Ngôi trường độc đáo và sứ mệnh đặc biệt trên đất Huế

Thứ sáu, 28/08/2020 11:50 AM - 0 Trả lời

(NB&CL)Cách đây 75 năm, Huế là một trong những “trọng điểm” của cuộc Cách mạng Tháng Tám với khí thế tổng khởi nghĩa như “triều dâng, thác đổ”. Cũng chính trên mảnh đất cố đô này, đã từng hiện diện một ngôi trường được đánh giá là một “hiện tượng lịch sử độc đáo”.Đó là ngôi trường mang tên Trường Thanh niên tiền tuyến

Bài liên quan

Hiện tượng lịch sử độc đáo

Trong nhìn nhận của nhiều sử gia, Trường Thanh niên tiền tuyến Huế (TNTT) là một hiện tượng lịch sử độc đáo. Độc đáo bởi ngôi trường này chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục - 2 tháng (16/6/1945 - 14/8/1945) và cũng chỉ đào tạo được duy nhất một khóa học với 43 học viên. Bởi mang mô hình là ngôi trường quân sự  nên trường được tổ chức theo lối tự quản. Chương trình đào tạo của trường ngoài sử dụng vũ khí, kỹ chiến thuật cá nhân, chỉ huy cấp phân đội, đại đội… luật sư Phan Anh và giáo sư Tạ Quang Bửu còn dịch Binh pháp Tôn Tử đưa vào chương trình giảng dạy. Học viên của trường được tổ chức lên núi Ngự Bình, Nam Giao học quân sự, học cưỡi ngựa ở Sở Canh nông, học bơi, học về vũ khí và cả các nghề cơ khí...

ngoi truong doc dao va su menh dac biet tren dat hue hinh 1

Nhân dân Thừa Thiên - Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ ngày 23/8/1945, ngày cách mạng thắng lợi tại Huế.

Việt Minh lúc mới giương ngọn cờ cách mạng, so với lực lượng đông đảo các tổ chức đoàn thể hôm nay, chỉ là một số ít, rất ít; nhưng vì đại nghĩa, vì chính đại quang minh, Việt Minh đã tập hợp quanh mình hầu hết những nhân tài của đất nước - trong đó có Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, bao gồm không ít con cháu các đại quan Triều Nguyễn và cả những người từng tham gia Nội các Trần Trọng Kim, thậm chí cả ông Phan Tử Lăng, người học Trường Võ bị của Pháp, chỉ huy trưởng đồn lính khố xanh của Triều Nguyễn! Đó là một minh chứng về tinh thần yêu nước nồng nàn của hầu hết các tầng lớp nhân dân ta, là một bài học luôn luôn mới trong việc tập hợp sức mạnh dân tộc trước mọi thách thức.

(Nhà văn Nguyễn Khắc Phê)

Độc đáo còn bởi ngay từ nguyên cớ ra đời của ngôi trường này. Sau ngày đảo chính Pháp, trong những nỗ lực kiểm soát Đông Dương, phát xít Nhật dựng lên nội các Trần Trọng Kim và trong âm mưu sử dụng bộ máy này cho những toan tính riêng, phát xít Nhật nuôi ý định dựng lên một ngôi trường, đúng hơn là một tổ chức quy tụ thanh niên Huế, lợi dụng để phục vụ cho mưu đồ của chúng. Nhận diện rõ mưu đồ này, hai trí thức lớn thời bấy giờ: Giáo sư Tạ Quang Bửu, Luật sư Phan Anh, đã “tương kế tựu kế” dựng lên ngôi trường mặc dù mang danh nghĩa là trường của Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng trên thực tế hoàn toàn không nhằm mục tiêu đào tạo phục vụ cho Chính phủ Trần Trọng Kim, mà mục đích chính là tranh thủ thời cơ đào tạo một lớp thanh niên - chính là những học viên đã từng được Việt Minh giác ngộ cách mạng, tham gia đấu tranh giành chính quyền ở Huế, từ đó tạo dựng một lớp sĩ quan chỉ huy quân đội của nước Việt Nam độc lập trong tương lai. Đó là lý do vì sao, trường TNTT thường được ví von là ngôi trường “xanh vỏ đỏ lòng”, bên ngoài trường thuộc Bộ Thanh niên nhưng bên trong lại đào tạo các chỉ huy quân sự để phục vụ Tổ quốc.

Thế hệ học viên lừng danh

Độc đáo là bởi dù chỉ đào tạo được một khóa duy nhất nhưng đó dường như là một “khóa học hoàn mỹ” thậm chí có thể coi là “độc nhất vô nhị” khi “đầu vào” phần lớn đều là những học viên tài năng và thuộc hàng “danh gia vọng tộc”, như ông Tôn Thất Hoàng là con của thượng thư Tôn Thất Quảng; ông Đặng Văn Việt, thân phụ làm tổng đốc Nghệ An, từng ba lần giữ chức thượng thư…

ngoi truong doc dao va su menh dac biet tren dat hue hinh 2

Đặng Văn Việt- “Hùm xám đường số 4”- người treo cờ đỏ sao vàng trước cửa Ngọ Môn vào sáng 21/8/1945.

Nhưng đáng kể nhất là “đầu ra” khi rất nhiều người trong số 43 học viên sau khi ra trường đã trở thành tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhiều người trong số họ, đã ghi tên mình vào sử sách với những chiến công hiển hách với những dấu ấn rất đặc biệt. Đơn cử như Trung tướng Cao Văn Khánh - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN - người được mệnh danh là “vị tướng trí thức” bởi trước năm 1945, trước khi theo binh nghiệp, ông dạy toán ở các Trường Tư thục Phú Xuân, Lyceum Việt Anh, Thuận Hóa Huế… cùng với các trí thức nổi tiếng Cao Xuân Huy, Thanh Tịnh, Hữu Ngọc… Những năm chiến tranh chống Pháp, rồi chống Mỹ, Trung tướng Cao Văn Khánh đã ghi tên mình vào những trang vàng của lịch sử quân sự Việt Nam khi là một trong số ít vị tướng tham gia, chỉ đạo trực tiếp hầu hết chiến dịch quan trọng nhất, ác liệt nhất như chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ (chống Pháp) và Tây Nguyên, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị 1972, Tổng tiến công Xuân 1975. 

Hay như Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) - một trong hai Trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta - người từng khiến quân địch khiếp sợ suy tôn là “Con hùm xám đường số 4” bởi những trận đánh do ông chỉ huy trên đường số 4 vùng Cao - Bắc - Lạng thời kháng Pháp… Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người trực tiếp nhiều lần giao nhiệm vụ cho Đặng Văn Việt thì khen ngợi: “Về đức, tài với Việt không cần nói đến. Đó là một chỉ huy sáng tạo về quân sự, vững vàng về chính trị, có khả năng dồi dào về văn hóa nghệ thuật...”.

Cũng không thể không nhắc tới hiệu trưởng nhà trường - cũng là một con người rất đặc biệt - Phan Tử Lăng. Thời điểm “nhận nhiệm vụ”, ông Phan Tử Lăng đang là Chỉ huy trưởng Bảo an binh Trung kỳ, là thủ khoa khóa sĩ quan chính quy Pháp đầu tiên, nhưng lại là người có tinh thần yêu nước và có cảm tình với phong trào cứu nước của Việt Minh. Sau khi Huế giành được chính quyền, ông Phan Tự Lăng là Phó tư lệnh quốc phòng Trung bộ.

Tỏa sáng trong thời khắc lịch sử 

Chỉ tồn tại trong vỏn vẹn 2 tháng, nhưng có thể nói, trường TNTT đã nhanh chóng “chớp cơ hội” để tỏa sáng trong thời khắc một đi không trở lại của lịch sử - những ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Những học viên của Trường TNTT Huế đã sớm ý thức được tinh thần dân tộc, giác ngộ theo cách mạng.
Một cách âm thầm nhưng quyết liệt, tất cả các học viên của trường TNTT đã được “Việt Minh hóa” và ngôi trường TNTT đã trở thành một tổ chức bí mật Việt Minh nằm trong chính quyền Trần Trọng Kim. Từ đó, họ đã hoàn thành trọn vẹn “sứ mệnh đặc biệt” khi trở thành một trong những lực lượng nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong những ngày tháng lịch sử của Cách mạng Tháng Tám mùa thu 1945.

Ngay từ tháng 7/1945, khi phong trào cách mạng tại Huế ngày càng dâng cao, nhóm Việt Minh trường TNTT được mở rộng, nhập với Việt Minh Thừa Thiên - Huế, sôi nổi hoạt động.

Và trong những ngày Huế trong cao trào tổng khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và cả Xứ ủy, nhóm Việt Minh trường TNTT được tin cậy phân công nhiều công việc đặc biệt quan trọng: Treo cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài trước Ngọ môn ngày 21/8; bảo vệ cuộc mít tinh giành chính quyền ngày 23/8; bảo vệ buổi lễ thu ấn kiếm của Bảo Ðại ngày 30/8; Hộ tống phái đoàn Chính phủ đưa Vua Bảo Đại thoái vị ra Bắc; Tước vũ khí của lực lượng vũ trang cũ, bắt nhiều phần tử phản động thân Pháp, Nhật đổ bộ vào Huế sau ngày độc lập...

Báo chí sau này nói nhiều tới câu chuyện về một chàng thanh niên trẻ tuấn tú cắm cờ Việt Minh trên kỳ đài Huế vào những ngày tháng 8/1945. Chàng trai ấy không ai khác chính là một trong những học viên của trường TNTT, cũng là vị chỉ huy quân sự lừng danh sau này: Đặng Văn Việt.

Ngày đó, ông Trần Hữu Dực, một cán bộ khởi nghĩa đã giao cho Đặng Văn Việt treo cờ đỏ sao vàng trước cửa Ngọ Môn vào sáng 21/8/1945. “Tôi đứng ngoài hàng ra lệnh “kéo cờ”, cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên đỉnh cao của cột cờ, đồng thời cờ quẻ ly cũng từ từ hạ xuống. Chúng tôi nhìn theo, tim mình như sôi sục, rất bồi hồi phấn khởi, tự hào vì cờ đỏ sao vàng lá cờ cách mạng đã tung bay trên kỳ đài Huế. Nhân dân Huế và vùng xung quanh tới 40km đều nhìn cờ rộng hơn 120m2 tung bay trên cột cờ cao, hào hứng phấn khởi hô lên: “Cờ đỏ sao vàng! Cách mạng đã về! Việt Nam ta độc lập rồi!”- người lính Đặng Văn Việt sau này nhớ lại.

Nói như nhà thơ Ngô Vương Anh, Trường TNTT Huế tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi như một vệt sáng lóe lên trước “cái chớp mắt của lịch sử” - theo cách nói của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp về thời khắc lịch sử huy hoàng của dân tộc - Tháng Tám 1945. Nhưng đó là sự tỏa sáng vô giá của lịch sử, là một minh chứng cho thấy cuộc cách mạng tháng Tám thực sự là sự hội tụ của rất nhiều nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc.

Trang Thư

Tin khác

Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

(CLO) Tối ngày 26/4/2024, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức, Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 

Tin tức
Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

(CLO) Chính phủ thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tin tức
Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức