Lương bổng không còn là yếu tố quan trọng nhất để người Việt 'nhảy' việc

21/02/2022 19:06

(CLO) Phần lớn người lao động đang tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Theo đó, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nắm bắt nhu cầu trên để thu hút và giữ chân nguồn nhân sự.

Người lao động tìm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Trong làn sóng Covid-19 lần 4, hàng triệu người đã bắt buộc phải làm việc từ xa và nhiều lĩnh vực đã phải dừng hoạt động hoàn toàn. Sau 6 tháng khó khăn này, người lao động Việt Nam đang xem xét lại những ưu tiên trong công việc của họ, cũng như đâu là điều quan trọng nhất ở nơi làm việc.

luong bong khong con la yeu to quan trong nhat de nguoi viet nhay viec hinh 1

Bài liên quan

Để người lao động trở lại TP. HCM làm việc: Chỗ tăng lương, nơi “án binh bất động”

Người lao động quay trở lại TP. HCM: Nhiều kỳ vọng về một công việc tốt, cuộc sống ổn định

Doanh nghiệp ráo riết 'săn' người lao động sau Tết

“Bí quyết vượt dịch của May 10 là tăng lương, xây nhà trẻ để giữ chân người lao động”

Theo báo cáo mới nhất của Công ty giải pháp quản trị nhân sự toàn diện Grove HR và Công ty chuyên về Phân tích Dữ liệu từ Vương quốc Anh YouGov, gần ba phần tư (73%) các ứng viên đang tìm việc tại Việt Nam trong năm 2022 đánh giá sự cân bằng công việc và cuộc sống (work-life balance) là yếu tố quan trọng nhất. Khái niệm cân bằng ở đây bao gồm sự linh hoạt, không làm thêm ngoài giờ và tiền lương ngoài giờ.

Kế đó, yếu tố lương bổng, đãi ngộ cao thứ hai trong các lý do chuyển việc với tỷ lệ 72,9%. Cụ thể, liên quan đến yếu tố thu nhập, 36% đáp viên cho biết sẽ nghỉ việc nếu lương của họ bị cắt giảm 10%. Nhóm nghiên cứu đánh giá đây là khó khăn của các công ty đối với việc giữ chân nhân sự trong giai đoạn "bình thường mới". 

Grove HR cũng phát hiện ra rằng gần một nửa (49%) số người có ý định thay đổi công việc vào năm 2022. Nếu muốn săn đầu người từ các công ty khác, báo cáo chỉ ra mức thu nhập hợp lý để thu hút nhân sự là cao hơn 10-30% so với mức lương cũ của họ. 70% người được hỏi cho biết sẽ cân nhắc chuyển việc nếu có cơ hội đạt thu nhập cao hơn từ 10% đến 30% so với con số hiện tại. Ngược lại, nếu mức thu nhập tăng thêm dưới 10%, không nhiều ứng viên mặn mà với việc thay đổi công việc.

Khảo sát được dựa trên câu trả lời của 1.010 người Việt Nam từ 21/10 - 25/10/2021. Có 48% đáp viên là nữ, 52% là nam. 70% người được hỏi sống ở thành thị, 30% ở nông thôn.

Gắn kết, thấu hiểu và chia sẻ là "chìa khóa" giữ chân người lao động

Ths. Nguyễn Thị Hoàng Anh, Giám đốc nghiên cứu và phát triển quản trị nguồn nhân lực Công ty HRTools, chuyên gia lĩnh vực nhân sự chỉ ra, trước đại dịch Covid 19, sự cân bằng công việc và đời sống không phải là ưu tiên hàng đầu của người lao động. 

Theo vị chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã lấy đi rất nhiều thứ của chúng ta như công việc, sức khoẻ, sinh mạng của những người thân. Song, qua đó cũng giúp chúng ta nhìn nhận và định nghĩa lại tầm quan trọng của các giá trị cốt lõi như sức khỏe, tinh thần, phát triển bản thân, các mối quan hệ, sự nghiệp, tài chính…

Từ đó, Ths. Hoàng Anh cho rằng, một số giá trị mà trước đây chúng ta theo đuổi và xem trọng có thể đã không còn phù hợp với chính mình ở thời điểm hiện tại hoặc ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời.

luong bong khong con la yeu to quan trong nhat de nguoi viet nhay viec hinh 2

Ảnh minh hoạ

"Tương tự, sau đại dịch, trải qua rất nhiều biến động lớn từ sức khỏe đến công việc, trong đó việc thực hiện các lệnh giãn cách xã hội đã khiến người lao động phải ngay lập tức thay đổi môi trường, hình thức làm việc từ trực tiếp tại văn phòng sang 100% trực tuyến tại nhà trong thời gian dài. Đây là một trong những tác động khiến họ dần nhận ra bản thân thật sự cần điều gì trong cuộc sống và điều gì mới thật sự làm cho cuộc sống của họ trở nên hạnh phúc hơn. Đó chính là sức khỏe và sự thoải mái, linh hoạt, cân bằng giữa công việc và cuộc sống trong hoàn cảnh bất định như hiện nay", bà Hoàng Anh phân tích.

Bên cạnh đó, Ths. Nguyễn Thị Hoàng Anh cũng nêu ra thực trạng, việc thu hút và ổn định nhân sự là một trong những vấn đề gây trăn trở lớn đối với hầu hết các doanh nghiệp trong giai đoạn hậu giãn cách.

"Trước những sự thay đổi lớn về nhu cầu của người lao động như đã phân tích ở trên, doanh nghiệp cần nhanh chóng nhận thức để có những điều chỉnh linh hoạt, kịp thời trong mô hình làm việc cũng như thay đổi cách thức quản trị hiệu suất phù hợp. Để từ đó, có thể đáp ứng và nâng cao sự hài lòng, gắn kết của nhân viên trong doanh nghiệp mình", Ths. Hoàng Anh nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này đồng thời cho biết, hiện nay có một xu hướng làm việc mới đang được triển khai và thực hiện ở các doanh nghiệp trên thế giới đó là mô hình làm việc kết hợp (hybird working). Đây là một hình thức làm việc linh hoạt cho phép người lao động được lựa chọn làm việc tại văn phòng hoặc làm việc từ xa (có thể tại nhà hoặc một không gian khác ngoài văn phòng) hoặc kết hợp cả hai dựa trên hoàn cảnh, nhu cầu và tính chất công việc của người lao động. Từ đó, tạo cho nhân viên sự thoải mái, cảm giác được tin tưởng, cân bằng trong cuộc sống và công việc nhiều hơn.

"Tóm lại, đã đến lúc các doanh nghiệp cần tập trung và đầu tư đến trải nghiệm của nhân viên tại môi trường làm việc nhiều hơn, cung cấp các phúc lợi chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm với đội ngũ nhân viên. Gắn kết, thấu hiểu và chia sẻ chính là chìa khóa của thu hút và giữ chân nhân tài trong môi trường đầy biến động hiện nay", Ths. Hoàng Anh nhận định.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lương bổng không còn là yếu tố quan trọng nhất để người Việt 'nhảy' việc
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO