Cử tri mong muốn Quốc hội làm “nguội” những vấn đề “nóng”

Thứ hai, 20/05/2019 07:10 AM - 0 Trả lời

(CLO) Hôm nay, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV khai mạc. Trước thềm kỳ họp, cử tri mong muốn gì ở Quốc hội, ở các vị đại biểu Quốc hội - đó là vấn đề luôn được dư luận xã hội quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: ĐBND

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: ĐBND

Cử tri mong muốn gì ở Quốc hội?

Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa được tổ chức, một phóng viên đã đặt câu hỏi với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi, rằng các ông quan tâm đến vấn đề “nóng” nào và Tổng Thư ký cũng như các vị đại biểu Quốc hội kỳ vọng gì ở kỳ họp lần này?

Trả lời phóng viên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hóm hỉnh cho rằng, điều mà ông kỳ vọng là những vấn đề “nóng” sẽ được làm “nguội” đi. Đối với cá nhân ông, ông quan tâm đến tất cả những vấn đề được Quốc hội đưa ra bàn thảo. Theo Tổng Thư ký, tất cả những vấn đề được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội đều là những vấn đề quốc kế, dân sinh, những vấn đề quan trọng của đất nước, do đó, ông - với tư cách là một đại biểu Quốc hội đều quan tâm. Và ông kỳ vọng tất cả những vấn đề được đặt ra, được Quốc hội thảo luận sẽ đều được giải quyết vào cuối kỳ họp, hay nói cách khác là sự thành công của kỳ họp luôn là điều mà ông cũng như các vị đại biểu Quốc hội luôn kỳ vọng.

Cùng chủ trì họp báo, đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi cũng bày tỏ đồng quan điểm, “đồng ý chí” với Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Và có lẽ câu trả lời của Tổng Thư ký Quốc hội cũng sẽ nhận được sự đồng tình của tất cả các vị đại biểu Quốc hội.

Cử tri và nhân dân kỳ vọng gì ở Quốc hội cũng như các vị đại biểu Quốc hội? Câu hỏi này luôn được đặt ra trước mỗi kỳ họp Quốc hội. Đương nhiên là những vấn đề thiết thân đối với đời sống nhân dân sẽ luôn được người dân quan tâm. Đó là những vấn đề như an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ quyền lợi người lao động, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội… Cử tri mong muốn những vấn đề này được đại biểu Quốc hội nêu ra, được bàn thảo và giải quyết rốt ráo tại diễn đàn Quốc hội.

Cùng với đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng là vấn đề được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Những kết quả rất quan trọng của công tác này trong thời gian qua cho thấy Đảng, Quốc hội đã nói là làm, làm từng bước chắc chắn, bài bản, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, cử tri cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa đạt kết quả như mong muốn. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải bắt đầu từ cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn; phải quyết liệt, triệt để, phát động toàn dân phòng chống tham nhũng, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải chung sức đồng lòng; phải có cơ chế bảo đảm an toàn cho người tố giác tham nhũng...

Trách nhiệm người đại biểu của dân

Để đáp ứng những kỳ vọng đó, cử tri mong muốn những đại biểu do mình bầu ra thể hiện được ý chí, nguyện vọng của mình, cử tri mong muốn thấy “hình bóng” của mình qua các hoạt động của đại biểu Quốc hội. Chắc hẳn cử tri không muốn có những vị đại biểu mỗi năm hai kỳ dự họp, nghiêm túc chấp hành giờ giấc đi về hai buổi, giữ đúng nội quy phiên họp, lắng nghe các báo cáo và… không có ý kiến gì. Cử tri không cũng không muốn có tình trạng đại biểu phát biểu ý kiến chung chung ba phải, phát biểu một chiều theo hướng khen ngợi, báo cáo thành tích; phát biểu không rõ, không sát vấn đề.

Điều cử tri cần ở đại biểu Quốc hội trước hết, họ phải là người có trình độ, hiểu biết sâu về vấn đề trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… và có kỹ năng làm đại biểu. Người đại biểu Quốc hội không chỉ là người thu thập thông tin, tiếp thu ý kiến cử tri mà còn là người gợi mở để cử tri có thể giãi bày tâm tư, nguyện vọng. Đại biểu Quốc hội phải là người “có tầm”, có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, từ đó giúp cử tri bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình.

Điều đáng mừng là trong những kỳ họp gần đây, những đổi mới trong hoạt động nghị trường ngày càng rõ nét. Sự đổi mới của Quốc hội không chỉ thể hiện qua việc chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời mà còn ở cách thức thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội - ngân sách nhà nước. Cùng với tăng thời gian thảo luận tại hội trường, hoạt động Quốc hội đang chuyển đổi mạnh mẽ từ “Quốc hội tham luận” sang mô hình “Quốc hội đối thoại”, “Quốc hội tranh luận”, từ đó, các vị đại biểu Quốc hội có nhiều “đất diễn” hơn. Đồng thời, các vấn đề Quốc hội bàn thảo được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đa chiều hơn, qua đó tạo nên sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, việc bố trí nhiều hơn các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp nội dung mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm đã góp phần để cử tri tiếp cận hoạt động nghị trường nhiều hơn, qua đó cử tri hiểu hơn, gắn kết hơn với hoạt động của Quốc hội.

Tất cả những điểm đó đã cho thấy sự nỗ lực, cố gắng, những bước tiến dài có tính liên tục trong hành trình đổi mới hoạt động theo hướng chuyên nghiệp của Quốc hội. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội mới đây cho rằng, cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Đặc biệt, cử tri và nhân dân đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; nâng cao chất lượng tập hợp và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề mà đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm.

Trước mỗi kỳ họp của Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cử tri và nhân dân cả nước luôn gửi gắm rất nhiều kiến nghị và cả kỳ vọng với mong muốn Quốc hội, Chính phủ sẽ sớm có được những biện pháp giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, để đạt mục tiêu là làm “nguội” những vấn đề “nóng” như câu trả lời mà Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ.

Thế Vũ

Tin khác

Phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

Phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

(CLO) Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2026). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Vương Đình Huệ dự chỉ đạo buổi Lễ.

Tin tức
Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, sát thực tiễn

Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, sát thực tiễn

(CLO) Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Tin tức
Quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất vũ khí hóa học

Quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất vũ khí hóa học

(CLO) Mới đây, Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

Tin tức
Đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ

Đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo về phương án đầu tư, nâng cấp tuyến cao tốc phân kỳ; trong đó, có giải pháp cụ thể để đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ....

Tin tức
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế

(CLO) Chiều 28/3, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Việt Nam trước những va chạm mới đây giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây.

Tin tức