Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, báo chí và con đường cuồng nộ

Thứ năm, 04/04/2019 08:24 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hơn 10 năm trước, khi internet về khắp ngõ, xóm, chuyện người trẻ mê mẩn nhân vật “ảo” trong game, hay điên đảo vì sao K-POP, C-POP đã được nhắc tới. Đa số lên án, thiểu số cảm thông “biết rung cảm, yêu thương”,… Nhưng ít ai nhìn thấy mầm mống của một vấn nạn, cho tới khi Khá, Tuyền nổi đình nổi đám.

Và đáng nói, lối sống “ngồi xổm” lên dư luận của những Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền,… được quan tâm, thậm chí “mến mộ” cũng có sự giúp sức của mạng xã hội, trang tin, báo chí.

1. Khá Bảnh, một cậu trai người Việt, khá… “bảnh”. Ngoài có biệt tài “múa quạt bình thiên hạ”, còn lại, quan niệm, lối sống của Khá gần như trái ngược với những chuẩn mực đạo đức, những giá trị truyền thống. Vì sao Khá có thể khiến triệu người trẻ theo dõi, thậm chí “thần tượng”? Và hiện tượng đó có quá bất ngờ?

Cần phải biết rằng, Khá được theo dõi, hay mến mộ, trước hết là nhờ có lý lịch khá “khác biệt”. Khá bỏ học sớm và bắt đầu cuộc sống bụi đời, đi đó đây khi còn rất trẻ. Lớp 6, Khá đã biết… yêu.

Thời đại số, Khá “tung hoành” trên mạng xã hội qua các hoạt động đòi nợ, đánh người, hay ngang ngược dàn hàng trên cao tốc chụp ảnh, đốt xe máy quảng cáo xe điện,… Cách thể hiện của Khá được xem là rất mới, rất lạ, đánh trúng tâm lý thích sự khác biệt, sốc, lạ của người trẻ.

Thêm nữa, đối với tuổi mới lớn, cái tuổi khát khao được thể hiện mình qua những biểu hiện bên ngoài như hút thuốc, đánh nhau, thích làm những chuyện ngông cuồng, nổi loạn để gây chú ý,… thì việc Khá được ngưỡng mộ là không quá khó hiểu.

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng đám trẻ chỉ đang “như xem xiếc”, liệu có quá chủ quan?

Là bởi, những hiện tượng “bão mạng” một thời như Lệ Rơi, Bà Tưng, Tùng Sơn,… có thể chìm dần. Nhưng những Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền không phải là hiện tượng hài hước, phản cảm thuần túy, mà mang đầy rẫy nguy cơ vi phạm pháp luật hình sự.

21884-20190402113245-1554204765-4699

2. Cuối tháng 3/2019, Ngô Bá Khá (chính là Khá Bảnh) bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ. Tuy nhiên, việc Khá bị bắt không liên quan tới nhiều hoạt động phản cảm trên môi trường mạng, mà là để “điều tra về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc”.

Quá khứ của Khá giờ được báo chí bới móc, các hành vi lệch chuẩn của Khá bị vùi dập, gia đình của Khá bị “bất bình”, lác đác những lời khuyên “hồi đầu thị ngạn”,… Nhưng những nội dung trên, vẫn còn mang nhiều màu sắc của sự “lấy views”, không hẳn có giá trị về khoa học tâm lý và thực tiễn xã hội, để có thể giúp người trẻ từ biệt “thần tượng lệch chuẩn”.

Bởi như đã nói, trong mắt nhiều người trẻ, Khá chính là biểu tượng của một cuộc sống bất cần, thoải mái, tự do, thích là làm, mặc kệ dư luận, mặc kệ pháp luật. Sự ngông nghênh, nổi loạn của Khá giống những “giang hồ”, “hiệp khách” trong phim kiếm hiệp. Trong khi tuổi mới lớn như ta đều biết, chúng “ghét” sự chuẩn mực, coi đó là già nua, giáo điều, cũ kỹ.

Về chuyện người trẻ “cuồng” thần tượng, chuyên gia tâm lý Lê Khanh từng thẳng thắn: Thường tình trạng này hay xuất hiện ở những trẻ thiếu tự tin, dễ bị cuốn hút bởi những thứ hào nhoáng. Tuy nhiên, phụ huynh mới là yếu tố chính khiến con trở nên mê muội. Bố mẹ quá nuông chiều nhưng lại ít dành thời gian tìm hiểu, quan tâm, đồng thời không đủ làm thần tượng của con, không khiến con cảm thấy tin tưởng và có thể chia sẻ, mở lòng.

Phải nhìn vào sự thật rằng khủng hoảng niềm tin là hiện tượng đang thực sự xảy ra trong xã hội chúng ta: Thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường do xả thải, tham nhũng, chạy chức, chạy điểm,… Đặc biệt, xã hội bị chi phối bởi đồng tiền khiến các giá trị văn hóa, nhân văn bị lu mờ; giá trị gia đình lung lay do thiếu vắng tình thương, trách nhiệm;… Những điều đó trái ngược với những gì trẻ được học, khiến các em hoang mang, mất niềm tin.

Thế nên, xin đừng vội đánh giá đám trẻ lệch lạc về quan niệm giá trị, sống quẩn quanh, cùn mòn, hay thị hiếu tầm thường… Việc của người lớn, là nhìn vào thực tế, cải thiện và thay đổi nó.

3. Câu nói hài hước “Mất 3G là mất… địa bàn” thực sự đã lột tả bản chất của “giang hồ cõi mạng”, nhưng cũng chỉ ra một thực tế đau xót: Thông tin thời sự - xã hội - khoa học, các sự kiện liên quan tới sự vượng suy đất nước, dân tộc,… quá chìm lắng so với tin giải trí, bạo lực tầm thường, không chỉ trên mạng xã hội mà cả trên báo chí.

Ở sự kiện Khá, Tuyền, có thể nói chính báo chí, truyền thông đã góp tay “nâng” Khá lên và giờ “dập” Khá xuống khá… gấp gáp. Là bởi, theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh: “Trẻ tuổi teen ghét nhất là bị coi thường. Vì thế những lời phê phán của bố mẹ thường không mang lại tác dụng tích cực mà chỉ khiến trẻ tổn thương và càng cố gắng muốn chống đối...”

Báo chí, trước hiện tượng “thần tượng lệch chuẩn” liệu có nên thẳng tay phê phán, đăng clip, giật tít “sốc”, “độc”, “lạ”,… về “thần tượng” của trẻ? Đó có phải là cách gián tiếp giáng thẳng vào đám trẻ, rằng chúng thị hiếu tầm thường, cùn mòn lý tưởng?

Lúc này, sau 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời, những câu hỏi như: Viết cho ai? Viết như thế nào? Viết để làm gì?... vẫn ngồn ngộn giá trị thời sự.

Theo khoa học tâm lý, việc các gia đình và xã hội cần làm, là không được phê phán, trách mắng, trở thành kẻ thù của trẻ, mà phải làm bạn với chúng, cùng chúng tranh luận, tìm kiếm sự đồng thuận. Bên cạnh đó, cần mở rộng cho người trẻ thêm những niềm vui, sở thích, cho chúng tiếp cận với những biểu tượng đẹp về học tập, nhân cách, bản lĩnh,... chứ không phải chỉ bề ngoài lấp lánh.

Trên báo chí, trang tin, mạng xã hội lúc này vẫn thiếu vắng những biểu tượng về tài năng, nhân cách, mà ngổn ngang những thị phi, phù phiếm.

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn