Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác Hội từ yếu tố con người

Thứ bảy, 23/04/2022 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội là nâng cao đạo đức, trình độ nghiệp vụ của người làm báo trong thời kỳ mới, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, góp phần xây dựng môi trường hoạt động báo chí chuyên nghiệp.

Bài liên quan

Luật Báo chí 2016 đã dành hẳn một chương về Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN). Trong đó nhấn mạnh: không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên,… mà còn có nhiệm vụ “ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tham gia ý kiến xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển báo chí, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; tham gia thẩm định sản phẩm báo chí khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật;…”.

Điều đó chỉ ra rằng hoạt động của Hội không chỉ đơn thuần là hoạt động của một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, nhiệm vụ của Hội đã được “luật hóa”, ngày càng nặng nề và phức tạp hơn trong thời đại truyền thông số.

Yếu tố nguồn nhân lực luôn là điều kiện tiên quyết cho sự thành công hay thất bại của mọi hoạt động, trên mọi lĩnh vực. Nhưng rõ ràng, nhìn lại tổ chức HNB các tỉnh, còn không ít vị lãnh đạo địa phương chưa nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, vị trí, chức năng và tạo điều kiện cho HNB có bộ máy, nhân sự đảm bảo hoạt động thực sự có hiệu quả.

Thường trực chuyên trách phần nhiều là cán bộ lớn tuổi, thậm chí đã nghỉ hưu, một số khác vốn chưa kinh qua thực tiễn viết báo, biên tập, hạn chế về trình độ, uy tín nghề nghiệp và cả kinh nghiệm công tác Hội. Bộ máy chuyên trách thiếu quy hoạch, thống nhất. Có nơi 3 biên chế, có nơi 5 biên chế,…

Thực trạng này dẫn đến việc chủ trương, nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động của Trung ương hội đề ra mỗi nơi triển khai thực hiện không đồng bộ; tùy thuộc vào mức độ “quan tâm”, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và khả năng của cán bộ lãnh đạo từng Hội.

Luật Cán bộ công chức, Nghị định số 34/2012/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công vụ đều quy định rất rõ ràng, nhưng thực tế hầu như không nơi nào thực hiện chế độ phụ cấp công vụ cho cán bộ chuyên trách của HNB địa phương; mà cũng “chẳng biết kêu với ai”. Tâm lý cán bộ chán nản nên càng khó đảm bảo được chất lượng công tác.

doi moi nang cao chat luong cong tac hoi tu yeu to con nguoi hinh 1

Trao Bằng khen của UBND tỉnh và Giấy khen của Hội Nhà báo tỉnh cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải I, II,III Giải Báo chí tỉnh Sóc Trăng năm 2020. Ảnh: Chí Bảo.

Điển hình như HNB tỉnh Sóc Trăng, từ khi thành lập trải qua 4 nhiệm kỳ không có định biên, chỉ có cán bộ văn phòng, kế toán, thủ quỹ “hợp đồng thuê mướn”, cán bộ chủ chốt đều là kiêm nhiệm.

Đến nhiệm kỳ này bắt đầu xây dựng được bộ máy chuyên trách, có đề án triển khai hẳn hoi, nhưng phải đến nửa năm sau đại hội mới được phân bổ 3 biên chế. Không có tổ chức công đoàn, cũng chẳng thể thành lập chi bộ nên toàn phải đi sinh hoạt ghép. Tuy nhiên, rõ ràng rằng từ khi có bộ máy chuyên trách ổn định (từ năm 2016), dù vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn về nhân lực, kinh phí, nhưng HNB tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực để hoạt động có nề nếp hơn.

5 năm qua, HNB tỉnh Sóc Trăng đều triển khai thực hiện tốt các chủ trương chung của T.Ư Hội. Không chỉ làm tốt Đề án Tiếp tục hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, tổ chức Hội Báo Xuân hằng năm, các mặt công tác hội,…; mà còn tổ chức được các cuộc họp mặt cán bộ, hội viên với sự hiện diện và tham gia đối thoại, chia sẻ của lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh; phát hành tập san định kỳ (2 số/năm) với nội dung tập trung vào mục tiêu là diễn đàn nghề nghiệp, góp phần bồi dưỡng đạo đức, kinh nghiệm và kỹ năng tác nghiệp cho anh chị em hoạt động báo chí địa phương; tổ chức các cuộc hội thảo, liên hoan, tập huấn nghiệp vụ báo chí - truyền thông cho biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí, các cổng/trang thông tin điện tử ngành, địa phương trong tỉnh;…

Nếu như nhiều năm qua, hội viên HNB tỉnh Sóc Trăng vắng bóng trên các “sân chơi nghiệp vụ” là Giải Báo chí Quốc gia, các giải báo chí toàn quốc, khu vực; thì trong 5 năm qua, Hội đã tích cực vận động và tạo điều kiện cho anh chị em phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí địa phương tham gia khá đều.

Trong số gần trăm tác phẩm gửi dự thi các giải báo chí toàn quốc mỗi năm, đã “thu hoạch” được một số thành tích bước đầu khả quan. Ngoài Giải Báo chí tỉnh Sóc Trăng hằng năm, có hàng trăm tác phẩm dự thi ở cả 5 loại hình báo chí.

Trong 4 năm nay, Hội cũng đã tham mưu lãnh đạo tỉnh hỗ trợ và là cơ quan thường trực về chuyên môn của Vòng Sơ khảo cấp tỉnh Giải Báo chí toàn quốc về công tác xây dựng Đảng - có trao thưởng và xét chọn tác phẩm tiêu biểu, nổi bật gửi dự vòng chung kết toàn quốc.

doi moi nang cao chat luong cong tac hoi tu yeu to con nguoi hinh 2

Trao thưởng cho các tác giả đoạt Giải Báo chí tỉnh Sóc Trăng năm 2020. Ảnh: Chí Bảo.

Phát biểu tại buổi làm việc với khối báo chí - truyền thông của tỉnh vào tháng 02/2022, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng thẳng thắn đánh giá: “Bằng những nỗ lực đổi mới, năng động, sáng tạo, hoạt động của HNBVN tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu và tổ chức được nhiều sự kiện nổi bật; góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm công tác báo chí địa phương và có sức lan tỏa trong đời sống xã hội”.

Tại Hội nghị phát động thi đua của Cụm Các HNB tỉnh - thành khu vực Nam sông Hậu năm 2022, Phó Chủ tịch HNBVN Trần Trọng Dũng bày tỏ mong muốn: “Bước vào nhiệm kỳ mới (2021 - 2025), cùng với tất cả các HNB địa phương trong cả nước, hy vọng các HNB tỉnh, thành trong Cụm Nam sông Hậu sẽ có nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình mới”.

Tuy nhiên, muốn đổi mới, sáng tạo,... hay phát huy hiệu quả công tác Hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị,... tất cả đều xuất phát từ yếu tố con người. Muốn phát huy yếu tố nhân lực thì trước hết bắt đầu từ củng cố bộ máy tổ chức một cách khoa học. Có thể thấy, do nhiều nguyên nhân, sự chưa thống nhất về tổ chức bộ máy hoạt động của các HNB địa phương, dẫn đến thực trạng là bộ máy chưa hoàn thiện, chắp vá, mỗi nơi một kiểu, thiếu thốn cả về chất lượng đội ngũ lẫn cơ sở vật chất, kinh phí, hoạt động chưa đúng tầm của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo.

Năm 2021, HNB tỉnh Sóc Trăng cũng đã xây dựng Đề án cơ cấu bộ máy chuyên trách và chức danh vị trí việc làm với 5 biên chế nhưng đến thời điểm này vẫn còn chưa được phê duyệt.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội là nâng cao đạo đức, trình độ nghiệp vụ của người làm báo trong thời kỳ mới, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, góp phần xây dựng môi trường hoạt động báo chí chuyên nghiệp.

Muốn làm tốt điều đó, trước hết cần củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác Hội đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, năng lực, uy tín nghề nghiệp và chuyên môn công tác Hội. Song song với việc tạo cơ chế bằng chủ trương, nghị quyết, nghị định cụ thể của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện để HNB tỉnh, thành phố tham gia ý kiến xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách quản lý, phát triển báo chí địa phương cũng như các nhiệm vụ mà Luật Báo chí đã quy định; cần quan tâm thực hiện các chế độ chính sách hợp lý, hợp pháp đối với cán bộ Hội ở địa phương.

Th.s Báo chí Tạ Đình Nghĩa – UV BCH Hội Nhà báo Việt Nam- Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng

Bình Luận

Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội
Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội
Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội
Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

(CLO) Ngày 17/4, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã trao hàng nghìn ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, đơn vị đang đóng quân tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công tác hội
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội