Đổi tên nhưng không đổi vận, Đạt Phương (DPG) bị thu hồi dự án ngay trên 'sân nhà', cổ phiếu tụt dốc nằm sàn

Thứ ba, 21/12/2021 10:35 AM - 0 Trả lời

(CLO) Việc Đạt Phương bị thu hồi dự án ngay trên “sân nhà” đã khiến không ít người bất ngờ bởi cả 4 dự án bất động sản do doanh nghiệp này phát triển đều nằm tại Quảng Nam.

Bị thu hồi dự án ngay trên “sân nhà”

UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định thu hồi, hủy bỏ Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) do Công ty Cổ phần Đạt Phương (mã DPG) làm chủ đầu tư.

doi ten nhung khong doi van dat phuong dpg bi thu hoi du an ngay tren san nha co phieu tut doc nam san hinh 1

Phối cảnh dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương. Nguồn: Đạt Phương.

Bài liên quan

Theo đó, tại Quyết định số 3613/QĐ-UBND ngày 8/12/2021 UBND tỉnh Quảng Nam chính thức thu hồi, hủy bỏ Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Lý do được UBND tỉnh Quảng Nam nêu ra là do Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 214/QĐSKHĐT ngày 14/10/2021 về việc chấm dứt hoạt động của dự án. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 9/11/2021 về việc thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Theo tìm hiểu, đây là một dự án quy mô 183,87 ha, trong đó đất dự án khoảng 179,3 ha và đất hạ tầng tuyến đường Thanh niên ven biển khoảng 4,57 ha. Dự án do Đạt Phương làm chủ đầu tư với tính chất là khu vực phát triển dân cư, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và dịch vụ thương mại tổng hợp.

Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 24/3/2017. Từ tháng 5/2017 đến tháng 9/2018, dự án thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng do HĐND tỉnh chưa bổ sung vào danh mục thu hồi đất nên chủ đầu tư chưa có cơ sở thực hiện.

Ngày 7/9/2018, HĐND tỉnh bổ sung dự án vào danh mục thu hồi đất với diện tích 60 ha. Tháng 12/2018, sau khi UBND huyện Thăng Bình phê duyệt các phương án GPMB, Đạt Phương GPMB được 45,7 ha và 611 ngôi mộ với tổng giá trị bồi thường 32 tỷ đồng.

Đến ngày 2/6/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của huyện Thăng Bình, trong đó có Khu nghỉ dưỡng Bình Dương. Theo đó, chủ đầu tư tiếp tục GPMB với diện tích 67,2 ha và 1.900 ngôi mộ với tổng giá trị 126,7 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, tổng diện tích đã GPMB của dự án là 112,9 ha.

Đạt Phương tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng và Vận tải Đạt Phương, được thành lập từ tháng 3/2002, có trụ sở tại Tầng 15 - Toà nhà Handico, Khu đô thị Mễ Trì Hạ (đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Doanh nghiệp có 3 mảng hoạt động chính gồm xây lắp, thuỷ điện và bất động sản.

Việc Đạt Phương bị thu hồi dự án ngay trên “sân nhà” đã khiến không ít người bất ngờ bởi cả 4 dự án bất động sản do doanh nghiệp này phát triển đều nằm tại Quảng Nam bao gồm: Khu đô thị Đồng Nà có diện tích 6,4ha; Khu đô thị Cồn Tiến trên diện tích 30 ha; Khu đô thị Bình Dương trên diện tích 183 ha; Quần thể Biệt thự nổi Sinh thái Casamia có tổng diện tích 15,6 ha.

Mới đây, Đạt Phương đã bất ngờ thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc thay đổi tên công ty. Theo đó, công ty đã chính thức được cổ đông thông qua việc đổi tên từ CTCP Đạt Phương sang CTCP Tập đoàn Đạt Phương.

Tranh thủ cổ phiếu tăng để “cầm” đi vay trái phiếu

Sau thông tin bị thu hồi dự án, cổ phiếu DPG trên thị trường đã nằm sàn ngay trong phiên 14/12. Cổ phiếu này sau đó đã hồi lại đôi chút về mức 76.000 đồng/cổ phiếu, giảm 21% từ đỉnh nhưng vẫn cao gấp 2,8 lần thời điểm cách đây 5 tháng.

Thực tế, trước khi liên tục lao dốc thời gian gần đây, cổ phiếu DPG đã có một giai đoạn tăng nóng kéo dài từ giữa tháng 7. DPG sau đó leo lên đạt đỉnh 96.000 đồng/cổ phiếu vào trung tuần tháng 11 và ghi nhận mức tăng 3,6 lần sau khoảng 4 tháng.

doi ten nhung khong doi van dat phuong dpg bi thu hoi du an ngay tren san nha co phieu tut doc nam san hinh 2

Trong bối cảnh cổ phiếu tăng mạnh, người nhà lãnh đạo Đạt Phương đã liên tục có động thái chốt lời bớt cổ phiếu. Cụ thể, bà Lương Thị Thanh, vợ ông Đặng Hoàng Huy, thành viên HĐQT đã bán ra 20.300 cổ phiếu để giảm sở hữu còn 5,86% vốn trong thời gian từ 1/11 - 26/11.

Trước đó trong khoảng thời gian từ 7/10 - 28/10, bà Nguyễn Thị Tùng, mẹ vợ ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Đạt Phương vừa bán ra 24.700 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,16% về còn 0,12%. Bà Võ Thị Thái Hòa, chị dâu ông Phạm Kim Châu, Phó chủ tịch HĐQT cũng đã bán ra 25.000 cổ phiếu để giảm sở hữu về 0,413% vốn trong thời gian từ 11/10 - 31/10.

Trong khi người nhà lãnh đạo tranh thủ chốt lời, Đạt Phương cũng tận dụng thời điểm cổ phiếu đạt đỉnh để mang đi làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay trái phiếu.

Trong tháng 11, Đạt Phương đã phát hành thành công 3.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng, tương đương tổng giá trị phát hành là 300 tỷ đồng. Số tiền thu về từ đợt phát hành này sẽ để bổ sung vốn phục vụ kinh doanh hoặc/và đầu tư các dự án của Đạt Phương và các công ty con.

Lãi suất trái phiếu trả định kỳ 6 tháng/lần, áp dụng mức 10,5% cho năm đầu tiên. Trong hai năm còn lại, lãi suất tính bằng tổng của 3,5% cộng với lãi tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trả sau áp dụng với khách hàng cá nhân của 4 ngân hàng là: Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank; và không dưới 10,5%/năm.

Trái phiếu phát hành là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng 19 triệu cổ phần DPG. Giá trị bình quân là 66.620 đồng/cổ phiếu, tương ứng với 1.266 tỷ đồng.

Việc sử dụng cổ phiếu DPG làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay trái phiếu cũng là một vấn đều đáng lưu ý. Nếu tình hình kinh doanh có biến động tiêu cực, quyền lợi của trái chủ có thể sẽ chịu tác động kép do khả năng thanh toán gốc, lãi của doanh nghiệp có thể gặp khó khăn và giá trị tài sản đảm bảo bị ảnh hưởng khi tính theo giá trị cổ phiếu trên sàn.

Ngoài ra, những biến cố bất ngờ như việc bị thu hồi dự án kể trên cũng có thể tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu làm thay đổi giá trị thị trường của các tài sản đảm bảo cho khoản vay trái phiếu và gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của các trái chủ.

Minh Nhật

Bình Luận

Tin khác

Agribank đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024

Agribank đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024

(CLO) Agribank triển khai chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024 với quy mô 20.000 tỷ đồng ưu đãi tín dụng ngắn hạn, lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 2,4%/năm và nhiều ưu đãi về lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ.

Tài chính - Bảo hiểm
Ngành thuế đã thu 180.000 tỷ đồng từ các sàn thương mại điện tử

Ngành thuế đã thu 180.000 tỷ đồng từ các sàn thương mại điện tử

(CLO) Trong 2 năm cơ quan thuế đã thu 180.000 tỷ đồng từ hoạt động thương mại điện tử.

Tài chính - Bảo hiểm
FPT Retail (FRT) doanh thu Quý 1/2024 đạt 9.042 tỷ đồng

FPT Retail (FRT) doanh thu Quý 1/2024 đạt 9.042 tỷ đồng

(CLO) Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với doanh thu đạt 9.042 tỷ đồng, lãi sau thuế đã dương trở lại.

Tài chính - Bảo hiểm
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số

(CLO) Ngày 25/4/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Họp báo Công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024.

Tài chính - Bảo hiểm
Sabeco (SAB) doanh thu Quý 1 tăng 15% so với cùng kỳ

Sabeco (SAB) doanh thu Quý 1 tăng 15% so với cùng kỳ

(CLO) Báo cáo kết quả kinh doanh Quý 1 cho thấy doanh thu Sabeco (SAB) tăng trưởng 15,6% lên mức 7.184 tỷ đồng. Lãi gộp tăng 10% đạt 2.100 tỷ đồng.

Tài chính - Bảo hiểm