Nhà báo Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc điều hành Trung tâm Truyền hình Việt Nam (VTV8):

Điều hành sản xuất, kết nối chương trình phải chính xác tới từng giây

Thứ sáu, 12/02/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Năm 2020 quả thực là một năm vô cùng biến động, có những sự kiện dường như lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử loài người hiện đại… Những điều này đã tạo sức ép rất lớn với hoạt động báo chí nói chung, đến Đài THVN nói riêng, trong đó có VTV8”.

Bài liên quan

Nhà báo Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc điều hành VTV8 nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện đầu Xuân Tân Sửu cùng phóng viên Báo Nhà báo & Công luận.

Tác nghiệp khó khăn vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh, thông tin kịp thời

+ Trung tâm THVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) chính thức được thành lập ngày 10/5/2020 trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị VTV Huế, VTV Đà Nẵng và một phần của VTV Nha Trang. Ngay trong năm, đại dịch Covid-19 và bão lũ... ập đến đã tạo nên sức ép như thế nào đối với đơn vị, thưa ông?

- Ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2020 khi thông tin dịch bệnh do virus Corona bắt đầu xuất hiện trên các tờ báo và trong những trường hợp xác định dương tính ở Việt Nam có người ở TP. Đà Nẵng, ở TP. Huế thì áp lực của chúng tôi không chỉ đơn giản là đưa tin mà chính là việc làm sao đảm bảo an toàn phát sóng kênh VTV8. 

Báo Công luận

Chưa bao giờ, chưa có tiền lệ nên việc đề ra các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn cho phóng viên, biên tập viên tác nghiệp hiện trường, cách ly với đội ngũ làm công tác hậu kỳ tại trụ sở, đảm bảo người cách ly với người… là những việc vô cùng khó khăn. Đặc biệt thời điểm đợt dịch bùng phát lần 2 mà tâm điểm là Đà Nẵng là thử thách đối với chúng tôi. Trong bối cảnh dịch bệnh, phóng viên VTV vẫn phải hoạt động, vẫn phải đến các địa bàn để lấy thông tin, để ghi lại những hình ảnh chân thực về công tác phòng chống dịch bệnh. Đỉnh điểm là khi có một nhân sự của chúng tôi (làm việc tại trụ sở VTV8) được xác định dương tính, mà trước đó đã có tiếp xúc với hàng chục nhân sự khác của VTV8 thì áp lực không chỉ đối với Ban lãnh đạo mà còn cả  cơ quan bởi có đến hơn 100 người thuộc diện F1, F2, F3 theo “cây” tiếp xúc... Có thời điểm lãnh đạo Đài THVN đã phải tính toán đến việc cử một đoàn công tác tới 50 người vào Đà Nẵng để kịp thời bổ sung, thay thế… 

2 tháng giữa tâm dịch là những ký ức không thể nào quên của chúng tôi. Vừa qua cơn dịch bệnh thì những cơn bão đã liên tiếp đổ vào miền Trung gây ra lũ lụt, sạt lở đất… Với địa bàn trải dài gần khắp miền Trung, phóng viên VTV8 lại tiếp tục có mặt ở những điểm “nóng” nhất của lũ tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, ở Rào Trăng, ở Trà Leng… và những hình ảnh về những sự kiện này đã được phát sóng trên các Bản tin thời sự VTV1, VTV8 một cách nhanh nhất, chân thực nhất tới khán giả cả nước. 

Chúng tôi thỉnh thoảng nói vui là “năm 2020 quả là áp lực, quả là vất vả… thế nhưng với những người làm báo thì dường như lại là cơ hội, cơ hội để cống hiến, để làm việc hết mình với nghề…”.

Một điểm cầu do VTV8 phụ trách được thực hiện tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (làng An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình) trong chương trình THTT

Một điểm cầu do VTV8 phụ trách được thực hiện tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (làng An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình) trong chương trình THTT "Mưa lũ lịch sử miền Trung" phát sóng trên VTV1.

+ Áp lực ấy cũng khiến chúng ta phải linh hoạt và sáng tạo hơn trong những bản tin, những thước phim phát sóng, thưa ông?    

- Đúng vậy, đối với một kênh truyền hình quốc gia như VTV8, những sự kiện “nóng” là “cơ hội” để áp dụng những lý thuyết về truyền hình vào thực tiễn. Các bản tin đột xuất (Breaking news) là một ví dụ. Các bản tin breaking news về Covid-19 hay về mưa lũ lịch sử miền Trung được mở ra trong ngày, dù sự tồn tại chỉ rất ngắn nhưng đã góp phần định hướng dư luận xã hội kịp thời trong tình huống có nhiều luồng thông tin nhiễu loạn, tin giả (fake news) xuất hiện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các đồng nghiệp ở Ban Thời sự và một số đơn vị khác của Đài THVN để cung cấp các phóng sự, chuyên đề chuyên sâu về công tác phòng chống dịch, phòng chống bão lũ (trong đó có những chương trình THTT mà điểm cầu truyền hình ở tâm điểm “nóng” được dư luận quan tâm như Trà Leng, Rào Trăng…). Trong điều kiện tác nghiệp hết sức khó khăn, sóng điện thoại, mạng internet không có nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo được chất lượng hình ảnh, thông tin kịp thời, đúng thời gian cần thiết.  

Chúng tôi phải xây dựng những quy trình sản xuất chặt chẽ

+ Có lẽ, chưa bao giờ việc tác nghiệp và sản xuất tác phẩm báo chí lại nhiều thách thức đến vậy. Là người đứng đầu đơn vị, ông đã có những chỉ đạo như thế nào để nhịp sản xuất không ngừng nghỉ mà vẫn đảm bảo sự an toàn cho nhân viên của mình? 

- Trong xã hội hiện đại, thông tin là một món ăn không thể thiếu với mọi người, cũng như các tờ báo khác, VTV8 cũng phải là nơi khán giả có thể tiếp cận được nguồn thông tin dồi dào. Trong dịch bệnh, bão lũ, các phóng viên của VTV8 cũng phải đối mặt với những nguy hiểm vì vậy lãnh đạo Đài THVN luôn nhắc nhở chúng tôi, dù say nghề, dù yêu cầu thông tin là rất quan trọng nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố an toàn tính mạng cho các phóng viên tác nghiệp. Trong những ngày ở tâm dịch hay ở tâm bão, lũ các phóng viên tác nghiệp luôn được trang bị đầy đủ các trang phục, dụng cụ cần thiết để đảm bảo an toàn. Dù là người đứng đầu VTV8 nhưng vẫn là một nhà báo nên trong những ngày dịch Covid hay trong mưa lũ, tôi vẫn cùng anh chị em phóng viên có mặt ở nhiều hiện trường sự kiện như ở bệnh viện dã chiến Hòa Vang (Đà Nẵng), ở rốn lũ Lệ Thủy (Quảng Bình), ở Rào Trăng (Huế), ở Trà Leng (Quảng Nam)… và trực tiếp có những chỉ đạo sát sao, kịp thời theo yêu cầu thông tin và đảm bảo cao nhất sự an toàn trong tác nghiệp.

Báo Công luận

+ Đằng sau những thước phim chân thực là biết bao nhọc nhằn của những người làm báo... Trong vai trò người lãnh đạo, ông đã có chỉ đạo trong kết nối phối hợp ở từng khâu sản xuất như thế nào để thông tin vừa nhanh, kịp thời lại vừa chính xác? 

- Truyền hình là một loại hình đặc biệt ở chỗ các sản phẩm báo chí truyền hình luôn mang tính tập thể chứ không một cá nhân nào có thể tạo ra được. Mỗi câu chuyện mà phóng viên truyền hình kể lại là công sức của người quay phim, của người biên tập, của người viết lời, người đọc lời, người chọn nhạc… Để ra đời được một sản phẩm dù chỉ là một tin ngắn 30’ hay là một phóng sự 10’ là quá trình lao động và sáng tạo của mỗi người nằm trong dây chuyền sản xuất.  Truyền hình cũng là loại hình báo chí mà việc phát hành tác phẩm phải theo những khung giờ nhất định. Ví dụ “Bản tin thời sự trưa” của VTV8 sẽ lên sóng vào lúc 11h30 thì tất cả các tin, bài ở hiện trường phải được gửi về trụ sở muộn nhất là trước 30’ để kịp làm công tác thư ký biên tập, kết nối việc dẫn chương trình tại trường quay với các tác phẩm (tin, phóng sự) đơn lẻ khác nhau để trở thành một bản tin hoàn chỉnh. Hiện nay, với công nghệ phát triển, chúng tôi cũng thường xuyên có các thông tin phóng viên đưa tin trực tiếp từ hiện trường (live) không chỉ ở trong nước mà còn kết nối với các phóng viên thường trú của VTV ở nước ngoài…Chính vì vậy việc điều hành sản xuất, kết nối các chương trình phải rất nhuần nhuyễn, chính xác tới từng giây. Để làm được điều này chúng tôi phải xây dựng những quy trình sản xuất chặt chẽ, đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm của từng người, từng bộ phận, chỉ một sai lầm, chậm trễ của một cá nhân nào đó thì có thể làm hỏng cả một chương trình.

Báo Công luận

Dù có áp lực, chúng tôi - lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ sư và đội ngũ nhân viên VTV8 luôn có một niềm vui rất lớn sau mỗi một chương trình truyền hình được phát sóng và được sự đón nhận của công chúng, khán giả. Đó là niềm vui khi được đóng góp công sức nhỏ bé vào các chương trình phát sóng của VTV nói riêng và ở các đơn vị báo chí nói chung để cung cấp những thông tin hữu ích đến với người dân cả nước.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Hà Vân (Thực hiện)

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo