Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương):

Nên có cách tiếp cận phù hợp với thị trường EU

Thứ năm, 05/09/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Là cơ quan quản lý Nhà nước giữ trọng trách về công tác XTTM, Cục XTTM được coi như là một “bà đỡ” cho hàng Việt cũng như doanh nghiệp Việt trong quá trình hội nhập. Để làm tròn trách nhiệm này, thời gian qua, sau khi nhiều hiệp định thương mại được ký kết, Cục đã có những động thái gì?

Bài liên quan

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM Bộ Công Thương đã có những chia sẻ trong cuộc trò chuyện dưới đây.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại.

+ PV: Trong các hiệp định đã ký kết, ngoài các cơ quan ban ngành thì vai trò của Cục XTTM được coi là quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và hướng đi của hàng hóa. Vậy Cục đã và đang thực hiện giúp doanh nghiệp những gì trong giao thương tại thị trường EU?

- Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú: Trong những năm qua, Cục XTTM luôn ưu tiên đẩy mạnh hoạt động XTTM hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, kết nối đối tác, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước, trong đó có EU. Trong khuôn khổ Chương trình XTTM quốc gia, hàng năm Bộ Công Thương dành trung bình 20% tổng kinh phí của Chương trình cho các hoạt động XTTM trên thị trường EU.

Cục XTTM cũng hướng dẫn các hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM lựa chọn các hội chợ, triển lãm, sự kiện XTTM chuyên ngành lớn, có uy tín tại thị trường châu Âu để xây dựng đề án XTTM quốc gia và triển khai tổ chức cho doanh nghiệp tham gia. Việc tham gia các sự kiện thường xuyên, liên tục và doanh nghiệp đạt được kết quả tích cực gần đây đã dần xây dựng uy tín, hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại thị trường các nước nói riêng và thị trường châu Âu nói chung. Ngoài các hội chợ triển lãm, Cục XTTM còn trực tiếp chủ trì hoặc phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức cho doanh nghiệp giao thương xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác tại các nước khu vực châu Âu...

Cục XTTM cũng đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, thương vụ Việt Nam thực hiện các chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam trên thị trường EU. Đặc biệt, Cục XTTM đã phối hợp với tổ chức xúc tiến nhập khẩu của Hà Lan, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan xây dựng Chiến lược thương hiệu thực phẩm Việt Nam nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh các nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam trên thị trường.

Bên cạnh đó, Cục XTTM cũng chú trọng đẩy mạnh hợp tác với thương vụ, đại sứ quán, các tổ chức XTTM của các nước trong khối EU như Pháp, Ý, Hungary nhằm kết nối thông tin, trao đổi nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp các bên; phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Âu giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiềm năng, doanh nghiệp uy tín của Việt Nam tới các đối tác sở tại.

Các hoạt động này đã góp phần khích lệ, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong việc xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và các nước EU theo hướng bền vững.

+ PV: EU là thị trường rất tiềm năng với 27 nền kinh tế và dân số hơn 512 triệu người. Theo ông, XTTM  tại thị trường này có thuận lợi và khó khăn gì?

- Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú: Về thuận lợi, có thể thấy rõ ràng nhất là cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mới được ký kết sẽ tạo một cú huých lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Đi cùng với EVFTA sẽ là Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), với thị trường mở cửa và thông thoáng hơn, các doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu cũng như các máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ EU với chất lượng tốt và ổn định cùng mức giá hợp lý, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu của mình. Đây rõ ràng là động lực quan trọng để các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động XTTM cho sản phẩm xuất khẩu sang EU, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau hoa quả, nông sản chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, dệt may và da giày…

Bên cạnh đó, các nước trong EU có mặt bằng kinh tế xã hội phát triển cao và tương đối đồng đều, đã phát triển một thị trường chung bao gồm tự do lưu thông hàng hóa, vốn, con người và dịch vụ trong phạm vi của khối. Thêm vào đó, với hạ tầng thương mại phát triển, trình độ tổ chức điều hành rất chuyên nghiệp, các sự kiện XTTM diễn ra tại các nước EU luôn có quy mô hàng đầu, thu hút được lượng lớn khách giao dịch từ các châu lục khác. Do vậy, việc tổ chức hoặc tham gia các hoạt động XTTM tại các nước EU được đánh giá là rất thuận lợi và gia tăng được hiệu quả khi thực hiện ở một nước nhưng có thể từ đó dễ dàng tiếp cận với các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng của không chỉ các nước thành viên EU mà còn nhiều khu vực thị trường khác trên thế giới.

Về khó khăn, EU là một thị trường lớn nhưng khó tính, đòi hỏi nghiêm ngặt và khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường… trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được các yêu cầu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư phát triển sản phẩm đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và quy định về hàng hóa nhập khẩu của EU cũng như chuẩn bị kỹ kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu.

Khó khăn tiếp theo đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các hoạt động XTTM tại thị trường EU là rào cản ngôn ngữ cũng như hiểu biết hạn chế đối với các quy định tại thị trường EU, do đó, các doanh nghiệp cần phải không ngừng nâng cao năng lực, đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng giao tiếp, đàm phán chuyên nghiệp và tiếp cận, quản lý khách hàng. 

Nếu thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất thuận lợi khi thực hiện xúc tiến thương mại tại EU nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

+ PV: Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung sản xuất ngành hàng nào để xuất khẩu sang thị trường EU?

- Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú: EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của hàng hóa Việt Nam. Các mặt hàng như dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường các nước EU. Theo các chuyên gia của châu Âu, nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải… Số liệu thống kê 7 tháng đầu năm 2019 cho thấy xuất khẩu sang thị trường EU cũng có một số nét tích cực từ các mặt hàng khác như máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, gỗ, giày dép, rau quả.

Sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, ưu đãi thuế quan ở hiệp định này mang lại lợi ích to lớn cho các sản phẩm Việt như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử... Đặc biệt, thủy sản sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn) với lộ trình dài nhất là 7 năm. Đây đều là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng này để có thể tận dụng được ưu đãi từ hiệp định EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước EU.

+ PV: Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung đầu tư vào 27 nền kinh tế hay lựa chọn một số nền kinh tế để tập trung đi sâu vào những thị trường này?

- Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú: EU là khối thị trường chung nhưng mỗi thị trường thành viên lại có đặc điểm, nhu cầu, quy định nhập khẩu và sở thích tiêu dùng không giống nhau. Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, quy mô sản xuất còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn khoảng cách cần cải thiện thì nên có cách tiếp cận thị trường phù hợp. Với các thị trường đầu tàu truyền thống (như Đức, Pháp, Tây Ban Nha…) được coi là thị trường cửa ngõ giúp lan tỏa đi các nước khác trong khối EU, doanh nghiệp cần tiếp tục khai thác dư địa, tận dụng tối đa lợi thế mà EVFTA mang lại nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của mình.

Thị trường EU đang mở ra thêm những cơ hội cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam.

Thị trường EU đang mở ra thêm những cơ hội cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam.

Thị trường EU là một thị trường có giá trị gia tăng cao nên rất nhiều nhà xuất khẩu trên thế giới quan tâm đến thị trường này. Hơn nữa, EU còn có rất nhiều đối tác FTA và những đối tác này đang cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh lớn cho các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam khi tiếp cận thị trường. Do đó, bên cạnh các thị trường truyền thống, có nhiều thị trường ngách kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chưa cao nhưng đang có xu hướng gia tăng và chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh được coi là “tấm vé” giúp hàng Việt vào sâu hơn nữa thị trường EU.    

+ PV: Thưa ông, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì sau khi EVFTA được thực thi để tìm kiếm cơ hội XTTM trên thị trường EU?

- Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú: Khi các FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực sẽ khiến việc cạnh tranh trên thị trường hàng hóa và dịch vụ sẽ khốc liệt hơn ngay cả tại thị trường trong nước. Do đó các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm phẩm hàng hóa, đẩy mạnh các hoạt động XTTM chuyên sâu như nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, để tận dụng hiệu quả các cơ hội mà EVFTA mang lại.

Để công tác XTTM đạt hiệu quả cao và mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thì ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, phát triển thương hiệu v.v… Tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu, phải coi đây là mục tiêu hàng đầu. Cùng với việc nâng cao chất lượng là cải thiện năng suất để giảm giá thành, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc phối hợp với tổ chức XTTM xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động XTTM đảm bảo hoạt động XTTM sát thực, khả thi, hiệu quả. Chủ động, quyết tâm, mạnh dạn đầu tư kinh phí cho XTTM trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác XTTM nhằm chuyên nghiệp hóa năng lực thực thi và tối đa hóa hiệu quả các hoạt động XTTM.

+ PV : Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Lê (Thực hiện)

Tin khác

Lãi suất vẫn đang giảm

Lãi suất vẫn đang giảm

(CLO) Trong buổi họp báo quý I/2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023.

Tài chính - Bảo hiểm
Saigontel (SGT) lợi nhuận kém khả quan, giảm lượng cổ phiếu chào bán xuống 75 triệu

Saigontel (SGT) lợi nhuận kém khả quan, giảm lượng cổ phiếu chào bán xuống 75 triệu

(CLO) CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - Saigontel (SGT) dự kiến giảm lượng chào bán cổ phiếu riêng lẻ xuống còn 75 triệu cổ phiếu.

Tài chính - Bảo hiểm
VietCredit tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024 – Mạnh dạn thử nghiệm những thay đổi lớn

VietCredit tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024 – Mạnh dạn thử nghiệm những thay đổi lớn

(CLO) Ngày 19/4/2024, Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit – “TIN”) tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Du lịch Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trước thềm Quốc tế Lao động

Du lịch Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trước thềm Quốc tế Lao động

(CLO) Trung Quốc dự kiến sẽ ghi nhận làn sóng du lịch mạnh mẽ trong kỳ nghỉ lễ Tháng Năm sắp tới, trong đó lĩnh vực này sẽ nắm bắt cơ hội để lấy lại phong độ trước đại dịch Covid-19 và tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế đất nước thông qua đợt tiêu dùng lớn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Một số dự án chung cư tại Hà Nội được đẩy giá vượt quá giá trị thực tế

Một số dự án chung cư tại Hà Nội được đẩy giá vượt quá giá trị thực tế

(CLO) Theo Savills, một số dự án đã được đẩy giá vượt quá giá trị thực tế, nên người mua cần xem xét kỹ, cân nhắc giá trị sử dụng và mức độ hợp lý của dự án.

Bất động sản