Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có tầm nhìn dài hạn, tránh tủn mụn, vụn vặt!
(CLO) PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh, để Luật Thủ đô mạnh mẽ, toàn diện, có tầm nhìn dài hạn, người xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải lấy ý kiến nhà khoa học, chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm phát triển quốc tế, để tránh Luật bị lạc hậu, lãng phí, và nếu để tủn mụn rất nguy hiểm.
Luật Thủ đô năm 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ Tư, ngày 21/11/2012, với mong muốn là một đạo luật quan trọng có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Thủ đô.
Tuy nhiên, qua 8 năm thi hành, Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành không cao, dẫn đến khó đi vào cuộc sống.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nguồn: Lê Việt/VOV
Bài liên quan
Sửa đổi Luật Thủ đô: Phải “định vị” đúng vai trò, vị thế đặc biệt của Thủ đô Hà Nội
Ông Đinh Tiến Dũng làm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Siết chặt nhập cư trong Luật Thủ đô: Có tăng Chất lượng sống cho Hà nội?
Theo đánh giá tổng kết, Luật Thủ đô năm 2012 còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng chung, mà chưa có những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp, xử lý các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại (như vấn đề ùn tắc giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, nhà tập thể cũ, di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở đại học, chỉnh trang, tái thiết bộ mặt đô thị…) hoặc những vấn đề mới phát sinh trong từng lĩnh vực quản lý, phát triển Thủ đô.
Luật cũng chưa có những quy định mang tính đặc thù, vượt trội đúng với vị trí, vai trò của Thủ đô, nhằm tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững…
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thủ đô, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và mong muốn của nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV; trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm và thông qua vào kỳ họp cuối năm 2023.
Để thực hiện được tiến độ này, Hà Nội phải phấn đấu trình Chính phủ trước ngày 1/3/2022.
Mới đây, lưu ý một số vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quá trình tổng kết Luật Thủ đô năm 2012 phải làm rõ được những hạn chế tồn tại, nhất là trả lời được câu hỏi tại sao quan trọng như Luật Thủ đô với nhiều điều khoản có tính mở đường, nhưng không đáp ứng được mục đích, yêu cầu; nguyên nhân do các điều luật hay do cách thức tổ chức thực hiện…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải xác định rõ vị trí của Thủ đô là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; làm rõ đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để thiết kế các điều luật.
Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có tầm nhìn bao quát, tương xứng với tiến trình phát triển của đất nước, của Thủ đô mạnh mẽ, toàn diện gắn với phương châm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; bao hàm các quy định về thiết chế, quyền hạn có tính đặc thù, phương thức vận hành, quản trị thành phố theo hướng “Xanh - Văn minh - Hiện đại” gắn với chính quyền đô thị; có tầm nhìn dài hạn theo các mốc mục tiêu như Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển Thủ đô trở thành thành phố kết nối toàn cầu vào năm 2045.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị thành phố tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là nghiên cứu việc áp dụng luật và mối quan hệ với các luật chuyên ngành.
Trao đổi với phóng viên về Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS. TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, Luật Thủ đô năm 2012 đã tạo điều kiện cho Thủ đô có những cơ chế đặc thù riêng, để xây dựng và phát triển theo hướng bền vững vừa cổ kính vừa hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy còn có những bất cập, hạn chế cho sự phát triển Thủ đô.
PGS. TS Bùi Thị An cho rằng, hiện trong lĩnh vực quản lý, quản trị vẫn bị vướng nhiều về cơ chế, cho nên thời gian tới cần phải xin Quốc hội sửa đổi để Thủ đô được quyết định trong điều kiện phổ quyết rộng hơn.
Nói về việc Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có tầm nhìn dài hạn, PGS. TS Bùi Thị An cho biết, Luật Thủ đô là định hình nên 1 Thủ đô trong tương lai hàng chục năm hoặc lâu hơn nữa, nên phải có tầm nhìn xa trong xây dựng sửa đổi Luật Thủ đô, thực hiện toàn diện trong mọi lĩnh vực văn hóa, giáo dục, hạ tầng, nông nghiệp... và muốn có được tầm nhìn xa thì phải phân tích từ cơ sở hiện tại để xây dựng và khẳng định tầm nhìn là đúng.
"Từ dữ liệu hiện tại của thực tiễn, bằng những phân tích khoa học áp dụng quy luật phát triển xã hội, tham khảo các nước trên thế giới để có tầm nhìn Thủ đô 50-100 năm và xa hơn, để cho ra hình hài Thủ đô trên cơ sở nền tảng khoa học từ đó cùng nhau xây dựng, phấn đấu. Tránh tầm nhìn ngắn sẽ tủn mụn, vụn vặt và có thể dẫn đến câu chuyện luật chồng chéo, rất lãng phí", PGS. TS Bùi Thị An nói.
Khẳng định một lần nữa, PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh, để có Luật Thủ đô mạnh mẽ, toàn diện, có tầm nhìn dài hạn, yêu cầu những người xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cố gắng lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, tham khảo các kinh nghiệm phát triển thủ đô của quốc tế, để tránh luật không bị lạc hậu, đỡ lãng phí cho dân, nếu để tủn mụn rất nguy hiểm.