hay, chính xác, trách nhiệm và nhân văn. Bởi dù khó khăn đến mức nào thì báo chí chính thống trong đó bao gồm các báo, đài phát thanh, đài truyền hình thuộc hệ thống thông tin chính thống của Nhà nước vẫn phải giữ gìn giá trị truyền thống và cốt lõi của mình. Trước hết, đó phải là sự thật, đưa thông tin một cách chính xác bên cạnh thông tin nhanh, gần gũi, hấp dẫn nhưng không được vượt ra khỏi ranh giới của sự thật.
Tính trách nhiệm của mỗi cơ quan báo chí chính thống đó là trách nhiệm với Đảng, với đất nước, với Tổ quốc, trách nhiệm với cộng đồng xã hội và trách nhiệm với chính bản thân mỗi người làm báo. Giá trị cốt lõi tiếp theo đó là tính nhân bản, nhân văn của cơ quan báo chí chính thống, tức là mỗi thông tin mà chúng ta đưa đến cho người đọc, phải đảm bảo được chất nhân văn, làm sao để thông tin đó giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Công chúng sau khi đọc xong thì cảm thấy mình nhận được thêm thông tin, được trưởng thành và tử tế hơn.
+ Nhưng thực tế việc giữ gìn được giá trị cốt lõi là một hành trình không hề dễ dàng. Đó vừa là câu chuyện của sự gìn giữ giá trị cốt lõi chung của báo chí cách mạng Việt Nam vừa là sự gìn giữ phát huy giá trị của chính mỗi cơ quan báo chí, thưa ông?
- Đương nhiên chúng tôi hiểu rằng để thực hiện điều này không dễ và mỗi cơ quan báo chí đều có mục tiêu, trọng trách của mình nhưng tôi tin rằng trong lĩnh vực báo chí những anh chị em mà được đào tạo bài bản, làm báo chuyên nghiệp ở hầu hết các cơ quan báo chí chính thống hiện nay đều là những người có trách nhiệm, đều là những cây bút có tâm hồn nhân văn. Tuy nhiên, đó chỉ là quan điểm, cách làm của riêng tờ báo chúng tôi, chia sẻ cũng với một tâm thế muốn góp phần lan tỏa điều tốt đẹp đến với mọi người, mọi nhà.
Có thể nói, dù là cách làm riêng, lối đi riêng nhưng vẫn luôn hướng đến mạch nguồn chung trong dòng chảy lớn của báo chí cách mạng. Bởi thế, đưa ra mục tiêu đó trước hết là để bản thân tờ báo Người lao động luôn luôn gìn giữ và phấn đấu, hướng tờ báo đến sự trách nhiệm và nhân văn, góp phần vào tiếng nói chung cho làng báo chí nước nhà.
+ Với việc xác định rất rõ nét giá trị cốt lõi, Báo Người Lao Động đã và đang bám sát “kim chỉ nam” đó như thế nào trong hoạt động của tòa soạn, thưa ông?
- Chúng tôi đã thực hiện giá trị cốt lõi xuyên suốt trên hành trình phát triển của tờ báo mấy năm qua và phải khẳng định rằng đây là đường hướng đúng đắn, giúp chúng tôi gặt hái thành quả cụ thể... Theo đó, Báo Người Lao Động đã tái cơ cấu các trang, mục theo hướng cung cấp cái bạn đọc cần chứ không phải cung cấp cái chúng tôi đang có. Nghĩa là chúng tôi xác định bạn đọc đang cần cái gì, muốn cái gì, quan tâm cái gì chúng tôi sẽ đáp ứng theo chiều hướng đó và đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo.
Trên báo in, chúng tôi tái cơ cấu lại theo hướng tăng cường các trang mục, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong bối cảnh mới. Chúng tôi còn tổ chức 2 trang mới hoàn toàn trên báo in trong lúc mà đại dịch đang ở đỉnh điểm đó là trang An sinh và trang Sức khỏe mà trước đây thường các nội dung này chỉ là một phần nhỏ trên trang để phục vụ việc đưa thông tin đến cho bà con nhân dân 312 phường, xã, thị trấn tại Thành phố Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và triển khai cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trên báo điện tử, ngoài các trang mục, các bài được up lên từ báo in, chúng tôi tổ chức thêm nhiều trang mục đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Chẳng hạn, trong đại dịch năm qua, chúng tôi đã mở nhiều trang mục như là “Phòng mạch COVID” hay là “Vắc-xin tinh thần” để giúp cho người dân vượt qua những khủng hoảng tâm lý do mất người thân, mất việc làm, do bị tù túng hay bệnh tật liên quan tới COVID sẽ được giải đáp một cách nhanh chóng với đội ngũ y, bác sĩ rất chuyên nghiệp.
Chúng tôi tổ chức các cuộc thi, tiêu biểu trong 3 năm qua đó là “Lắng nghe người dân hiến kế” để tất cả mọi người dân, mọi tầng lớp đều có thể đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như cả nước nói chung. Hay là chúng tôi tổ chức cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi” để vinh danh lực lượng y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu đang xả thân chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhiều nơi trên khắp mọi miền của đất nước.
Hay vừa qua, chúng tôi tổ chức cuộc thi ảnh “Thiêng liêng cờ Tổ quốc” - một chủ đề tưởng chừng không liên quan tới đại dịch nhưng chúng tôi muốn gửi tới một thông điệp là khi mỗi người có tình yêu Tổ quốc ở trong trái tim và khối óc thì hàng chục triệu người dân Việt Nam sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách như hiện nay...
+ Một trong những hoạt động làm nên tên tuổi cũng như thể hiện rõ giá trị cốt lõi của báo Người lao động còn là ở những hoạt động an sinh xã hội, sự lan tỏa tinh thần nhân văn tới công chúng... Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
- Thực tế, chúng tôi đã tổ chức hàng loạt chương trình hoạt động sau mặt báo để thực hiện được trách nhiệm của cơ quan báo chí truyền thông đóng góp cùng cộng đồng xã hội, làm sao cho cuộc sống vượt qua khó khăn và ngày càng tốt hơn. Trong đại dịch, chúng tôi tổ chức chương trình “ATM thực phẩm miễn phí” vào năm 2020 và chương trình “Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch” được tổ chức vào tháng 6 năm 2021, hai chương trình này là sự tiếp nối với nhau. Đồng thời, chúng tôi cũng đã phát động chương trình “Tổ quốc cần cả nước chung tay” vào tháng 5 năm 2021.
Đến nay, sau thời gian thực hiện, hai chương trình “Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch và Tổ quốc cần cả nước chung tay” đã huy động sự đóng góp của toàn xã hội lên đến hơn 6,5 tỷ đồng, trong đó gồm có tiền mặt, trang thiết bị chống dịch như là khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng hộ chống dịch, nước khử khuẩn… đặc biệt là khoảng tấn 170 thực phẩm, rau củ, quả từ các tỉnh thành chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh và chúng tôi đã cho tổ chức trao tặng quà đến nay là hơn 100 bệnh viện, trung tâm y tế, các khu cách ly... để giúp đỡ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và bà con nhân dân đang gặp khó khăn ở các địa phương trên địa bàn thành phố và 7 tỉnh thành phía Nam.
Ngày 16 tháng 9 năm 2021, chúng tôi đã phát động chương trình “Tình thương cho em” ngay sau khi có thông tin tại Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.500 trẻ mồ côi do cha mẹ mất vì bệnh dịch COVID. Chúng tôi xác định rằng mình không thể nào chăm lo được hết cho tất cả các cháu đến tuổi trưởng thành, nhưng chúng tôi quyết tâm làm là vì muốn nhóm lên một ngọn lửa nhân ái để kêu gọi tất cả mọi người, cộng đồng chung tay đóng góp cùng Nhà nước, cùng thành phố chăm lo cho các cháu.
Có thể nói, Báo Người lao động là một trong số ít những đơn vị đầu tiên, tiên phong làm chương trình này. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tổ chức chương trình “Trái tim miền Trung” để huy động sự đóng góp của mọi người giúp đỡ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ vào cuối năm 2020. Chương trình này cũng đã thu hút được sự đóng góp rất lớn của mọi người, cộng đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tặng máy phát điện, tặng sách vở, ủng cho các trẻ em miền núi đi học, xây dựng một số cầu ở thôn, bản ở một số địa phương bị sập do bão lũ và chúng tôi sẽ còn tiếp tục đến với bà con các vùng xa xôi bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ… trong thời gian tới.
+ Quả thực, nhắc đến Báo Người Lao Động không thể không nhắc đến chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” - chương trình dường như đã trở thành một thương hiệu của tờ báo, thưa ông?
- Trong khoảng hơn 2 năm qua, chúng tôi đã phát động và triển khai chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng rất nhiệt liệt của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, doanh nghiệp ở khắp nơi. Tính đến nay, chúng tôi đã trao gần 500 ngàn lá cờ Tổ quốc cùng hàng ngàn phần quà là các túi thuốc y tế cho ngư dân ở các tỉnh thành trên cả nước. Tổ chức chào cờ, thượng cờ Tổ quốc tại nhiều địa điểm có ý nghĩa thiêng liêng như Mũi Cà Mau, cột cờ Lũng Cú, đảo Bạch Long Vĩ, đảo Phú Quốc,… và một số đảo phía Nam của Tổ quốc.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tặng cờ cho lực lượng Hải quân để lực lượng Hải quân trao tặng lại cho ngư dân và các chiến sĩ đang làm việc đánh bắt ở gần 33 đảo và điểm đảo thuộc Trường Sa và 15 nhà giàn ở vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Đồng thời, với sự tham gia đồng hành của Tập đoàn Cao su Việt Nam, chúng tôi đã phát động chương trình “Cờ Tổ quốc Biên cương” để tặng cờ tổ quốc cho lực lượng bộ đội biên phòng và người dân sống dọc 25 tỉnh biên giới trên bộ.
Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tổ chức chương trình này khá tốt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai việc tặng cờ, tặng ảnh Bác cho người dân sống dọc biên giới, đồng thời sẽ khảo sát để xây dựng các cột cờ dọc biên giới trên bộ, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia xuyên suốt từ dưới biển lên trên bờ.
Có thể nói, trong suốt thời gian qua trên mặt trận nội dung hay mặt trận an sinh xã hội, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để thực hiện sứ mệnh của tờ báo chính thống, góp phần đưa thông tin nhanh chóng, hiệu quả, chính xác đến người dân, nâng cao đời sống tinh thần của người dân và thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
+ Tôi rất hiểu về những tâm huyết của ông và tập thể tờ báo Người Lao Động. Nhưng thời cuộc thử thách người làm báo, thậm chí có những ý kiến băn khoăn là áp lực của sự tự chủ về kinh tế liệu có ảnh hưởng đến việc gìn giữ những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, thưa ông?
- Đây là một thách thức thật sự, mặc dù không nhiều nhưng cũng có nơi này nơi kia chọn cách câu like, câu view để đảm bảo đời sống nhưng chúng tôi cho rằng đó là cách làm không tốt và cũng không bền vững. Hiện nay, các cơ quan báo chí vừa làm nhiệm vụ chính trị, vừa phải đảm bảo được đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên là một thách thức vô cùng lớn mà nhiều cơ quan báo chí đang gặp khó khăn. Báo Người lao động cũng không nằm ngoài bài toán của tự chủ tài chính nhưng trong những năm qua chúng tôi tìm mọi cách để tháo gỡ nó và làm bằng tất cả tinh thần nghề nghiệp, nhiệt tâm và sự sáng tạo của mình. Đến bây giờ chúng tôi vẫn đảm bảo được đời sống cho anh em.
+ Và điều quan trọng để luôn giữ được giá trị cốt lõi của tờ báo và đảm bảo được sự phát triển bền vững của cơ quan, thưa ông?
- Trước tiên tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất vẫn là nội dung, nội dung sẽ quyết định được đường hướng, diện mạo của tờ báo để không chỉ thu hút bạn đọc mà còn tạo sự tin cậy của cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp. Nội dung đó như tôi nói từ đầu đó là 5 tiêu chí nhanh, hay, chính xác, trách nhiệm và nhân văn. Khi mà một tờ báo làm được 5 tiêu chí đó thì chắc chắn rằng sẽ có được niềm tin trong cộng đồng, trong xã hội. Thứ hai đó là các chương trình sau mặt báo, mặc dù phần lớn các chương trình không mang lại giá trị kinh tế cụ thể nào nhưng mà nó mang lại những giá trị vô hình rất lớn.
Chúng tôi thực hiện hàng loạt các chương trình như là Mai vàng nhân ái, chương trình thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch, ATM thực phẩm miễn phí, Tổ quốc cần cả nước chung tay, chương trình Tình thương cho em,... đều không có bất cứ một lợi ích nào về kinh tế, nhưng qua những chương trình đó thì chúng tôi được bạn đọc ủng hộ, xã hội yêu qúy và từ đó góp phần làm cho uy tín, thương hiệu của tờ báo được nâng cao, góp phần giải quyết ở một góc độ nào đó về kinh tế báo chí. Bởi khi bạn đọc ủng hộ mình, giúp đỡ mua báo, đọc báo nhiều và khi doanh nghiệp, đối tác đến với mình cũng cảm thấy yên tâm bởi tờ báo có uy tín, có vị trí trong lòng bạn đọc, giúp đỡ được cho cộng đồng, làm được nhiều điều tốt... Tôi nghĩ rằng chúng tôi, chúng ta cứ làm bằng tất cả trái tim, tình cảm của mình thì sẽ được xã hội và bạn đọc ghi nhận và điều ấy chính là giá trị không gì lay chuyển được.
(CLO) Ngày 26/11, tại Hà Nội, Ban tổ chức Cuộc thi viết về cây di sản Việt Nam - năm 2024 đã công bố kết quả và trao giải với sự tham gia của đông đảo nhà khoa học, khách mời, các tác giả đoạt giải.
Nhận lời mời của Liên đoàn Nhà báo Thái Lan (CTJ), đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) do đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, dẫn đầu có chuyến thăm làm việc tại Thái Lan từ ngày 25-29/11.
(CLO) Ngày 25/11, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến” và Chương trình trao thưởng “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn”. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ ngày 25/11/2014 đến ngày 26/5/2025 tại địa chỉ: chonghanggia.dangcongsan.vn.