Hội Nhà báo Việt Nam 70 năm: Nhìn lại truyền thống- Bước tới tương lai

Báo chí đang đi con đường Bác Hồ vạch

Thứ hai, 20/04/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Có thể nói từ sau ngày chống Mỹ, cứu nước thành công, thống nhất đất nước cho đến nay, chưa từng có lần nào báo chí, truyền thông lại ra quân rầm rộ, được mọi người cùng quan tâm theo dõi, coi báo chí là nguồn thông tin kịp thời, bổ ích, không thể thiếu đối với bất kỳ ai.

Sự kiện: Bác Hồ

Bài liên quan

“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi” (1)

Năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống con tàu viễn dương đi tìm đường cứu nước. Sau hơn bảy năm bôn qua nhiều châu lục trên các chuyến tàu chở hàng, vừa làm vừa học, làm bất cứ việc gì, học bất cứ lúc nào, cuối năm 1918 Nguyễn Ái Quốc định cư bán hợp pháp tại Pháp mấy năm, khởi đầu sự nghiệp cách mạng. Được sự dắt dẫn của những nhà báo cánh tả Pháp đồng thời cũng là những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Pháp và Tổng Công hội Pháp hồi bấy giờ như Marcel Cachin, Gaston Monmousseau…, chàng trai khởi đầu bằng cách viết những cái tin ngắn năm, bảy dòng, khi viết được bài dài thì học cách rút ngắn bớt cho bài viết súc tích, sâu sắc hơn, dễ đọc hơn.

Vậy là Người lại vừa làm vừa học, làm báo “nghiệp dư”, bởi còn phải gánh thêm nhiều việc khác mới kiếm đủ tiền sinh sống, và học thì lần này có bài bản hơn qua việc đến Thư viện Quốc gia Pháp đọc sách, nghiên cứu đều đặn sau giờ làm việc. Chưa đến một năm sau ngày Người đặt chân lên đất Pháp, báo L’Humanité (Nhân đạo) cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Pháp số ra ngày 2/8/1919 đã đăng bài chuyên luận sắc sảo ký tên Nguyễn Ái Quốc, đầu đề “Vấn đề dân bản xứ”. Rồi chỉ cần hơn hai năm nữa, Nguyễn Ái Quốc công bố một truyện ngắn viết bằng tiếng Pháp nhan đề “Paris” dưới dạng bức thư gửi cô em họ, mô tả cuộc sống những người lao động tại thủ đô Paris hoa lệ (báo L’Humanité đăng hai kỳ liên tiếp, ngày 30 và 31/5/1922). Giáo sư Phạm Huy Thông, người dịch truyện ngắn trên sang tiếng Việt, hào hứng: “Hồ Chí Minh đã viết những truyện ngắn và bút ký bằng tiếng Pháp như một ngòi bút phương Tây sắc sảo, rất điêu luyện, rất Pháp… Người nắm ngôn ngữ Pháp vững vàng, sử dụng ngôn từ Pháp tế nhị. Người thâm nhập lối tư duy Pháp” (báo Nhân Dân ngày 16/5/1976).

Lãnh đạo Hội NBVN tại lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Sơn Hải

Lãnh đạo Hội NBVN tại lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Sơn Hải

Là một người làm báo, từng sống tại những nước phát triển vẫn được coi là  văn minh nhất thế giới hồi bấy giờ như Anh, Pháp, Đức, Mỹ…, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra nguyên lý: “Ta muốn sống thì phải cách mệnh. Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải của một hai người” (Sách “Đường Kách mệnh”, 1925). Thành lập các tổ chức nhân dân, thông qua các đoàn thể ấy vận động, tổ chức phong trào đòi độc lập, tự do là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử cho thấy, sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam không lâu, ngay trong năm 1930 và vài năm tiếp sau đó, đã lần lượt ra đời các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Nông hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… Lập các hội đoàn về văn hóa, báo chí có ý nghĩa cấp bách bởi đó là những phương tiện không thể thiếu, phù hợp với thông lệ quốc tế đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận - những quyền không riêng của báo chí và những người làm báo, mà là quyền dân chủ hàng đầu, không thể thiếu của mọi người dân bất kỳ thuộc tầng lớp, nghề nghiệp, đẳng cấp nào, ở bất cứ quốc gia nào.

Ý nghĩa sâu xa của việc ra đời Hội Nhà báo Việt Nam ngày 21/4/1950 tại chiến khu Việt Bắc, khởi nguồn từ các phong trào và các tổ chức tiền thân của nó, là ở chỗ đó.

Khởi nguồn từ phong trào quần chúng

Trong lịch sử, báo chí cách mạng Việt Nam có nhiều hoạt động đặc biệt, đáng tự hào, không phải bất cứ tổ chức, đoàn thể nào cũng có. Mùa xuân năm 1936, tại Pháp, Mặt trận Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, Đảng Xã hội và phái tả Pháp lên cầm quyền, tạo ít nhiều cơ hội cho cuộc đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh ở nước ta, cho dù ách thực dân vẫn hà khắc và Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải từ vòng bí mật chỉ đạo các phong trào.

Tháng 7 năm 1936, Hội nghị Trung ương Đảng quyết định chuyển sang hoạt động công khai, hợp pháp một số lĩnh vực, đặc biệt cho ra đời nhiều cơ quan báo chí dưới những danh nghĩa khác nhau, do các nhà cách mạng vừa tạm ra khỏi nhà tù như Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn An Ninh, Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Hải Triều, Hải Khách, Nguyễn Thị Lựu, Lâm Mộng Quang, Khuất Duy Tiến… sáng lập, điều hành, và được đông đảo các nhà báo có lòng yêu nước thuộc mọi khuynh hướng thực hiện.

Ngày 27/3/1937, Hội nghị Báo giới Trung Kỳ họp phiên chính thức tại thành phố Huế. Những nhân vật lỗi lạc như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ nhiệm báo Tiếng Dân, chí sĩ Phan Bội Châu đang bị Pháp giam lỏng, không đến dự nhưng đều có thư hoan nghênh. Nhà báo Võ Nguyên Giáp thay mặt báo giới Bắc Kỳ, nhà báo Hà Huy Tập thay mặt báo giới Nam Kỳ cùng về Huế tham dự.

Chưa đầy một tháng sau, ngày 24/4/1937 tại Hà Nội, hai trăm nhà báo thuộc mọi xu hướng mở Đại hội Báo giới Bắc Kỳ. Nhà báo Phan Tư Nghĩa, người đã cùng các nhà báo Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Khuất Duy Tiến xuất bản tờ báo tiếng Pháp Le Travail (Lao động) và tờ Rassemblement (Tập hợp) phát hành ngay sau khi báo Le Travail bị nhà cầm quyền Pháp đóng cửa làm Chủ tọa, nhà báo Tam Lang nổi tiếng với tập phóng sự “Tôi kéo xe” (1932) làm Thư ký.

Hội nghị Báo giới Nam Kỳ, do tình hình Nam Bộ hồi bấy giờ, họp có muộn hơn. Các hội nghị của báo giới nói trên đã góp phần thức tỉnh nhiều nhà báo Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình của báo chí cánh tả Pháp ở Đông Dương và ngay tại Pháp, góp phần giác ngộ nhân dân ta. Lịch sử cho thấy, trong khoảng thời gian ba năm từ 1936 đến 1939, phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh của các nhân dân ta lần lượt rộ lên ở cả ba miền là do sự lãnh đạo của Đảng, trong đó báo chí là đội quân đi đầu.

Đó là niềm tự hào, là truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề cho sự ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam 15 năm sau đó.

Tại xóm Roòng Khoa 70 năm trước

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo xuất sắc, danh nhân văn hóa, người sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam khởi đầu với việc xuất bản báo Thanh niên năm 1925. Người luôn quan tâm đến việc thành lập tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo. Chỉ ít lâu sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong bối cảnh đất nước phải đối mặt vô vàn khó khăn, thế nước nói theo lời người xưa như “ngàn cân treo sợi tóc”, trong khi phải tập trung sức lực, trí tuệ chèo lái con thuyền quốc gia, Bác Hồ vẫn nghĩ đến việc nên sớm thành lập tổ chức của những người làm báo. Bác giao cho nhà báo Xuân Thủy Chủ nhiệm báo Cứu quốc đứng ra tổ chức, điều hành công việc ấy. Cuối năm 1945, tại cuộc họp trù bị, nhà báo Xuân Thủy truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cụ Chủ tịch (Chủ tịch Hồ Chí Minh) rất hoan nghênh việc chúng ta lập Hội. Cụ nói, nhà báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng cầm gươm trên cùng chiến tuyến, cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc. Đũa từng chiếc để rời thì dễ bị bẻ gãy, chụm lại thành bó không sức nào bẻ nổi”.

Phóng viên VTC 14 tác nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai giữa đại dịch Covid - 19. Ảnh: T.L

Phóng viên VTC 14 tác nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai giữa đại dịch Covid - 19. Ảnh: T.L

Do tình hình khó khăn, mãi đến ngày 15/4/1946, Đại hội mới tiến hành tại trụ sở của Hội Hợp thiện Hà Nội đường Henri d’Orléans, nay là phố Phùng Hưng. Đại hội dự kiến mời 200 nhà báo chính thức tham gia, nhưng đến ngày họp nhiều người không có giấy mời cũng đến dự, đông gần bằng số đại biểu chính thức. Phòng họp không có đủ ghế ngồi, nhiều người phải đứng suốt cả buổi. Đại hội bỏ phiếu kín ra Quyết định thành lập “Đoàn Báo chí Việt Nam”. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng bút danh Tiên Đàm, Chủ nhiệm tuần báo Tri Tân được bầu làm Chủ tịch, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng làm Tổng thư ký Đoàn. Nhà thơ Xuân Diệu được bầu thay mặt báo giới tham gia Phái đoàn Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sang thăm Pháp (Hồi ký của nhà báo Nguyễn Đức Thuyết, chủ nhiệm báo Vì nước 1945-1946, đăng trên Tạp chí Người làm báo số 2 năm 1988).

Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Các nhà báo tản về hoạt động tại nhiều vùng trong cả nước. Phải chờ hơn ba năm sau, ngày 21/4/1950, Bác Hồ mới lại chỉ đạo thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Đại hội họp tại Xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Nhà báo Xuân Thủy được bầu làm Hội trưởng, hai Phó Hội trưởng là Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê làm Tổng thư ký.

Từ bấy đến nay qua 70 năm, Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách là tổ chức của những người đi tiên phong trong công tác tư tưởng, những chiến sĩ lấy cây bút và trang giấy làm vũ khí, đấu tranh “phò chính trừ tà” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh), chúng ta đã làm được nhiều việc. Tôi xin dùng lại câu quen thuộc: “Những người làm báo Việt Nam, mà Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức nòng cột, 70 năm qua đã đồng hành cùng dân tộc”. Trong mọi thành tựu của đất nước Việt Nam đều có phần đóng góp khiêm nhường của những người làm báo và tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của nó; trong những mặt hệ thống chính trị nước ta chưa làm được hoặc phạm sai lầm, thiếu sót, đều có phần trách nhiệm của những người làm báo Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.

Tính từ đầu thế kỷ XXI đến nay, bốn nhiệm kỳ gần đây của Hội Nhà báo Việt Nam có nhiều bước tiến vượt bậc, làm được nhiều việc trước đây khó hình dung. Vị thế của báo chí Việt Nam trong nhân dân và trên trường quốc tế ngày càng tỏa sáng. Báo chí ta cũng có những thiếu sót, sai lầm, đặc biệt về mặt suy thoái về đạo đức nghề nghiệp và đạo đức xã hội của một số người. Đó là điều người dân đang quan tâm, chúng ta băn khoăn trăn trở, đòi hỏi mọi người trên dưới đồng lòng, quyết tâm khắc phục.

Giải pháp cơ bản là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó tiếp tục đổi mới, đổi mới toàn diện, đổi mới thường xuyên, bởi đổi mới là một quá trình dài lâu, đổi mới không có điểm dừng.

“Chống dịch như chống giặc”

Đại dịch Covid-19 buộc nhiều cơ quan báo chí và cấp ủy Hội Nhà báo Việt Nam cũng như không ít người phải hủy bỏ kế hoạch nhân Ngày kỷ niệm 21/4/2020 về xóm Roòng Khoa, nay đã được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia, viếng nơi Hội Nhà báo ra đời, bày tỏ lòng tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối. Thay vào đó, đông đảo các nhà báo trong cả nước hăng hái xông lên tuyến đầu “chống dịch như chống giặc”, cùng đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên, các lực lượng công an, quân đội, biên phòng, giao thông vận tải, công thương nghiệp…, các cấp ủy Đảng và chính quyền từ Trung ương đến tận làng bản, tổ dân phố, chung tay hợp sức ngăn cản đại dịch lây lan ra cộng đồng, theo sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiều nhà khoa học danh tiếng ở phương Tây và báo chí nhiều nước bày tỏ lòng khâm phục trước ý chí trên dưới một lòng và thành công bước đầu chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, cho dù tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp khó lường. Trong số những cơ quan báo chí ngợi ca thành công và giới thiệu kinh nghiệm chống đại dịch của Việt Nam có những tờ báo hàng đầu thế giới như The New York Times của Mỹ, Deutsche Welle của Đức, L’Obs của Pháp (tức Le Nouvel L’Observateur, mà nhà sáng lập, cây đại thụ Jean Daniel, vừa ra đi tháng trước ở tuổi 100)…, chưa nói các loại hình truyền thông khác, kể cả các mạng xã hôi đứng đắn. Có thể nói từ sau ngày chống Mỹ, cứu nước thành công, thống nhất đất nước cho đến nay, chưa từng có lần nào báo chí, truyền thông lại ra quân rầm rộ, được mọi người cùng quan tâm theo dõi, coi báo chí là nguồn thông tin kịp thời, bổ ích, không thể thiếu đối với bất kỳ ai. Đó là niềm tự hào của những người làm báo và là một minh chứng báo chí ta đang đi đúng con đường Bác Hồ đã chỉ nhân Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam 70 năm về trước: “Nhà báo cũng là chiến sĩ, báo chí cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc”.

Nhà báo Phan Quang -

Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

(1): Thơ Chế Lan Viên 

Tin khác

Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

(CLO) Tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”, chương trình là dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2.

Công tác hội
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

(CLO) Được biết đến không chỉ là một vị tướng lừng danh có sức ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Việt Nam và thế giới thời hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo xuất sắc với ngòi bút chiến đấu mạnh mẽ.

Công tác hội
Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

(CLO) Chiều 25/4, Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) đã làm việc với Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại nhằm nhìn nhận, đánh giá công tác Hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Công tác hội
Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội
Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội