Đức mua năng lượng của Nga nhiều nhất kể từ cuộc xung đột Ukraine
(CLO) Các số liệu do một nhóm nghiên cứu độc lập tổng hợp cho thấy, Đức là quốc gia mua năng lượng của Nga nhiều nhất trong hai tháng đầu của cuộc xung đột Ukraine.
Nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) công bố tính toán rằng Nga đã kiếm được 63 tỷ euro từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch kể từ ngày 24/2.

Một trạm cung cấp khí đốt của Nga. Ảnh: AFP
Bài liên quan
Ngân hàng Thế giới cảnh báo giá lương thực và năng lượng cao có thể kéo dài đến năm 2025
Liên minh châu Âu đặt mục tiêu bỏ hoàn toàn năng lượng Nga từ năm 2027
Liệu châu Á có thể thành “cánh tay đắc lực” cứu Nga khỏi lệnh cấm năng lượng của EU?
EU kêu gọi công dân làm việc tại nhà- một nỗ lực cứu nguồn cung năng lượng cạn kiệt
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ riêng Đức đã trả cho Nga khoảng 9,1 tỷ euro cho việc mua nhiên liệu hóa thạch trong 2 tháng sau khi Nga bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine.
Đức đã phải đối mặt với chỉ trích mạnh mẽ vì phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga, bất chấp cảnh báo của các đồng minh trong nhiều năm rằng điều này có thể gây nguy hiểm cho an ninh châu Âu.
Theo nghiên cứu, quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn thứ hai của Nga kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu là Ý (với 6,9 tỷ euro), tiếp theo là Trung Quốc (với 6,7 tỷ euro).
Các tác giả của nghiên cứu cho biết: “Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch là động lực chính cho việc xây dựng quân đội của Nga và hành động quân sự tại Ukraine”.
Liên minh châu Âu là nhà nhập khẩu chính nhiên liệu hóa thạch của Nga, chiếm 71%, tương đương 44 tỷ euro doanh thu xuất khẩu của Nga trong lĩnh vực này, dữ liệu của CREA cho thấy.
CREA cũng phát hiện ra rằng nhiều công ty năng lượng cũng tiếp tục thực hiện thương mại với khối lượng lớn với Nga, bao gồm BP, Shell, Total và ExxonMobil.
Nghiên cứu cho thấy khối lượng xuất khẩu của Nga đang giảm khi các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực, nhưng việc tăng giá nhiên liệu hóa thạch vẫn giúp tăng trưởng doanh thu của Moscow.
CREA cũng cho biết các chính phủ nên đưa ra kế hoạch loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch thay vì chỉ tìm kiếm các nguồn cung cấp khác, đồng thời nhận định rằng việc chuyển sang năng lượng sạch sẽ mang lại "lợi ích kinh tế, sức khỏe và an ninh quốc gia lớn hơn nhiều".
Quốc Thiên (Theo DW)