Ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:

Đoàn kết - Kỷ cương để Đổi mới, Sáng tạo và Phát triển (*)

Thứ sáu, 01/01/2021 08:05 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhìn lại chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ đã qua, ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng hoạt động của HNBVN có nhiều điểm sáng nhưng cũng có những thách thức phải nỗ lực vượt qua.

Bài liên quan

Nhiệm kỳ tới của HNBVN diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển cực kỳ mạnh mẽ, chi phối và làm thay đổi từ quá trình thu thập thông tin, sản xuất ấn phẩm báo chí đến cách thức đọc báo của độc giả. Bối cảnh mới, tình hình mới của đất nước, của đời sống báo chí đang đặt ra cho HNBVN những thách thức mà để làm tròn được sứ mệnh của mình là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với những người làm công tác Hội. Nhìn lại chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ đã qua, ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam có nhiều điểm sáng nhưng cũng có những thách thức phải nỗ lực vượt qua. Chủ tịch Thuận Hữu nhấn mạnh:

Có thể nói, chặng đường 5 năm không quá dài đối với một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi cho rằng, với những nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ, cho đến thời điểm này, chúng ta đã thực hiện thành công và có hiệu quả Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020. Sự thành công này thể hiện ở các mặt sau:

Thứ nhất, các cấp Hội thực hiện và tuyên truyền hội viên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong 5 năm qua;

FN1A0251

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội, các cơ quan báo chí đã quan tâm đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, nhất là trong việc tiên phong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật  của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí;

Thứ ba, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã chỉ đạo các cấp Hội, các cơ quan báo chí triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt có văn bản chỉ đạo các cấp Hội quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác giáo dục, bồi dưỡng về nhận thức chính trị - xã hội, đạo đức nghề nghiệp và kiến thức pháp luật cho các hội viên được các cấp Hội quan tâm với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả;

Thứ tư, triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động báo chí thông qua việc tổ chức tốt Giải Báo chí Quốc gia và các giải chuyên ngành; thực hiện tốt Đề án chất lượng cao giai đoạn 2016-2020;

Thứ năm, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng nhằm hướng tới xây dựng nền báo chí cách mạng, giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại. Trong 5 năm (2014-2018), bên cạnh nguồn kinh phí Nhà nước cấp, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam đã tìm kiếm các nguồn lực bằng cách phối hợp với các cơ quan báo chí, các Hội Nhà báo địa phương, các tổ chức quốc tế tổ chức được 510 lớp học cho 15.020 lượt học viên của các loại hình báo chí trên cả nước ở ba mảng chính: kỹ năng, chuyên đề báo chí và bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của nhà báo;

Thứ sáu, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của Đảng, Nhà nước cùng tham gia có hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí… công tác kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; tham mưu xây dựng cơ chế chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo;

Thứ bảy, củng cố tổ chức Hội và xây dựng bộ máy làm công tác Hội các cấp;

Thứ tám, tăng cường hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. Cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước, các hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục được triển khai một cách chủ động, tích cực, trong đó có nhiều hoạt động có nội dung đối ngoại quan trọng và ý nghĩa thiết thực, góp phần triển khai các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác của báo giới và nhân dân cả nước, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam nói chung và giới báo chí Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Những năm gần đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật khẳng định được vai trò, vị trí của một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam trong đời sống xã hội.

Ngày 19/6/2020, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Ngày 19/6/2020, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu kém, thiếu sót, tồn tại như: Một số tổ chức Hội chưa thể hiện rõ vai trò, vị thế của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, chưa có nhiều hoạt động đặc thù; một số hội viên - nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp; báo chí vẫn còn mắc những sai phạm về quy định thông tin. Hoạt động của một số cấp Hội còn mờ nhạt. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ lãnh đạo Hội chưa được quan tâm đúng mức, nên luôn bị thiếu lãnh đạo chuyên nghiệp và tâm huyết với công tác Hội.

+ Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HNBVN trong tình hình mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “…hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức Hội còn hạn chế, chưa phát huy đầy đủ vai trò và vị thế của Hội. Công tác tập hợp những người làm báo còn gặp nhiều khó khăn. Một số tổ chức Hội, cơ quan báo chí chưa chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Một bộ phận hội viên chưa tích cực học tập nâng cao trình độ tác nghiệp báo chí trong tình hình mới. Vẫn còn tình trạng hoạt động báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tính định hướng, một số người làm báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Điều này có khiến ông trăn trở không, thưa Chủ tịch?

- Thời gian qua, hoạt động của Hội chúng ta đã đi đúng hướng. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã xây dựng lại và triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp, đưa ra Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, coi đó là cẩm nang đạo đức nghề nghiệp cho phù hợp với tình hình mới. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2019. Gần 300 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ cấp Trung ương đến các cấp hội trực thuộc được thành lập và đã đi vào hoạt động nền nếp theo quy chế của Hội  đồng. Công tác kiểm tra, giám sát ngày càng đi vào thực chất, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của các hội viên - nhà báo và công chúng báo chí trong cả nước. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp đã quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo; đồng thời khiển trách và nhắc nhở phê bình, rút kinh nghiệm các trường hợp vi phạm khác trong sử dụng mạng xã hội.

Đồng thời, để phục vụ nhiệm vụ xây dựng đội ngũ người làm báo, ngoài việc chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và Ban Nghiệp vụ của Hội đã chủ trì và phối hợp chủ trì với các bộ, ngành, trường đại học, địa phương, với các đối tác trong Liên đoàn nhà báo ASEAN, với Hội Nhà báo Lào, tổ chức hơn 50 hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ, diễn đàn, cuộc thi báo chí, về các chủ đề: các xu hướng báo chí hiện đại, kinh tế báo chí, các kỹ năng làm báo hiện đại, đạo đức nghề báo gắn với việc thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, quản lý báo chí, truyền thông đa phương tiện, tác nghiệp báo chí trong cách mạng công nghiệp 4.0, tọa đàm về các nhà báo nguyên lãnh đạo cấp cao của Hội Nhà báo Việt Nam; xuất bản 19 bộ sách nghiệp vụ về Giải Báo chí Quốc gia, Tác phẩm báo chí chất lượng cao, tác phẩm tuyển chọn từ Hội thảo…  

Tuy nhiên, trong thực tiễn báo chí hiện nay, một bộ phận người làm báo vẫn vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng danh nghĩa báo chí để vụ lợi, tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm v.v… bị xử lý, kỷ luật. Đã có những nhà báo bị đưa ra khỏi ngành, thậm chí bị xử lý hình sự. Mắc phải những sai phạm đó, suy cho cùng là do người làm báo đã không thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với xã hội, không làm tròn nghĩa vụ của một công dân. Lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã làm lu mờ ý thức trách nhiệm, quy chuẩn đạo đức, đạo lý làm người của người làm báo cho dù người đó có trình độ nghiệp vụ cao đến đâu. Về khuyết điểm này, trách nhiệm một phần thuộc về tổ chức Hội do chưa có những biện pháp hữu hiệu để kiểm tra, giám sát và ngăn chặn sai phạm. Do vậy trong hoạt động sắp tới các cấp Hội cần quan tâm hơn tới việc này.

+ Điều đáng quan tâm, và cũng chính là đòi hỏi chính đáng của người dân, yêu cầu của Đảng, Nhà nước, là Hội Nhà báo chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt và các bước đi phù hợp, xử lý thành công một vấn đề then chốt trong công tác Hội nói riêng và trong toàn bộ công việc của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ tới nói chung. Ấy là nâng cao bản lĩnh của những người làm báo, trước hết về nhận thức và đặc biệt trong tác nghiệp hằng ngày, đúng với bản chất của báo chí Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, một nền báo chí do dân và vì dân, thượng tôn pháp luật, theo định hướng của Đảng, phục vụ đất nước và con người. Điều này không dễ nhưng rõ ràng là nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã bước đầu làm được và làm có hiệu quả. Vậy thì 5 năm tới sẽ là bước đi như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Trong bối cảnh mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí ở các cấp Hội trong cả nước đã có nhiều nỗ lực và phát triển. Các chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí được cải tiến, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Bên cạnh nguồn kinh phí Nhà nước cấp ít ỏi, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã cố gắng tìm kiếm các nguồn lực từ các nhà tài trợ bằng việc phối hợp với các cơ quan báo chí, các Hội Nhà báo trong nước, các tổ chức quốc tế để tổ chức hơn 500 lớp bồi dưỡng các loại hình báo chí trên cả nước.

Các cấp Hội trong cả nước cũng đã chủ động tổ chức hàng trăm lớp ngắn hạn bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tại chỗ cho hội viên, với những nội dung thiết thực, cập nhật, nhất là về các kỹ năng làm báo hiện đại. Các lớp học của Hội được tổ chức chu đáo từ xác định chủ đề, mời giảng viên, học viên phù hợp với chủ đề của từng lớp, phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà báo địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện phục vụ lớp học, nơi ăn, ở cho học viên. Do đặc điểm công tác nên khó khăn việc mở các lớp dài ngày, liên tục, vì vậy Hội ưu tiên tập trung tổ chức các lớp học về kỹ năng, chuyên đề, chuyên sâu với thời gian học tập ngắn và kiến thức truyền đạt mới.

Nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo Việt Nam kết hợp với một số địa phương, tạo nguồn để Viện Báo chí và Truyền thông (Đại học KHXH & NV - Đại học Quốc gia Hà Nội) mở một số lớp cao học, đại học báo chí tại chức, góp phần chuẩn hóa đội ngũ làm báo.

Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức và một số hạn chế. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên hiện nay nhìn chung còn thiếu tính chuyên nghiệp; trình độ tin học, ngoại ngữ, hiểu biết thông lệ và luật pháp quốc tế, giao lưu quốc tế còn hạn chế. Số lượng nhà báo được đào tạo để ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động tác nghiệp chưa nhiều. Cơ quan báo chí cũng chưa xây dựng được đội ngũ nhân sự chuyên và mạnh công nghệ thông tin để vận hành tòa soạn đa phương tiện.

Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, phải tăng cường xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số; đặc biệt chú trọng việc rèn luyện, tu dưỡng, nêu cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, hội viên vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội Nhà báo Việt Nam phải thực hiện tốt hơn nữa.

+ Bác Hồ đã từng nói “Việc đầu tiên là con người”. Ban Chấp hành khóa X - 2015-2020 của Hội Nhà báo Việt Nam cùng đội ngũ hạt nhân các cấp Hội trong cả nước đã làm nhiều việc thiết thực, hữu ích và hiệu quả, để lại ấn tượng khó quên, tạo nền tảng, tiền đề quan trọng để  bước vào nhiệm kỳ mới yêu cầu cao, tầm nhìn xa, rộng, phát triển bền vững. Sự gia tăng số lượng hội viên chứng tỏ vị trí, vai trò, chất lượng, hiệu quả của Hội Nhà báo Việt Nam đã được nâng cao một bước, tạo ra sức hấp dẫn, thu hút những người làm báo Việt Nam tham gia sinh hoạt Hội. Tuy nhiên, làm thế nào để có được đội ngũ làm công tác Hội năng động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm thực sự thì không phải là dễ, Chủ tịch có ý kiến gì về vấn đề khó khăn và đầy nhạy cảm này?

- Để chọn được nhân sự đáp ứng được kỳ vọng chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Với nhiều thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh làm báo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HNB các cấp “bắt nhịp” với thời cuộc, đặc biệt là nguồn nhân lực cho người làm chuyên trách Hội Nhà báo, không có phương án nào hay hơn là chọn lựa từ trong đội ngũ những người làm báo biết nghề, yêu nghề.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hội báo toàn quốc năm 2018.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hội báo toàn quốc năm 2018.

Ở trên, tôi có nhắc đến vai trò của người đứng đầu. Hoạt động Hội có tốt, có tính đặc thù, có sự lan tỏa, hấp dẫn được hội viên phụ thuộc rất nhiều vào người thuyền trưởng này. Tôi xin nhấn mạnh, với người đứng đầu - đứng mũi chịu sào ở cấp Hội địa phương, ở các Liên chi hội, ở cấp Hội Trung ương, tùy từng cấp mà có vai trò, vị trí khác nhau, tôi cho rằng, bên cạnh sự vững vàng, có bản lĩnh chính trị, vẫn phải là người có uy tín cao và tâm huyết để “thu phục nhân tâm”, “ngọn cờ quy  tụ và tập hợp hội viên”, quy tụ các cơ quan báo chí. Có như vậy mới tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam, năng động hơn, sáng tạo hơn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới.

+ Phát biểu tại Đại hội HNBVN lần thứ hai, Bác Hồ nói: “Nói về Hội Nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”. Điều này càng đúng với những người làm báo nói chung và người làm công tác Hội hiện nay. Để tổ chức Hội thật sự vững mạnh, có vị thế, có hiệu quả trong dòng chảy báo chí thay đổi từng ngày, điều tiên quyết nằm trong hai từ ĐOÀN KẾT. Có phải vì lẽ đó, mà  phương châm của Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam là “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”. Ông có thể nói thêm về điều này không, thưa Chủ tịch?

- Lời căn dặn đó của Bác được thể hiện rõ trong Điều lệ của Hội: “Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam” , và mục đích của Hội là: “Tập hợp, đoàn kết, động viên các nhà báo phát huy khả năng sáng tạo, cùng các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức khác và nhân dân cả nước phấn đấu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”. Điều này đặt ra cho những người làm công tác Hội, các tổ chức Hội phải đặc biệt quan tâm tới việc tập hợp và đoàn kết các nhà báo.

Suốt những năm qua, các thế hệ HNBVN đã luôn cố gắng thực hiện lời căn dặn của Bác và quy định của Điều lệ Hội. HNBVN không ngừng được mở rộng và đã trở thành tổ chức có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, đến các cơ quan báo chí. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền báo chí cách mạng Việt Nam, hoạt động của Hội luôn đổi mới và ngày càng phong phú, hiệu quả. Kết quả hoạt động của Hội được Đảng, Nhà nước đánh giá cao.

Trong thư chúc mừng kỷ niệm 70 năm thành lập HNBVN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những thành tựu của HNBVN và giới báo chí: “Các thế hệ Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo cả nước đã luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”. Đây là niềm tự  hào của HNBVN, các thế hệ người làm công tác Hội và hội viên cần tiếp tục phát huy. Cần tăng cường hơn nữa sự đoàn kết trong Hội, từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là sự đoàn kết trong nội bộ các tổ chức Hội, giữa tổ chức Hội với các tòa soạn báo.

Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu và Chủ tịch Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Thụy Sĩ và Liechtenstein Jean Musy trao Biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác.

Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu và Chủ tịch Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Thụy Sĩ và Liechtenstein Jean Musy trao Biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác.

Đoàn kết là yếu tố hàng đầu, để đi tới thành công. Trong một tổ chức, một cơ quan, đơn vị, đoàn kết không có chỗ trú chân cho những kẻ cá nhân chủ nghĩa, thủ đoạn, vụ lợi, nhiều toan tính.

Trong các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo của thời kỳ mới, mỗi nhà báo hội viên phải luôn luôn tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức nói chung, đạo đức nghề nghiệp nói riêng; Xây dựng tổ chức Đảng, chi hội nhà báo, các tổ chức đoàn thể vững mạnh; Nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình… thì đoàn kết mới được giữ vững, kỷ cương mới nghiêm minh. Không có đoàn kết, kỷ cương sẽ không có đổi mới, sáng tạo, phát triển.  Định đề đó tuyệt đối đúng ở mọi lúc, mọi nơi.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo, trong nhiều trường hợp có tính quyết định giữ vững đoàn kết nội bộ. Người đứng đầu một tổ chức lớn, hoặc các tổ chức trực thuộc có uy tín, trong mọi ứng xử từ việc to đến việc nhỏ đòi hỏi công tâm, giữ nghiêm kỷ luật, thực hiện đúng các quy định về quản lý cơ quan, về công tác cán bộ, công khai, minh bạch, đúng quy định, quy trình, không xen động cơ cá nhân thì mọi việc mới giữ được tôn nghiêm, trăm ý cùng một hướng. Có sức mạnh của Đoàn kết - Kỷ cương thì không gì là không thể; Đổi mới và Sáng tạo - Phát triển mới thực sự đi vào cuộc sống.

+ Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

 (*) Đầu đề do Báo NB&CL đặt  

Lan Anh (Thực hiện)

Tin khác

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội
Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội
Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

(CLO) Ngày 17/4, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã trao hàng nghìn ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, đơn vị đang đóng quân tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công tác hội
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội
Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

(CLO) Chiều 13/4, tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chủ đề “Kỹ năng khai thác thông tin để phát triển câu chuyện về đồng bào dân tộc thiểu số”.

Công tác hội