Học online mùa dịch: Trẻ nhỏ không hiểu bài, phụ huynh mệt mỏi vì phải… “kè kè” sát bên

Thứ bảy, 09/10/2021 16:58 PM - 0 Trả lời

(CLO) Những ngày qua, nhiều phụ huynh cảm thấy mệt mỏi vì phải bỏ dở công việc để kèm con học online, có người còn nghĩ tới việc cho con lưu ban 1 năm vì cách học này không hiệu quả.

Học online, phụ huynh và giáo viên đều “chóng mặt”

Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, chị Mai Thị Mỹ Thuận (ngụ huyện Củ Chi, TP. HCM) cho biết, kinh tế gia đình chị rất khó khăn, nhưng hiện tại chỉ có chồng chị đi làm, còn chị phải ở nhà trông con.

hoc online mua dich tre nho khong hieu bai phu huynh met moi vi phai ke ke sat ben hinh 1

Nhiều phụ huynh cảm thấy "đau đầu" trước việc học online của các em.

Bài liên quan

Con của chị Thuận, bé nhỏ nhất học lớp 2 và bé lớn nhất chỉ mới học lớp 4, cả hai bé đang cùng học tại trường tiểu học Bình Mỹ 2 (huyện Củ Chi). Hầu như ngoài giờ đi ngủ, chị phải luôn theo sát con cả ngày để hướng dẫn hai bé học online.

“Tôi phải dành thời gian luôn bên con cả ngày, nhắc con học gì và học như thế nào. Vì cô giáo chỉ gửi video cho con xem rồi kêu con tự nghe, xong rồi làm bài tập nộp lại. Nghe một chiều đối với một em bé lớp 2 thì làm sao mà hiểu được? Bản thân tôi học gì, làm gì cũng phải hỏi và có người trả lời thì mới tiến bộ được. Hai bé nhà tôi thuộc dạng học khá giỏi mà còn khó hiểu bài, vậy còn các bé trung bình yếu thì phải làm sao? Tôi thấy các con chỉ chép bài rồi nộp cho cô cho có chứ hiểu bài thì ít lắm”, chị Thuận nói.

Phụ huynh này cho biết thêm, những kiến thức nếu nằm trong khả năng thì chị có thể giảng lại cho con, còn về ngoại ngữ hay những bài tập khó, chị sẽ tìm trên mạng hoặc đôi khi đành “bó tay”.

Theo chị Thuận, nếu việc học online cứ diễn ra dài hạn, chị rất lo ngại về kết quả và lượng kiến thức mà con của chị có thể tiếp thu.

“Không cha mẹ nào dám để con tự học với cái máy tính đầy rẫy ‘cám dỗ’, bản thân tôi là người lớn, đôi lúc còn bị nó ‘mê hoặc’ chứ nói chi một đứa trẻ. Vừa làm việc nhà, vừa phải làm cô giáo bất đắc dĩ, tôi thấy ‘stress’ lắm. Cùng học một trường nhưng không biết tại sao lại có lớp được học trực tuyến cùng cô, nhưng có lớp cô lại gửi video để học sinh tự học”, chị Thuận chia sẻ.

Đồng cảm với áp lực của phụ huynh, anh Lý Tuấn Thiện (27 tuổi, giáo viên tại trường trung học phổ thông Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP. HCM) cho biết, lượng công việc dạy và học hiện nay “gấp đôi” lúc trước.

Trước đây, anh Thiện chỉ hoàn thành những công việc cơ bản của một giáo viên như lên giáo án, đi dạy ở trường,… Nhưng giờ đây, anh phải đảm nhiệm thêm nhiều việc khác như quay video, soạn để cương để học sinh ôn lại sau mỗi buổi học, chuẩn bị chương trình trình chiếu sao cho sinh động, phù hợp với việc học online để thu hút các em.

hoc online mua dich tre nho khong hieu bai phu huynh met moi vi phai ke ke sat ben hinh 2

Anh Thiện phải lên ý tưởng để chuẩn bị bài giảng có thêm trò chơi, âm nhạc,... để giúp các học sinh dễ tiếp thu hơn.

“Có một số khó khăn trong khâu tiếp nhận. Đôi lúc mạng yếu nên tín hiệu giật lắc, âm thanh không rõ khiến các em chưa theo kịp. May mắn do các em học sinh trung học phổ thông chủ động hơn nhiều so với các em học sinh tiểu học, vì thế những khó khăn này tôi có thể khắc phục được. Chỉ có điều là tôi cũng phải thường nhờ phụ huynh nhắc nhở các em làm bài tập về nhà”, anh Thiện nói.

Mong con nhanh được tiêm vaccine

Cũng giống như những phụ huynh khác, chị Nguyễn Thy (ngụ phường 11, quận Gò Vấp) vô cùng áp lực trước việc học online của con. Chị Thy là mẹ đơn thân, mỗi buổi sáng phải ra chợ buôn bán để kiếm tiền chăm lo cho con gái chỉ mới học lớp 1 và con trai học lớp 6. Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế gia đình chị rất khó khăn, chị rất đắn đo khi đứng trước quyết định để con ở nhà một mình tự học. Chị Thy cho biết, chị từng suy nghĩ đến việc sẽ cho con lưu ban 1 năm để chị tập trung kiếm tiền lo cho cả gia đình.

hoc online mua dich tre nho khong hieu bai phu huynh met moi vi phai ke ke sat ben hinh 3

Nhiều phụ huynh, giáo viên mong các em sẽ sớm được tiêm vaccine để bảo đảm an toàn về sức khỏe, cũng như nhanh trở lại trường.

“Tôi thấy cứ học online như thế này không ổn. Con tôi chỉ mới học lớp 1, mỗi giờ học online phải nhờ anh trai kèm, nhưng anh của bé lại mắc chứng chậm phát triển trí tuệ. Tôi buôn bán ở chợ cả ngày nên không thể ở bên cạnh bé được, vừa kiếm tiền, vừa lo con ở nhà học như vậy không có kết quả. Hi vọng các con sẽ được nhanh tiêm vaccine để có thể trở lại trường càng sớm càng tốt”, chị Thy chia sẻ.

Là một giáo viên, anh Tuấn Thiện cũng rất quan tâm đến việc tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi. Anh Thiện luôn mong mỏi rằng, không riêng trẻ ở TP. HCM mà trẻ trên toàn quốc sẽ được tiêm vaccine thật sớm, để các em có thể an toàn khi đến trường, đồng thời giảm đi nỗi lo âu cho phụ huynh.

Thúy Vy

Bình Luận

Tin khác

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục