Đặc phái viên Myanmar kêu gọi Liên Hợp Quốc chặn âm mưu đảo chính trong nước
(CLO) Đặc phái viên Liên Hợp Quốc của Myanmar kêu gọi Liên Hợp Quốc sử dụng “bất kỳ phương tiện nào cần thiết” để ngăn chặn cuộc đảo chính quân sự vừa diễn ra.

Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun. Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Việt Nam đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar
Khủng hoảng ở Myanmar: ASEAN thể hiện vai trò trung tâm
Myanmar: Quân đội tấn công người biểu tình chống đảo chính
Quốc gia Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội nắm chính quyền vào ngày 1 tháng 2 và bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng phần lớn lãnh đạo đảng cầm quyền NLD, với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 mà đảng của bà đã thắng.
Cuộc đảo chính đã khiến hàng trăm nghìn người biểu tình xuống đường ở Myanmar và bị các nước phương Tây lên án đồng thời áp đặt một số biện pháp trừng phạt hạn chế.
Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun nói với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng ông đang phát biểu thay mặt chính phủ của bà Suu Kyi và kêu gọi cơ quan này “sử dụng bất kỳ biện pháp nào cần thiết để hành động chống lại quân đội Myanmar và cung cấp sự an toàn và an ninh cho người dân”.
“... Chúng ta cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn áp bức người dân vô tội .. và khôi phục nền dân chủ”, ông nhận được tràng pháo tay khi ông kết thúc .
Nói những lời cuối cùng của mình bằng tiếng Myanmar, Kyaw Moe Tun, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, đã giơ biểu tượng ba ngón tay chào của những người biểu tình ủng hộ dân chủ và tuyên bố “chính nghĩa của chúng tôi sẽ thắng thế”.
Đặc phái viên Liên hợp quốc của Myanmar đưa ra lời kêu gọi đầy xúc động về hành động ngăn chặn đảo chính. Những người phản đối cuộc đảo chính đã ca ngợi Kyaw Moe Tun như một anh hùng.
'Nhân dân sẽ chiến thắng và chính quyền ám ảnh về quyền lực sẽ sụp đổ', một nhà lãnh đạo biểu tình, Ei Thinzar Maung, viết trên Facebook.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener đã thúc đẩy LHQ đưa ra một “tín hiệu rõ ràng ủng hộ dân chủ” tập thể và nói với Đại hội đồng không quốc gia nào nên công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân đội.
Đặc phái viên của Trung Quốc không chỉ trích cuộc đảo chính và nói rằng tình hình này là 'công việc nội bộ' của Myanmar.
Sự bất ổn định gia tăng về nơi ở của bà San Suu Kyi vào ngày thứ Sáu (26/2), khi trang web Myanmar dẫn lời các quan chức cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cho biết, trong tuần này Cố vấn Nhà nước đã được chuyển từ nơi quản thúc đến một địa điểm không được tiết lộ.
Một luật sư đại diện cho bà, Khin Maung Zaw, nói với Reuters rằng ông đã nghe điều tương tự từ các quan chức NLD nhưng không thể xác nhận điều đó. Các nhà chức trách cũng không trả lời yêu cầu bình luận. Luật sư cho biết ông đã không được tiếp cận với Suu Kyi trước phiên điều trần tiếp theo của bà ấy vào thứ Hai, nói thêm: 'Tôi lo ngại rằng sẽ mất quyền tiếp cận công lý và tiếp cận với cố vấn pháp lý'.
Tại thành phố lớn nhất, Yangon, cảnh sát chống bạo động đã bắn đạn cao su, lựu đạn gây choáng và bắn cảnh cáo để giải tán đám đông người biểu tình dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Một nhân chứng cho biết có ít nhất một người bị thương. Một số người biểu tình đã bị bắt giữ, các nhân chứng cho biết, trong số đó có một nhà báo Nhật Bản, người bị tạm giữ trong thời gian ngắn.
Một số người khác cũng bị thương bởi các hành động trấn áp của cảnh sát ở thành phố lớn thứ hai, Mandalay, truyền thông trong nước và một nhân viên cấp cứu cho biết. Các nhân chứng cho biết cảnh sát cũng đã giải tán các cuộc biểu tình ở thủ đô Naypyitaw, thị trấn trung tâm Magwe và thị trấn phía tây Hakha.
Tổng chỉ huy quân đội Min Aung Hlaing tuyên bố rằng, các nhà chức trách đã sử dụng vũ lực tối thiểu. Tuy nhiên, ít nhất ba người biểu tình đã chết kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra và một cảnh sát cũng bị thiệt mạng, theo nguồn tin của Tatmadaw. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar, ít nhất 689 người đang bị giam giữ hoặc có các cáo buộc chưa xử lý chống lại họ kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2.
Bà Aung San Suu Kyi, con gái của anh hùng giành độc lập của Myanmar, đã trải qua gần 15 năm bị quản thúc dưới các chính quyền quân sự trước đây. Hiện bà đang phải đối mặt với cáo buộc nhập khẩu bất hợp pháp sáu bộ đàm và vi phạm luật thiên tai do vi phạm quy định phòng dịch COVID. Quân đội Myanmar đã hứa về một cuộc bầu cử nhưng không ấn định thời điểm diễn ra trong khi áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.