Nhà báo, Tiến sĩ Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao động:

“Tăng cường chuyển đổi số, tạo ra những giá trị và tiện ích trên báo điện tử”

Thứ tư, 23/06/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chưa bao giờ vấn đề về nguồn thu của báo chí lại trở nên cấp bách như hiện nay. Giữa xu hướng suy giảm nguồn thu quảng cáo trên báo in trong một thập niên qua, các cơ quan truyền thông lại bị thêm cú giáng đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm.

Bài liên quan

Nhà báo, Tiến sĩ Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đánh giá thời điểm hiện tại vô cùng thách thức đối với báo chí. Bởi, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, báo chí vốn đã phải cạnh tranh khốc liệt trên mặt trận thông tin với nhau và nhất là phải cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội.

+ Tự chủ tài chính và phát triển nguồn thu ngày càng là vấn đề sống còn của báo chí, đặc biệt giữa đại dịch Covid-19. Theo ông, đâu là những thách thức đặt ra đối với các tòa soạn ở thời điểm hiện tại?

- Dưới phương thức mới, các đại gia công nghệ như Facebook, Google đã thu hút nguồn lực quảng cáo rất lớn. Chỉ trong vòng 1 năm (2019-2020), các nền tảng này đã thu từ thị trường Việt Nam hơn 1 tỷ USD. “Miếng bánh” đã bé, lại càng bé cho các cơ quan báo chí.

Nhà báo Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập của Báo Người Lao Động. Ảnh: Quang Liêm

Nhà báo Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập của Báo Người Lao Động. Ảnh: Quang Liêm

Thêm vào đó, sự suy giảm của báo in đã gây khó khăn rất lớn đến các cơ quan truyền thông, nhất là những đơn vị tự thu, tự chi hoàn toàn.

Đại dịch Covid-19 xảy ra như cơn chấn động mới đè nặng lên tất cả các lĩnh vực, trong đó có truyền thông. Rất nhiều cơ quan báo chí bị sụt giảm nguồn thu quảng cáo do hàng loạt công ty đóng cửa, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên về du lịch, lữ hành. Nhiều doanh nghiệp khác tuy không thua lỗ nhưng cũng phải cắt giảm ngân sách dành cho quảng cáo do không hoạt động nhiều.

Nguồn thu của các cơ quan báo, đài chủ yếu đến từ phát hành báo in, quảng cáo và các hoạt động kinh doanh, hợp tác sau mặt báo. Đại dịch Covid-19 diễn biến liên tục trong 2 năm qua đẩy nhiều cơ quan truyền thông rơi vào cảnh sụt giảm doanh thu rất lớn, có nơi lên đến 40%-50%, thậm chí cao hơn.

+ Trong bối cảnh này, chuyển đổi số được các chuyên gia nhìn nhận là phương thức vừa giúp các tòa soạn vận hành linh hoạt, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, vừa mở ra cơ hội tìm kiếm nguồn thu mới cho các cơ quan báo chí, điều này theo ông có thực sự chính xác?

- Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, mở ra con đường mới cho báo chí truyền thống. Hiện nay, báo in có thể vẫn còn tồn tại, song về lâu dài thì đây không phải là trụ cột chính trong cơ cấu phát triển của một tờ báo.

Chuyển đổi số sẽ mang lại nguồn thu cho tờ báo trong tương lai. Có thể trước mắt con số đó chưa lớn, nhưng về lâu dài sẽ tăng dần lên. Đây là bài học chúng ta có thể thấy ở những nước phát triển đối với nền báo chí. Những tờ báo in nổi tiếng có tuổi đời lên đến cả trăm năm như The New York Times đã có lúc buộc phải đóng cửa, giải thể và chuyển hướng mạnh sang mảng điện tử. Từ bước đầu rất khó khăn, bây giờ chính những tờ báo ấy đã có nguồn thu và phát triển rất tốt.

Về lâu dài, báo in được dự đoán không còn là trụ cột chính trong cơ cấu phát triển của một tờ báo – Nguồn: Nguyệt Nhi

Về lâu dài, báo in được dự đoán không còn là trụ cột chính trong cơ cấu phát triển của một tờ báo – Nguồn: Nguyệt Nhi

Để phù hợp với xu hướng của thời đại, Báo Người Lao Động đã tăng cường cải tiến lại giao diện trên báo điện tử, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra giọng đọc trên một số bài viết. Bên cạnh đó, Người Lao Động còn tập trung phát triển trên các nền tảng mạng xã hội, tăng tương tác với độc giả.

Báo chí Việt Nam khó có thể học hỏi hoàn toàn từ việc gia tăng nguồn thu từ báo chí nước ngoài, nhưng có thể tham khảo bằng cách tăng cường chuyển đổi số, tạo ra những giá trị và tiện ích trên báo điện tử.

Cụ thể, báo chí có thể phối hợp với các đơn vị đặt hàng thức ăn, trả tiền qua cổng thông tin điện tử. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, đã ứng dụng điều này. Người dân có thể vào trang báo điện tử để trả tiền điện, nước, điện thoại, mua vé số và xem kết quả xổ số, dự báo thời tiết, giá cổ phiếu...

Như vậy, báo điện tử không chỉ là kênh đưa tin mà còn là nơi cung ứng cho người đọc nhiều tiện ích xã hội phổ dụng, tức là làm cho báo điện tử gần hơn với đời sống người dân.

Đồng thời, các báo cũng cần tăng cường thêm những hoạt động xã hội để tăng giá trị thương hiệu của mình. Khi giá trị thương hiệu phát triển, những giá trị hữu hình khác tự nhiên sẽ đến.

Tổ chức hội thảo, tọa đàm, giao lưu trực tuyến… vừa làm phong phú nội dung cho trang báo, vừa có thể gia tăng nguồn thu cho các cơ quan truyền thông. Ảnh: Nguyệt Nhi.

Tổ chức hội thảo, tọa đàm, giao lưu trực tuyến… vừa làm phong phú nội dung cho trang báo, vừa có thể gia tăng nguồn thu cho các cơ quan truyền thông. Ảnh: Nguyệt Nhi.

+ Hiện nay, ngày càng nhiều hội thảo, tọa đàm… được các cơ quan báo chí tổ chức, đưa ra tranh luận các vấn đề sát sao với đời sống, xã hội. Song, theo ông phương thức này còn thể gia tăng nguồn thu cho các tòa soạn?

- Việc tổ chức hội thảo, tọa đàm, giao lưu trực tuyến… cũng có thể mang đến nguồn thu nhất định cho các cơ quan truyền thông.

Những hoạt động này trước hết nhằm phục vụ bạn đọc, góp phần làm cho nội dung của trang báo phong phú hơn. Thông qua đó, còn có thể tăng cường mối quan hệ với các đối tác, đơn vị.

Tuy nhiên, không phải cơ quan báo chí nào tổ chức hội thảo, tọa đàm, giao lưu trực tuyến cũng đều mang lại được nguồn thu.

Vấn đề đặt ra là mỗi tờ báo phải có chiến lược xây dựng thương hiệu của cơ quan và thương hiệu cá nhân, những con người làm nên tờ báo đó. Đây tuy là hai lĩnh vực khác nhau nhưng mang giá trị như nhau, tác động tương hỗ với nhau. Khi một cơ quan truyền thông có thương hiệu thì những cá nhân trong đó cũng sẽ có thương hiệu kèm theo. Ngược lại, trong một cơ quan truyền thông nếu có nhiều cá nhân có giá trị thương hiệu tốt sẽ góp phần nâng cao thương hiệu của cơ quan đó.

+ Theo ông, tại sao câu chuyện thu phí tiền đọc báo điện tử nói thì dễ nhưng làm lại khó, đến nay mới chỉ một số ít tòa soạn Việt Nam thực hiện?

- Các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã có nhiều biện pháp đa dạng nguồn thu, bao gồm cả việc thu tiền đọc báo điện tử với 2 dạng. Một là, độc giả xem thông tin như hàng hóa và phải trả tiền khi đọc nó. Hai là, cho bạn đọc thoải mái nhưng kèm theo hình thức mời gọi, như “xin bạn hãy đóng góp 1 USD (hay 1 bảng Anh) để chúng tôi duy trì việc sản xuất và cung cấp thông tin cho bạn”.

Đó là những gì đã diễn ra ở nước ngoài từ rất lâu, còn tại Việt Nam cũng đã có đơn vị báo chí thử ứng dụng hình thức này nhưng chưa thật sự thành công.

Cần làm rõ một số yếu tố. Thứ nhất, phải có một liên minh nhiều tờ báo lớn phối hợp cùng làm. Thứ hai, phải xác định cách bán thông tin.

Mỗi cá nhân trong hệ thống báo chí cần có quyết tâm cao, cách làm mới, sáng tạo, tìm lối đi riêng - Nguồn: Tiến Đạt

Mỗi cá nhân trong hệ thống báo chí cần có quyết tâm cao, cách làm mới, sáng tạo, tìm lối đi riêng - Nguồn: Tiến Đạt

Ví dụ, dạng thứ nhất sẽ bán dài hạn theo gói 1 quý, 2 quý, 1 năm và cấp cho độc giả tài khoản để đọc những thông tin được cung cấp. Dạng thứ hai, chỉ cho đọc 1/3 những thông tin hấp dẫn, mang tính độc quyền của tờ báo, nếu muốn đọc 2/3 còn lại thì người dùng phải trả tiền với mức giá hợp lý. Dạng thứ ba, bán theo mục tiêu cho từng người có quan tâm riêng đến từng lĩnh vực như: chính sách công, việc làm, bất động sản, chứng khoán…

Đó là bước giúp chuyển đổi từ hình thức đọc báo miễn phí hoàn toàn như hiện nay sang hình thức phải trả tiền. Điều này nói thì dễ nhưng làm không đơn giản.

Theo khảo sát vào năm 2019 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (RISJ) về việc người dùng sẽ ưu tiên chọn đăng ký phương tiện trực tuyến nào, chỉ 12% nói rằng họ sẽ chọn tin tức. Trong khi đó, 28% chọn dịch vụ phát video trực tuyến như Netflix và gần một phần ba (31%) không chọn gì cả.

Cần thay đổi thói quen đã được hình thành lâu nay của độc giả là đọc miễn phí và tìm thấy thông tin dễ dàng qua thiết bị cầm tay. Nhưng đối với kế hoạch này, người đọc phải có thói quen trả tiền và được cung cấp thông tin xứng đáng với số tiền mình bỏ ra.

Một yếu tố quan trọng nữa chính từ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như Hội Nhà báo, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo và đặc biệt là vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc điều phối, hỗ trợ về mặt hạ tầng và chủ trương để các báo có thể kết hợp.

Nếu làm được điều này sẽ giúp giải bài toán về nguồn thu cho các cơ quan truyền thông, đồng thời tạo ra một thị trường thông tin rõ ràng, minh bạch với việc bước đầu hình thành thói quen trả chi phí hợp lý và nhận lại thông tin xứng đáng.

Kỳ Hoa (Thực hiện)

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo