Taliban đến Na Uy đàm phán với phương Tây
(CLO) Hôm thứ Bảy, một phái đoàn của Taliban đã đến Na Uy để hội đàm với các nhà ngoại giao phương Tây và các thành viên của xã hội dân sự Afghanistan với hy vọng “chuyển đổi bầu không khí chiến tranh” ở Afghanistan.
Đoạn video được phát sóng bởi Verdens Gang cho thấy một chiếc máy bay do chính phủ Na Uy thuê đã chở 15 đại diện của phái đoàn Taliban hạ cánh xuống sân bay Oslo vào buổi tối.

Phái đoàn Taliban tới Na Uy. Ảnh: SCMP
Bài liên quan
Taliban cấm phụ nữ du lịch đường dài nếu không có đàn ông đi cùng
Buôn thuốc phiện bùng nổ ở Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản
Taliban bị tố hành quyết nhân viên an ninh Afghanistan sau khi đầu hàng
Taliban cho phép phụ nữ Afghanistan học đại học, với nhiều ràng buộc
Phái đoàn do Bộ trưởng Ngoại giao Taliban Amir Khan Mutaqqi dẫn đầu, người đầu tiên hội đàm chính thức với phương Tây trên đất châu Âu kể từ khi tổ chức này nắm quyền ở Afghanistan.
Taliban đã trở lại nắm quyền vào tháng 8 khi quân đội Mỹ và nước ngoài bắt đầu cuộc rút quân cuối cùng khỏi đất nước sau khi chiến tranh bế tắc. Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào công nhận chính phủ của Taliban kể từ đó tới nay do những tai tiếng trong lịch sử mà tổ chức này khi nắm quyền từ năm 1996 đến 2001.
“Các Tiểu vương quốc Hồi giáo đã thực hiện các bước để đáp ứng các yêu cầu của thế giới phương Tây và chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường quan hệ của mình thông qua ngoại giao với tất cả các nước, bao gồm các nước châu Âu và phương Tây nói chung”, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid nói với hãng tin AFP hôm thứ Bảy. .
Các cuộc đàm phán sẽ khai mạc vào hôm nay với những người đại diện xã hội dân sự cho Afghanistan, bao gồm các nhà lãnh đạo nữ và các nhà báo, vào thời điểm các quyền tự do của những người sống ở Afghanistan ngày càng bị hạn chế.
Vào thứ Hai, Taliban sẽ gặp đại diện từ Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Ý và Liên minh châu Âu, trong khi thứ Ba sẽ dành riêng cho các cuộc đàm phán song phương với các quan chức Na Uy. Các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào vấn đề nhân quyền và viện trợ nhân đạo khi cuộc khủng hoảng nghèo đói ngày càng gia tăng.
Tình hình nhân đạo ở Afghanistan đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi Taliban tiếp quản. Viện trợ quốc tế đột ngột dừng lại và Mỹ đã đóng băng 9,5 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan ở nước ngoài.
Theo Liên Hợp Quốc, nạn đói hiện đang đe dọa 23 triệu người Afghanistan, tương đương 55% dân số, và cho biết nước này cần 4,4 tỷ USD viện trợ trong năm nay để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo.
“Các cuộc họp này không đại diện cho sự hợp pháp hóa hoặc công nhận Taliban”, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt cho biết hôm thứ Sáu. Bà nói thêm: “Nhưng chúng ta phải nói chuyện với họ. Chúng ta không thể để tình hình chính trị dẫn đến một thảm họa nhân đạo”.
Ông Ali Maisam Nazary, chủ tịch quan hệ đối ngoại của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan, một nhóm đối lập tự cho mình là pháo đài cuối cùng chống lại sự kiểm soát hoàn toàn của Taliban, đã lên án Na Uy về các cuộc đàm phán.
"Tất cả chúng ta phải lên tiếng và ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào bình thường hóa một nhóm khủng bố với tư cách là đại diện của Afghanistan", ông tuyên bố trên Twitter vào thứ Sáu.