Hậu trường Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV- Năm 2019:

Lan tỏa những điều tốt đẹp trong lòng dân

Chủ nhật, 21/06/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Loạt bài “Hai sắc thái của ruộng hoang” do nhà báo Dương Đình Tường (Báo NNVN) khởi xướng đã tập trung phản ánh về hiện tượng nông dân chán ruộng, bỏ ruộng. Phân tích mặt tích cực, mặt tiêu cực rồi từ đó đề ra phương hướng giải quyết triệt để cho vấn đề đã dần trở nên rất bức xúc này.

LTS: Những câu chuyện tác nghiệp đầy dấn thân, nhiệt huyết và máu lửa của những người làm báo sẽ được giới thiệu trong chuyên đề này. Đằng sau những tác phẩm được vinh danh trên thảm đỏ Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV - năm 2019 là những nhọc nhằn thấm đẫm mồ hôi, là những chuyến “nằm vùng” không thể quên, là những “lăn xả” với từng điểm nóng của sự kiện. Thậm chí là những trăn trở dừng lại hay đi tiếp, thỏa hiệp hay quyết liệt vạch trần tội ác...

Bài liên quan

“Hai sắc thái của ruộng hoang” là tác phẩm giành được Giải B Giải BCQG lần thứ XIV – năm 2019.

Từ sắc thái ruộng hoang

Việt Nam là nước nông nghiệp, đa số người dân là nông dân nên cái gì động chạm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong đó có đất đai đều có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến toàn xã hội… Ở những bài đầu tiên, nhà báo Dương Đình Tường đã phản ánh việc nông dân chán đất bởi đất không nuôi nổi người, đất chưa mang lại cho họ sự yên lành và giàu có. Bên cạnh đó, các bài viết tiếp theo cũng phản ánh việc cần phải có chính sách mới hợp lý, sát dân hơn trong quản lý đất đai, đem lại quyền lợi cho nông dân. Đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn quan trọng hơn là an ninh lương thực và sự ổn định của cả xã hội.

Nhà báo Dương Đình Tường chia sẻ: “Tôi muốn cho mọi người biết đó không chỉ là một sắc thái tiêu cực của ruộng hoang mà còn cả sắc thái tích cực nữa. Đó là tư duy đã thay đổi, nông dân không chỉ chăm chăm cố sống chết bám vào ruộng đồng mà không nghĩ đến hiệu quả kinh tế. Ruộng hoang còn tạo điều kiện cho những người đang ước mơ làm ăn lớn, có thể tích tụ được đất để sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp. Tuy nhiên bất cập là diện tích bỏ hoang ngày càng mở rộng mà vẫn chưa có chính sách nào để cho cá nhân, doanh nghiệp, các HTX hay những tập đoàn lớn để gom đất, sản xuất có hiệu quả”.

Nhà báo Dương Đình Tường trong một chuyến đi thực tế ở vùng biển ở tỉnh Thanh Hóa.

Nhà báo Dương Đình Tường trong một chuyến đi thực tế ở vùng biển ở tỉnh Thanh Hóa.

Bởi vậy, không chỉ dưới góc nhìn phía người nông dân, phía quản lý nhà nước, “Hai sắc thái của ruộng hoang” còn có cả các góc nhìn của những cá nhân, doanh nghiệp muốn tích tụ đất nhưng rất khó tiếp cận được ruộng của nông dân. Họ thường chỉ có thể mượn hay thuê được đất trong thời gian rất ngắn, không đủ để sản xuất có lãi, tích lũy. Thậm chí có cả những trường hợp bị người xung quanh “ghen ăn, tức ở” mà đốt phá trang trại, làm hư hỏng máy móc, gây thiệt hại lớn, kêu mãi cũng chẳng thấu đến trời.

Ăn ngủ cùng nông dân

Thường độc hành trong những chuyến đi từ đồng bằng, trung du cho đến miền núi, hải đảo, cuộc đời nhà báo Đình Tường trở nên gắn bó với người nông dân tự lúc nào cũng chẳng hay. Đến bữa ở đâu anh cũng có người mời cơm, đến giấc ở đâu anh cũng có người mời về nhà ngủ. Mỗi nơi anh đến đó có thể là những gương nông dân sản xuất giỏi, những nhà sáng chế tài ba, những người luôn mong muốn đất nước có một nền nông nghiệp sạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật làm giảm đi công sức lao động thủ công, nặng nhọc.

Tuy nhiên, cũng trên nhiều cung đường, đập vào mắt anh là hình ảnh những thửa ruộng hoang ngày này qua tháng khác ở các địa phương tại miền Bắc không khỏi làm anh chạnh lòng. Hơn 7 năm trước, chính anh là người tiên phong trong việc phản ánh chuyện nông dân Hải Dương làm đơn xin trả lại ruộng, chuyện ồn ào đến tận Quốc hội. Nhưng hiện nay hiện tượng ruộng hoang đã trở nên phổ biến hơn thế nhiều lần.

Vấn đề bỏ ruộng thông thường địa phương đó sẽ giấu vì liên quan đến thành tích. Vì thế anh đã đến trực tiếp những người nông dân, để tìm hiểu tại sao lại chán ruộng. Anh đã tác nghiệp gần một tháng, đi về ba địa phương là Thái Bình quê hương của đất lúa với phong trào 5 tấn, Vĩnh Phúc - nơi công nghiệp hóa đang phát triển ồ ạt và Phú Thọ - một tỉnh trung du nhưng đã có những xã 100% bỏ ruộng hoang vào vụ mùa, lãnh đạo xã khẳng định có cho tiền dân cũng chẳng thèm cấy. Anh thường gửi xe ở UBND xã để đi bộ xuống các thôn phỏng vấn người dân vào các buổi tối, có khi tới 9 đến 10 giờ.

Nhà báo Dương Đình Tường cho biết: “Nông dân ở những vùng này đa số giờ là công nhân hoặc thợ tự do, thường đi cả ngày, 8 đến 9 giờ tối mới về nhà  nên chỉ có giờ đó họ rảnh mới có thể tiếp chuyện mình được. Xong việc cũng khoảng 10-11 giờ đêm, anh lại xin ngủ nhờ ở nhà trưởng thôn hay một hộ dân nào đó”.

Anh nông dân Nguyễn Anh Đài ở thôn Thọ Khánh, xã Hợp Thịnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) vác thuyền trên lưng, dùng thuyền băng qua các ruộng bỏ hoang.

Anh nông dân Nguyễn Anh Đài ở thôn Thọ Khánh, xã Hợp Thịnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) vác thuyền trên lưng, dùng thuyền băng qua các ruộng bỏ hoang.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc này, anh cho rằng: Mình cũng thích trải nghiệm ở trong nhà dân. Bình thường người nông dân ban ngày khá bận, lại rất ngại khi bị nhà báo “chĩa” máy ảnh, “dí” ghi âm vào mặt nhưng buổi tối bên mâm cơm rau dưa, nhiều khi được dọn ra đơn giản bằng việc trải chiếu dưới hiên, dưới sân nhà, khoảng cách giữa chủ và khách không còn nên câu chuyện trở nên thật nhất, sôi nổi nhất. Có bao nhiêu thứ chất chứa trong lòng, từ những nỗi vất vả của cơm áo, gạo tiền mưu sinh, con cái học hành, bệnh tật hiểm nguy đến các ước mơ thầm kín họ đều giãi bày bằng hết.

Sử dụng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu

Trong loạt 5 bài “Hai sắc thái của ruộng hoang” lần này, ngoài nội dung hấp dẫn bạn đọc, nhà báo Dương Đình Tường cũng có nhiều bức ảnh để lại ấn tượng. Để chụp được những bức hình này anh cũng phải lội bì bõm xuống bùn, đi cùng người dân di chuyển qua cánh đồng bỏ hoang.

Các bức ảnh tuy đơn giản nhưng lại mang tính biểu tượng cao. Như ảnh anh nông dân Nguyễn Anh Đài ở thôn Thọ Khánh, xã Hợp Thịnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) vác thuyền trên lưng, dùng thuyền băng qua các ruộng bỏ hoang để đến một ao nuôi cá. Anh giống như một con rùa đang vác cái mai khổng lồ, đó chính là áp lực về làm nông, về trồng lúa, có đất nhưng không tận dụng được.

Hay hình ảnh con bù nhìn dùng để đuổi chim của những vụ trước còn sót lại trên thửa ruộng hoang ở xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Bản thân con bù nhìn đó cũng bị bỏ lại, không còn tác dụng gì nữa vì trên đồng trống không còn lúa.

Đọc loạt bài, độc giả có thể cảm thấy mồ hôi của tác giả trên từng trang viết, điều đó thể hiện sự đầu tư kỹ lưỡng của nhà báo luôn gắn bó với người nông dân với nền nông nghiệp. Anh chia sẻ: “Tôi rất vui khi loạt bài được độc giả và những nhà quản lý quan tâm, gây được hiệu ứng tích cực, vì thực tế không chỉ ở miền Bắc mà ở miền Trung, miền Nam cũng có khá nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Điều này có nguy cơ tạo áp lực lớn cho các thành thị bởi nông dân bỏ quê lên phố rất nhiều còn ngược lại ở quê chỉ có người già, trẻ em và những người thất nghiệp. Không giải được bài toán này thì vấn đề an ninh trật tự, đói nghèo ở nông thôn sẽ còn mãi mà thành phố cũng không thể yên ổn được”.

Các bài viết có nhiều tình tiết hấp dẫn người đọc có thể cảm nhận như chính mình, gia đình mình trong đó và bản thân họ cũng nghĩ cần phải làm gì đó để thay đổi. Nhà báo Dương Đình Tường chia sẻ: “Nếu như bài viết để “chơi” không, đọc xong không ai suy ngẫm hay đánh giá gì thì hiệu quả và độ lan tỏa sẽ không cao. Ở đây tôi mong muốn khi độc giả đọc được họ thay đổi về cảm xúc, về hành động và hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống”.

Đạt được nhiều Giải Báo chí Quốc gia, nhưng anh vẫn luôn tâm niệm, cái được lớn hơn là bài viết của mình được người dân luôn đón đợi. Bất cứ giải thưởng nào cũng không bằng giải thưởng trong lòng người dân. Có lẽ chính vì vậy mà cách viết của anh thường có ngôn từ rất đơn giản, gần gũi và dễ hiểu. Anh luôn tâm niệm rằng: “Nhà báo không nên khoe chữ, không nên dùng nhiều ẩn ý cũng như các từ ít có tính phổ thông. Giản dị, ngắn gọn là con đường thẳng đến với khối óc và trái tim của bạn đọc”.

Lê Hiếu

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo