Mỗi sản phẩm OCOP cần có câu chuyện riêng, gắn với văn hóa, lịch sử
(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Sản phẩm OCOP phải mang thương hiệu Việt Nam, được bảo vệ và quảng bá bằng chính sách phù hợp. Mỗi sản phẩm cần có câu chuyện riêng, gắn với văn hóa, lịch sử, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Sáng 4/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến đối với đề xuất sửa đổi Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Cả nước có 16.855 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 16.855 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 76,2% là sản phẩm 3 sao, 22,7% là 4 sao và 126 sản phẩm đạt 5 sao – được công nhận là sản phẩm quốc gia. Có tổng cộng 9.822 chủ thể OCOP, trong đó 32,9% là hợp tác xã, 25,3% là doanh nghiệp nhỏ, 33,5% là hộ sản xuất, cơ sở kinh doanh và phần còn lại là tổ hợp tác. Đáng chú ý, có tới 40% chủ thể là phụ nữ và 17,1% là người dân tộc thiểu số. Hiện hơn 3.000 hợp tác xã đã tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, cho thấy tính lan tỏa của chương trình.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm OCOP gặp khó khăn do thiếu vùng nguyên liệu ổn định, hạn chế trong ứng dụng công nghệ, khó tiếp cận tín dụng đầu tư – trong khi phần lớn chủ thể OCOP là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Thực tế này đòi hỏi chính sách hỗ trợ cụ thể từ các cấp chính quyền để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể đầu tư máy móc, nhà xưởng, công nghệ bảo quản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, một số siêu thị quốc tế đánh giá cao sản phẩm OCOP Việt Nam song phản ánh nguồn cung còn hạn chế. Do đó, thay vì chạy theo số lượng, chương trình hướng đến nâng cao chất lượng, tăng tính đặc thù, giá trị văn hóa và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Với tầm nhìn dài hạn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh định hướng phát triển OCOP thành thương hiệu quốc gia – không chỉ là sản phẩm của từng thôn, xã – mà được bảo hộ sở hữu trí tuệ, có hệ thống quảng bá và chính sách hỗ trợ mở rộng thị trường. Việc hoàn thiện khung pháp lý và đầu tư bài bản cho OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhằm đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao (trước đây thuộc thẩm quyền cấp huyện), Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định 148 theo hướng chuyển nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao từ cấp huyện lên cấp tỉnh thực hiện.

Sản phẩm OCOP cần được nhìn nhận như một thương hiệu quốc gia
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Sản phẩm OCOP cần được nhìn nhận như một thương hiệu quốc gia, không chỉ dừng lại ở quy mô địa phương. Do đó, việc tổ chức đánh giá, công nhận phải đảm bảo tính chuyên môn, khách quan, liên ngành và nhất quán, gắn với tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cao.
Về thẩm quyền đánh giá, Phó Thủ tướng thống nhất quan điểm sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên nên do cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn hiện nay, "muốn nâng giá trị thương hiệu thì phải có tổ chức uy tín đánh giá". Trong trường hợp phân cấp cho xã thì các địa phương phải có đề án riêng, đảm bảo điều kiện tổ chức, con người, kiến thức và cơ chế phối hợp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Quyết định số 148, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, tránh để xảy ra khoảng trống chính sách sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và địa phương xây dựng Chương trình OCOP bài bản, có tầm nhìn dài hạn, hội tụ đủ các yếu tố như chất lượng cao, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng, có quy mô thị trường, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, áp dụng chuyển đổi số và công nghệ thương mại điện tử.
"Sản phẩm OCOP phải mang thương hiệu Việt Nam, được bảo vệ và quảng bá bằng chính sách phù hợp. Mỗi sản phẩm cần có câu chuyện riêng, gắn với văn hóa, lịch sử, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số", Phó Thủ tướng mong muốn và nêu rõ "OCOP phải được triển khai liên tục, ngày càng hoàn thiện. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng hàng nghìn sản phẩm Việt Nam đặc thù, khác biệt, đạt chuẩn quốc tế và chinh phục thị trường toàn cầu".